Hội nghị hợp tác phòng chống sốt rét biên giới Việt-Lào giữa hai tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và Savanakhet (Lao PDA)
Tỉnh Quảng Trị có 156 km đường biên giới giáp nước bạn Lào thuộc địa bàn haihuyện Hướng Hóa và Đăk Rông, một trong những nguyên nhân sốt rét dai dẳng ở huyện Hướng Hóa trong nhiều năm qua là không kiểm soát được bệnh nhân sốt rét giao lưu biên giới. Với sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống sốt rét, ngành y tế tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội nghị phòng chống sốt rét biên giới nhằm tìm ra giải pháp khả thi nhằm khống chế bệnh sốt rét có hiệu quả ở các vùng biên giới. Hội nghị được tổ chức tại huyện Hướng Hóa vào ngày 30/10/2009 với chủ đề “Bàn biện pháp phòng chống sốt rét qua biên giới giữa hai tỉnh Quảng Trị-Savanakhet lần I-2009”. Đến dự Hội nghị về phía ngành y tế Quảng Trị (Việt Nam) có BS. Trần Văn Thành- Giám đốc, TS. Trần Kim Phụng-Phó Giám đốc cùng các chuyên viên thuộc Sở Y tế , Lãnh đạo và chuyên viên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị, Lãnh đạo và chuyên viên Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa, Lãnh đạo Quân y biên phòng đóng tại tỉnh Quảng Trị; về phía ngành y tế tỉnh Savanakhet (Lao PDR) có BS. Phanang-Giám đốc cùng các chuyên viên Sở Y tế, Lãnh đạo và chuyên viên hai huyện Seepon và Mường Nọng thuộc tỉnh Savanakhet; về phía đại biểu Trung ương có TS. Nguyễn Mạnh Hùng-Viện trưởng cùng các chuyên viên Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương , TS. Triệu Nguyên Trung cùng các chuyên viên Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn; về phía cơ quan thông tin đại chúng có Đài phát thanh truyền hình Quảng Trị, Báo Quảng Trị và Trung tâm Truyền thông GDSK thuộc Sở Y tế Quảng Trị cùng một số đại biểu mời có liên quan. | | Toàn cảnh | Hội nghị | Hội nghị đã nghe hai báo cáo tổng quan về tình hình sốt rét 2007-2009 và kế hoạch phòng chống sốt rét 2010-2011 của Sở Y tế tỉnh Quảng Trị-Việt Nam và tỉnh Sở Y tế Savanakhet-Lao PDR; các ý kiến tham luận vàthảo luận của Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa, Quân y bộ đội biên phòng Quảng Trị, Phòng Y tế hai huyện Sêpon và Mường Nọng thuộc tỉnh Savanakhet; ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương và Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn; các ý kiến thảo luận về nội dung hợp tác phòng chống sốt rét biên giới của Lãnh đạo Sở Y tế hai tỉnh Quảng Trị và Savanakhet.
| Đường qua biên giới Việt - Lào | Qua các nội dung báo cáo thấy tình hình bệnh nhân sốt rét Quảng Trị mặc dù có xu hướng giảm qua hai năm: 2007(2.622 ca) và (1.698), nhưng lại có xu hướng gia tăng vào 9 tháng năm 2009 (1.465 ca); trong đó huyện Hướng Hóa luôn chiếm 50% số bệnh nhân sốt rét toàn tỉnh hàng năm và tập trung cao ở các xã vùng biên giới như xã Thanh, xã Xy, xã Lao Bảo, xã Thuận… Để giải quyết tình hình sốt rét ở đây ngành y tế Quảng Trị đã tập trung các biện pháp củng cố màng lưới y tế cơ sở (xã, thôn buôn), tăng cường hoạt động của điểm kính hiển vi trong phát hiện ký sinh trùng sốt rét, điều trị sớm bệnh nhân sốt rét bằng các phác đồ chống sốt rét có hiệu lực cao (ACT), phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét bằng các biện pháp phun tồn lưu hóa chất và tẩm màn, kết hợp quân dân y trong phòng chống sốt rét cho các vùng biên giới, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe và xã hội hóa phòng chống sốt rét bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên tình hình sốt rét Hướng Hóa vẫn diễn biến dai dẳng, đặc biệt là sự bùng phát sốt rét tại xã Xy trong năm 2009 được xác định nguyên nhân do có sự lan truyền tại chỗ đồng thời với việc nhiễm sốt rét ngoại lai do giao lưu biên giới.
Về phía Savanakhet (Lào) chỉ số ký sinh trùng sốt rét rất cao và có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây: 2006 (9,52%), 2007 (7,68%), 2008 (11,5%), 2009 (16,8%); số ca chết do sốt rét: 2006 (14 ca), 2007 (14 ca), 2008 (4 ca), 2009 (5 ca) và tỷ lệ mắc sốt rét/1.000 dân (malaria morbidity rate/1.000) tăng cao trong những năm trở lại đây: 2006 (4,1), 2007 (3,6), 2008 (6,1), 2009 (10,6). Số người có nguy cơ mắc sốt rét hàng năm là 606.652 (chiếm tỷ lệ 68,3%) tập trung cao ở khu vực bien giới giáp Việt Nam. | Nhà dân tộc thiểu số ven vùng biên giới Việt-Lào | Thực tế trong năm 2009, tình hình sốt rét ở cả hai bên đều có xu hướng gia tăng so với năm 2008, trong đó có đến 25% người Lào qua điều trị tại Việt Nam và 30% người Việt nhiễm bệnh sốt rét sau khi đi Lào về. Các biện pháp phòng chống sốt rét cả hai phía Lào và Việt Nam đều tập trung vào các khâu tăng cường giám sát dịch tễ sốt rét, phát hiện bệnh nhân bằng kính hiển vi, test chẩn đoán nhanh (RDT) và điều trị bệnh nhân sốt rét bằng phác đồ phối hợp có gốc Artemisinine (ACT), kiểm soát véc tơ (IBN, LLN), truyền thông giáo dục phòng chống sốt rét (IEC) tuy nhiên chưa có sự phối hợp đồng bộ trong khâu kiểm soát nguồn bệnh do giao lưu biên giới..
Theo kế hoạch đã thống nhất giữa hai Sở Y tế Quảng Trị và Savanakhet, ngay sau Hội nghị này mỗi bên sẽ thành lập một nhóm chuyên gia giúp việc về các nội dung hợp tác phòng chống sốt rét, chủ yếu là kiểm soát nguồn bệnh giao lưu và các thủ tục mang tính pháp lý; các thông tin phòng chống sốt rét giữa hai bên cũng sẽ được chia sẻ thông qua các hội nghị giao ban thường niên, Trang tin điện tử (Website) hoặc Thư điện tử (Email). Trong năm 2009, Sở Y tế Quảng Trị đã có kế hoạch tổ chức Hội nghị hợp tác phòng chống sốt rét lần II với tỉnh Salavan và huyện Tù Muồi (giáp huyện Đăk Rông) để kiểm soát bệnh nhân một cách đồng bộ dọc tuyến biên giới. Các Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng cũng sẽ nỗ lực tìm kiếm nguồn dự án hợp tác quốc tế về phòng chống sốt rét biên giới thông qua sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ủy ban Y tế Việt Nam-Hà Lan (MCNV). Tin rằng với những nỗ lực hoạt động này trong những năm tới đây không những tình hình sốt rét khu vực biên giới Việt-Lào sẽ được cải thiện mà còn nâng cao được mối quan hệ hợp tác y tế và trao đổi kinh nghiệm phòng chống sốt rét giữa hai nước.
|