|
GS.BS Hồ Đắc Di(1900-1984) |
Một vài thông tin về thân thế và sự nghiệp của Giáo sư, Bác sỹ Hồ Đắc Di
Xuất thân từ một danh gia vọng tộc… Giáo sư Bác sĩ Hồ Đắc Di sinh năm Canh Tý (1900), quê ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế là vị Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y khoa nước Việt Nam. Ông xuất thân trong một gia đình quý tộc danh giá. Ông nội ông là Hồ Đắc Tuấn, đỗ Cử nhân năm Tự Đức 23, được phong tước Hầu. Bà nội ông là Công nữ Thức Huấn, là con gái Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Thân sinh ông là Khánh Mỹ quận công Hồ Đắc Trung, đỗ Cử nhân, làm quan đến chức Thượng thư Bộ học, Đông các Đại học sĩ, sung Cơ mật đại thần. Hai người anh là Thượng thư bộ Hộ, Cử nhân Nho học Hồ Đắc Khải và Tổng đốc Hà Đông, Tiến sĩ Luật khoa Hồ Đắc Điềm (về sau là Phó chủ tịch Uỷ ban hành chính TP Hà nội). Hai người em trai là Kỹ sư Khoáng học Hồ Đắc Liên (về sau là Cục trưởng Cục Địa chất) và Tiến sĩ Dược khoa Hồ Đắc Ân... Chị gái ông là Hồ Thị Huyên gả cho Hoàng thân Ưng Úy và là thân mẫu của nhà bác học Bửu Hội. Em gái ông là Hồ Thị Chỉ được gả cho vua Khải Định vào năm 1917, làm Nhất giai Ân Phi, đứng đầu các phi tần của vua Khải Định. Em gái út của ông là Hồ Thị Hạnh, xuất gia với pháp danh Diệu Không, là một dịch giả kinh Phật nổi tiếng. Năm 1935, ông lập gia đình với bà Vi Kim Phú, con gái tổng đốc Vi Văn Định. Con gái ông là Hồ Thể Lan, hiện là Vụ trưởng Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao, và là phu nhân của ông Vũ Khoan, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề đối ngoại. Con đường học tập và chuyện tình thơ mộng… Năm 1918, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất vừa kết thúc, anh thanh niên họ Hồ Đắc lên đường sang Pháp du học. Là người VN đầu tiên theo học chuyên ngành phẫu thuật, bác sĩ nội trú các bệnh viện Paris, anh bắt đầu có chút tiếng tăm trong giới trí thức thượng lưu Paris và vì là con trai một vị quận công nên anh thường được bạn bè người Pháp gọi là Prince Ho Dac (công tước Hồ Đắc). Hoàng thân Fujita - họa sĩ người Nhật Bản, và công tước Hồ Đắc - nhà y học người An Nam, là hai tài năng trẻ châu Á được báo chí Paris nhắc tới. Vào những ngày chủ nhật, Hồ Đắc Di thường được cô Ève Curie, con gái thứ hai của Pierre Curie và Marie Curie (hai lần được tặng giải thưởng Nobel về vật lý và hóa học, vào những năm 1903 và 1911), mời đến nhà riêng chơi. Lúc bấy giờ ông Pierre đã mất, bà Marie sống với hai người con gái là Irène và Ève. | Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tiếp Đoàn đại biểu Y tế Việt Nam, năm 1956. Từ trái sang phải: GS Hồ Đắc Di (thứ 1), GS Trần Hữu Tước (thứ 3), Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch (thứ 5), GS Tôn Thất Tùng (thứ 8), và GS Đặng Văn Chung (thứ 9). | Ève Curie là một nữ sinh viên đa cảm, giỏi văn thơ, yêu âm nhạc, ưa trang điểm và rất thích tiếng đàn violon của công tước Hồ Đắc, chàng quí tộc phương Đông thanh tú và dí dỏm, am tường triết học và văn học, nghệ thuật phương Tây. Nhiều năm sau giáo sư Hồ Đắc Di vẫn còn giữ lại bức ảnh chụp trong nhà Marie Curie: Ève ngả mình trên đi văng, mơ màng nghe công tước Hồ Đắc kéo đàn violon. Đôi khi Ève còn cùng anh song tấu: cô đánh piano, còn anh kéo violon. Về sau Ève kết hôn với Pierre Mendès France, thủ tướng Pháp trong những năm 1954-1955, người lãnh đạo phái đoàn Pháp ký Hiệp định Genève lập lại hòa bình ở Đông Dương... Thành tích Nghiên cứu khoa học và đào tạo. Trong luận văn tốt nghiệp bác sĩ y khoa làm tại Paris, Giáo sư Hồ Đắc Di là người đầu tiên sáng tạo một phương pháp mổ dạ dày (nối thông dạ dày-tá tràng) để điều trị chứng hẹp môn vị do bệnh loét dạ dày- tá tràng gây ra, thay thế cho phương pháp cắt bỏ dạ dày vẫn dùng trước đó. Đây là cách điều trị bảo tồn, được mang tên Ông, được nhiều sách giáo khoa, nhiều công tình nhắc đến và thừa nhận giá trị trong suốt 30-40 nǎm. Các công trình khoa học sau này của GS. Hồ Đắc Di (1937-1945) thường đứng tên chung với đồng nghiệp (như GS. Huard, GS. Meyer-May…), với cộng sự và học trò (Vũ Đình Tụng, Tôn Thất Tùng…) với nội dung giải quyết các bệnh rất đặc trưng của một nước nhiệt đới nghèo nàn và lạc hậu. Viêm tụy có phù cấp tính do Ông phát hiện từ 1937 đã mở đường cho các kết quả nghiên cứu rực rỡ sau này của Tôn Thất Tùng vào những nǎm sau. Cách điều trị bằng phẫu thuật các biến chứng viêm phúc mạc do thương hàn cũng có đóng góp lớn trong mở đường nghiên cứu thủng túi mật, hoặc nêu một phương pháp mổ mới, trong phẫu thuật sản khoa. Các phân tích thống kê phẫu thuật, cùng với Huard, được đǎng ở báo Y học Viễn Đông Phẫu thuật điều trị viêm phúc mạc ở Bắc Kỳ, Phẫu thuật chữa loét dạ dày-tá tràng ở Bắc Kỳ (1944). Tạp chí Viện Hàn lâm phẫu thuật đǎng Thủng túi mật hiếm gặp, 1937; viêm phúc mạc do thủng ruột trong thương hàn, 1939…); báo Y học Hải ngoại của Pháp đǎng Một kỹ thuật mới mổ lấy thai nhi ấn hành ở Paris, rất được các nước nhiệt đới coi trọng và tham khảo rộng rãi. Giáo sư là người đầu tiên ở nước ta nghiên cứu tình trạng sốc do chấn thương, được báo trên đǎng tải cùng nhiều công trình có giá trị khác. Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã giao cho giáo sư Hồ Đắc Di nhiều trách nhiệm quan trọng như Tổng thanh tra y tế, Tổng giám đốc Đại học vụ, giám đốc Bệnh viện Đồn Thủy, đặc biệt là việc tổ chức lại Trường Đại học Y Hà Nội. Cùng với giáo sư Tôn Thất Tùng, ông tổ chức các hoạt động nghiên cứu và bồi dưỡng ngay trong điều kiện chiến tranh và phải di chuyển liên lục từ Vân Đình, lên Việt Bắc, Tuyên Quang, rồi Chiêm Hóa. Ngày 6 tháng 10 năm 1947, Trường Đại học Y của nước Việt Nam kháng chiến khai giảng khóa đầu tiên tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, với 2 giáo sư và 11 sinh viên, với chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt. Ông được cử giữ chức hiệu trưởng đầu tiên của Trường đến năm 1973 mới nghỉ hưu. | Sinh viên Hồ Đắc Di ở Paris năm 1925 (người đứng giữa, phía trước)
| Với 21 công trình hiện tìm được trong 37 công trình đã công bố, Ông là nhà phẫu thuật đầu tiên, xứng đáng là bậc thầy đầu tiên với các công trình mở đường cho những hướng nghiên cứu sau này, xứng đáng được hội đồng giáo sư (toàn người Pháp) đánh giá cao và được bầu chọn là giáo sư người Việt đầu tiên. Trong kháng chiến chống Pháp, Giáo sư cùng học trò của mình - Bác sĩ Tôn Thất Tùng, đã có một quyết tâm và một quyết định lịch sử mà đất nước ta nhớ ơn: duy trì và phát triển Trường Đại học Y-Dược khoa nhằm trực tiếp đáp ứng nhu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến: đó là cung cấp cho nhân dân và quân đội một đội ngũ cán bộ y tế có trình độ cao, với số lượng gấp bốn lần tổng số bác sĩ mà ta có, khi bước vào cuộc kháng chiến này.
Ông mất ngày 25 tháng 6 năm 1984, thọ 84 tuổi. Các chức danh, danh hiệu và giải thưởng Ông là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa V, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ khóa II đến khóa IV, Ủy viên Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ khóa đầu tiên, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Pháp, Ủy viên Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam…Ngoài ra ông còn được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân, Huy chương, giải thưởng có giá trị như: ·Chiến sĩ thi đua toàn quốc (1952, 1956) ·Huân chương Độc lập hạng Nhất ·Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và hạng Ba, ·Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Nhì ·Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật năm 1996 (truy tặng). ·Huy chương Vì thế hệ trẻ Tên của ông được đặt cho 1 khu giảng đường của Trường Đại học Y Hà Nội, một phố (phố Hồ Đắc Di) trong khu Nam Đồng, Hà Nội.Năm 2000, tên ông được đặt cho một con đường tại Phường 15, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.
|