|
Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Lê |
Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Thị Lê-Nhà ký sinh trùng học nổi tiếng Đông Nam Á
Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Lê sinh ngày 28-12-1939 tại xã Tam Nghĩa, huyện Tam Kỳ (nay thuộc huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam trong một gia đình cách mạng là Nhà Ký sinh trùng học nổi tiếng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Năm lên ba, cô bé Lê khóc thét lên khi thấy cảnh binh lính Pháp còng tay cha mình giải khỏi nhà, đưa ra giam tại nhà tù Lao Bảo ở vùng "rừng thiêng nước độc" Quảng Trị. Ít lâu sau, nghe tin ông vượt ngục, bí mật quay về Quảng Nam, tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Thăng Bình vào tháng 8.1945. Thời chống Pháp, cha chị Lê là tỉnh uỷ viên Quảng Nam phụ trách nông hội, mẹ làm công tác phụ vận. Năm 1954, sau Hiệp nghị Genève, mới 15 tuổi, Nguyễn Thị Lê từ biệt cha mẹ, lên tàu thuỷ tập kết ra Bắc. Chị theo học tại Trường học sinh miền Nam, Trường bổ túc công - nông, rồi thi đỗ vào Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cha mẹ chị ở lại trong Nam, nằm bờ nằm bụi, cố giữ vững phong trào. Năm 1960, cha con mới gặp lại nhau tại Hà Nội. Cha chị tham gia Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, bí mật ra thủ đô, dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Lúc bấy giờ chị Lê 21 tuổi, vừa tốt nghiệp cử nhân, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thấy con gái mình bước đầu thành đạt, cha chị mừng lắm. Nhưng rồi ông lặng lẽ quay về đất Quảng, ngủ hang ngủ hốc, quyết vực dậy phong trào trong máu lửa đấu tranh... Theo lời dặn của cha, chị Lê cố hết sức phấn đấu, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, rồi luận án tiến sĩ khoa học sinh học tại Liên Xô (cũ). Chị là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được nhận học vị tiến sĩ khoa học. Trở về nước, làm việc tại Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, chị được công nhận chức danh phó giáo sư, rồi giáo sư, được bầu làm chủ tịch Hội Ký sinh trùng học Việt Nam, và được tặng giải thưởng Kovalevskaya về khoa học và kỹ thuật. GS.TS Nguyễn Thị Lê là nhà khoa học nữ VN đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Liên Xô vào năm 1980, sau đó được tặng Giải thưởng Kovalevskaya ở Việt Nam. Chị cũng là người đầu tiên trên thế giới tìm thấy loài thứ ba của giống ký sinh trên chuột cống và chị đặt cho nó cái tên Latin: Dictyonograptus vietnamensis Nguyen, 1978: Rattus rattus. Chữ vietnamensis chính là biến thể của Việt Nam. Chứng bệnh bí hiểm của chú bé vùng cao Cách đây không lâu, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (Bộ Y tế), nơi đã chữa khỏi bệnh SARS, nhận được một bệnh nhi từ huyện vùng cao Sìn Hồ, Lai Châu chuyển về. Triệu chứng y như bệnh lao phổi: tức ngực, khó thở, sốt cao, sụt cân nhanh... Chú bé được nghỉ ngơi, bổ dưỡng và dùng các thứ thuốc đặc hiệu chống lao như Streptomicin, Rimifon... Nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Thử đờm, không thấy trực khuẩn Koch. Qua kính hiển vi, chỉ thấy trong đờm có những hạt trắng nhỏ li ti như hạt cát - trứng sán lá. Viện bèn cử một nhóm bác sĩ, đồng thời mời giáo sư Nguyễn Thị Lê, chủ tịch Hội Ký sinh trùng học Việt Nam và vài ba cán bộ Phòng Ký sinh trùng học (thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) cùng đi lên các tỉnh miền núi Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hoà Bình... để làm rõ nguyên nhân căn bệnh. Đến vùng cao, lội dọc theo dòng suối chảy xiết, chị Lê và các đồng nghiệp trẻ tìm bắt những con cua suối giấu mình trong hốc đá, thân hình trông tựa như con cua đồng dưới xuôi (vẫn được người dân đồng bằng bắt, giã, nấu riêu cua). Tên Latin của loài cua suối ấy là Potamiscus tannanti. Đó chính là con vật chủ mà loài sán lá vẫn ký sinh. Mỗi con cua suối có thể chứa 400-500 nang sán lá trong mang, trong gạch và cả trong chân, càng! Trời rét căm căm, mấy chú bé áo chàm thả rông trâu bên bờ suối, ngồi quây quần quanh đống lửa, nướng cua ăn. Trông thấy lớp vỏ cua cháy sém đỏ quạch, tưởng cua đã chín, thế là xé thân, bẻ càng chia nhau chấm muối ớt, nhai lạo xạo ngon lành mà đâu biết rằng hàng nghìn nang sán lá chưa kịp chết trong đám cua kia, sau khi chui vào cơ thể liền theo đường máu tới khu trú tại hai lá phổi, rồi lớn lên rất nhanh, gây ra chứng bệnh chết người - bệnh sán lá phổi! Bác sĩ phải mổ banh phổi, cắt bỏ những chỗ phổi bị sán đục ruỗng nát để cứu sống chú bé Sìn Hồ... Chứng sán lá gan cũng nguy hiểm chẳng kém gì chứng sán lá phổi. Nguyên nhân là do ăn gỏi cá, rau sống hay thịt chưa nấu thật chín có chứa nang sán lá. Người dân các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình từ lâu có thói quen ăn gỏi cá mè, cá chép, hay thịt bò, thịt bê bóp giấm, vắt chanh; từ Bình Định trở vào, nhiều người lại thích ăn gỏi cá diếc đang bơi… vô tình nuốt theo vào người cả nang sán lá, rồi mắc phải chứng bệnh sán lá gan quái ác. "Tôi đang cùng một giáo sư người Nhật ở Đại học Miyazaki trên đảo Kyushu hướng dẫn anh Phạm Ngọc Doanh viết luận án tiến sĩ về sán lá. Anh Doanh lúc thì sang Miyazaki làm việc với thầy Nhật, khi thì về Hà Nội hỏi ý kiến tôi. Vừa khám phá cho khoa học một loài sán lá mới, nhưng anh phải giữ kín cho tới khi công bố, có lẽ chỉ trong năm 2006 này thôi...", giáo sư Nguyễn Thị Lê nói. Nhà ký sinh trùng học nổi tiếng ASEAN | GS Nguyễn Thị Lê đã đưa bao tên đất, tên người Việt Nam trở thành thuật ngữ sinh học. | Một lần đi qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, tôi chợt dừng lại ít phút bên cái tủ ảnh và tình cờ nhìn thấy tấm ảnh chụp một loài chim mới được phát hiện trên đất nước Phù Tang. Dưới tấm ảnh có ghi dòng chú thích: "Một sự kiện khoa học đáng chú ý". Đánh giá như vậy có quá đáng không? Chắc là không! Bởi vì, sau mấy trăm năm phát triển, sinh học đại cương ngày nay đã hoàn thiện đến mức: phát hiện được một loài động vật hay thực vật mới là điều hết sức khó! "Chim trời, cá nước" - những thứ xưa kia không ai biết chắc, thì hiện nay, đều đã được đặt tên Latin và mô tả tỉ mỉ, rồi xếp thành nhiều thứ bậc: ngành - lớp - bộ - họ - giống - loài - loài phụ. Giờ đây, phát hiện được một loài mới - hay thậm chí một loài phụ mới - được coi như "một sự kiện khoa học đáng chú ý". Và, theo bộ Luật quốc tế về danh pháp động vật và thực vật, nhà sinh học nào lần đầu tiên phát hiện loài mới ấy - hay loài phụ mới ấy - được quyền lấy họ của mình đặt ngay sau "đứa con" do chính mình "đẻ ra" và hiến dâng cho khoa học.
Vậy cái khó là ở chỗ nào? Chính là ở chỗ: phải biết rõ, nắm chắc tất cả các giống, loài đã từng được phát hiện, mô tả, đặt tên và công bố trong tất cả các sách chuyên khảo và tạp chí chuyên ngành của bất cứ nước nào trên thế giới, nghĩa là phải có tầm nhìn quốc tế. Phải hiểu sâu, biết rộng, nắm chắc như vậy, thì mới có cơ sở đủ tin cậy để mà so sánh với mẫu vật mình vừa phát hiện, rồi từ đó, mới dám khẳng định nó có phải là giống mới, loài mới hay không. Nếu quả quyết một cách vội vã, thì sớm muộn cũng sẽ bị cộng đồng khoa học quốc tế bác bỏ! Vì những lẽ trên, nhiều nhà sinh học đại cương có uy tín ở nước ngoài đánh giá cao bản luận án tiến sĩ khoa học của Nguyễn Thị Lê, coi đó là một đóng góp quan trọng cho khoa học, là công trình đầu tiên về sán lá hoàn chỉnh, có hệ thống và toàn diện ở một nước nhiệt đới trong vùng Đông Nam Á. Trong bản luận án, GS Nguyễn Thị Lê lần đầu tiên tìm thấy ở chim và thú Việt Nam 305 loài sán lá, trong đó có 106 loài mới đối với khu hệ sán lá Việt Nam, 91 loài tìm thấy ở vật chủ mới. Trên mẫu vật Việt Nam, chị đã phát hiện 1 giống mới (thuộc họ phụ mới), 17 loài mới và 3 loài phụ mới đối với khoa học.Để có được mấy con số ngắn ngủi "khô khan" đó, chị Lê đã phải lao động miệt mài trong một phần tư thế kỷ, từ khi còn là một sinh viên 16 tuổi cho đến khi trở thành một tiến sĩ 26 tuổi, rồi tiến sĩ khoa học 41 tuổi, "một nhà ký sinh trùng học nổi tiếng ở vùng Đông Nam Á" (theo lời đánh giá của Viện Nghiên cứu giun sán thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô trước đây). Lưu danh trong khoa học Những năm ở tuổi 20 sôi nổi, với tư cách một phụ giảng trẻ, ngoài thời gian làm việc tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, chị Lê thường cùng một số thầy giáo trong khoa sinh học đi về các địa phương, điều tra chim, thú và ký sinh trùng. Chuyến đó đoàn điều tra "hạ trại" ngay bên hồ Ba Bể. Tối hôm ấy chị Lê mổ một con chuột rừng (tên khoa học là Rattus fulvescens) do chị bẫy được ở khu rừng xanh rậm rì dưới chân núi Pi-a Bi-oóc. Trong gan con chuột, chị trông thấy một chú sán lá hình thù hơi khác lạ. Ngâm vào cồn 80 độ, chị mang về Hà Nội, nhuộm, rồi lên tiêu bản, soi dưới kính hiển vi để thấy rõ nội quan và đo kích thước. Chị biết ngay con vật bé tí ti kia thuộc giống Dictyonograptus. Giống này trên thế giới người ta chỉ mới tìm thấy 1 loài, và được mô tả lần đầu tiên ở Brazil, sau đó, chưa ai tìm thấy lại ở nơi nào khác. Loài mà chị Lê vừa phát hiện chính là loài thứ hai thuộc giống đó. Để ghi nhớ địa danh Ba Bể, nơi tìm thấy loài ấy, chị Lê đặt tên Latin cho nó là: Dictyonograptus babeensis Nguyen, 1978: Rattus fulvescens. Chữ babeensis chính là biến thể của địa danh Ba Bể. Phát hiện loài mới này từ năm 1968, nhưng phải chờ 10 năm sau, đến năm 1978, khi sang Matxcơva làm cộng tác viên cao cấp của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, có trong tay đầy đủ thông tin, chị mới dám khẳng định. Chị còn tìm thấy một loài mới ký sinh trên gà lôi ở Lạng Sơn, trong những năm người Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc Việt Nam, và đặt cho nó cái tên: Platynotrema langsonensis Nguyen, 1968: Lophura nycthemera. Chữ langsonensis là biến thể của Lạng Sơn. Nếu đọc tiếp bảng tên Latin, ta sẽ còn nhiều lần bắt gặp những chữ Nguyen, vietnamensis, vietnamense... Tất cả các giống, loài, loài phụ mới do chị phát hiện đều được cộng đồng sinh học quốc tế kiểm tra kỹ càng, rồi mới chính thức công nhận. Những nghiên cứu cơ bản của giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Lê là đóng góp có giá trị vào việc phòng và chữa bệnh cho người và cho gia súc, gia cầm ở nước ta cũng như nhiều nước nhiệt đới khác. Chị hiện giữ chức Chủ tịch Hội Ký sinh trùng học Việt Nam, một hội có nhiều hội viên trong các ngành sinh học, y học, thú y... Lặn lội khắp núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc Những năm tuổi hai mươi sôi nổi, ngoài thời gian làm việc tại Khoa Sinh học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, chị Lê thường cùng GS Đào Văn Tiến và các cán bộ trong khoa đi về các địa phương điều tra chim, thú, và ký sinh trùng. GS Tiến chú ý các loài thú nhỏ. Anh Đặng Ngọc Thanh (sau này, làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) quan tâm đến các động vật không xương sống ở nước ngọt (tôm, cua và loài thân mềm). Anh Võ Quý (về sau, là Chủ nhiệm Khoa Sinh học) sưu tầm các mẫu vật về chim. Còn chị Lê thì lo tìm các loài ký sinh trùng, sán lá. Như vậy là, sau khi tốt nghiệp Cử nhân, được sự dìu dắt của GS Tiến, chị bắt tay ngay vào việc tìm tòi cái mới cho khoa học, chứ không chỉ đơn thuần tích luỹ kiến thức. Những chuyến đi vất vả nhưng thật là thú vị. Chị đặt chân lên đỉnh đèo Phạ Đin, nơi gặp gỡ giữa đất và trời (trong tiếng Thái, phạ là đất, đin là trời), ngắm cánh đồng Mường Thanh lúa chín rực vàng, nghỉ đêm trong doanh trại bộ đội, rồi ngược Lai Châu, dừng lại ít ngày ở Phố Núi. Chị cũng dạo qua vùng Lạng Sơn, theo hai bờ sông Kỳ Cùng nước xíêt, vượt Na Sầm, Thất Khê, Đông Khê lên Cao Bằng... Hôm đó, đoàn điều tra đi theo hướng Thái Nguyên - Bắc Cạn, và dừng lại ở hồ Ba Bể. Cảnh sắc thiên nhiên đẹp tuyệt vời. Nào là hang, động, đường luồn, suối, thác, sông ngầm. Nào là vách núi dựng đứng như thành vại, xóm chài nép mình bên bờ con sông Năng cây cối um tùm. Rồi những hòn đảo nhỏ nhô lên giữa hồ, mang những cái tên mộc mạc: Hòn Trống, Hòn Mái, Hòn Chuồng Gà... Đoàn khảo sát nghỉ đêm trong nhà đồng bào Tày. Sáng, chị Lê theo GS Tiến và các anh xách súng đi săn. Chị là một xạ thủ có hạng, đã từng đoạt giải nhất nữ của 5 trường đại học về môn xạ kích. Chiều, cả đoàn ngồi định loại các con thú, con chim vừa bắn được. Sau đó, mới thật sự bắt đầu công việc của chị Lê: mổ thịt và các nội quan của các con vật để tìm các loài sán lá ký sinh. Trông chúng nhỏ lấm tấm như những hạt gạo, thon, nhọn, mảnh như chiếc lá bé tí ti. Phải soi kính lúp mới thấy rõ. Loài sán quái ác ấy thường sống bám vào thành ruột, sống gửi trong thận, gan, ruột non, hay túi mật con vật chủ. Cũng có khi chúng ẩn náu dưới mi mắt, ở các khớp xương, trong xoang mũi, cơ não...Nhiều đêm, sau khi GS Tiến và các anh trong đoàn đã ngủ cả rồi, chị vẫn còn chong đèn ngồi mổ rã cả tay - cả đoàn chỉ có mỗi mình chị là nữ. Nếu để đến mai, chim, thú sẽ ươn có mùi.
|