Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 27/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Finance & Retail Thầy thuốc và Danh nhân
Việt Nam
Thế giới
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 5 8 9 3 8 2
Số người đang truy cập
2 4 8
 Thầy thuốc và Danh nhân Việt Nam
Người phụ nữ Tà Ôi đầu tiên “vượt núi” bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ

 

Tháng 3/2009, đồng bào Tà Ôi ở vùng cao A Lưới, Thừa Thiên Huế như vỡ òa khi nghe tin đứa con cưng Kê Sửu bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, trở thành người có học vị Tiến sĩ đầu tiên của người dân Tà Ôi. Các già làng nói rằng Kê Sửu đã vượt núi về xuôi tìm đến với con chữ thành công nhưng với chúng ta, Kê Sửu còn hơn thế, chị đã dám vượt qua ngọn núi cao những tập tục lạc hậu của người dân miền cao để đạt được niềm vinh dự đầy tự hào ngày hôm nay.

 

Từ “nỗi đau” của mẹ

Kê Doaiq là tên mẹ của Kê Sửu. Bà là hình ảnh điển hình của người phụ nữ Tà Ôi chịu những hủ tục lạc hậu trói buộc cuộc đời. Bà bị chính cha mẹ của mình bắt tảo hôn khi mới lên 10 để đổi lấy chiêng, trâu, bò ... Mẹ đã bị gả bán cho một người đàn ông hơn mình 20 tuổi. Đó là người đàn ông bị bướu cổ to một cách dị thường và đang ế vợ. Ngày đầu tiên về nhà chồng, người ta nướng một củ khoai, cho mẹ một nửa, người đàn ông kia một nửa, thế là thành vợ chồng. Mẹ cứ như “con trâu” kéo cày hết ngày này qua ngày khác để phục vụ chồng và gia đình chồng. 13 tuổi, mẹ đã có thai nhưng làm lụng cực nhọc quá nên bị sẩy thai. Mẹ lầm lũi làm, câm lặng như một nô lệ. Có những lúc không chịu nổi, mẹ trốn về nhà. Trốn được vài ngày thì ông bà lại bắt mẹ đưa sang cho nhà chồng hoặc nhà chồng tìm được. Năm 15 tuổi, mẹ sinh một người con, 16 tuổi chồng chết. Theo tập tục, gia đình chồng bắt lấy một người khác trong họ nhưng mẹ kiên quyết phản đối. Đúng lúc ấy, ánh sáng của cách mạng bắt đầu lan tới. Mẹ được đi học chữ ...

Trong những ngày “làm cách mạng” ấy, mẹ Kê Doaiq đã gặp được tình yêu của đời mình và mối tình đơm hoa kết trái ấy là cô con gái có tên Nguyễn Thị Sửu được gọi thân mật là Kê Sửu. Cha của Kê Sửu là anh bộ đội giải phóng người Kinh, quê ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Hai người đã kết duyên cùng nhau vào năm 1971 khi đất nước vẫn chưa ngừng tiếng súng.

Hai năm sau, Kê Sửu cất tiếng khóc chào đời trong một hang tối trên đỉnh A Ngo, khi máy bay, bom đạn vẫn chát chúa ngay trên đầu vào năm 1973. Bởi chiến tranh, tuổi thơ của chị không có được sự yên ả của hình ảnh gia đình sớm tối bên nhau và thay vào đó là hình ảnh của cha bận cầm súng, mẹ lo tiếp tế cho bộ đội. Chị đã lớn lên trong vòng tay đùm bọc của bà con dân bản và lớn dần lên cùng những lần trên lưng mẹ tiếp tế cho cha, cho các bác, các chú hay lên nương làm rẫy, vào rừng kiếm củi ... Vì vậy, sự cứng cỏi, ý thức tự lập đã được hình thành nên Kê Sửu từ những ngày thơ ấu này.

Vượt lên hủ tục

Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả huyện vùng cao A Lưới hân hoan nhưng kéo theo là sự kiệt quệ sau cuộc chiến, cả huyện vùng cao này rơi vào đói nghèo, thất học. Gia đình Kê Sửu cũng không ngoại lệ nhưng cô bé vẫn quyết tâm đến trường, em năn nỉ mẹ Kê Doaiq cho được đi học. Chậm mất 3 năm, 9 tuổi Kê Sửu mới chính thức vào lớp 1. Hành trình đeo đuổi con chữ của Kê Sửu cũng lắm gian nan bởi hủ tục “con gái học làm chi, cứ cho nó lấy chồng cho xong”, nhưng bất chấp những lời phỉ báng của dân làng, “Tôi vẫn quyết tâm theo tận cùng nghiệp học hành bắt đầu từ cảm nhận về những nổi khổ, thiệt thòi và bất lực của người phụ nữ Tà Ôi mà mẹ tôi là một điển hình”.

Từ cấp 1 lên đến cấp 3, Kê Sửu đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến xuất sắc. Nhiều người nghĩ rằng có lẽ ngưỡng cửa cấp 3 sẽ là dấu chấm hết cho nỗ lực của Kê Sửu bởi chị đã cố vượt qua tục tảo hôn lấy chồng từ thuở lên 10 của dân bản, thì lúc này ở tuổi 18 chị phải lập gia đình nếu không sẽ không có đám nào rước. Nhưng một lần nữa chị lại quyết tâm thi vào đại học. Kê Sửu muốn thoát khỏi vòng tăm tối của cuộc sống người phụ nữ Tà Ôi cứ luẩn quẩn với đàn con, cái gùi, lên nương, phát rẫy. Chị quyết vượt núi về xuôi, tìm về tri thức và đã thi đậu vào Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Huế. Những năm tháng miệt mài đèn sách, cô gái Tà Ôi này luôn khiến bạn bè phải ngỡ ngàng trước những kết quả học tập. Khi đang là sinh viên năm 4, Kê Sửu chính thức được kết nạp Đảng. Luận văn tốt nghiệp đạt điểm cao nhất trường: 9,97 điểm.

 

 Bên gia đình

Gia đình là động lực cho thành công

Đang là giáo viên của Trường Dân tộc nội trú A Lưới, lại vừa mới sinh con xong, nhưng Kê Sửu một lần nữa làm nhiều người ngạc nhiên khi thi đỗ cao học khóa 2000-2003. Nhưng lần này cũng đầy khó khăn, trở ngại khi Kê Sửu đã làm dâu trong gia đình dân tộc Tà Ôi với bao tập tục, bao nhiêu thứ trách nhiệm của người vợ, người mẹ, người con đè nặng trên vai. Có già làng đã gặp thẳng anh Nguyễn Hồng Nũi, chồng Kê Sửu và bất bình nói: “Con gái Tà Ôi cần gì mà học nhiều thế, sao mày không bắt nó ở nhà mà đi làm rẫy, sinh con, lo chuyện bếp núc ?”. Nhưng chị nói với tôi đầy tự hào: “Với người ta, vợ là hậu phương vững chắc của chồng thì với chị, anh là hậu phương vững chắc của em”. Chồng chị đã đứng ra bảo vệ chị, khuyên nhủ cha mẹ cho chị được học tiếp. Anh chấp nhận vừa đi làm vừa chăm con để chị không vướng bận.

Được chồng hậu thuẫn, chị tiếp tục thẳng tiến trên con đường học vấn, nghiên cứu. Với tấm lòng của người con yêu quê hương, nguồn cội, chị quyết tâm gìn giữ vốn văn hóa lâu đời của người Tà Ôi có khả năng bị mai một đi theo thời gian nếu không có người ghi chép để lưu giữ, truyền lại cho đời sau. Chị đã lặn lội khắp các buôn làng từ A Tia, A Năm, A Sáp, Talo, A Hooq sang đến tận Hướng Hóa, Quảng Trị để ghi lại những câu tục ngữ, ca dao, dân ca, dân nhạc, dân vũ, hàng trăm câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, sử thi ... Cho đến thời điểm hiện tại, Kê Sửu đã sưu tầm trên 1.000 câu ca dao, tục ngữ; trên 200 câu chuyện cổ tích và đặc biệt đã có trong tay bản thảo và băng ghi âm về sử thi A Chất, một thể loại mà lâu nay giới nghiên cứu cho rằng chỉ xuất hiện ở Tây Nguyên. Không những vậy, đồng hành cùng với luận văn Thạc sĩ tại Trường Đại học Khoa học Huế, năm 2003, Kê Sửu kết hợp cùng với tác giả Trần Hoàng cho ra đời tác phẩm đầu tay “Góp phần tìm hiểu văn hóa dân gian dân tộc Tà Ôi ở A Lưới, Thừa Thiên Huế”, do Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành.

Học xong cao học, chị lại khăn gói ra Hà Nội dự thi tuyển đầu vào nghiên cứu sinh và trúng tuyển nghiên cứu sinh khóa 15 (2004-2007) của Viện Ngôn ngữ. Ngày 07/03/2009, chị đã bảo vệ thành công đề tài luận án Tiến sĩ “Cấu tạo tiếng Tà Ôi trong sự so sánh với tiếng Việt” với mục đích tôn vinh ngôn ngữ của Tà Ôi lẫn tiếng Việt. Đề tài của chị đã đóng góp một điểm mới mà lâu nay chưa nhà nghiên cứu nào thực hiện trong nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, đó là so sánh từng phương thức cấu tạo từ tiếng Tà Ôi, một ngôn ngữ thiểu số với tiếng Việt, một ngôn ngữ quốc gia để tìm ra những nét tương đồng và dị biệt giữa hai ngôn ngữ cùng một loại hình đơn lập nhưng ở hai cực điểm khác nhau của quá trình biến đổi, phát triển ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập khu vực Đông Nam Á. Chị đã trở thành niềm tự hào của người dân Tà Ôi và là tấm gương sáng cho những người phụ nữ Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Hy khác quyết tâm thoát khỏi những tập tục lạc hậu đè nén người phụ nữ chỉ biết xó bếp, góc nhà mà phải biết cách vươn lên tự bảo vệ cuốc sống, bảo vệ hạnh phúc cho riêng mình.

Đặt chân đến Bốt Đỏ, địa danh đầu tiên của huyện vùng cao A Lưới đi từ Huế lên theo Quốc lộ 49, hỏi đến chị Nguyễn Thị Sửu thì mọi người từ trẻ em, người già, người Tà Ôi, Vân Kiều cho đến người Kinh đều biết người phụ nữ nổi tiếng này. Chị không chỉ nổi tiếng bởi học vị của mình, bởi sự miệt mài nghiên cứu văn hóa của người Tà Ôi mà chị còn là người phụ nữ nắm cương vị cao của huyện vùng núi này. Tại Đại hội Đảng bộ huyện A Lưới lần thứ IX, nhiệm kỳ 2006-2010, Kê Sửu đã trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và giữ chức Chánh Văn phòng Huyện ủy, hiện tại chị đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện A Lưới. Hỏi chị với khối lượng công việc “đồ sộ” như vậy, chị phải giải quyết như thế nào để cân bằng cuộc sống gia đình, chị tâm sự: “Gia đình là tế bào của xã hội, với tôi, gia đình còn hơn thế nữa, bởi gia đình là điểm tựa để cho tôi có được thành công như ngày hôm nay, đặc biệt là chồng và con trai tôi. Là một cán bộ quản lý, tôi luôn lập trình các công việc trong ngày, tuần, tháng, năm theo sự kiện để không quá chông chênh hoặc lãng quên điều đáng thực hiện cho gia đình.

 

Ngày 29/06/2009
Nguyễn Võ Hinh
Theo Thụy Khánh (Bản tin KH&CN Thừa Thiên Huế)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn triển khai Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu với phương châm “Nỗ lực hết mình vì người bệnh”


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích