|
Giáo sư, tiến sĩ toán học Ngô Bảo Châu. |
Giáo sư, tiến sĩ Ngô Bảo Châu Nhà toán học Việt Nam 37 tuổi giải quyết bài toán thế kỷ
"Tổ chức xây dựng những nhóm nghiên cứu khoa học trẻ, năng động, là con đường lâu dài để tổ chức lại, để tạo một sức sống mới cho khoa học nước ta." – GS.TS. Ngô Bảo Châu. Giáo sư, tiến sĩ toán học trẻ tuổi giải quyết bài toán thế kỷ Giáo sư tiến sĩ khoa học Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội, là con trai của GS.TSKH Cơ học chất lỏng Ngô Huy Cẩn, hiện đang làm việc tại Viện Cơ học Việt nam. Mẹ anh là PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền, công tác tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương Việt Nam. Ngô Bảo Châu từng là học sinh Trường Thực nghiệm Giảng Võ, sau đó học tại khối phổ thông chuyên toán trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh đã 2 lần đoạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế tại Australia năm 1988 và tại Cộng hoà Liên bang Đức (1989) và cũng là người Việt Nam đầu tiên giành 2 huy chương vàng Olympic Toán quốc tế và đặc biệt Ngô Bảo Châu là cựu học sinh du học tại Trường sư phạm danh tiếng (École normale supérieure) của Pháp. Hiện, GS Ngô Bảo Châu giữ chức giáo sư Toán tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton (Mỹ), đồng thời vẫn giữ ghế giáo sư của Đại học Tổng hợp Paris XI (Pháp). Anh sống cùng vợ và 3 cô con gái xinh xắn, nhưng luôn luôn bận bịu với những chuyến đi báo cáo về công trình của mình ở khắp mọi nơi trên thế giới. Giáo sư, tiến sĩ toán học Ngô Bảo Châu. | Năm 2004, anh được trao tặng giải Nghiên cứu Clay của Viện Toán học Clay cùng với Gérard Laumon vì đã có chứng minh được Bổ Đề Cơ Bản cho các nhóm Unita. Chiều 5-11-2004 (giờ địa phương), tức sáng 6-11 (giờ Việt Nam), tại giảng đường Đại học Harvard (bang Massachusetts, Mỹ), Viện Toán học Clay đã trân trọng trao Giải thưởng nghiên cứu Clay năm 2004 cho giáo sư Ngô Bảo Châu và giáo sư Gérard Laumon. Trước đó, từ 13 đến 16-10-2004, Ngô Bảo Châu đã đến Canada dự hội nghị quốc tế về các dạng tự đẳng cấu và công thức vết, được tổ chức tại Viện Fields cùng với nhiều nhà toán học nổi tiếng ở các trường ĐH lớn trên thế giới. Ngô Bảo Châu được mời đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể về công trình nghiên cứu dày 100 trang khổ A4 mà anh và giáo sư Gérard Laumon vừa công bố hồi tháng 4.2004 với nhan đề bằng tiếng Pháp: Le lemme fondamental pour les groupes unitaires (Bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita). Công thức vết (trace formula) là một trong những kỹ thuật chính để “công phá” nhiều giả thuyết trong chương trình Langlands (Langlands program), một lược đồ toán học đang được nhiều bộ óc lớn trên thế giới dồn sức từng bước thực hiện. Trước hội nghị ở Canada, Ngô Bảo Châu nhận được một bức thư điện tử của James Carlson, chủ tịch Viện Toán học Clay. Bức thư viết:
Giáo sư Ngô thân mến, Tôi vui mừng báo để ông biết Viện Toán học Clay vừa chọn ông và ông Gérard Laumon là hai người được tặng Giải thưởng nghiên cứu Clay sẽ trao vào ngày 5-11-2004 tại Cambridge, bang Massachusetts trong kỳ họp hằng năm của viện...Năm ngoái, hai người được tặng giải thưởng này là Richard Hamilton và Terry Tao. Năm kia, vinh dự ấy thuộc về Manindra Agrawal và Oded Schramm. Hội đồng cố vấn khoa học của Viện gồm James Carlson, Simon Donaldson, Gregory Margulis, Richard Melrose, Yum-Tong Siu, Andrew Wiles xin gửi đến hai ông lời chúc mừng nồng nhiệt. Tôi cũng muốn gửi tới ông lời mời dự cuộc họp hằng năm của Viện chúng tôi ở Cambridge vào thứ sáu 5-11 để nhận giải thưởng... Kính thư, James Carlson Chủ tịch Viện Toán học Clay |
Đối với Ngô Bảo Châu, bức email này quá bất ngờ! Công trình của anh và giáo sư Laumon chỉ mới được công bố ở dạng tiền ấn phẩm, chưa được phản biện kỹ càng trước khi chính thức đưa lên tạp chí. Thông thường, một công trình khoa học, trước hết, phải được đăng trên tạp chí chuyên ngành hay in trong sách chuyên khảo, để các nhà chuyên môn trên thế giới có cơ hội “săm soi” từng câu, từng chữ trong vòng vài ba năm, xem còn có khiếm khuyết gì cần sửa chữa, bổ sung hoặc bác bỏ hay không, lúc bấy giờ, nếu xứng đáng, mới có thể đem đặt lên bàn làm việc của một hội đồng quốc tế xét tặng giải thưởng. Trong khi công trình của anh chỉ mới đưa lên Internet hồi đầu tháng tư năm nay! Hội nghị kết thúc, anh quay lại vùng Palaiseau, nơi anh vừa dọn nhà tới sau khi nhận chức vụ giáo sư ở Đại học Paris XI. Nhà cửa bề bộn quá! Vợ anh, chị Nguyễn Bảo Thanh, người bạn gái từ thời chuyên toán Trưng Vương, giờ đã một nách ba con gái bé, không người giúp việc. Các bạn anh cứ tưởng anh sống ở Pháp đầy đủ tiện nghi hơn ở Hà Nội nhiều. Thật ra đâu phải thế! Gần chục năm qua hai vợ chồng anh cùng mấy cô con gái bé phải chui rúc - đúng thế - trong một căn phòng chỉ rộng 20m2 do giáo sư Henry Rogemorter nể tình cho ở nhờ. Anh phải làm cái công việc nghiên cứu nhọc nhằn trong tiếng khóc hay cười reo của đám trẻ. Tháng sáu năm nay, sau khi nhận chức vụ giáo sư ở Đại học Paris XI, đồng lương khá hơn, anh mới có thể cùng vợ con dọn đến nhà mới ở vùng Palaiseau, gần trường. Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm Giáo sư tại Việt Nam và trở thành vị Giáo sư trẻ nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Việc công nhận này đã từng gây ra nhiều tranh luận vì khi đó Ngô Bảo Châu chưa có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam. Tuy nhiên đến cuối năm 2009, khi kết quả nghiên cứu khoa học của Giáo sư có tiếng vang lớn trên thế giới thì mọi người đều công nhận chức danh này hoàn toàn xứng đáng với Ngô Bảo Châu. Năm 2008, anh đưa lên Arxiv một chứng minh bổ đề cơ bản cho các đại số Lie. Cuối năm 2009, kết quả chứng minh bổ đề cơ bản Langlands của Giáo sư Ngô Bảo Châu đã được tạp chí "The Time" bình chọn là 1 trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009. Với các công trình khoa học của mình, Giáo sư Châu được mời đọc báo cáo trong phiên họp toàn thể tại Hội nghị toán học thế giới 2010 tổ chức ở Ấn Độ. Hiện anh giữ chức giáo sư Toán tại Đại học Sud Paris XI và làm việc tại Viện nghiên cứu Princeton, New Jersey, Mỹ. Đặc biệt, là một người luôn hướng về quê hương, Giáo sư Châu hi vọng sẽ trở về Việt Nam làm công tác đào tạo trong tương lai gần. Nhận giải thưởng của Viện Toán học Clay năm 2004, là người Việt Nam đầu tiên được mời làm Báo cáo viên toàn thể tại Đại hội toán học Thế giới, đồng thời là ứng viên được đề cử cho giải thưởng danh giá về toán học Fields 2010. Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Ngô Bảo Châu, người mà công trình toán học vừa được Tạp chí Time của Mỹ bình chọn là một trong 10 phát minh tiêu biểu của khoa học thế giới năm 2009, cho BBC Việt ngữ hay ông bất ngờ trước tin này. "Quả thực là tôi bất ngờ. Tôi nghĩ ở đây có thể có một yếu tố ly kỳ nào đó khiến Times quan tâm chăng, vì bài toán này đã được ông Langlands đặt ra cách đây suốt 30 năm như những giả thuyết và người ta đã không chứng minh được nó," "Và bây giờ khi bổ đề cơ bản đã được chứng minh, thì người ta thở phào nhẹ nhõm," Giáo sư Châu nói với BBC hôm 13 tháng 12 từ Hoa Kỳ. Tôi hơi bất ngờ vì tuy công trình của tôi có một tầm quan trọng nhất định, nó hướng tới giới hàn lâm nhiều hơn là tới đại chúng. ”,…."Theo tôi hiểu, Tạp chí Time đã tham khảo ý kiến một số chuyên gia các ngành khác nhau về đâu là những bài toán, công trình khoa học nổi bật của năm và một số người đã đưa công trình của tôi cho Time để họ biết." Ngày 9/12/2009, Tạp chí Time đã xếp công trình chứng minh bổ đề cơ bản chương trình Langlands (gọi tắt là Bổ đề cơ bản) bên cạnh một loạt các phát minh khoa học tiêu biểu có tầm vóc quốc tế và có ảnh hưởng tới lịch sử phát triển của nhân loại. Một số sáng chế khác mà công trình "Bổ đề cơ bản" của Giáo sư Châu được xếp bên cạnh là: “Ardi - thủy tổ của loài người”, “Giải mã gene di truyền ở người”, “Phát hiện nước trên mặt trăng”, “Hệ thống ngoại tuyến nguyên tử”, “Máy gia tốc hạt lớn Mặc dù làm việc ở nước ngoài trong suốt nhiều năm qua, Giáo sư Châu, người từng được được mời làm Giáo sư tại Pháp khi mới 32 tuổi, ứng viên được đề cử cho Giải thưởng Fields 2010, tương đương với "Nobel", trong ngành toán học cũng bình luận và có theo dõi sự kiện Viện Nghiên cứu Phát triển, một Viện nghiên cứu và phản biện chiến lược của tư nhân do Giáo sư Hoàng Tụy và TSKH Nguyễn Quang A đứng đầu. Công trình của giáo sư toán học Ngô Bảo Châu - tài năng toán học xuất chúng của Việt Nam - năm nay được tạp chí uy tín Time vinh danh là một trong 10 phát hiện khoa học tiêu biểu nhất 2009 trên thế giới. Bảo Châu đã chứng minh được trường hợp tổng quát của bổ đề cơ bản trong Chương trình Langlands, điều mà các nhà khoa học thế giới phải chờ đợi 30 năm mới thành sự thực. Chương trình Langlands là một lý thuyết đầy tham vọng nhằm kết nối hình học và số học – hai nhánh quan trọng trong toán học. Công trình nghiên cứu của Bảo Châu đã "bắc một cây cầu cho biết bao nhà khoa học", như lời nhận xét của Time. Công trình của GS.TS toán học Ngô Bảo Châu là một kỳ tíchTheo Dân trí cho biết “Bổ đề cơ bản” - một điểm mấu chốt trong “Chương trình Langland” được ước tính sẽ đòi hỏi công sức của nhiều thế hệ các nhà toán học mới có thể hoàn thành. Nhưng thật bất ngờ, GS Ngô Bảo Châu đã chứng minh được nó sau chỉ 15 năm nghiên cứu và công trình chứng minh đó của GS toán học Ngô Bảo Châu vừa được tạp chí danh tiếng The Time (Mỹ) bình chọn là 1 trong 10 khám phá khoa học tiêu biểu của năm 2009. GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam vui mừng cho biết: “Giới toán học thế giới ít ai có thể ngờ rằng, Bổ đề cơ bản lại được chứng minh một cách chóng vánh như vậy. Đó là một kỳ tích, thành tích vĩ đại của nền Toán học. Bổ đề này không chỉ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển Toán học mà còn liên quan đến những ngành khác, đặc biệt là Vật lý lý thuyết”. Theo GS Hoa, để thấy tầm quan trọng của Bổ đề cơ bản của Chương trình Langlands, ta chỉ cần nhớ lại sự kiện Andrew Wiles đã chứng minh được Định lý lớn Fermat cách đây 15 năm - một định lý nổi tiếng mà sau hơn 300 năm nghiên cứu của nhiều thế hệ toán học lừng danh trên thế giới mới được giải quyết. Theo một nghĩa nào đó, thành công của Wiles dựa trên việc chứng minh được một trường hợp riêng của Bổ đề cơ bản. Nhờ đó Andrew Wiles đã được trao một Đĩa bạc đặc biệt tại Đại hội Toán học thế giới năm 1998, được xem như Giải thưởng Fields (Giải thưởng Fields chỉ trao cho nhà toán học không quá 40 tuổi, mà khiđó Wiles đã 45 tuổi, nên Liên đoàn toán học trao Đĩa bạc đặc biệt để tránh vi phạm luật).
| Giáo sư Gérard Laumon (trái) và giáo sư Ngô Bảo Châu tại Paris (Pháp) mùa hè 2004 |
Dưới tên là Bổ đề cơ bản, nhưng đây là một Giả thuyết tức là một dự đoán - do Robert Langlands đưa ra vào những năm 60 và sau đó được diễn đạt dưới dạng tổng quát trong một công trình chung của Robert Langlands và Diana Shelstad vào những năm 70. Do vai trò đặc biệt quan trọng của Bổ đề cơ bản, rất nhiều nhà toán học tài ba đã tập trung sức lực tấn công nó và đã chứng minh được một số trường hợp riêng. Trường hợp riêng quan trọng nhất lại cũng chính do Ngô Bảo Châu cùng thầy hướng dẫn luận án Tiến sĩ của mình là GS. Gerard Laumon chứng minh vào năm 2004. “Chỉ với” kết quả riêng đó, năm 2004 hai nhà toán học này đã được trao một trong những giải thưởng danh giá trong Toán học là Giải thưởng Clay. Tuy nhiên, để chứng minh trọn vẹn Bổ đề cơ bản thì nhiều người nghĩ rằng phải cần một thời gian dài nữa. Nhưng với Ngô Bảo Châu thì không! Sau công trình đạt Giải thưởng Clay, đã mạnh dạn theo đuổi con đường của mình và đã tìm ra chìa khóa để giải nó. Năm 22 tuổi, khi đó đang du học bên Pháp tại trường đại học danh giá nhất nước Pháp, Ngô Bảo Châu đã “bập” ngay vào đề tài nghiên cứu khó nhất. Đó là một phần của Chương trình Langlands. Như vậy, mặc dù còn rất trẻ (năm nay GS Ngô Bảo Châu 37 tuổi), nhưng anh đã có 15 năm nghiên cứu vấn đề này. Bằng tài năng xuất chúng của mình, trong thời gian học tập, nghiên cứu và làm việc cật lực, Anh đã đưa ra nhiều ý tưởng mới độc đáo, liên tục làm cho giới Toán học ngạc nhiên. Đỉnh điểm là đầu năm 2008, GS Châu công bố một chứng minh hoàn chỉnh cho bổ đề cơ bản trong trường hợp tổng quát cho các đại số Lie. Lúc đầu công trình “chỉ khoảng” 150 trang. Sau khi lược bỏ bớt những điều không phục vụ trực tiếp cho chứng minh Bổ đề cơ bản và diễn giải chi tiết hơn, công trình dài thành 188 trang! Dù ý tưởng chứng minh rất rành rọt, các nhà Toán học đầu đàn phải mất hơn 1 năm để kiểm chứng các chi tiết của nó! Đây là một kỳ tích vĩ đại của nền toán học thế giới - GS Hoa khẳng định và không ai nghi ngờ điều đó. Ngay giới Toán học Việt Nam cũng được hân hạnh biết điều này từ hơn một năm trước, khi GS Châu báo cáo tóm lược ý tưởng của công trình này tại Đại hội Toán học Việt Nam lần thứ 7 tại Quy Nhơn vào tháng Tám năm 2008. Cho nên việc anh được tôn vinh không có gì bất ngờ. Thế nhưng việc được tạp chí “The Time”đưa vào bình chọn là một trong 10 khám phá khoa học quan trọng nhất của năm 2009 thì quả là ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi vì rất ít khi một công trình Toán học được Times để ý đến! Lần gần đây nhất Times để ý đến Toán học chính là xếp Công trình của nhà Toán học Nga Perelman - người được Giải thưởng Fields năm 2006 là thành tựu quan trọng nhất trong lĩnh vức khoa học công nghệ năm 2006. Mặc dù ở nước ngoài và bận bịu như vậy, nhưng GS Châu luôn luôn quan tâm tới nền Toán học Việt Nam. Anh cũng nhận lời làm thành viên đặc biệt của Viện Toán học. Mỗi khi về nước thăm gia đình hay làm việc, anh đều lên Viện làm việc. Dĩ nhiên Viện bố trí phòng làm việc riêng cho Anh, và trả lương như lương của các giáo sư khác (tức khoảng 5 triệu một tháng thực tế làm việc!). Có lần như hè năm 2008 tức là ngay sau khi chứng minh xong Bổ đề cơ bản - anh đã về dạy hơn 2 tháng. Còn thường ngày, anh vẫn trao đổi e-mail với nhiều cán bộ của Viện để trao đổi khoa học hoặc bàn chuyện đào tạo, phát triển Toán học, …Cùng với Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Ngô Bảo Châu được coi là ngôi sao sáng của nền toán học Việt Nam đương đại. Có thể nói công trình của Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon là một bước phát triển tiếp sau công trình của Andrew Wiles chứng minh định lý cuối cùng của Fermat (được tặng Giải thưởng Wolfskehl năm 1997 và Giải thưởng nghiên cứu Clay năm 1999), cũng như công trình của người bạn anh, Laurent Lafforgue, về công thức vết (được tặng Giải thưởng nghiên cứu Clay năm 2000 và huy chương Fields năm 2002). Có lẽ cũng nên nói thêm điều này: bên cạnh Ngô Bảo Châu, nhiều bạn trẻ nước ta trước đây từng đoạt huy chương Olympic toán quốc gia, quốc tế, hiện đang là những giáo sư, tiến sĩ toán, vật lý có tên tuổi ở Mỹ, Pháp, Đức, Ba Lan, như Vũ Kim Tuấn, Phạm Hữu Tiệp, Lê Tự Quốc Thắng, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Tiến Dũng, Phan Thị Hà Dương, Ngô Đắc Tuấn, Phạm Lê Kiên, Lê Hồng Vân, Nguyễn Hồng Thái...Nhiều học sinh chuyên toán ngày nào còn ở tuổi trăng tròn lẻ, nay đang giữ trọng trách tại nhiều cơ quan khoa học và giáo dục nước ta như Ngô Việt Trung, Đào Trọng Thi, Trần Văn Nhung, Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn Đông Anh, Hoàng Lê Minh, Vũ Đình Hòa, Lê Tuấn Hoa, Hoàng Ngọc Hà, Lê Hải Khôi, Hà Huy Bảng, Nguyễn Đình Công, Lê Bá Khánh Trình... Viện Toán học Clay được thành lập năm 1998 tại Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ. Ngoài việc tài trợ các nhà toán học, mở các trường mùa hè, các hội nghị, hội thảo chuyên đề về toán học, viện còn đặt ra hai loại giải thưởng: -Giải thưởng đặc biệt, mỗi giải 1 triệu USD, dành cho việc giải quyết bảy bài toán thiên niên kỷ do viện lựa chọn. -Giải thưởng hằng năm dành cho những thành tựu toán học đặc biệt xuất sắc, mỗi năm một hoặc hai giải. Sáu năm qua, giải thưởng hằng năm của Viện Clay đã được trao cho các nhà toán học xuất sắc: Andrew Wiles (1999), Alain Connes và Laurent Lafforgue (2000), Edward Witten và Stanislav Smirnov (2001), Oded Schramm và Manindra Agrawal (2002), Richard Hamilton và Terence Tao (2003), Gérard Laumon và Ngô Bảo Châu (2004). Hội đồng xét giải thưởng bao gồm nhiều nhà toán học danh tiếng, trong đó có Andrew Wiles, người đã chứng minh thành công định lý cuối cùng của Fermat, một thách đố từng làm bối rối những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại suốt 358 năm! Chính Andrew Wiles đã tiến cử Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon nhận giải thưởng năm nay về công trình bổ đề cơ bản cho các nhóm unita... |
GS.TS. Ngô Bảo Châu: Cần nhất là "thổi lại" tinh thần hiếu học"Tổ chức xây dựng những nhóm nghiên cứu khoa học trẻ, năng động, là con đường lâu dài để tổ chức lại, để tạo một sức sống mới cho khoa học nước ta." - GS Ngô Bảo Châu. Ngày 9/12, Tạp chí "Thời đại" (Time) đã xếp công trình chứng minh Bổ đề cơ bản chương trình Langland của GS Ngô Bảo Châu là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu nhất năm 2009. Với phát minh này, Ngô Bảo Châu hiện là ứng viên sáng giá cho giải thưởng toán học danh giá nhất trên thế giới - giải thưởng Fields. Theo GS. TS Ngô Việt Trung: "Chương trình Langland là một chương trình toán học đồ sộ nhằm thống nhất hình học và số học. Bổ đề cơ bản là cơ sở cho việc xây dựng một lý thuyết toán học theo chương trình Langland. Nhiều nhà toán học đã tiến hành những nghiên cứu dựa trên việc công nhận trước Bổ đề cơ bản. Với việc chứng minh Bổ đề cơ bản, có thể nói Ngô Bảo Châu đã đưa chương trình Langland bước sang một trang mới. Bổ đề cơ bản đã tồn tại hơn 30 năm mà không có ai chứng minh được. Nó khó đến nỗi mà khi Ngô Bảo Châu và thầy của mình là GS Laumon mới giải quyết được một trường hợp đặc biệt thì Bảo Châu và GS Laumon đã được nhận giải thưởng Clay (năm 2004). Đây là một trong những giải thưởng danh giá nhất về toán học trên thế giới. Ngô Bảo Châu còn nhận được giải thưởng của Viện Nghiên cứu Toán học Oberwolfach dành cho các nhà toán học trẻ chấu Âu (2007) và giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (2008). Sau khi giải quyết được một trường hợp đặc biệt, Ngô Bảo Châu đã tập trung tâm trí để chứng minh Bổ đề cơ bản một cách tổng quát. Thực tế là nhà toán học này đã hoàn thành công trình của mình năm 2008. Nhưng để kiểm chứng công trình gần 200 trang này, các nhà toán học đã mất gần một năm để có thể hoàn toàn khẳng định chứng minh của Ngô Bảo Châu là đúng. Với công trình này, Ngô Bảo Châu là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho giải thưởng toán học Fields danh giá. Đây là giải thưởng toán học được ví với giải Nobel (không có giải Nobel trong lĩnh vực toán học), nhưng 4 năm mới tổ chức một lần và chỉ dành cho các nhà toán học dưới 40 tuổi. Đại hội toán học thế giới năm 2010 sẽ bỏ phiếu để trao tặng giải thưởng này. Ngô Bảo Châu cũng đã được mời làm báo cáo toàn thể tại Đại hội này." Nhân dịp này, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với vị GS trẻ tuổi Ngô Bảo Châu. - Thưa GS Ngô Bảo Châu, cách đây nhiều năm, khi học sinh VN có những giải toán quốc tế đầu tiên, tại một hội nghị của ngành GD về đào tạo học sinh giỏi, tôi bị ám ảnh (cho tới tận giờ), câu nói của GS Hoàng Xuân Sính: Ngay cả trên thế giới, có rất ít học sinh giỏi toán trên con đường phát triển trở thành "nhà toán". Bằng thực tiễn trải nghiệm ở các môi trường sống và nghiên cứu khác nhau, GS có nhận xét gì về sự "khắc nghiệt" của hành trình này? Ở bậc phổ thông, hiện vẫn chỉ có toán và văn là hai thước đo chính cho học sinh. Khó mà khác được. Vì ta phải giúp trẻ nhỏ hình thành một nhân cách, phát triển một tư duy chính xác, để rồi đối mặt với một cuộc sống ngày một khó khăn phức tạp. Ở mức độ cao hơn, ai cũng sẽ phải học cho mình một cái nghề và cuộc sống thì muôn màu muôn vẻ. Tất cả học sinh giỏi toán mà đi học toán cả thì gay go. Tôi nghĩ là xã hội cần nhiều người có tư duy mạch lạc, chính xác hơn là nhiều nhà toán học chuyên nghiệp. -"Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Câu tổng kết của người xưa ứng với mọi quốc gia, đòi hỏi quốc gia nào cũng phải có chiến lược đào tạo người tài. GS có thể cho biết một vài nét rất cơ bản về chiến lược này ở Pháp, Mỹ? Tôi chỉ xin phép bàn về người tài theo khía cạnh học thuật. Ở cả Pháp và Mỹ, bên cạnh việc phổ cấp hóa đại học, người ta vẫn coi việc giữ gìn một số cơ sở đào tạo nhóm người ưu tú là câu chuyện sống còn. Ở Pháp có trường Normale, trường Polytechnique. Ở Mỹ có Harvard, Yale, Princeton và một số trường khác. Mỗi một con người, dù ưu tú đến đâu, cũng chỉ có thể đóng góp cho sự tiến bộ của khoa học, của tri thức vào một thời điểm nhất định. Trong cuộc sống, ai cũng phải chịu một số ràng buộc nhất định, về tiền nong, về hành chính và vô số những cái khác. Tôi thấy ở Pháp, và đặc biệt là ở Mỹ, người ta rất ý thức trong hạn chế tối đa những ràng buộc kể trên nếu họ nhìn ra cái khả năng của anh tạo ra một bước tiến cho khoa học. Chuyện chênh lệch trong xã hội là tất yếu và theo tôi là chấp nhận được trong chừng mực không vi phạm đến phẩm giá của mỗi người. Nếu biết tổ chức tốt, chính sự chênh lệch xã hội tạo nên một động lực rất lớn cho sự phấn đấu của mỗi người. Trong thế giới học thuật, ít nhất là đến một chừng mực nào đó, ai cũng hiểu được rằng, để tiến bộ anh không có lựa chọn nào khác là giữ gìn một tinh thần học tập toàn vẹn, trong sáng, và phấn đấu không mệt mỏi. - Ở nước ta, hệ thống trường chuyên tạo nguồn đào tạo người tài phát triển đã gần 45 năm, mỗi năm, ngành GD chọn lựa trong số đó một số ít em đi thi quốc tế, giật giải; nhưng nhiều ý kiến nhận xét đó vẫn là cách luyện gà nòi, là giải pháp tình thế. Ý kiến của GS về nhận xét đó là đúng hay sai? Tôi nghĩ nhận xét này sai hoàn toàn. Thật ngây thơ khi ta đưa chuyện giật giải quốc tế của một học sinh lên thành một thành tích của ngành giáo dục. Nhưng không phải là giải quốc tế không có ý nghĩa: Nó là một một sự khuyến khích rất lớn để các bạn trẻ cố gắng học giỏi hơn. Học nghiêm túc là một việc rất khó nên cần được xã hội khuyến khích. Đối với một quốc gia, việc đào tạo một nhóm người ưu tú (gà nòi) là chuyện sống còn. Nhưng những người được đào tạo như gà nòi, thì lại hoàn toàn không nên chấp nhận cái thân phận gà nòi của mình. - Nếu được giao trọng trách đào tạo người tài cho đất nước, GS sẽ ưu tiên chọn giải pháp nào? GS sẽ bắt đầu từ đâu? Và theo ông, đào tạo ĐH VN hiện nay cần sự thay đổi gì nhất? Nếu chỉ nói một câu, tôi chỉ xin thưa rằng cái cần làm nhất là thổi lại cái tinh thần hiếu học của con người Việt Nam. Theo nhận xét của tôi, cái tinh thần này đã bị mai một nhiều rồi đấy. Phải đặt lại việc học tập lên vị trí cao nhất ít nhất trong môi trường nhà trường. Người Do Thái lang thang vạn dặm cả ngàn năm nay. Nhưng họ vẫn nâng niu cái truyền thống giảng kinh Talmud của họ. Họ biết yêu cái việc học, học để mà học, vì học hỏi là lẽ sống. Đó là một phần lý do tại sao ta thấy nhiều nhà khoa học, nhà tư tưởng, nghệ sĩ gốc Do Thái xuất sắc như thế. Làm sao để con em ta biết yêu việc học một cách vô tư, độc lập với chuyện miếng cơm manh áo, độc lập với cái mong ước (không có gì đáng chê) của cha mẹ là con mình trở thành bác sĩ, kỹ sư luật sư ... Để thực hiện việc thượng tôn học tập, việc cần làm đầu tiên là xây dựng lại vị trí xã hội của người thầy. Việc cải cách chính sách lương bổng cho giáo viên là cấp thiết hơn nhiều so với việc viết lại sách giáo khoa, mua lại chương trình giảng dạy ở nước ngoài. Toán học khoẻ mạnh phải mở rộng cửa - Được biết, nước ta đã có chính sách "trải thảm đỏ" để đón người tài là Việt kiều về nước đóng góp. Tuy nhiên, thực chất chính sách này tỏ ra không hiệu quả lắm. Theo GS vì sao? Vì chính sách lương bổng, môi trường hay cơ chế làm việc không phù hợp? Có hai cách tuyển người. Một là tuyển những người đã thành danh: Việc này tốn rất nhiều tiền, vì mình phải trả họ ít nhất tương đương với mức lương của họ đang được hưởng ở nước ngoài. Việc này nên làm nhưng chắc chắn phải rất hạn chế một là vì ngân sách, hai là vì sự chênh lệch quá lớn về ưu đãi giữa cán bộ vẫn làm việc trong nước và cán bộ được tuyển từ nước ngoài về lâu dài sẽ gây mâu thuẫn. Cách thứ hai là phát hiện ra những nhà khoa học trẻ, vào cỡ tuổi sau PhD, đã trải qua hai năm PostDoc. Ta cần biết cách ưu đãi họ, bằng đồng lương xứng đáng với tài năng của họ, tương ứng với vị trí xã hội, ưu đãi về nhà cửa và điều kiện để tổ chức một nhóm nghiên cứ khoa học. Tổ chức xây dựng những nhóm nghiên cứu khoa học trẻ, năng động, là con đường lâu dài để tổ chức lại, để tạo một sức sống mới cho khoa học nước ta. Tôi cho là mô hình thứ hai là mô hình cần được nhân rộng. Liệu có thể đặt một qui tắc cấp kinh phí mới làm sao cho các trường đại học buộc phải đấu tranh để dành được về mình những cá nhân ưu tú nhất. Như thế sớm muộn, các trường đại học từ trung ương đến địa phương sẽ tìm tự ra cách riêng của họ để lôi kéo về cho mình những nhóm nghiên cứu có triển vọng. Câu chuyện này không có gì mới, đấy là cách người ta tổ chức khoa học khắp nơi trên thế giới. Làm sao cho trong đầu các ông hiệu trưởng, trưởng khoa, việc lôi kéo được giảng viên giỏi về cho trường, cho khoa mình, trường mình những nhà khoa học trẻ có triển vọng, cũng quan trọng không kém việc xây dựng cơ sở vật chất. Và tôi nghĩ chúng ta cần có ý thức lập nên một qui trình đề đào thải một cách triệt để tất cả những hiện tượng hữu danh vô thực. Điển hình là việc phong giáo sư như phong phẩm hàm quí tộc theo hình thức hiện nay. Tôi có được phong giáo sư vào năm 2005. Tất nhiên là tôi rất hãnh diện về sự công nhận của các đồng nghiệp trong nước. Nhưng cho đến thời điểm này, tôi vẫn tự thắc mắc rằng liệu việc tôi chấp nhận học vị giáo sư có phải là một sai lầm hay không. - GS thường xuyên về VN giảng dạy, theo GS, toán học VN đang đứng ở đâu? Và để có những nhà toán học VN thực thụ, nhà nước cần có chính sách gì với họ? Nếu so với các nước trong khu vực, thì chúng ta có vẻ bị tụt hậu. Cả một mảng toán ứng dụng rộng lớn hình như hoàn toàn bị lãng quên từ ứng dụng của xác suất, của phương trình vi phân và phương trình đạo hàm riêng, cho đến ứng dụng của số học và đại số vào khoa học máy tính. Toán học khỏe mạnh phải mở rộng cửa để đón nhận các câu hỏi, các gợi ý, ý tưởng từ vật lý, khoa học vật liệu, khoa học máy tính và các ngành khoa học khác. Để duy trì và cải thiện vị trí của toán học VN, ta vẫn phải tiếp tục gửi sinh viên giỏi ra nước ngoài đào tạo PhD, nhưng phải bắt đầu suy nghĩ cách cuốn hút họ trở về nước sau khi bảo về, và qua hai, ba năm postdoc. Có thể theo hình thức tổ chức các nhóm khoa học trẻ như tôi trình bày ở trên. Mặt bằng chung về trình độ của giáo viên đại học toán, và thực ra của tất cả các ngành khác, cần được cải thiện. Có người đăt ra cái ý kiến khôi hài là các cán bộ hành chính của Hà Nội cần có bằng tiến sĩ. Vậy tại sao ta lại dè dặt trong việc đòi hỏi tất cả giảng viên đại học phải có bằng tiến sĩ. Ngô Bảo Châu làm rạng danh người Việt Theo tạp chí The Time, một tạp chí nổi tiếng quốc tế, vừa xếp công trình của nhà toán học người Việt Nam Ngô Bảo Châu đứng thứ 7 trong 10 sự kiện khoa học nổi bật thế giới năm 2009. | GS Ngô Bảo Châu (hàng đầu bìa phải) tại buổi nhận giải thưởng Clay năm 2004 - Ảnh tư liệu |
Giải Nobel của toán học ? Như nhiều người đã biết, giải thưởng Nobel về khoa học tự nhiên chỉ dành cho các phát minh xuất sắc trong vật lý, hóa học, sinh học. Không có giải thưởng Nobel cho toán học vì trong di chúc của Nobel, ông không ghi điều đó. Tại sao A. Nobel lại loại các nhà toán học ra khỏi giải thưởng mang tên ông? Sinh thời, GS Lê Văn Thiêm kể một mẩu giai thoại nói rằng bà vợ của Nobel trót có mối cảm tình “vượt quá giới hạn tình bạn” với một nhà toán học Thụy Điển, do vậy mà Nobel “ghét lây” cả giới toán học thế giới! Để bổ khuyết tình trạng không công bằng ấy, giới toán học quốc tế lấy tên nhà toán học người Canada J. C. Fields (1863-1932) đặt cho một giải thưởng mới, dành riêng cho toán học, gọi là Huy chương Fields, được coi có giá trị ngang giải thưởng Nobel, thậm chí còn có phần khó hơn vì bốn năm mới tặng Huy chương Fields một lần vào dịp đại hội toán học thế giới, và người được nhận bắt buộc phải dưới 40 tuổi, trong khi giải thưởng Nobel không hạn chế tuổi. Nói chung, quy định độ tuổi như vậy là hợp lý bởi vì các nhà toán học thường có phát minh lớn ngay khi tuổi còn rất trẻ. Tuy nhiên cũng có ngoại lệ rất đáng tiếc. Năm 1994, khi công bố công trình hoàn chỉnh chứng minh định lý cuối cùng của Fermat thì Andrew Wiles đã 41 tuổi. Vì quy định ngặt nghèo về độ tuổi đó mà gần đây một số giải thưởng lớn về toán học đã được lập ra thêm, không hạn chế tuổi, như giải thưởng Abel, giải thưởng Clay. "Có hai kỹ năng sống mà tôi mất nhiều thời gian mới học được. Một là cách khen ngợi người khác thật lòng, khen vô tư, không có ý gì ở đằng sau. Hai là cách tiếp nhận lời khen: phải trân trọng nó như một món quà nho nhỏ của cuộc sống. Nhưng không nên đặt quá nhiều quan trọng vào một lời khen: không phải vì người ta khen mình một câu mà bỗng nhiên mình trở nên thông minh hơn. Nếu cái tin giật gân này cũng đem đến cho bạn một chút vui, một chút tự hào, thì đó là điều tôi mong muốn nhất. Nhưng tôi cũng mong các bạn giúp tôi giữ gìn nó như một cái gì mong manh dễ vỡ, kẻo cái vui nhỏ lại hóa thành một cái dềnh dàng phiền phức". GS.TS. NGÔ BẢO CHÂU |
Sự mến phục của đồng nghiệp Đánh giá về thành công của Ngô Bảo Châu, GS Ngô Việt Trung - viện trưởng Viện Toán học VN, viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba - nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn: “Đầu năm 2004 Ngô Bảo Châu và GS Gérard Laumon đã làm nên “một quả bom tấn” khi công bố kết quả đột phá về bổ đề cơ bản trong chương trình langlands, gây tiếng vang lớn trong giới toán học thế giới. Với kết quả ấy, anh và GS Laumon được tặng giải thưởng Clay danh giá. Đầu năm 2007, anh lại gây xôn xao khi giải quyết hoàn toàn bổ đề cơ bản. Với những thành công như thế, anh được Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton của Mỹ, nơi tập trung rất nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, mời sang làm việc dài hạn”. GS Ngô Việt Trung coi GS Ngô Bảo Châu là “một ngôi sao sáng trên vòm trời toán học VN” và kết luận: “Chúng ta có cơ sở để hi vọng anh Ngô Bảo Châu được tặng một trong những giải thưởng cao quý nhất của toán học là Huy chương Fields”. Cách đây không lâu, trò chuyện với GS Lê Tuấn Hoa - chủ tịch Hội Toán học VN, tôi được biết GS Ngô Bảo Châu đã được chính thức mời đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể đại hội toán học thế giới sẽ họp tại Ấn Độ năm 2010. Theo GS Hoa, giới toán học VN hiện đang nóng lòng chờ đợi tin GS Ngô Bảo Châu được tặng Huy chương Fields. Nếu điều dự báo của vị chủ tịch Hội Toán học Việt Nam xảy ra, đó sẽ là một sự kiện khoa học rất lớn bởi vì ngay cả Trung Quốc, với 1.3 tỉ dân, cũng chưa có nhà toán học nào giành được vinh dự khoa học cao quý ấy. Hàn Quốc, Singapore mặc dù khoa học và công nghệ phát triển hơn ta rất nhiều nhưng vẫn chưa có ai đoạt Huy chương Fields.
|