Cách mạng Tháng 8: thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân
Mặt trận Việt Minh, Quốc dân Ðại hội, Chính phủ lâm thời là biểu hiện thành công của sự tập hợp mọi lực lượng có thể hợp tác vì sự nghiệp tối cao của dân tộc. Ðó là sự phát triển mới về sức mạnh chính trị của Việt Nam, thể hiện Ðảng đã hòa với dân tộc, trở thành dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã lật nhào chính quyền tay sai của phát-xít, thực dân, phong kiến, giành chính quyền cách mạng trên cả nước, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 là thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa lịch sử của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Ðó là thắng lợi rực rỡ của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Cách mạng Tháng Tám mở ra kỷ nguyên mới cho Việt Nam: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mở đầu thời đại Hồ Chí Minh, mở đường cho hàng loạt thắng lợi vẻ vang của dân tộc hơn 60 năm qua. Thời cơ lớn để Tổng khởi nghĩa là lúc phát-xít Nhật thua trận. Thời cơ đó đã được Hội nghị Trung ương lần thứ 8 họp tại Khuổi Nậm (Cao Bằng) năm 1941, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ và đã xác định những công việc lớn cần xúc tiến như phát triển lực lượng chính trị, lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, các căn cứ địa. Không có chuẩn bị, không có lực lượng thì không nắm được thời cơ thuận lợi. Nhiều nước ở châu Á năm 1945 cùng đứng trước thời cơ lịch sử này nhưng không nổi dậy được. Rõ ràng nội lực là yếu tố quyết định thắng lợi. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 8 (1941), Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng họp ở Ðình Bảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường-Chinh ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, đã ra chỉ thị "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta!". Chỉ thị ngày 12-3-1945 đã nói rõ: "Dù sao ta không thể đem việc quân Ðồng Minh đổ bộ vào Ðông Dương làm điều kiện tất yếu cho Tổng khởi nghĩa của ta, vì như thế là ỷ lại vào người và tự bó tay trong khi tình thế biến chuyển thuận tiện. Nếu giặc Nhật mất nước, như Pháp năm 1940 và quân viễn chinh Nhật mất tinh thần, thì khi ấy, dù quân Ðồng Minh chưa đổ bộ, cuộc Tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi". Ngày 20-7-1945, tỉnh Quảng Yên; ngày 15-8-1945, tỉnh Quảng Ngãi đã khởi nghĩa thắng lợi. Ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa do Tổng bộ Việt Minh thành lập ra "Quân lệnh số 1", hạ lệnh cho quốc dân đồng bào cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa. Quốc dân Ðại hội họp ở Tân Trào gồm 60 đại biểu bắc, trung, nam và đại biểu kiều bào ở nước ngoài, đại diện các đảng phái, đoàn thể nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, đoàn thể nhân dân, thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Tổng bộ Việt Minh. Ngày 19-8-1945, Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi; đến ngày 25-8-1945, Sài Gòn khởi nghĩa thắng lợi. Như vậy là, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước ta từ bắc chí nam, hầu như đã đồng loạt vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi vẻ vang, tái sinh ra sức mạnh thống nhất của cả nước, của các dân tộc anh em trên dải đất Việt Nam. Thành công của Cách mạng Tháng Tám đã xác định nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi là sự lãnh đạo thống nhất của một Ðảng duy nhất. Việt Nam là một nước trên một dải đất dài, có 54 dân tộc anh em, lại bị thực dân Pháp thực hiện chính sách chia để trị, những thủ đoạn lừa bịp về độc lập giả hiệu, khối đại đoàn kết Ðông Á của phát-xít Nhật mê hoặc, đi đôi với sự đàn áp tàn bạo những người yêu nước, cho nên phải có một Ðảng thống nhất lãnh đạo, vừa kiên cường vượt qua mọi thử thách, vừa thể hiện tập trung ý chí và tầm cao trí tuệ của dân tộc, mới giành được thắng lợi nhanh gọn khi có thời cơ thuận lợi. Ðảng có cơ sở tổ chức trên toàn quốc làm nòng cốt lãnh đạo các địa phương vùng lên kịp thời, chớp được thời cơ "ngàn năm có một" đã giành được chính quyền cách mạng trên cả nước. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám-1945 là sự vùng lên của hàng chục triệu nhân dân cả nước, cả ở rừng núi, nông thôn và thành thị, đập tan chính quyền phản động, mà đòn quyết định cuối cùng là ở các thành thị lớn. Lực lượng cách mạng của quần chúng đã áp đảo lực lượng phản động, làm nổi bật sức mạnh "xoay trời chuyển đất" chưa từng có của khối đại đoàn kết toàn dân tộc từ bắc đến nam. Lực lượng vũ trang cách mạng tuy còn nhỏ nhưng đã là những đội quân xung kích, đã từng đánh Pháp, đánh Nhật với những trận nổi tiếng như Phai Khắt - Nà Ngần, Tam Ðảo, Sơn Dương, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Quảng Yên... Các đội vũ trang cách mạng đã hỗ trợ, bảo vệ quần chúng biểu tình, tuần hành thị uy, tiến công các đồn bốt, các trại bảo an, trấn áp bọn Việt gian, bọn phản động, chiếm các công sở, phá các nhà tù, kho súng. Không có lực lượng vũ trang cách mạng, chính quyền tay sai Nhật không tan rã nhanh chóng, không hạn chế được sự chống đối của kẻ thù cầm súng. Không có lực lượng vũ trang cách mạng không thể làm tăng thêm sức mạnh tiến công của lực lượng chính trị của quần chúng, đưa cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh gọn. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là cuộc khởi nghĩa vũ trang, song lực lượng chính trị của quần chúng có sức mạnh quyết định. Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện nổi bật sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc mới xuất hiện, sau một thời gian dài hàng trăm năm bị phân tán, chia rẽ, xói mòn. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đã mở ra bước ngoặt trong việc tập hợp lực lượng toàn dân tộc ở nước ta. Ngày 20-11-1941, Mặt trận Việt Minh đã nêu rõ mục tiêu là làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do. Mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với tiến bộ xã hội. Ðánh đuổi được Nhật, Pháp, nước ta xây dựng chính thể dân chủ cộng hòa, thực hiện phổ thông đầu phiếu, ban bố các quyền tự do dân chủ, nam nữ bình đẳng, các dân tộc thiểu số có quyền tự quyết, thực hiện giảm tô, chia lại công điền, thực hiện ngày làm 8 giờ, phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, khuyến khích trí thức phát triển y tế, giáo dục, văn hóa văn nghệ, thể dục - thể thao... Mặt trận Việt Minh tập họp mọi lực lượng yêu nước, các đoàn thể cứu quốc, trên nền tảng liên minh công nông và lao động trí óc, đoàn kết với mọi tầng lớp, không phân biệt ngành nghề, sắc tộc, tôn giáo, mọi nhân sĩ, không thành kiến với quá khứ, cùng hợp tác vì mục tiêu cao nhất là độc lập, thống nhất cho đất nước. Quốc dân Ðại hội họp ở Tân Trào là một hình ảnh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc. Trong cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, tại Bắc Bộ Phủ, ta bắt được Ngô Ðình Diệm, muốn ông ta cùng phấn đấu cho nước nhà độc lập, nhưng Diệm từ chối và ta đã trả tự do cho ông ta. Chính phủ lâm thời nước ta lập nên sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, gồm những nhà cách mạng từng trải và các nhân sĩ, trí thức, cả những người từng tham gia chính phủ Trần Trọng Kim theo Nhật. Thực hiện được đại đoàn kết dân tộc là do Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh có chính sách đúng, vừa coi trọng củng cố nền tảng vững chắc là công nông liên minh, vừa ra sức mở rộng Mặt trận, xác định đúng quyền lợi và nghĩa vụ với mọi tầng lớp, phát huy mọi khả năng phục vụ Tổ quốc, không thành kiến, hẹp hòi, lắng nghe các ý kiến khác nhau - coi đó là lẽ thường tình, chỉ trừ những kẻ chống đối, có ý kiến và hành động chống lại nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Mặt trận Việt Minh, Quốc dân Ðại hội, Chính phủ lâm thời là biểu hiện thành công của sự tập hợp mọi lực lượng có thể hợp tác vì sự nghiệp tối cao của dân tộc, của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðó là sự phát triển mới về sức mạnh chính trị của dân tộc Việt Nam, thể hiện Ðảng đã hòa với dân tộc, trở thành dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám. Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công! Khẩu hiệu đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra và thực hiện một cách tuyệt vời trong lãnh đạo cách mạng. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã mở đường cho những thắng lợi vẻ vang của nước ta trong sự nghiệp kháng chiến chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc, trong sự nghiệp đổi mới ngày nay. Thành công của Cách mạng Tháng Tám đã xác định nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi là sự lãnh đạo của Ðảng, đồng thời xây dựng các nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ðó là: - Sự lãnh đạo của một Ðảng duy nhất - lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. - Một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. - Một Mặt trận đại đoàn kết dân tộc. - Một quân đội cách mạng kiên cường chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Mối quan hệ quốc tế gắn liền Việt Nam với thời đại, tiến kịp với thời đại. Tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, đồng thời ủng hộ sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội của các nước.
|