Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Finance & Retail Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Đảng
Công đoàn-Nữ công
Đoàn thanh niên
Thể thao-Văn nghệ
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 7 6 9 3 5
Số người đang truy cập
3 7 9
 Hoạt động Đảng & Đoàn thể Đoàn thanh niên
ảnh st
Chiến thắng Điện Biên Phủ và thuật dùng người của Bác

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các cán bộ lãnh đạo của Đảng ta là “dùng người như dùng gỗ” và “cán bộ là cái gốc của mọi việc”. Trên quan điểm đó, trong suốt cuộc đời làm cách mạng của mình, trong nghệ thuật dùng người, Bác chưa một lần có sai sót đáng tiếc. Nhìn lại tài cầm quân thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, càng thấy được tài năng của Bác trong thuật dùng người!

Chắc thắng mới đánh...

Trước khi lên đường ra mặt trận làm nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuối Tát để chào Bác và xin ý kiến Bác, Bác hỏi Võ Đại tướng:

- Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại?

Đại tướng báo cáo với Bác, ở mặt trận có mặt của Tổng Tham mưu phó và Phó Chủ nhiệm chính trị, sẽ tổ chức một cơ quan tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh để chỉ đạo chiến trường toàn quốc, kể cả bộ đội tình nguyện ở Lào và Campuchia. Hai đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Văn Tiến Dũng ở lại căn cứ phụ trách Mặt trận đồng bằng Bắc bộ. Chỉ có trở ngại là mặt trận Điện Biên ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị.

Bác thân mật nói với Võ Đại tướng:

- Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau.

Khi chia tay, Bác còn nhắc:

- Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh.

Trên đường ra mặt trận, đến cây số 15 đường Tuần Giáo, Điện Biên Phủ, xe của Đại tướng rẽ vào Thẩm Púa, nơi đặt chỉ huy sở. Trong không khí nhộn nhịp, Võ Đại tướng gặp đầy đủ cán bộ của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp, những người ở bộ phận tiền phương đã lên trước chiến trường một tháng.

Trước ngày 14-1-1954, trong cuộc hội ý Đảng ủy mặt trận đầu tiên ở chiến trường, đúng như lời đồng chí Hoàng Văn Thái, ý kiến chung là cần đánh ngay trong lúc địch chưa tăng thêm quân và củng cố công sự, có khả năng chiến thắng trong vài ngày đêm. Ai nấy đều tỏ ra hân hoan với chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh”.

Nhưng với tinh thần trách nhiệm trước sinh mệnh của hơn 40 ngàn quân tham chiến, với cương vị của người Tổng chỉ huy mặt trận, trên cơ sở tình hình đang diễn biến ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Võ Đại tướng có cảm nhận nếu chọn phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” là quá mạo hiểm. Vì vậy, Đại tướng đã gặp Trưởng đoàn cố vấn quân sự nước bạn Vi Quốc Thanh trình bày ý kiến, suy nghĩ của mình. Trưởng đoàn cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh cho biết, ông đã gặp số chuyên gia quân sự Trung Quốc và cán bộ quân sự Việt Nam có mặt trước ở chiến trường và tất cả đều nhất trí là cần đánh sớm, có nhiều khả năng giành chiến thắng. Sau khi cân nhắc, trưởng đoàn Vi Quốc Thanh nói: “Nếu không đánh sớm, nay mai địch tăng thêm quân và củng cố công sự thì cuối cùng sẽ không còn điều kiện công kích quân địch”.

Tuy cho rằng “đánh nhanh” không thể giành được thắng lợi, nhưng chưa đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án các đồng chí đi trước đã lựa chọn và cũng không còn thời gian báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, nên Võ Đại tướng đã triệu tập hội nghị triển khai kế hoạch tác chiến.

Ngày 14-1-1954, mệnh lệnh chiến đấu tấn công Điện Biên Phủ được phổ biến trên một sa bàn lớn tại hang Thẩm Púa. Cán bộ cao cấp, trung cấp các đại đoàn tham chiến đều có mặt. Trong đó có những tư lệnh, Chính ủy Đại đoàn như Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn, Lê Quảng Ba, Đào Văn Trường, Nam Long, Quang Trung, Cao Văn Khánh, Chu Huy Mân, Phạm Ngọc Mậu… và nhiều cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn đã cùng chiến đấu qua nhiều chiến dịch.

 

 Quang cảnh TP Điện Biên Phủ nhìn từ đồi A1. Ảnh: MINH ĐIỀN

Hoãn thời gian nổ súng

Thời gian nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được quyết định là 17 giờ ngày 25-1-1954. Gần ngày nổ súng, một chiến sĩ của Đại đoàn 312 không may bị địch bắt. Bộ phận thông tin kỹ thuật của ta nghe địch thông báo cho nhau qua điện đài về ngày giờ tiến công vào Điện Biên Phủ. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn thời gian nổ súng tiến công lại 24 tiếng đồng hồ. Từ khi giao nhiệm vụ chiến đấu cho các đơn vị đến lúc này chỉ mới mười một ngày. Nhưng thêm mỗi ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng nhận thấy rõ là không thể “đánh nhanh” được. Đại tướng nhớ lại lời dặn của Bác Hồ trước khi lên đường ra trận và nghị quyết của Trung ương hồi đầu năm là “chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn!”. Càng nhớ, càng thấy gánh nặng trên đôi vai của một “tướng quân tại ngoại”. Sự đắn đo, suy tính cho việc thắng hay bại của trận quyết chiến chiến lược và cái giá phải trả bằng xương máu hy sinh của cán bộ, chiến sĩ đã khiến Đại tướng nhiều đêm không ngủ được, đặc biệt là đêm 25-1-1954.

Đại tướng nêu lên những lý do vì sao mọi người đều lựa chọn phương án “đánh nhanh” và tìm trước lời giải đáp. Cái lý do về vấn đề tiếp tế khó khăn, không phải hoàn toàn không có cách khắc phục, mà vấn đề chính là nếu thời gian chuẩn bị kéo dài, địch sẽ tăng thêm quân, củng cố công sự sẽ làm ta mất cơ hội diệt địch. Có nhiều người cho rằng, sự xuất hiện lần đầu của lựu pháo và cao xạ đã làm cho quân địch choáng váng. Nhưng thực tế ta chỉ có vài ngàn viên đạn, không phải là yếu tố quyết định. Đặc biệt, mọi người đều tin vào khí thế của bộ đội khi xuất quân, tin vào sức mạnh tinh thần. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng sức mạnh tinh thần cũng có những giới hạn. Không phải chỉ sức mạnh tinh thần cao mà lúc nào cũng chiến thắng quân địch! Và, chúng ta cũng không thể giành chiến thắng với bất kể giá nào. Hơn nữa, từ đó đến thời điểm này tình hình địch đã thay đổi nhiều. Chúng đã củng cố công sự phòng ngự, không còn là trận địa dã chiến. Bộ đội ta phải tiến hành một trận công kiên vào một tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc chưa từng có…

Tất cả những khó khăn đó chưa được bàn bạc kỹ cách khắc phục. Võ Đại tướng nhận thấy cần phải cho bộ đội rút ra khỏi trận địa để nghiên cứu cách đánh khác. Phải chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương án “đánh chắc, tiến chắc”. Đồng thời, chỉ đạo cho Liên khu 5 đánh lên Tây Nguyên, điều lực lượng sang Thượng Lào để thu hút, phân tán địch.

Quyết định lịch sử

Sáng ngày 26-1-1954, văn phòng thông báo mời cuộc họp Đảng ủy Mặt trận. Trước khi vào họp Đảng ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tranh thủ thời gian gặp Trưởng đoàn cố vấn bạn Vi Quốc Thanh, nêu rõ tình hình và cho biết ý định của mình. Sau giây lát suy nghĩ, Trưởng đoàn cố vấn nói:

- Tôi đồng ý với Võ Tổng. Tôi sẽ làm công tác tư tưởng với các đồng chí trong đoàn cố vấn.

 

Các chiến sĩ anh dũng của ta đang vượt qua cầu Mường Thanh tiến
vào khu trung tâm (ảnh tư liệu)

Cuộc trao đổi ý kiến giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh trong vòng hơn nửa giờ. Võ Đại tướng biết rằng Trưởng đoàn Vi Quốc Thanh không dễ dàng thuyết phục các chuyên gia Trung Quốc đã cho rằng chỉ có đánh nhanh mới giành được thắng lợi.

Cuộc họp Đảng ủy Mặt trận để đi đến thống nhất một quyết định có tính chất lịch sử hôm 26-1-1954, có đủ các ủy viên: Hoàng Văn Thái, Lê Liêm và Đặng Kim Giang…

Lúc đầu, một vài đồng chí muốn giữ vững quyết tâm và duy trì phương án đánh nhanh, thắng nhanh. Có đồng chí lo không đánh ngay, sau này lại càng không đánh được. Có đồng chí nói lần này ta có ưu thế về binh lực, có pháo 105 và cao xạ xuất hiện lần đầu tạo thế bất ngờ, lại có kinh nghiệm của bạn, nếu ta đánh nhanh vẫn có khả năng giành được thắng lợi. Có người nói đã động viên sâu rộng trong bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em tin tưởng và quyết tâm rất cao. Giờ nếu thay đổi thì giải thích làm sao cho bộ đội thông suốt?

Võ Đại tướng nhắc lại lời Bác Hồ trao nhiệm vụ mình trước khi lên đường: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, để bảo đảm yêu cầu trận đánh chắc thắng trăm phần trăm, Võ Đại tướng kiên trì phân tích những khó khăn của bộ đội ta chưa được bàn bạc khắc phục kỹ trước khi nổ súng.

Cuối cùng, Đảng ủy đi tới nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn nếu đánh nhanh ta chưa có biện pháp khắc phục, không thể bảo đảm chắc thắng như nghị quyết Bộ Chính trị đề ra và quyết định thay đổi cách đánh của một trận quyết chiến chiến lược từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” đã được chuẩn bị trong thời gian khá dài, chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc” trong thời điểm chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là đến giờ nổ súng, đã thể hiện bản lĩnh và sự quyết đoán đầy tinh thần trách nhiệm đối với lịch sử và dân tộc của một vị danh tướng dưới thời đại Hồ Chí Minh.

Về sau, trong hồi ức “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, Võ Đại tướng đã thổ lộ: “Ngày hôm đó (tức ngày 26-1-1954), tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!”.

Ngày nay, tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ và đi vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta như một điểm son sáng chói. Đó chẳng những là thắng lợi quyết định dẫn đến chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương, mà còn góp phần làm sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Điều đó càng chứng minh sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng tài tình của Đảng ta, của Trung ương và Bộ Chính trị, mà trước hết là của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã sáng suốt, nhìn thấy rõ phẩm chất, bản lĩnh và tài năng của từng cán bộ. Người đã vững tin ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của mình.

 

Ngày 08/05/2009
Ban biên tập Website
(Thiếu tướng Phùng Đình Ấm
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích