Chiến lược Quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 của Bộ Y tế
Trong tiến trình phát triển đất nước hiện nay, phòng chống tham nhũng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước ta; ngày 23/9/2009, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã phê duyệt Kế hoạch số 880/KH-BYT về triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 của Bộ Y tế. Mục đích và yêu cầu của kế hoạch Mục đích của chiến lược này nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị y tế trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đội ngũ cán bộ viên chức ngành y tế liêm chính; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; củng cố lòng tin của cán bộ, công chức, viên chức y tế và nhân dân, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế phát triển. Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là ngăn chặn làm triệt tiêu các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng trong việc hoạch định chính sách, xay dựng và thực hiện phấp luật, nhất là trong quá trình ban hành và tổ chức thi hành các văn bản áp dụng pháp luật trong ngành y tế. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của các cơ quan hành chính trực thuộc Bộ Y tế, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trên cơ sở xây dựng nền công vụ hiệu quả, minh bạch, phục vụ nhân dân và xã hội với đội ngũ cán bộ viên chức ngành y tế trung thực, công tâm, liêm khiết, tận tụy, chuyên nghiệp và được trả lương hợp lý; các chuẩn mực đạo đức công vụ, y đức, đạo đức nghề nghiệp được trau dồi, giữ gìn và củng cố. Hoàn thiện thể chế, tạo lập môi rường y tế hướng tới sự bình đẳng, công bằng, minh bạch, đảm bảo chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước. Nâng cao nhận thức, vai trò của cán bộ, công chức, viên chức y tế về phòng chống tham nhũng, về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phòng chống tham nhũng; thúc đẩy sự tham gia chủ động của các tổ chức, đoàn thể xã hội, các phương tiện truyền thông và công dân trong nỗ lực phòng chống tham nhũng; xây dựng văn hóa và tạo thói quen phòng chống tham nhũng trong đời sống cán bộ, công chức, viên chức trong ngành y tế. Yêu cầu đảm bảo tính nguyên tắc, định hướng trong việc thực hiện chiến lược và kế hoạch thực hiện chiến lược; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về chiến lược; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, coi trọng công tác phòng ngừa ngăn chặn. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực phát hiện, năng lực xử lý tham nhũng; công tác phòng chống tham nhũng phải được đặt trong mối quan hệ tổng hòa với chương trình tổng thể về cải cách hành chính trong các cơ quan, đơn vị y tế, gắn chặt với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường thực hiện 12 điều y đức, các quy định của pháp luật và của Bộ Y tế về thực hiện Luật phòng chống tham nhũng. | Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã phê duyệt Kế hoạch số 880/KH-BYT về triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 của Bộ Y tế. | Nội dung kế hoạch và tổ chức thực hiện
Nội dung kế hoạch thực hiện chiến lược của Bộ Y tế tập trung chủ yếu vào các khâu tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung chiến lược và các chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng đối với cán bộ viên chức trong ngành y tế và nhân dân. Thực hiện các giải pháp chiến lược tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế trên cơ sở bình đẳng, công bằng, minh bạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong phát hiện, xử lý tham nhũng; nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng chống tham nhũng; theo dõi đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chiến lược; đánh giá, tổng hợp báo cáo, sơ kết việc thực hiện chiến lược. Lộ trình thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống tham nhũng Bộ Y tế từ nay đến năm 2020 được chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn thứ nhất (từ nay đến năm 2011) toàn ngành thực hiện những nhiệm vụ đã đề ra trong kế hoạch thực hiện chiến lược; chủ động đưa các nội dung của chiến lược vào chương trình, kế hoạch hoạt động của mình và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp được nêu trong chiến lược; nâng cao năng lực quản lý, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, tập trung rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tổ chức sơ kết việc thực hiện giai đoạn thứ nhất vào cuối năm 2011; bổ sung, hoàn thiện kế hoạch thực hiện cho phù hợp với yêu cầu của chiến lược ở giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn thứ hai (từ năm 2011 đến năm 2016) phát huy kết quả đã đạt được , tập trung thực hiện nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn thứ hai; thực hiện các giải pháp về hoàn thiện thể chế, tập trung vào những lĩnh vực còn trì trệ, yếu kém; mở rộng các biện pháp phòng ngừa như kiểm soát tài sản, thu nhập của cấn bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng thực thi công vụ, hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng; tổ chức sơ kết việc thực hiện giai đoạn thứ hai vào cuối năm 2016, bổ sung hoàn thiện kế hoạch thực hiện với yêu cầu chiến lược giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn thứ ba (từ năm 2016 đến năm 2020) phát huy kết quả đã đạt được , tập trung thực hiện nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn thứ ba; tiếp tục làm tốt các giải pháp đã đề ra ở giai đoạn trước; triển khai các giải pháp còn lại nhằm đảm bảo thắng lợi các mục tiêu chiến lược đề ra; tổng kết, đánh giá việc thực hiện chiến lược vào năm 2020. Phân công trách nhiệm thực hiện Để thực hiện chiến lược này Bộ Y tế đã giao cho Cục Quản lý khám chữa bệnh đánh giá và đề ra giải pháp khắc phục tình trạng nhũng nhiễu người bệnh, tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế, nêu cao y đức và tinh thần thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế. Cục Quản lý dược đánh giá và hoàn thiện quy trình cấp phép xuất, nhập khẩu thuốc, mỹ phẩm, cấp phép kinh doanh liên quan đến ngành dược, mỹ phẩm. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đánh giá tình hình việc cấp giấy phép liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình và hoàn thiện quy trình cấp phép cho doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến thực phẩm. Cục Y tế dự phòng và môi trường đánh giá tình hình thực hiện các dự án/chương trình đạt hiệu quả, công tác chống dịch bệnh, chuẩn bị, dự báo, vệ sinh môi trường và phòng ngừa bệnh tật. Cục Phòng chống HIV/AIDS đánh giá tình hình thực hiện các dự án/chương trình đạt hiệu quả, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Vụ Pháp chế kiểm tra thúc đẩy việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế; đầu mối triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong ngành y tế, công khai, minh bạch công tác thi đua khen thưởng. Văn phòng Bộ là đầu mối công tác cải cách hành chính, rà soát, quản lý văn bản theo quy định; thực hành tiết kiệm trong quản lý, sử dụng tài sản công, phương tiện, thiết bị, điện nước, hội họp, văn phòng phẩm... Thanh tra Bộ là đầu mối việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thanh tra, kiểm tra kế hoạch và đột xuất theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ; đầu mối tham mưu, giúp việc cho Lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng ban hành các văn bản hướng dẫn về thanh tra, kiểm tra; việc phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm; tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra hướng dẫn việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vụ Trang thiết bị & công trình y tế đánh giá, hoàn thiện việc chuẩn hóa bệnh viện, tiêu chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng nhiệm vụ và hiệu quả, tiết kiệm; xây dựng, hoàn thiện quy trình lập, phê duyệt, quản lý các dự án đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị áp dụng thống nhất. Vụ Kế hoạch tài chính là đầu mối quản lý, xây dựng hoàn thiện quy chế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí áp dụng thống nhất; quy trình thẩm định, xét duyệt quyết toán ngân sách; phân bổ, quản lý sử dụng ngân sách; thẩm định, phê duyệt đề án, dự án, hướng dẫn thống nhất áp dụng. Vụ Tổ chức cán bộ xem xét đánh giá công tác quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm cán bộ; vận hành cơ chế luân phiên, luân chuyển cán bộ; chống tiêu cực trong tuyển dụng, đề bạt; thực hiện quy chế dân chủ, văn hóa trong ứng xử, đạo đức, nghề nghiệp, y đức... Vụ Khoa học đào tạo xây dựng hoàn thiện văn bản hướng dẫn thanh tra tuyển sinh, thanh tra giáo dục cho các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Y tế; xây dựng, hoàn thiện văn bản quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ trong ngành y tế. Vụ Bảo hiểm y tế thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; phòng ngừa tiêu cực, lạm dụng bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh. Vụ Hợp tác quốc tế phòng chống tham nhũng trong việc đoàn ra, đoàn vào; hợp tác quốc tế có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, tiết kiệm; hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng. Tổng cục Dân số & kế hoạch hóa gia đình phòng ngừa tham nhũng trong các chương trình/dự án thuộc lĩnh vực dân số, kế hoạch hóa gia đình. Vụ Sức khỏe bà mẹ-trẻ em phòng ngừa tham nhũng trong các chương trình/dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Vụ Y dược cổ truyền xây dựng, hoàn thiện quy chế cấp phép hành nghề y dược học cổ truyền; thanh tra, kiểm tra lĩnh vực y dược học cổ truyền. Viện Chiến lược và chính sách y tế công khai, minh bạch trong việc xây dựng, hoạch định, trình duyệt, ban hành chính sách, chiến lược của ngành; phòng chống tham nhũng trong việc lập, thực hiện các chương trình/đề án. Các cơ quan Báo sức khỏe & đời sống, Tạp chí Dược học, Tạp chí Y học thực hành, Báo Gia đình & xã hội thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về y tế; phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm; thông tin, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng, các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phòng chống tham nhũng của ngành y tế. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế xây dựng kế hoạch chương trình phòng chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị; xây dựng kế hoạch thường xuyên tự kiểm tra các hoạt động của cơ quan, đơn vị gắn liền với phòng chống tham nhũng; chịu sự chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra của Bộ Y tế về việc thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm-chống lãng phí; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; công khai, minh bạch trong mọi hoạt động tại đơn vị; nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thường xuyên học tập, phổ biến pháp luật phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hệ thống các Sở Y tế xây dựng kế hoạch phòng chống tham nhũng gắn với kế hoạch chung của địa phương, phù hợp với đặc điểm và kế hoạch phòng chống tham nhũng của ngành y tế; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của Bộ Y tế. Muốn phòng chống tham nhũng có hiệu quả ngoài các giải pháp chiến lược nêu trên việc đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong quần chúng nhân dân về biểu hiện và tác hại của tham nhũng và trách nhiệm của xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng; tạo điều kiện để nhân dân tích cực chủ động tham gia vào việc phòng chống tham nhũng là hết sức quan trọng. Bộ Y tế đang hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, những vấn đề bức xúc, nhạy cảm như bảo hiểm y tế, hành nghề y dược tư nhân, y dược học cổ truyền; đấu thầu mua thuốc, hóa chất và vật tư tiêu hao; thu, chi, quản lý sử dụng viện phí, các khoản phí và lệ phí liên quan đến khám chữa bệnh và điều trị, xã hội hóa đầu tư trang thiết bị y tế... Nâng cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong công tác phòng chống tham nhũng. Thực hiện việc khen thưởng những người tố cáo, phát hiện những hành vi tham nhũng; xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, gây rối nội bộ cơ quan đơn vị và ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
|