|
Diễn tập sơ cấp cứu và vận chuyển nạn nhân tại Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ - PCCN ở Việt Trì - Phú Thọ. |
Công đoàn Y tế Việt Nam với công tác an toàn vệ sinh lao động
Tại Hội thảo về tăng cường chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế tổ chức tại thành phố Đà Lạt ngày 14/3/2009, Công đoàn Y tế Việt Nam đã có báo cáo với chủ đề Công đoàn Y tế Việt Nam với công tác an toàn-vệ sinh lao động. Báo cáo nhấn mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp và chăm lo sức khỏe cho người lao động trong ngành y tế là việc làm thường xuyên và là trách nhiệm của Lãnh đạo và tổ chức Công đoàn các cấp. Công tác tuyên truyền giáo dục, vận động để người lao động trong ngành nâng cao nhận thức hiểu rõ những văn bản pháp luật liên quan và xác định được quyền, nghĩa vụ của mình để tự tham gia vào các hoạt động an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp cũng như chăm lo sức khỏe cho người lao động tại cơ sở. Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về “Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” đã xác định nghề y tế là nghề đặc biệt, lao động của ngành y tế là loại hình lao động đặc biệt vì đối tượng tác động là con người, thực hành công việc mang tính khẩn trương liên tục (24/24) và diễn ra trên khắp mọi miền đất nước. Không những vậy lao động trong ngành y tế còn mang tính đa dạng trên các lĩnh vực hoạt động khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực về y dược, nghiên cứu, y tế dự phòng, sản xuất thuốc, vắc xin sinh phẩm, dụng cụ thiết bị y tế…; tại các đơn vị này các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh lao động và tác hại đến sức khỏe người lao động còn tùy thuộc vào vị trí, lĩnh vực hoạt động nhưng đại đa số nhân viên y tế đều phải thường xuyên tiếp xúc với người bệnh, ổ dịch bệnh, các yếu tố lý hóa độc hại, các máy móc thiết bị có nguy cơ gây ra tai nạn lao động. Trong khi thực thi nhiệm vụ do tính khẩn trương, căng thẳng, ý thức trách nhiệm cao trước người bệnh, cộng đồng, trước dư luận xã hội và lo lắng gánh nặng cuộc sống gia đình đã tạo nên những căng thẳng gây stress tâm lý ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người lao động trong ngành. Trong 25 danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại Việt Nam thì ngành y tế cũng có một số bệnh được xác định là bệnh nghề nghiệp nhưng chừng đó chưa đủ để phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong lĩnh vực y tế. Do khả năng tiếp nhận và đáp ứng sự tác động của mỗi bệnh khác nhau, đòi hỏi người cán bộ y tế phải nhận biết phân tích được những sự khác nhau đó ở từng người bệnh để có được chẩn bệnh đúng, dự báo được diễn biến của bệnh, quyết định phương pháp chữa bệnh phù hợp; để đạt được yêu cầu như vậy đòi hỏi trình độ chuyên môn của người cán bộ y tế phải giỏi, tư duy phải nhanh nhậy, linh hoạt và sáng tạo trong lao động, đồng thời phải sử dụng thành thạo các trang thiết bị tinh vi hiện đại; vì vậy lao động y tế còn là lao động có hàm lượng trí tuệ, khoa học kỹ thuật cao, cần thời gian đào tạo nhiều năm (6 năm với bác sĩ). Với những đặc thù nghề nghiệp như vậy nên điều kiện lao động y tế cần được đánh giá và quan tâm đúng mức, nhất là vấn đề an toàn lao động và vệ sinh lao động; toàn ngành trong nhiều năm chưa có một cuộc điều tra đánh giá về tình trạng sức khỏe, tâm sinh lý, tình hình tai nạn lao động, mức độ ô nhiễm và điều kiện lao động… Mặc dù đã có nhiều điều khoản của Bộ Luật Lao động quy định về an toàn vệ sinh lao động và chế độ với người lao động nhưng thực tế các máy móc thiết bị dễ cháy nổ và liên quan đến phóng xạ (nồi hấp, máy X quang) ít được cấp phép, đăng kiểm hoặc quy trình thực hiện chưa nghiêm túc; điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, cơ sở hạ tầng cũ kỹ, nguồn ngân sách hạn hẹp nên môi trường làm việc của người lao động còn khó khăn, thậm chí phải làm việc trong những điều kiện chưa thực sự an toàn; hiện tượng người lao động không được khám quản lý sức khỏe, bệnh nghề nghiệp đang là vấn đề đáng báo động. | Nhân viên ngành y tế thường phải chịu những rủi ro cao trong nghề nghiệp. | Trước thực trạng nêu trên, quan điểm chỉ đạo của Công đoàn Y tế Việt Nam là công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp và chăm lo sức khỏe cho người lao động trong ngành y tế là việc làm thường xuyên và là trách nhiệm của Lãnh đạo, tổ chức Công đoàn các cấp và sự tham gia tích cực của người lao động; làm tốt công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp là góp phần giảm thiểu những tổn thất về sinh mạng, sức khỏe người lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tác hại nghề nghiệp gây ra; hạn chế những nỗi đau thương mất mát cho người lao dộng và giảm những tổn thất không đáng có về tiền của, tài sản góp phần vao sự phát triển kinh tế đất nước; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp, có động viên khen thưởng cho những đơn vị làm tốt và phê phán những đơn vị có vi phạm. Công đoàn Y tế Việt Nam đã tham gia với Bộ Y tế xây dựng và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của hệ thống làm công tác bảo hộ lao động trong các cơ sở y tế; tăng cường công tác vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp trong ngành y tế. Ban thường vụ Công đoàn Y tế Việt Nam đã kịp thời hướng dẫn các văn bản về công tác bảo hộ lao động trong ngành; tổ chức tập huấn cho cán bộ Công đoàn cơ sở cập nhật về các chế độ chính sách của Nhà nước mới ban hành, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở tổ chức tập huấn về công tác bảo hộ lao động và phòng chống cháy nỗ tại các đơn vị; chỉ đạo tuyên truyền công tác bảo hộ lao động, duy trì phong trào “xanh-sạch-đẹp” nhân Tuàn lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động & phòng chống cháy nổ. Phối hợp với Liên đoàn Lao động các tỉnh/thành phố, Công đoàn ngành y tế địa phương tổ chức kiểm tra công tác bảo hộ lao động các đơn vị y tế trên địa bàn.
Với chức năng là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong ngành y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ/ngành liên quan sớm xây dựng và ban hành luật bảo vệ cán bộ y tế và các chế tài xử phạt đối với những hành vi xâm phạm gây tổn hại đến nhân phẩm cán bộ y tế khi đang thực thi nhiệm vụ; tăng cường đầu tư ngân sách đảm bảo điều kiện cho y tế hoạt động, quy định cụ thể mục chi ngân sách cho công tác bảo hộ lao động và đầu tư xử lý chất thải y tế; tăng cường công tác thanh tra, có chế tài thưởng, phạt nghiêm về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp để người lao động được thực sự làm việc trong một môi trường an toàn. Kiến nghị Bộ Y tế xây dựng định biên và cơ cấu chất lượng đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc, nghiên cứu mô hình làm việc theo ca hạn chế người lao động phải làm việc liên tục 24/24 giờ giải quyết hiện tượng vượt giờ trong năm quá lớn như hiện nay, có quy định cụ thệ về cán bộ chuyên trách công tác bảo hộ lao động tại các đơn vị y tế; nghiên cứu đánh giá môi trường lao động trong ngành y tế để đề xuất các chế độ chính sách cho cán bộ viên chức lao động trong ngành; tăng cường kiểm tra, giám sát về vệ sinh an toàn lao động trong ngành nhất là đối với khu vực y tế tư nhân có chế tài xử phạt nghiêm. Việc chăm lo sức khỏe và xây dựng đội ngũ cán bộ y tế cần được coi là một trong những mục tiêu của chiến lược phát triển ngành y tế chứ đừng nên coi đội ngũ cán bộ y tế chỉ là phương tiện để thực hiện mục tiêu chiến lược y tế.
|