Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 28/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Finance & Retail Thầy thuốc và Danh nhân
Việt Nam
Thế giới
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 5 8 9 6 7 1
Số người đang truy cập
2 7 2
 Thầy thuốc và Danh nhân Việt Nam
Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh và vai nữ chính - chị Thùy (Minh Hương đóng)
Đạo diễn-NSND Đặng Nhật Minh hài lòng nhất với bộ phim “Đừng đốt”

"Không kiềm chế được nước mắt" - đó là cảm xúc của hầu hết những ai đã chứng kiến quá trình làm phim Đừng đốt - bộ phim của Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh được làm trên cơ sở số phận cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Đây là phim được chọn khai mạc trong đợt phim kỷ niệm những ngày lễ lớn (30/4,1/5,7/5 và 19/5) diễn ra trên toàn quốc,  từ ngày 28/4-20/5/2009.

 

Cảm xúc đã có sẵn với những  ai đã đọc cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, nên chỉ cần một cơn gió ký ức thoảng nhẹ, cũng khiến mỗi người lặng đi trong xúc động. Trong khi đó, Đừng đốt không chỉ là một "cơn gió nhẹ", sự chọn lọc có tính tiết chế tư liệu của đạo diễn họ Đặng; sự kỹ càng, chỉn chu trong dàn dựng; sự khéo léo, nhuần nhị trong sắp xếp các chi tiết; lối diễn xuất dung dị của dàn diễn viên, đặc biệt là vai nữ chính - chị Thùy (Minh Hương đóng), tất cả hòa quyện trong một tác phẩm nghệ thuật mà đằng sau những hình ảnh bình dị là những ý tưởng đầy sức ngẫm ngợi. Có thể nói, Đừng đốt là sự tiếp nối phong cách làm phim trau chuốt, tinh tế nhưng cũng không kém phần bạo liệt với những ý tưởng gửi gắm ở những hình ảnh giàu ngôn ngữ điện ảnh của Đạo diễn Đặng Nhật Minh. Xuất phát điểm là cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã có lý khi không bắt  người  xem phải đọc lại cuốn nhật ký lần thứ hai dưới một định dạng khác - phim. Theo ông, thì "có làm thế"... cũng chưa chắc đã thành công và thuyết phục người xem. Trong khi đó, số phận kỳ lạ của cuốn nhật ký và hành trình trở về "nhà" sau 35 năm lưu lạc trên đất Mỹ cũng là điều cần được dành một vị trí xứng đáng trong phim. Bởi, ông không làm một bộ phim chiến tranh thuần túy với bom rơi, đạn nổ, chết chóc, thương tật và cuối cùng là "ta thắng địch thua" thường thấy trong các phim chiến tranh của ta lâu nay. Với ông, Đừng đốt là bức  thông điệp đầy tính nhân văn về tâm hồn người Việt Nam, về  tình thương giữa con người; sự nhân ái, vị tha của một dân tộc trưởng thành, khẳng định được mình từ trong chiến tranh. Chính điều này đã thuyết phục, làm thay đổi suy nghĩ của cả những người khác chiến tuyến.

 

 Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh

Không nệ thực - vì "nếu nệ thực thì không còn là phim truyện nữa"- Đạo diễn Đặng Nhật Minh khẳng định. Phim có nhiều chi tiết hư cấu nhưng những chi tiết này vẫn tôn trọng sự thật và tính cách của nhân vật. Đồng cảm với cách làm của Đạo diễn Đặng Nhật Minh, Bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của Bác sĩ, Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tâm sự: "Tôi đã xem Đừng đốt 2 lần và cả  2 lần đều không cầm được nước mắt. Nhân vật Thuỳ trong phim không hẳn là con gái tôi. Nhưng tôi vẫn phải cảm ơn Đạo diễn Đặng Nhật Minh và tài năng của ông. Tôi hiểu, các nhà làm phim không tái dựng chân dung của Thùy như những gì Thùy có, mà thông qua Thùy và các nhân vật khác trong phim  tạo dựng một hình ảnh đẹp về con người Việt Nam trong chiến tranh và trong hòa bình, hội nhập hôm nay. Qua phim, chắc chắn thế giới sẽ biết thêm người Việt Nam là như thế, hiểu thêm về sức mạnh Việt Nam, tâm hồn Việt Nam".

Tạo kịch tính từ đầu phim, Đừng đốt gây chú ý với người xem ngay ở những hình ảnh đầu tiên -  bệnh xá bị máy bay quần đảo, lệnh sơ tán khẩn cấp,  Bác sĩ Thùy xung phong ở lại cùng những thương binh  nặng và  lời hẹn của những người đi trước "sau 3 ngày sẽ quay lại đón"...  Rồi bệnh xá bị bỏ quên, Thùy và những thương binh nặng hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt với bom đạn, với máy bay trên đầu, với sự khốc liệt của thời tiết, sự thiếu thốn về vật chất... Trong sự cô đơn đến cùng cực, Thùy vẫn là chỗ dựa tinh thần cho tất cả thương binh nặng còn lại trong bệnh xá ở cái nơi "cái chết, dễ hơn ăn một bữa cơm". Rất nhiều bom đạn, rất nhiều cảnh chết chóc với những hình ảnh bi thương ở cả hai phía - ta và địch, nhưng  đạo diễn đã có lý khi không để người xem phải "quá tải" với những hình ảnh khốc liệt của cuộc chiến. Đan xen với những cảnh chết chóc, sự khốc liệt của chiến tranh là những khoảng lặng thể hiện những trăn trở, khát vọng đơn sơ mà cao cả của các nhân vật trong phim. Giản dị như câu nói của Thùy với đồng đội: "Em không cần được ưu đãi gì cả. Chỉ mong hòa bình để được về với  mẹ".

 

 Diễn viên Minh Hương - MC của VTC

"Bất cứ chi tiết nào được đưa vào phim cũng không phải là hú họa"- Đạo diễn Đặng Nhật Minh khẳng định. Một vài người không thích cảnh thể hiện sự hy sinh của chị Thùy trong phim vì... hơi kịch. Nhưng cũng không ít người lại cho rằng, đạo diễn rất "cao tay ấn" chính ở trường đoạn này. Hình ảnh chị Thùy đạp xe lặp lại nhiều lần trong phim, là "điểm tựa" trong cảnh người nữ bác sĩ này hy sinh và là "khúc vĩ thanh" đầy ám ảnh mà không bi lụy  ở cuối bộ phim. Ai cũng biết, chiếc xe đạp gắn liền với tuổi học trò và biết bao thanh niên Việt Nam thời ấy, trong đó có chị Thùy đã mang vào chiến trường những ký ức, những kỷ niệm đẹp của thời cắp sách; cả những ước mơ, những khát vọng cháy bỏng của tuổi trẻ... Khi chị Thùy ngã xuống, những vòng quay của bánh xe cũng từ từ dừng lại. Vòng tròn của sự luân hồi, của sự "trở về" của một kiếp người và hơn thế, sự khốc liệt của cuộc chiến đã khép lại những giấc mơ nồng nhiệt của người nữ bác sĩ hết lòng yêu người, yêu đời và mong muốn hòa bình cho dân tộc. Chính sự trong sáng, tình yêu thương con người chan chứa trong cuốn nhật ký đã thức tỉnh những người ở bên kia chiến tuyến. Đó cũng là lý do mà đạo diễn đặt hai câu trong cuốn nhật ký của chị Thùy ở cuối phim: Nào ai có biết cho ai. Tình thương sẽ chắp cánh dài cho ta. Và đây cũng là hai câu mà cựu binh Mỹ Fred ngoài đời đã thổ lộ với đạo diễn là "ấn tượng nhất" sau khi đọc cuốn nhật ký này.

 

 Một cảnh trong phim Đừng đốt.

Lần đầu tiên đóng phim nhựa, lại "gánh" một vai diễn rất nặng nhưng Minh Hương - cô MC của VTC đã làm khá tròn vai. Đánh giá về vai diễn của Minh Hương, Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói: "Điều may mắn nhất của tôi khi thực hiện bộ phim này là chọn được Minh Hương cho vai Thùy. Nếu chọn sai diễn viên, thì dù khán giả có sẵn xúc động với cuốn nhật ký, bộ phim này cũng sẽ đổ. Tôi cần ở Minh Hương lối diễn thật mộc mạc, chân thực, dung dị để toát lên tâm hồn của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm, một tâm hồn rất trong sáng, nhân văn, chan chứa tình thương yêu con người. Đó là sức mạnh nội tại từ bên trong và chính sức mạnh này đã thuyết phục cả  những người từng ở bên kia chiến tuyến. Và Minh Hương đã làm được điều đó".

Riêng về dàn diễn viên "ngoại"- 10 người tham gia Đừng đốt, Đạo diễn Đặng Nhật Minh kể: "Hiệp hội diễn viên ở New York đã giúp chúng tôi chọn được 10 diễn viên từ 200 ứng cử. Đó là những diễn viên chuyên nghiệp. Khi sang Mỹ, tôi bất ngờ vì trên tay mỗi người đều có cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, bản dịch tiếng Anh với tên gọi Đêm qua, tôi mơ thấy hòa bình. Các diễn viên cho biết họ đã đọc rất kỹ cuốn sách này; nghiên cứu kỹ kịch bản, hiểu nhân vật, đồng cảm với ý tưởng của đạo diễn  và đã thuộc thoại. Vì thế, họ diễn xuất rất có hồn. Riêng Diễn viên Brian Townes (vai Fred lúc trẻ) trong quá trình đóng phim tại Việt Nam,  ngày nào anh ta cũng viết nhật ký để "khi về cho mẹ tôi đọc" và khi chia tay thì khẳng định: "Đây là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm diễn viên của tôi".

Làm nhạc cho phim là hai nhạc sĩ người Hungari. Rất ấn tượng, những nét nhạc trong phim đã góp phần đưa hình ảnh phim cất cánh. "Ban đầu tôi định mời một nhạc sĩ Việt Nam làm nhạc. Rồi trục trặc. Đang bí thì con gái tôi - Bác sĩ Đặng Lan Phương đang làm việc tại Hungari nói sẽ tìm người làm nhạc ở bên đó. Tôi nói điều này với Giám đốc Sản xuất - anh Tất Bình, anh ấy bảo, nội, ngoại đều được nhưng cát - xê thì chỉ có thế- nghĩa là rất khiêm tốn. Cũng may, vì xúc động với câu chuyện phim, hình ảnh phim và về cả cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm cùng số phận kỳ lạ của nó nên hai nhạc sĩ đã nhận lời và đã dốc sức cho bộ phim này" - đạo diễn Đặng Nhật Minh kể.  Rồi ông quả quyết: "Với Đừng đốt, tôi đã làm hết sức rồi. Cho tới giờ, tôi không cảm thấy có gì đáng tiếc. Đây là bộ phim mà tôi hài lòng nhất".

Trên thực tế nếu "săm soi" vẫn có thể tìm ra không ít lỗi ở bộ phim hiếm hoi gây được xúc động mạnh cho người xem như Đừng đốt. Tuy nhiên, xem ra chẳng ai muốn làm điều này, khi mà những người làm phim đã hết mình với mong muốn bộ phim là "nén nhang thơm tưởng niệm người đã khuất”. Với số tiền không hẳn là lớn so với mặt bằng chung phim đặt hàng trước nay - khoảng 11 tỷ đồng, Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã làm được điều mà không phải ai cũng có thể làm được với những dự án phim tuyên truyền - gây xúc động với người xem bằng những sáng tạo mang phong cách riêng, có giá trị nghệ thuật, chứ không đơn thuần là một bộ phim khô khan như một khẩu hiệu. Sau khi chiếu trong nước, Đừng đốt sẽ được phát hành tại nước ngoài.

Ngày 11/05/2009
Nguyễn Võ Hinh (st)
Theo Quỳnh Anh (SK&ĐS)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn triển khai Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu với phương châm “Nỗ lực hết mình vì người bệnh”


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích