TRANG CHỦ | Thứ 7, ngày 28/12/2024 |
|
|||||||||||||||
|
- Một trường hợp khác là bệnh nhân T.T.T, ngụ tại quận 5, TPHCM cũng mắc cảm sốt và đến khám tại một bệnh viện cũng thuộc địa bàn quận 5. Sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị cảm sốt, bác sĩ đã kê đơn thuốc có Anacin. Ngay khi uống liều đầu tiên, bệnh nhân đã thấy những cơn đau dạ dày rất khó chịu. Tuy nhiên, bà T. nghĩ do phản ứng phụ của thuốc gây ra vì một số trường hợp thuốc có thể gây đau dạ dày. Tuy nhiên, sau đó một tuần, khi không chịu nổi những cơn đau dạ dày, bệnh nhân đã đi siêu âm và được chẩn đoán là dạ dày bị viêm loét nhẹ do uống thuốc sai chỉ định, nếu vẫn tiếp tục sử dụng thuốc, có nguy cơ gây thủng dạ dày. Khi bà T. cầm toa thuốc đến bác sĩ hôm trước đã kê đơn để khiếu nại thì được biết ông đã kê thuốc Anacin-3 (một loại biệt dược của Paracetamol) nhưng số 3 nhìn không thấy rõ nên bệnh nhân đã mua thuốc Anacin (một loại biệt dược của Aspirin); Không những tại Việt Nam, trên thế giới, trong một nghiên cứu trên 1.800 toa thuốc, các nhà nghiên cứu phát hiện một số sai sót như thông tin không đầy đủ (6%), chỉ dẫn không đầy đủ (1%), chỉ dẫn sai hay liều lượng thuốc sai (3%) và lượng thuốc phân phối không rõ ràng (3%). Trong một nghiên cứu qui mô khác trên 37.821 toa thuốc do các bác sĩ gia đình ra toa, các nhà nghiên cứu Anh phát hiện tỉ lệ sai sót trong toa thuốc lên đến con số 7,5%. Một số toa thuốc viết tay của bác sĩ không thể nào đọc được! Nhiều khi sai sót chẳng đưa đến hậu quả lớn, nhưng có nhiều trường hợp sai sót dẫn đến tử vong. Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ ước tính rằng hàng năm ở Mỹ có khoảng 98.000 bệnh nhân chết vì những nhầm lẫn y khoa. Ở Việt Nam chúng ta chưa có nghiên cứu về hệ quả của những sai sót chuyên môn trong ngành y tế, nhưng chắc chắn vấn đề này tồn tại và không nhỏ; Một số các toa thuốc ghi không đầy đủ về hàm lựợng (số viên, số mg, gam, ngày, giờ uống đúng, uống với nước hay thức ăn, sữa, …) hậm chí cũng “quên” dặn những phản ứng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc. Điểm qua các thông tin trên một toa thuốc mẫu bên dưới, chúng ta mới thấy hết ý nghĩa và tầm quan trọng của một toa thuốc như thế nào.
Thực tế nhiều thầy thuốc đã sử dụng toa thuốc cũ như một quán tính cứ cho đi cho lại khi bệnh nhân đến tái khám hay phàn nàn là chưa khỏi bệnh hoặc giảm không đáng kể. Tại sao chúng ta không khám lại, kiểm tra để tìm nguyên nhân khác có thể dẫn đến triệu chứng đến mà trên bệnh nhân vẫn đang tồn tại triệu chứng; mặc dù, trên thực tiễn lâm sàng có một số bệnh có thể đáp ứng chậm, nhưng đối với các bệnh đã được y văn tổng kết và kinh nghiệm từ các chuyên gia thì chúng ta cũng nên tham khảo. Trên lâm sàng tại một số phòng mạch tư nhân như tại thành phố Hồ Chí Minh đã gặp trường hợp nhiều bệnh nhân “được” bác sĩ cho dùng paracetamol 500mg liên tục trong thời gian dài 1 năm dài mà không cần khám kiểm tra lại cho bênh nhân đó để tìm nguyên nhân, đến khi chụp CT scan đốt sống cổ mới biết bị thoái hóa và chèn thần kinh, phẩu thuật khỏi bệnh; hoặc trường hợp một bệnh nhân tại Đà Nẵng bị ngứa, đi xét nghiệm duy chỉ có kết quá huyết thanh chẩn đoán dương tính với một loại ký sinh trùng, được chỉ định dùng Albendazole 400mg và kháng histamin (Loratidine10mg), cứ sau mỗi tháng đi tái khám thì vẫn còn “dương tính” trong 4 tháng liên tiếp, bệnh nhân thì sợ, bác sĩ thì trấn an cứ thế liên tục 4 đợt với các thuốc Albendazole (trên 100 viên) và Loratidine (trên 80 viên), vẫn không khỏi dương tính mà về mặt thực tế lâm sàng và điều trị thì kết quả này không thể chuyển đổi ngày một ngày hai mà thường chuyển đổi huyết thanh từ (+) sang (-), trở về bình thường sau 4 - 6 tháng kể từ khi điều trị,…Hoặc đáng quan tâm hơn là trường hợp một bác sĩ khi khám bất kỳ một bệnh nhân nào là nữ (hoặc phụ nữ), tuổi trên 45, bất luận cuối cùng bị mắc bệnh gì, khi được bác sĩ kê toa đều kèm theo thuốc Livial (một loại thuốc nội tiết) bảo rằng để khắc phục tình trạng rối loạn tiền mãn kinh, thế nhưng chúng ta phải biết rằng có nhiều phụ nữ mãn kinh rất sớm và ngược lại không ít phụ nữ mãn kinh khá muộn, thậm chí sau 56 tuổi; có phụ nữ triệu chứng mãn kinh qua đi êm dịu, có phụ nữ bị hội chứng mãn kinh đến rất mệt; việc kê đơn có Livial một cách đại trà như thế liệu có an toàn không? Chắc sẽ không tránh khỏi một số tác dụng phụ trên đối tượng phụ nữ như thế (xuất huyết bất thường, nhức đầu, hoa mắt). Vậy mục đích ra toa như thế để làm gì, điều này xin dành cho bạn đọc! Giá như chúng ta thăm khám cẩn trọng, “suy nghĩ” và “nhìn lại” sau mỗi lần khám, tái khám, chỉ định đúng thuốc cho từng trường hợp bệnh nhân, đồng thời đưa ra lời giải thích mang tính khoa học sẽ có thể thuyết phục và giải quyết được rất nhiều vấn đề, đặc biệt tiết kiệm chi phí đi lại và không ảnh hưởng tâm lý bệnh nhân. Đã là thuốc, thuốc nào đi nữa dù là paracetamol, albendazole, loratidine, livial,…cũng là con dao 2 lưỡi cả. Nếu ta sử dụng đúng nó sẽ là đặc hiệu và ngược lại thì hậu quả không phải là vô hiệu mà đôi khi còn trả giá rất đắt. Tình trạng kê toa cùng một loại thuốc cùng một bệnh trên nhiều bệnh nhân khác nhau cũng không phải hiếm: nhiều đơn thuốc giống nhau hoàn toàn khi gặp phải 1 bệnh đó. Nếu cùng một bệnh, nhưng cơ địa và bệnh nền sẵn có của các bệnh nhân khác nhau (tim mạch, gan, thận, huyết áp, bướu giáp, ung thư) thì dùng các loại thuốc giống nhau có hiệu quả và hợp lý không? Kê đơn thuốc theo tên gốc chưa hẳn tránh được tiêu cực ! Bác sĩ kê tên gốc; nhưng nhà thuốc mới là người quyết định bán cho bệnh nhân loại thuốc nào và nhiều khả năng là họ sẽ bán những biệt dược đem lại lợi nhuận cao nhất. Quy định kê đơn theo tên gốc giúp hạn chế việc bác sĩ chỉ định biệt dược đắt tiền (có thể thu chênh lệch hoa hồng) không cần thiết cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nó có thể làm phát sinh một dạng tiêu cực khác-các hãng dược chia hoa hồng cho nhà thuốc để ưu tiên bán thuốc của họ. Hiện nay, hầu như chưa có biện pháp khả thi nào để bịt lỗ hổng này. Việc kê đơn theo tên gốc cũng gặp nhiều khó khăn do bác sĩ kê đơn nhiều khi chưa nắm được tên gốc của thuốc (!), chỉ “biết” tên biệt dược. Người bán thuốc thường là dược tá, thiếu kiến thức về tên gốc và tên biệt dược, vì tên gốc được ghi bằng chữ nhỏ phía trên vỏ hộp. Sau thời gian nhiều năm, triển khai Quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn vẫn chưa được thực hiện thực sự nghiêm chỉnh, tại các cơ sở khám chữa bệnh vẫn phổ biến tình trạng kê đơn viết tắt, viết không đúng tên thuốc, liều dùng cho trẻ em chưa phù hợp. Thuốc bảo hiểm y tế do bị khống chế kinh phí nên liều được kê đôi khi không đủ cho 1 đợt điều trị. Nhiều hiệu tân dược vẫn bán tự do những thuốc phải kê đơn; nhiều bác sĩ vẫn bán cho bệnh nhân những viên thuốc bị bóc trần, không nhãn hoặc thậm chí nhiều loại thuốc không nhãn mác bỏ trong gói thuốc uống chia theo ngày hoặc các thuốc tán nhỏ lại,…; không ít bác sĩ kê đơn khó đọc, thậm chí không đọc được, viết tắt không đúng quy định, không ghi số ngày dùng đối với thuốc hướng tâm thần, quên ký tên, ghi 2-3 thuốc cùng loại trong một đơn,... Sẽ nguy hiểm vì các chữ viết tắt và kê đơn thuốc theo trí nhớ Việc viết tắt quá nhiều và thường xuyên trong các toa thuốc khiến nhiều bệnh nhân khi mang toa thuốc đi mua thuốc tại các quầy thuốc rất khó khăn lắm người dược sĩ bán thuốc mới “dịch” đươc toa thuốc, đôi lúc “dịch” sai rồi bán thuốc khác là có thể dẫn đến tai hại nghiêm trọng, thậm chí chết người. Hoặc đã có nhiều trường hợp phòng mạch tư nhân, các bác sĩ cố tình viết “quá tắt” để chỉ có quầy thuốc của phòng mạch đó mới “hiểu” và bán đúng thuốc được - nếu bệnh nhânsợ nhà thuốc phòng mạch bán đắt dù có đi các quầy thuốc nào cũng đành chịu; lối viết tắt đôi khi làm thiệt hại bệnh nhân đi lại để hỏi về cách uống vì khi bác sĩ kê toa thì chỉ việc kê toa, còn dược sĩ chỉ việc bán thuốc mà không có lời dặn nào, trong khi bệnh nhân không đủ diễn ra toa thuốc, nguy hiểm nhất là thuốc cùng một tên nhưng hàm lượng khác nhau, nếu viết “láu” e rằng rất dễ mua thuốc hàm lượng cao thay vì thấp,…hoặc hiểu sai tên thuốc. Phần đông bác sĩ vẫn viết tay với những tên thuốc thuộc lòng. Thói quen này có khả năng sai sót rất cao. Rất nhiều nghiên cứu đã đi đến một kết luận như thế. Điều này có thể hiểu được bởi vì có mặt trên thị trường thuốc Tây ngày nay là 13.000 loại thuốc và dược phẩm, kể cả các thuốc “nhái”. Có nhiều thuốc có tên giông giống nhau nhưng mục tiêu dùng lại rất khác nhau và chỉ một sai sót đánh vần cũng có thể gây nên những tai hại nghiêm trọng cho bệnh nhân. Chẳng hạn như thuốc Norvasc (amiodipine besylate) dùng điều trị cao huyết áp, có tên từa tựa với thuốc Navane (thiothixene) dùng điều trị chứng rối loạn tâm thần. Levoxine (levothyroxine) dùng cho rối loạn tuyến giáp và Lanoxin (digoxin) dùng cho chứng suy tim; hay Prilosec (omeprazole) dùng cho chứng loét tá tràng và Prozac (fluoxetine) dùng cho chứng trầm cảm, cũng là những tên thuốc hay dễ nhầm lẫn. Mỗi loại thuốc có thể có hàng chục tác động phụ và hàng chục liều lượng khác nhau. Tất cả các thông tin này thay đổi liên tục theo thời gian. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (Food and Drug Administration hay FDA) hàng tháng ra thông báo về thay đổi liều lượng và thông tin an toàn của trên 20 loại thuốc. Thành ra, khi bác sĩ dựa vào trí nhớ để ra toa thuốc, những thay đổi này và những nguy cơ đi theo có thể bị ... quên. Thế nhưng thực tế cho thấy sai sót xảy ra hàng ngày. Một loại thuốc gây mê được ra toa với liều lượng 0,5 mg thay vì 5 mg. Thuốc Viagra được viết 10 mg thay vì 100mg. Thử tưởng tượng nếu bệnh nhân là trẻ em, một liều lượng có khả năng gây tử vong chỉ bằng phân nửa liều lượng tối đa dành cho bệnh nhân lớn tuổi, và một sai lầm nhỏ có thể dẫn đến hậu quả kinh khủng. Trong thực tế, đã có rất nhiều bệnh nhân chết vì nhận thuốc với liều lượng cao gấp 10 lần cho phép chỉ vì viết toa sai con số thập phân!
Ngoài những sai sót về liều lượng thuốc, những mối tương tác giữa các loại thuốc còn là một vấn đề lớn khác. Ấy thế mà có nhiều bác sĩ không hay ít khi nào xem xét đến những mối tương tác này khi ra toa. Đó cũng là một sai sót nghiêm trọng. Chẳng hạn như thuốc Coumadin, một loại thuốc giúp chống lại chứng đông máu, là một trong những thuốc rất thông dụng ở người lớn tuổi. Nhưng thuốc này có thể tương tác với hơn 60 loại thuốc khác và bất cứ một tương tác nào cũng có thể gây ra một hậu quả nghiêm trọng. Thành ra, không ai ngạc nhiên khi biết được hàng năm có khoảng 3% bệnh nhân dùng Coumadin phải nhập viện chỉ vì chứng chảy máu! Tương tự, thuốc Lanoxin hay digoxin (dùng để điều trị bệnh tim), cũng có thể tương tác với hàng tá loại thuốc khác, và một liều lượng độc hại có thể không khác mấy với liều lượng điều trị. Một nghiên cứu của FDA phát hiện rằng hàng năm có khoảng 200.000 người phải nhập viện vì tác động của thuốc digoxin. Các quy trình để tiến tới có một đơn thuốc chuẩn quyThăm khám, hỏi tiền sử bệnh sử, định hướng chẩn đoán rồi chẩn đoán xác định. Ðây chính là điều rất quan trọng có ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Bệnh không thể điều trị khỏi nếu dùng không đúng thuốc. Ðôi khi có những trường hợp nào đó bệnh có thể giảm nhưng đây là quá trình tự khỏi của bệnh nhân thông qua hệ miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể. Muốn chẩn đoán bệnh chính xác, người thầy thuốc “thành tâm” phải mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu các thông tin về triệu chứng bệnh, các dấu hiệu chẩn đoán hình ảnh và kết quả từ những xét nghiệm khác, biết tổng hợp và phân tích cũng như loại trừ bệnh nhanh chóng. Từ đó, đề ra được một phác đồ điều trị cụ thể cho từng bệnh riêng biệt vì cùng một bệnh song giai đoạn và thể bệnh cũng cần các phác đồ điều trị khác. Tiếp theo phải có những thông tin về sự tiến triển của bệnh để đánh giá lại chẩn đoán và điều trị của mình vì có một số bệnh cần thiết phải điều trị thử. Rất tiếc công việc ấy, quy trình ấy, con người cần mẩn, thận trọng ấy có các tố chất như trên rất ít nơi, ít người làm được, nhất là ở khu vực y tế ngoài công lập.
Khi kê đơn nên dùng tên gốc kèm theo tên biệt dược đặt trong dấu ngoặc. Chẳng hạn như kê tên gốc Paracetamol rồi mở ngoặc các biệt dược (Panadol, Decolgen, Efferalgan). Ðiều này giúp thầy thuốc tránh ghi trong đơn 2 loại thuốc cùng chứa một loại dược chất có thể dẫn đến hậu quả quá liều cho bệnh nhân. Tuy quy định như vậy nhưng trong thực tế, rất ít đơn thuốc tuân thủ việc ghi tên gốc, mà các thầy thuốc thường "phóng bút" kê một loạt các tên biệt dược khác nhau. Còn tên các thuốc kê trong đơn thì bệnh nhân khó mà đọc nổi, may ra chỉ có dược sĩ trong chính phòng mạch đó hoặc ở các nhà thuốc "quen bán" các thuốc này mới có thể "dịch" được. Trong một đơn thuốc có quá nhiều loại thuốc khi dùng đồng thời với nhau sẽ có nguy cơ tương tác hoặc tương kỵ thuốc mà nhiều khi các thầy thuốc không lường trước được. Ðây chính là nguyên nhân đã gây ra nhiều tai biến đáng tiếc cho bệnh nhân. Sau khi kê đơn thuốc hoặc bán thuốc nên hướng dẫn bệnh nhân tường tận cách dùng thuốc, đặc biệt là đối với người cao tuổi, bệnh nhân khiếm thính, khiếm thị, v.v... Ðối với những phụ nữ mang thai, đang cho con bú hay có suy gan, suy thận thì thầy thuốc phải rất thận trọng khi đặt bút kê đơn. Ðể có thể đánh giá hiệu quả điều trị cũng như phát hiện các tác dụng không mong muốn hay tai biến thuốc xảy ra, nên căn dặn bệnh nhân nếu thấy có phản ứng bất thường thì nên báo ngay cho thầy thuốc trực tiếp điều trị cho mình để có biện pháp xử trí hoặc kiểm tra lại. Bản thân thầy thuốc nên ghi chép lại về những tác dụng phụ này để cảnh giác và rút kinh nghiệm khi kê đơn cho những bệnh nhân khác. Trường hợp bệnh nhân quay lại gặp thầy thuốc khi điều trị không hiệu quả, lúc này thầy thuốc cần xem xét lại chẩn đoán của mình đã đúng chưa và nhiều khi phải thực hiện quy trình lại từ đầu.
Vấn đề thực hiện Quy chế trong kê đơn thuốc ngoại trúBộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai “Quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngọai trú”, trong đó có nhiều thay đổi, bổ sung thêm nhằm đảm bảo sự an toàn và quyền lợi người bệnh. Theo quy chế mới, trước mắt các bác sĩ phải kê đơn và bán thuốc theo danh mục. Đối với nhóm thuốc có tính chất gây nghiện, người kê đơn còn phải theo đúng các quy định sau: đầu tên thuốc phải viết hoa, thêm số 0 ở trước số lượng thuốc. Riêng các loại thực phẩm chức năng vì không được coi là thuốc do đó sẽ không được ghi các sản phẩm này trong toa thuốc. Nhằm loại bỏ những đơn thuốc viết cẩu thả, quy định mới yêu cầu người kê đơn thuốc phải viết tên thuốc rõ ràng, sao cho người bệnh cũng như người bán đều đọc được. Tên thuốc phải ghi theo đúng tên chung của quốc tế, với hàm lượng, liều lượng, số lượng chính xác, kể cả địa chỉ của người bệnh cũng phải rõ ràng.Đặc biệt, với những đơn thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi hay dưới 72 tháng tuổi, phải có ghi và ghi rõ số tháng tuổi của trẻ và phải ghi cả tên của người mẹ hay người cha đi cùng. Khoa dược tại hầu hết các bệnh viện trong cả nước hiện đều thiếu nhân lực, còn đối với dược sĩ lâm sàng thì mỗi bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy,... cũng chỉ có vài người. Họ đều làm nhiệm vụ của dược sĩ lâm sàng đa khoa, không đủ điều kiện để nghiên cứu tác dụng của các thuốc chuyên khoa sâu, biệt dược... nên không thể đánh giá và tư vấn về tác dụng của thuốc cho bệnh viện. Bổ sung dược sĩ lâm sàng nhằm tăng cường năng lực kiểm soát cung ứng thuốc cho bệnh viện và giám sát việc kê đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, Việt Nam sẽ phải mất một thời gian dài để đào tạo đội ngũ dược sĩ này. Trách nhiệm của khoa dược bệnh viện là phải thẩm định được chất lượng các loại thuốc, thường xuyên cung cấp thông tin cho bác sĩ về tác dụng của từng dược phẩm cả mới và cũ, đồng thời theo dõi lâm sàng và giám sát việc kê đơn của bác sĩ. Để đào tạo được đội ngũ lâm sàng chuyên khoa sâu, đủ khả năng để nghiên cứu tác dụng của thuốc, hướng dẫn bác sĩ kê đơn thuốc hợp lý, giám sát việc kê đơn trong bệnh viện... không phải dễ. Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, có lẽ, có thể còn nhiều vấn đề phải bàn về đơn thuốc và kê đơn thuốc trong bối cảnh kinh tế thị trường, song để kết thúc chúng tôi nghĩ rằng chữa bệnh cứu người, phàm đã là y thuật mang tính nhân đạo, sẽ không tránh khỏi những sai lầm nhưng điều cần nhất ở người thầy thuốc là dù thời nào, trong hoàn cảnh nào và bất cứ nơi đâu chăng nữa cũng phải hội đủ cái “tâm” và cái “tầm” thì việc cứu chữa bệnh sẽ thấu đáo hơn, danh từ “bệnh viện” trở về với “nhà thương” đúng nghĩa hơn. Tài liệu tham khảo chính 1. http://www.ykhoanet.vn/ Những sai sót nguy hiểm trong toa thuốc 3. Shah SN, et al (2001). A survey of prescription errors in general practice. Pharmaceutical Journal; 267: 860-2. 4. Bizovi KE, Beckley BE et al (2002).The effect of computer-assisted prescription writing on emergency department prescription errors. Acad Emerg Med; 9(11):1168-75.
|
|
Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464 Email: impequynhon.org.vn@gmail.com Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng |
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích |