|
Th.S B.S Huỳnh Hồng Quang-Trưởng Khoa Nghiên cứu Lâm sàng & điều trị của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn |
Bác sĩ Việt Nam duy nhất nhận Học bổng từ Chương trình Đào tạo đặc biệt Nghiên cứu lâm sàng các Bệnh nhiệt đới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
Học bổng Chương trình Đào tạo đặc biệt Nghiên cứu các Bệnh nhiệt đới được tài trợ bởi Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation và Chương trình đào tạo và nghiên cứu các bệnh nhiệt đới trên thế giới của Tổ chức Y tế thế giới là một học bổng danh giá, chỉ dành cho những ứng viên đủ năng lực và điều kiện qua các vòng tuyển trạch nghiêm ngặt. Ths. BS. Huỳnh Hồng Quang - Trưởng Khoa Nghiên cứu Lâm sàng & điều trị của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn là Bác sĩ Việt Nam duy nhất cùng với 6 ứng viên khác trên thế giới đã xuất sắc vượt qua các vòng tuyển chọn để nhận được xuất học bổng này. Tuy nhiên trước tình hình sốt rét ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang diễn ra nóng bỏng và theo yêu cầu nhiệm vụ của Viện, Ths. BS. Huỳnh Hồng Quang đã sẵn sàng chấp nhận tạm dừng học bổng quốc tế trong năm 2010 cùng nhiều điều kiện thuận lợi khác cho bản thân và gia đình để tiếp tục đảm nhiệm trọng trách của mình về lĩnh vực nghiên cứu lâm sàng & điều trị; điều đáng quý hơn nữa trong bối cảnh nguồn nhân lực y tế khó khăn, nhất là nhiều bác sĩ bỏ việc hoặc không muốn về công tác tại hệ y tế dự phòng thì quyết định tiếp tục ở lại Viện làm việc của Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang rất đáng được ghi nhận và nêu gương để đội ngũ cán bộ khoa học trẻ học tập. Giới thiệu về Học bổng nghiên cứu lâm sàng của Chương trình nghiên cứu đặc biệt của TDR/ WHO Học bổng nghiên cứu lâm sàng các bệnh nhiệt đới (Clinical Research and Development Career Fellowship programme theo TDR Clinical Research & Development Fellowships) được tài trợ bởi Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation và Chương trình đào tạo và nghiên cứu các bệnh nhiệt đới trên thế giới của Tổ chức Y tế thế giới (Training of Tropical Diseases TDR/WHO) yêu cầu tuyển trạch một số ít ứng viên với nhiều tiêu chuẩn lựa chọn “nghiêm ngặt” như tuổi dưới 35, thông thạo hai ngoại ngữ Anh và Pháp để đảm bảo làm việc trong môi trường nghiên cứu tại đa quốc gia, có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, có các ấn phẩm đăng tải liên quan đến bệnh nhiệt đới và bệnh truyền nhiễm bị lãng quên, định hướng nghiên cứu và chuyển giao sau khi hoàn thành khóa nghiên cứu và làm việc tại nước ngoài…. Mục đích của khóa đào tạo và làm việc này nhằm thúc đẩy xây dựng nguồn nhân lực nghiên cứu tại các nước có lưu hành bệnh (disease endemic countries) một cách chất lượng về thử nghiệm lâm sàng, chẩn đoán, thuốc và vaccine. Sau khi hoàn tất khóa đào tạo, các ứng cử viên sẽ trở về cơ sở của mình đóng vai trò trung gian chuyển giao các kỹ năng nghiên cứu lâm sàng về các bệnh truyền nhiễm bị lãng quên (Neglected infectious diseases). Chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng liên quan đến nhiều khâu bao quát tổng thể quy trình nghiên cứu cho một bệnh nhiệt đới hoặc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các lĩnh vực nghiên cứu về thuốc mới và vaccine mới trên người và hướng dẫn thực hiện đạo đức trong nghiên cứu y học (International Ethical Guidelines for Biomedical Research Involving Human Subjects and Good Clinical Research Practice). Phạm vi nghiên cứu còn nhằm thúc đẩy và tăng cường năng lực về mặt kỹ thuật mới cũng như sử dụng kỹ năng thử nghiệm mới trong các bệnh AIDS/HIV, sốt rét, lao và các bệnh truyền nhiễm bị lãng quên khác. Nghiên cứu còn là dịp để các nhà nghiên cứu có điều kiện trao đổi thông tin khoa học, kinh nghiệm nghiên cứu lâm sàng cũng như các vấn đề cốt lõi trong nghiên cứu với các nhà chuyên gia trên toàn thế giới. | Ths. BS. Huỳnh Hồng Quang (x) trong Hội thảo phòng chống sốt rét tại Thượng Hải-Trung Quốc năm 2008 | Theo quy định của TDR/WHO các ứng cử viên tham gia dự tuyển học bổng này là không thuộc nhân viên của Tổ chức Y tế thế giới cũng như các Tổ chức/hoặc tập đoàn tài trợ kinh phí để mang tính khác quan và xét duyệt minh bạch, không thiên vị ở chương trình học bổng này.
Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang-Bác sĩ Việt Nam duy nhất được nhận học bổng của TDR/ WHO Giới thiệu vài nét về tiểu sử Thạc sĩ Bác sĩ Huỳnh Hồng Quang Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang sinh ngày 5/6/1974, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình tiểu thương. Tháng 7/1998 sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Dược Huế, Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang vào nhận nhiệm sở tại khoa Nghiên cứu lâm sàng và điều trị Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn; từ tháng 6/2003 đến 12/2007 được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành; từ tháng 1/2008 đến nay được điều chuyển sang làm Trưởng khoa Nghiên cứu lâm sàng và điều trị; từ 2003 - 2005 học cao học và tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Ký sinh trùng tại Trường Đại học Y Hà Nội; từ 1999 - 2010 nhiều lần được cử đi học và tu nghiệp ở trong nước cũng như ngoài nước về lĩnh vực nghiên cứu lâm sàng, Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang không chỉ đạt được kết quả tốt mà còn đem những kiến thức đã tiếp thu được ứng dụng có hiệu quả trong nghiên cứu sốt rét kháng thuốc và đánh giá hiệu lực thuốc điều trị sốt rét ở Việt Nam.. Thành công sau một thời gian dài với quy trình tuyển chọn không dễ từ TDR / WHO Sau khi nhận được thông tin về chương trình học bổng nghiên cứu lâm sàng các bệnh nhiệt đới (TDR/WHO) dành cho các nhà nghiên cứu (researchers) trên thế giới, Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang đã đề nghị Lãnh đạo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn cho phép hoàn tất thủ tục hồ sơ dự tuyển; đầu tháng 3/2009, Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang cùng với hơn 100 bác sĩ, nghiên cứu viên lâm sàng trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới, đăng ký hồ sơ dự tuyển chương trình học bổng này. Quy trình tuyển chọn rất chặt chẽ vì mỗi ứng viên phải trải qua ba vòng xét duyệt hồ sơ, kiểm tra chuyên môn, đề xuất đề cương định hướng nghiên cứu và kế hoạch nghiên cứu trong tương lai, dự thi với các nhà nghiên cứu khác trên toàn thế giới sau khi được Hội đồng chấp nhận hồ sơ tuyển chọn để phỏng vấn (kể cả phỏng vấn qua điện thoại 2 lần (telephone interview) và phỏng vấn trực tiếp (face to face interview) giữa ứng cử viên với các thành viên Hội đồng gồm các chuyên gia về lâm sàng, dược lâm sàng và quản lý chiến lược phát triển thuốc hoặc vaccine mới trong phòng chống các bệnh nhiệt đới trên thế giới. | Ths. BS. Huỳnh Hồng Quang (x) tại Hội thảo quốc tế về bệnh truyền nhiểm và sốt rét tại Thái Lan | Trong bộ hồ sơ chuyển sang Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Thụy Sĩ và Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, ngoài các thủ tục cần thiết như sơ yếu lý lịch (CV), bảng mô tả về quá trình học tập, làm việc, nghiên cứu trong và ngoài nước; các nhà tuyển trạch đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy một danh sách ấn phẩm đăng tải các bài báo cáo khoa học của Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang đã từng làm chủ nhiệm hoặc tham gia nghiên cứu cùng nhiều đồng nghiệp với hơn 32 ấn phẩm, trong đó có nhiều bài đăng tải trên tạp chí y học nổi tiếng như American Society for Tropical Medicine and Hygiene và Annals of Tropical Paediatrics: International Child Health, tap chí Y học thực hành, Y học thành phố Hồ Chí Minh, Y dược lâm sàng Viện 108, Y dược học quân sự, chuyên san Khoa học phổ thông, chuyên san Khoa học và đời sống…, ngoài ra vẫn còn 5 bài nghiên cứu khoa học khác chuẩn bị đăng tải hoặc đang tiến hành dang dở vào năm 2009 - 2010 (papers in press and on-going research and studies). Đặc biệt là các bức thư giới thiệu hoặc thư tiến cử (Letter of Recommendation) của các giảng viên đã từng giảng dạy cao học cho Ths.BS. Hồng Quang tại Trường đại học Y Hà Nội (PGS.TS Phạm Văn Thân - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng - Đại học Y Hà Nội, TS. Triệu Nguyên Trung - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn); các bức thư và nhận xét của các giáo sư, tiến sĩ, thầy cô giáo và chuyên gia y tế thế giới tại việt Nam đã từng làm việc chuyên môn hoặc trực tiếp dự nghe và phản biện các báo cáo khoa học của Ths.BS. Hồng Quang trình bày tại các hội nghị/hội thảo quốc gia và quốc tế về các chuyên đề ký sinh trùng, nội khoa, gan mật và cấp cứu hồi sức bệnh truyền nhiễm (GS.Trần Vinh Hiển-nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, TS.Trần Tịnh Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh-Giáo sư bộ môn bệnh truyền nhiễm của đại học Oxford - Anh Quốc, PGS.TS Trần Xuân Mai - Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, PGS.TS Trần Thị Hồng - Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh). Đặc biệc, thư giới thiệu chính thức với Chương trình đào tạo này tại Geneva - Thụy Sĩ của Tiến sĩ Maria Dorina G. Butos thuộc Viện Nghiên cứu y học nhiệt đới và là chuyên gia y tế về Chương trình sốt rét Tiểu vùng sông Mekong của Tổ chức Y tế thế giới và khu vực Tây Thái Bình Dương (Medical Specialist III, RITM-DOH and WHO External Consultant on Antimalarial therapeutic efficacy studies, WHO Mekong Malaria Programe and WPRO) nhận xét về quá trình làm việc giữa bác sĩ Quang với Tiến sĩ Dorina G. Butos cũng như nhận xét với tư cách cá nhân qua đọc các bản tóm tắt (Abstracts) kết quả nghiên cứu liên quan bệnh ký sinh trùng (sốt rét và giun sán) từ danh sách ẩn phẩm trong hồ sơ đệ trình của Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang trong thời gian 10 năm làm việc và nghiên cứu từ 1999 - 2009 tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn.
Theo dự kiến ban đầu cuộc phỏng vấn trực tiếp cuối cùng giữa các giáo sư hướng dẫn, nhà tài trợ với Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang sẽ diễn ra trực tiếp tại Geneva - Thụy Sĩ. Tuy nhiên nhân chuyến công tác tại các nước Đông Nam Á, cuộc phỏng vấn này đã được thực hiện trực tiếp tại Việt Nam vào tháng 10/2009 và kết quả tuyển chọn đã chính thức thành công. Kết quả sau gần 9 tháng (từ tháng 4/2009 - 12/2009), Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang đã tham dự 4 lần thi tuyển kể cả phỏng vấn và test ngoại ngữ (kiến thức chuyên môn về bệnh truyền nhiễm, tình hình bệnh nhiệt đới thế giới và vùng châu Á Thái Bình Dương, kinh nghiệm tiến hành các thử nghiệm lâm sàng,…) bằng 2 ngôn ngữ Anh, Pháp với Tiến sĩ A. Bouckenooghe - Phó Chủ tịch Tập đoàn nghiên cứu và phát triển lâm sàng khu vực châu Á Thái Bình Dương (Vice President R & D Clinical Asia and Pacific) và Tiến sĩ Wartel T.A - Giám đốc vùng châu Á Thái Bình Dương về Chương trình phát triển Lâm sàng (Regional Director Clinical Development Asia Pacific); Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang là 1 trong 7 ứng cử viên trên toàn thế giới được chọn để nhận học bổng nghiên cứu này và đã có thư mời chính thức nhận giải thưởng cho nghiên cứu (Letter of Award) năm 2010 do Frederic Ganet ký trao và toàn bộ kinh phí học bổng (fellowship) sẽ do Tổ chức Y tế thế giới đào tạo về mặt kỹ thuật nghiên cứu (technical procedures) và Tập đoàn dược phẩm nổi tiếng thế giới Sanofi Pasteur cùng tài trợ thêm cũng như tạo điều kiện hỗ trợ về mặt la bô thử nghiệm dược (GMP pharmaceutical laboratory) tại địa chỉ: 1545 av Marcel Merieux 69280 l’Etoile, Pháp và thử nghiệm giai đoạn tại Singapore trong suốt giai đoạn thử nghiệm và tiến hành nghiên cứu lâm sàng. Tất cả mọi thủ tục du học tại Cộng hòa Pháp, làm việc, bảo hiểm tổng thể và nghiên cứu tại đa quốc gia hoặc trong thời gian nghiên cứu có tham dự các hội thảo khoa học quốc tế liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu, hoặc tham gia tại hội nghị thường niên của American Society for Tropical Medicine and Hygiene hoặc Royal Society of Tropical Medicine and Hygiene.… sẽ do các tổ chức cấp học bổng giao trách nhiệm cho Nhóm hỗ trợ là các cán bộ của Trung tâm đào tạo thử nghiệm lâm sàng quốc gia Pháp gồm Wiana Buisson (superviseur Immigration/ Emigration), Béatrice Jouanneau, Daphné Durie Meadmore chịu trách nhiệm chi trả. Tiến sĩ Pascal Launois - Giám đốc chương trình nghiên cứu (IER/TDR/EPM) sẽ trực tiếp hướng dẫn thủ tục thay cho giáo sư Steven Wayling là giám đốc mạng lưới nghiên cứu (Research Networks Manager), GS.TS Derek Wallace và Christine Maure từ đơn vị Empowerment Technical Office Special Programme for Research Training in Tropical Diseases (TDR) của Tổ chức Y tế thế giới là những cán bộ hướng dẫn cho Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang trong quá trình nghiên cứu. Được biết, ngoài kinh phí từ TDR/WHO và Tập đoàn dược phẩm cấp trong quá trình nghiên cứu, Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang còn được nhận tài trợ từ đơn vị Vanbreda (Bỉ) cho các nghiên cứu liên quan đến thử nghiệm lâm sàng bệnh nhiệt đới, Đơn vị nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Anh Quốc là Viện Nghiên cứu Lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm (Infectious Diseases CCSE/Center for Clinical Study Excellence) cấp học bổng thông qua Tổ chức Y tế thế giới tại Geneva. Danh sách 7 ứng viên trong số trên 100 ứng viên trên thế giới được nhận học bổng STT | Danh sách ứng cử đạt học bổng nghiên cứu 2010 | Giới | Quốc tịch và quốc gia | Nơi học tập & nghiên cứu | 1 | Oluwagbenga Ogunfowokan | Nữ | Nigeria | Mỹ | 2 | Aurel Allabi | Nam | Benin | Thụy Sĩ | 3 | Bo Qingyan | Nữ | Trung Quốc | Thụy Sĩ | 4 | Julius Atashili | Nam | Cameroon | Mỹ | 5 | Edward Smith | Nam | Peru | Mỹ | 6 | Mahmoud Yakub Maaruf | Nam | Nigeria | Thụy Sĩ | 7 | Huynh Hong Quang | Nam | Việt Nam | Pháp và Singapore |
Quyết định tạm dừng xuất học bổng cùng nhiều cơ hội thuận lợi khác ở nước ngoài Ngày 1/3/2010, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn chính thức nhận được thông báo kết quả tuyển chọn Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang từ Văn phòng Empowerment Technical Officer của Chương trình đặc biệt về đào tạo và nghiên cứu bệnh nhiệt đới thuộc Tổ chức Y tế thế giới đúng vào thời điểm khu vực miền Trung-Tây Nguyên đang phải đối mặt với tình hình sốt rét gia tăng nghiêm trọng về bệnh nhân sốt rét, ký sinh trùng sốt rét, sốt rét ác tính và tử vong sốt rét, nguy cơ bùng nổ dịch sốt rét rất cao; đồng thời Viện đang thiếu nguồn nhân lực nghiêm trọng nhất là bác sĩ, trong khi Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang đang mang trọng trách về lĩnh vực này. Tạm dừng học bổng trong thời điểm này là một quyết định khó khăn không chỉ với Lãnh đạo Viện mà còn với cả Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang, trước thực tế tình hình nhân lực cũng như yêu cầu nhiệm vụ của Viện, Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang đã vui vẻ chấp nhận tạm dừng học bổng sau nhiều ngày đắn đo cân nhắc. | Ths. BS. Huỳnh Hồng Quang (x) tại Hội thảo về kiểm soát các bệnh truyền nhiễm qua biên giới | Được tin Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang tạm dừng học bổng của Chương trình đào tạo và nghiên cứu lâm sàng các bệnh nhiệt đới của Tổ chức Y tế thế giới, TS. Triệu Nguyên Trung-Viện trưởng liên tục nhận được điện thoại trực tiếp cũng như thư điện tử của Dr. Meadmore Daphne Durie, Dr. Maure Christin thuộc Chương trình đào tạo và nghiên cứu các bệnh nhiệt đới (TDR/WHO), điện thoại của TS. Trần Tịnh Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới đề nghị giải thích rõ lý do tạm dừng học bổng? Trả lời thư điện tử của Dr. Meadmore Daphne Durie, Dr. Maure Christin (TDR/WHO) TS. Triệu Nguyên Trung - Viện trưởng đã giải thích:
“Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn rất cám ơn TDR/WHO đã quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi của để Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang có điều kiện tham gia xuất học bổng của Chương trình đào tạo và nghiên cứu các bệnh nhiệt đới trong năm 2010; đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Ths.BS.Huỳnh Hồng Quang vượt qua được các vòng thi và tuyển chọn và mong muốn Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang tham gia xuất học bổng này để tiếp thu kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu lâm sàng các bệnh nhiệt đới trên thế giới về phục vụ hoạt động của Viện sau này; tuy nhiên Ban Lãnh đạo Viện rất lấy làm tiếc vì đã phải động viên Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang tạm dừng học bổng để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của mình vì Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang đang là Trưởng khoa Nghiên cứu Lâm sàng & điều trị của Viện có vai trò đặc biệt quan trọng trong chỉ đạo chẩn đoán, điều trị sốt rét và các giải pháp hạ tử vong ở 15 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên; thêm vào đó Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang đang chủ trì và tham gia thực hiện nhiều đề tài quốc tế về nghiên cứu đánh giá sốt rét kháng thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đánh giá hiệu lực thuốc của Viện Sốt rét Quân đội Australia (AAMI), Đánh giá chất lượng thuốc (thuốc giả và thuốc kém chất lượng) của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống sốt rét (VGF) cùng nhiều đề tài cấp Bộ và cấp cơ sở khác; nếu Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang du học và làm việc tại TDR/WHO trong thời gian dài, Viện không có người thay thế và không đảm bảo được chức năng nhiệm vụ được giao. Viện thông báo để TDR/WHO biết lý do và chia sẻ với những khó khăn thực tế hiện nay của Viện, Ths.Bs. Quang còn trẻ và có năng lực thực thụ nên còn nhiều cơ hội tham dự các xuất học bổng hoặc chuyên gia của TDR/WHO thế giới trong tương lai”. Những nhận xét tốt đẹp về Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang trong hồ sơ tuyển chọn Với lịch trình làm việc khép kín trong năm 2009, Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang chịu trách nhiệm chính nhiều đề tài nghiên cứu kháng thuốc trong nước cũng như quốc tế, hoạt động lao bô, giám sát chất lượng chẩn đoán và điều trị sốt rét tại các tuyến bệnh viện, tham gia báo cáo tại các hội nghị, hội thảo chuyên đề. Tuy nhiên, Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang vẫn dành thời gian sắp xếp hoàn tất thủ tục dự thi và kết quả đã mỉm cười với người bác sĩ vừa bước sang tuổi tuổi 36. | Th.S B.S Huỳnh Hồng Quang khám chữa bệnh cho bệnh nhân nhiễm sán lá gan tại phòng Khám chuyên khoa Viện | Nhận xét về quá trình làm việc và cống hiến chuyên môn của đồng nghiệp thế hệ đàn em, trong thư tiến cử Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang với TDR/WHO, TS. Triệu Nguyên Trung-Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn đã nêu rõ:
“Qua quá trình làm việc lâu dài cùng nhau tại Viện, tôi xác nhận Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang có các nghiên cứu liên quan của đến hiệu lực thuốc sốt rét (TES) của Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới trong những năm gần đây, đồng thời là một bác sĩ có năng lực, chăm chỉ làm việc, cống hiến và trung thực trong mọi khía cạnh nghiêm túc của nghiên cứu lâm sàng, đặc biệt là tiềm năng về kiến thức khoa học cơ bản và chuyên môn sâu. Tôi tin rằng học bổng nghiên cứu lâm sàng này không chỉ làm giàu thêm kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiên cứu của anh ta mà còn rất hữu ích và quan trọng cho các nghiên cứu tiến hành tại Việt Nam hay bất cứ đâu trong khu vực vùng sông Mê Kông”. Tiến sĩ Mike.D.Edstein - Trưởng đơn vị đánh giá thuốc của Viện Sốt rét Quân đội Australia (Head, Drug Evaluation, Australian Army Malaria Institute) đang hợp tác nghiên cứu đánh giá hiệu các phác đồ thuốc tại thực địa với nhóm nghiên cứu Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn mà trực tiếp là làm việc chính với Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang cũng có nhận xét: “Với bản thân tôi và chúng tôi rất cảm ơn và đánh giá rất cao sự hợp tác cũng như vai trò nghiên cứu, kỹ năng tổng quan kiến thức về nghiên cứu kháng thuốc sốt rét, đặt ra vấn đề nghiên cứu khác biệt của bác sĩ Quang trong thời gian qua”. | Th.S B.S Huỳnh Hồng Quang tại phòng làm việc | TS. Maria Dorina G. Butos - Viện Nghiên cứu y học nhiệt đới - Chuyên gia y tế về Chương trình sốt rét vùng sông Mekong của Tổ chức Y tế thế giới và khu vực Tây Thái Bình Dương (WHO Mekong Malaria Programe and WPRO) gửi thư trực tiếp cho giáo sư Steven Wayling - Giám đốc Mạng lưới chương trình nghiên cứu đặc biệt(Special Programme for Research and Training in Tropical Diseases TDR/WHO) vào ngày 6/4/2009 về những nhận xét đánh giá Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang:
“Bác sĩ H.H. Quang là một bác sĩ y khoa thực hành và là nhà nghiên cứu chuyên về lĩnh vực ký sinh trùng và các bệnh truyền nhiễm khác, như các bằng chứng dữ liệu được ấn bản trong và ngoài nước mà tôi đã đọc tóm tắt của anh ta. Tin rằng với “backgrounds” về nghiên cứu y học lẫn dược học lâm sàng của anh ta, Quang sẽ là một ứng cử viên mạnh trong suất học bổng này”. Thay cho lời kết Là Bác sĩ Việt Nam duy nhất có được học bổng nghiên cứu lâm sàng các bệnh nhiệt đới cùng với 6 ứng viên sáng giá khác trên thế giới, Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang đã chứng tỏ được nỗ lực cũng như năng lực của bản thân trong nghiên cứu, học tập và lao động sáng tạo. Thật tiếc vì đã phải tạm dừng xuất học bổng trong tình thế bất khả kháng và cũng thật đáng trân trọng vì tinh thần trách nhiệm với công việc của Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang, bởi vì nếu tham gia học bổng này cuộc sống cũng như sự nghiệp Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang cùng gia đình sẽ chuyển sang bước ngoặt mới trong thời gian ít nhất là 5 năm làm việc và học tập ở nước ngoài. Trong thời buổi kinh tế thị trường và đời sống cán bộ viên chức đang hết sức khó khăn, ai cũng có muốn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống cũng như sự nghiệp, nhưng dễ mấy ai có được niềm say mê khoa học và tâm huyết với công tác y tế dự phòng như vậy ? Với tư cách Lãnh đạo Viện tôi không có định ý đề cao một cá nhân, nhưng “sự kiện” Ths.BS. Huỳnh Hồng Quang xứng đáng được vinh danh như một tấm gương điển hình để các bạn đồng nghiệp trẻ thấy rằng muốn chứng tỏ được mình, muốn gặt hái được thành công thì không chỉ có sự đầu tư khoa học nghiêm túc, mà cần có cả niềm đam mê và tinh thần trách nhiệm.
|