|
Nữ anh hùng dân tộc thiểu số Pa cô Hồ Kan Lịch. |
Nữ anh hùng Pa cô giữa đời thường
Câu chuyện huyền thoại về người nữ Anh hùng dân tộc thiểu số Pa cô Hồ Kan Lịch lần đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường bộ binh ở phía Đông dãy Trường Sơn hùng vĩ cách đây hơn 40 năm và đã 7 lần được gặp Bác Hồ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, dường như hôm nay vẫn còn được viết tiếp, bởi theo bà "Đối với người phụ nữ, trong chiến tranh càng anh hùng bao nhiêu thì ngày nay trong thời hòa bình, họ phải đảm đang việc nhà, việc xã hội bấy nhiêu..." Những năm tháng không thể nào quên Hồ Kan Lịch sinh năm 1943, là một trong những nữ Anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên trên dải Trường Sơn. Bà là người dân tộc Pa cô, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Kan Lịch tham gia cách mạng từ năm 1958, lúc đầu làm liên lạc chuyển công văn, thư từ cho cán bộ, du kích trong xã. Năm 1961, bà thoát ly, tham gia đội du kích Hồng Bắc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà đã lãnh đạo đội du kích Hồng Bắc gồm 160 người trực tiếp đánh 49 trận lớn nhỏ. Đặc biệt, năm 1964, đội du kích của bà đã bắn rơi máy bay Mỹ. Trận đó, Hồ Kan Lịch cùng 4 chiến sĩ trong đội du kích vào phục sát sân bay A Lưới. Các chiến sĩ du kích đã nhịn đói, nhịn khát giữa đồi tranh nắng cháy, kiên trì mai phục suốt 3 ngày. Khi máy bay của địch cất cánh tại sân bay A Lưới chở quân lính đi càn, Hồ Kan Lịch đã dùng súng trường bắn trúng két xăng khiến máy bay bốc cháy cách nơi xuất phát khoảng 1 km, 60 lính và 1 đại tá Mỹ đi trên máy bay bị tiêu diệt. Chỉ tính riêng từ năm 1961-1965, bà đã trực tiếp tiêu diệt 150 tên địch, thu giữ nhiều phương tiện chiến tranh. Với những thành tích xuất sắc trên, bà đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vào tháng 7 năm 1967. Cũng từ cuộc chiến đấu đó tại quê hương, tình yêu giữa nữ anh hùng Kan Lịch và ông Hồ Xuân Chiến, nguyên là sĩ quan quân đội thuộc Binh đoàn Trường Sơn, đã được nhen nhóm dọc đường mòn Hồ Chí Minh và trải qua rất nhiều thử thách, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua. Hai người quen nhau năm 1959, đến tháng 4/1964, gia đình hai bên tổ chức cưới vắng mặt cô dâu, chú rể. Phải sau hơn 5 năm, đến tháng 12/1969, hai vợ chồng mới chính thức được gặp mặt nhau khi cùng ra Hà Nội học. Năm 1971, tức là sau 7 năm kể từ ngày cưới, vợ chồng Kan Lịch mới có đứa con đầu lòng. Khi được hỏi về cơ duyên nào hai ông bà quen biết nhau và nên vợ thành chồng, ông Hồ Xuân Chiến cười nói: Bữa ấy trên đường hành quân, thấy một cô gái đi cùng đường khá đẹp nên thấy mến luôn. Khi đơn vị dừng chân ở làng, không ngờ lại gặp người con gái ấy. Từ đó toàn xa thôi, nhớ nhung hay có gì muốn kể đều chỉ viết thư cho nhau. Hầu như tuần nào hai người cũng viết thư cho nhau... Còn Hồ Kan Lịch thì cho biết: Chúng tôi không biết có gặp lại nhau nữa không, nhưng cứ nghĩ khi thống nhất nước nhà sẽ hay. Lúc đó nếu ông ấy đã đi lấy vợ thì tôi đi lấy người khác, vậy thôi. Có lẽ nhờ tình yêu nảy nở trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ tuổi 17 ấy mà vợ chồng người nữ Anh hùng Kan Lịch đã hạnh phúc bên nhau suốt đời và trở thành điểm tựa vững chắc cho cả một đại gia đình với hàng chục thành viên. Và cuộc sống đời thường sau chiến tranh Ngoài hai con và bố mẹ chồng, gia đình Kan Lịch liên tiếp nhận thêm chín thành viên khác. Thương cảm trước hoàn cảnh người em chồng, vốn là bộ đội tại chiến trường Campuchia về bị bệnh và mất, người em dâu đi lấy chồng mới, bà đã nhận hai đứa cháu về nuôi. Năm 1995, người chị dâu khóc chồng đến nỗi mù cả hai mắt khi chồng bà bị chết đột ngột để lại 6 đứa con. Gánh nặng gia đình người anh chồng một lần nữa dồn cả lên gia đình Kan Lịch. Bà đã cưu mang cả người chị dâu mù cùng 6 đứa con còn thơ dại. Có lúc đại gia đình của Kan Lịch lên đến 15 miệng ăn. Với đồng lương eo hẹp của hai sĩ quan quân đội thời kỳ ấy quả là một gánh nặng quá sức. Kan Lịch đã phải làm đủ mọi việc để trang trải cho gia đình lớn. Nhiều hôm cả nhà bà phải ăn cháo, ăn củ rừng cho qua ngày. Bà tâm sự: "Nâng bát cháo lên mà nước mắt tràn xuống". Có một điều ít ai biết, những ngày ở A Lưới, có lúc bệnh tình ập xuống, Hồ Kan Lịch đã bán hết mọi thứ trong nhà để có tiền chữa bệnh. Chỉ riêng chiếc đài bán dẫn Bác tặng, chị không bao giờ bán, mặc dù đã có người trả giá đến hàng triệu đồng. Chị thật bụng nói: "Mình phải đem cái đài đi gửi trước thôi, sợ không may mình chết đi, người ta đem bán đài của Bác thì tội lắm". Trong những ngày gian khó, gia đình Kan Lịch hầu như tháng nào cũng được đón các bạn Lào sang chơi. Đó là những người đồng đội cũ, từng cưu mang bà trong chiến đấu, những khi bị giặc truy bắt. Thời ấy, mỗi khi có bạn sang, dù trong nhà hết gạo, bà cũng tìm mọi cách thu xếp để có được bữa cơm tươm tất thết đãi bạn. Khi đời sống riêng khấm khá lên, biết đời sống những bạn Lào về già còn nhiều thiếu thốn, mỗi lần khi bạn sang thăm trở về, bà lại lẳng lặng, lúc thì hộp mì tôm, khi thì chiếc áo, cái màn dúi vào tay bạn để đi đường. Bà thường dặn người con trai cả Hồ Xuân Lợi: "Con làm công an, dù các đồng chí Lào và chúng ta mỗi người một quốc tịch, một Tổ quốc khác nhau, nhưng đó là những anh em của bố mẹ, của A Lưới, lúc nào cũng phải kính trọng, giúp được gì phải hết sức mình". | Tuổi đã cao nhưng bà Kan Lịch vẫn đảm đang, xốc vác việc xã hội. |
Thời gian gần đây, huyện có chủ trương cấp đất và tiền để người dân Pa cô tái định cư và xóa nhà tạm tại thôn A5, xã Hồng Vân (A Lưới), bà Kan Lịch quyết định dùng toàn bộ 10 triệu đồng mà Nhà nước tặng cho mỗi Anh hùng trước đó, cùng ít tiền mà hai vợ chồng gom góp được, chia đều cho các con, không phân biệt con đẻ hay con nuôi, để làm nhà. Mặc dù đã đi khắp đó đây, là một sĩ quan quân đội nhưng về với đời thường, Kan Lịch lại là một người phụ nữ Pa cô giản dị từ giọng nói đến quần áo ăn mặc. Tiếp xúc với bà, nếu không biết trước, có lẽ ít ai hình dung ra người phụ nữ trước mặt lại là Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Kan Lịch. Giờ đây ông bà sống yên ấm trong căn nhà nhỏ cùng người con trai ven đường Hồ Chí Minh. Khách qua lại trên con đường huyền thoại này đoạn qua thị trấn A Lưới sẽ thấy một quán cà phê xinh xắn mang tên Hoài Nhi. Đấy chính là tổ ấm của Kan Lịch, người phụ nữ Pa cô không chỉ anh dũng kiên cường mà còn có tấm lòng cao đẹp, nghĩa tình thắm đỏ như loài hoa pơ-lang. Suốt đời khắc ghi lời Bác dặn Trong 7 lần được gặp Bác Hồ tại Hà Nội, có 4 lần Kan Lịch được Bác mời cơm tại Phủ Chủ tịch. Có lần sau khi ngồi ăn cơm cùng, bà được Bác tặng bút viết, chiếc đài bán dẫn và ân cần dạy bảo từ việc chung cho đến việc riêng. Bác khuyên: "Cháu hãy viết thư ngay cho chú Lích (tức Hồ Xuân Chiến, sau này là chồng của Kan Lịch) báo cho chú ấy và gia đình biết đã ra đây được gặp Bác, ăn cơm với Bác. Đã hứa với ai thì cháu phải chung thủy, giữ lời hứa cho trọn vẹn"... Có lần Bác gắp vào bát Kan Lịch một chiếc đầu cá trê và bảo: "Đầu cá tuy hơi cứng nhưng cháu cố gắng ăn, vì cháu là người anh hùng nơi đầu sóng ngọn gió, phải đứng mũi chịu sào". Một lần khác, Bác căn dặn ân tình: "Cháu Kan Lịch này, làm ra Anh hùng là khó, nhưng không khó bằng giữ được Anh hùng. Cháu phải cố gắng làm tốt mọi công việc của mình để phát huy tác dụng của một nữ anh hùng, đừng thỏa mãn và dừng tại chỗ". | Bác Hồ gặp gỡ đoàn Anh hùng dũng sĩ miền Nam, một trong số đó có Hồ Kan Lịch (góc phải ảnh). Ảnh: T.L | Đã hơn 40 năm đã trôi qua kể từ ngày được gặp Bác, đến nay bà đã sắp ở vào cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng vẫn là một người phụ nữ khỏe mạnh, giản dị và minh mẫn. Nhưng điều đáng quí nhất là bất cứ trong hoàn cảnh nào, nữ Anh hùng dân tộc Pa cô dù đi đâu, làm gì cũng khắc ghi lời Bác dạy. Trong cuộc sống đời thường hôm nay, bà Hồ Kan Lịch luôn nỗ lực để không chỉ trở thành một cán bộ tốt, người vợ tháo vát, người mẹ, người bà tốt mà còn sống chan hòa, luôn giúp đỡ người dân trong vùng mỗi khi họ gặp khó khăn.
|