|
Giáo sư Tiến sĩ khoa học Bùi Đại |
Giáo sư Tiến sĩ khoa học Bùi Đại-vị Tướng chuyên diệt sốt
Giáo sư tiến sĩ khoa học Bùi Đại, nguyên giám đốc bệnh viện 108 là một chuyên viên đầu ngành về Dịch học quân sự, chuyên gia cố vấn Chương trình PCSRQG, từng là Trưởng Tiểu ban Truyền nhiễm Quân đội. Với sự cống hiến hết mình cho khoa học y học không những trong quân đội mà còn đóng góp rất lớn trong ngành truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sốt rét và sốt xuất huyết mà ông rất tâm huyết với nhiều cuốn sách như tài liệu chuyên ngành cho các thế hệ sinh viên y khoa, học viên cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành truyền nhiễm, ký sinh trùng và các chuyên khoa khác. Đó là sách Dengue xuất huyết (do Nhà xuất bản y học, Hà Nội ra năm 1999) vàsách Bệnh sốt rét - Bệnh học, lâm sàng và điều trị, trong đó Giáo sư tiến sĩ khoa học Bùi Đại viết chung với các giáo sư đầu ngành hoặc chuyên nghiên cứu về sốt rét về các chương Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, chương Lâm sàng và chẩn đoán bệnh sốt rét thể thông thường, chương điều trị sốt rét, và chương sốt rét đái huyết cầu tố (do Nhà xuất bản y học Hà Nội in vào năm 2000) và một số tài liệu y học truyền nhiễm có giá trị khác. Với những cống hiến quan trọng ấy, thiếu tướng, GS.TSKH Bùi Đại được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân tháng 3.1989, Anh hùng lực lượng vũ trang tháng 12/1989, vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước năm 2000. Ông cũng được bạn bè nước ngoài biết đến với tư cách là chuyên gia chống dịch hàng đầu. Sau khi hoà bình lập lại ông sang Lào đẩy lùi dịch sốt đái đen. Sau đó sang Trung Quốc chữa dịch viêm màng não rồi sang Camphuchia chống hạch. Nhân đây, chúng tôi xin trích bài viết của tác giả Nguyễn Quang Thành viết giáo sư, tiến sĩ khoa học Bùi Đại với tựa đề “GS.TSKH Bùi Đại: Vị tướng chuyên diệt sốt” Năm 1961, quý 1, Trường Sơn, lúc đó đơn vị thanh niên xung phong đang dính đợt dịch sốt rét rất lớn, tỷ lệ sốt rét hàng tháng lên 40%, tỷ lệ sốt hàng ngày là 10% thậm chí có đại đội TNXP ốm gần hết. 100km đường dài dằng dặc kia làm sao hoàn thành gấp cho đoàn quân từ miền Bắc không ngừng ngày đêm ào ạt tiến vào Nam với một “đoàn quân mỏi” thế này… Tân binh vào đầu mút (đầu cầu) Tây Nguyên chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên bị muỗi đốt và dính sốt rét ác tính, sốt li bì nằm la liệt trên võng… Phải làm sao đây? Làm sao bộ đội chóng khỏi đây...”. Đó là những dòng nhật ký của những tháng ngày vào sinh ra tử ngay trong lòng chiến địa của Thiếu tướng, GS.TSKH, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thầy thuốc Nhân dân Bùi Đại - nguyên Giám đốc Bệnh viện 108. Có một đôi chân không mỏi Đã tròn 33 năm sau ngày giải phóng, nhưng dường như trong ông vẫn còn nguyên vẹn những trăn trở, hồi ức khó quên của anh cán bộ quân y từ thời khắc nổ tiếng súng đầu tiên của Cuộc kháng chiến toàn quốc đêm 19/12/1946 cho đến đêm trước Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975. Từ tháng 10/1946, trước lúc kháng chiến toàn quốc nổ ra, chàng sinh viên năm thứ nhất Trường Quân y đã phải gác bút lên với Việt Bắc chăm sóc thương binh ở Quân y vụ Thái Nguyên thuộc Quân khu 1. Thời gian đó, ông đều có mặt ở các chiến dịch lớn như chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Thượng Lào. để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, trước thời điểm chiến sự nổ ra 3 tháng, ông đã được đi cùng với Cục trưởng Cục Quân y thời bấy giờ là đồng chí Vũ Văn Cần bí mật lên điều tra chiến địa, bố trí các trung tâm y tế phục vụ các trận đánh. “Hoạt động quân y bắt buộc chúng tôi đi sớm về muộn, và khi bộ đội ta chiến thắng trong trận đánh cuối cùng rất ác liệt ở đồi A1 trở về, thì chúng tôi là những người cuối cùng rút khỏi trận địa. Những tháng ngày đầu năm 1965, bộ đội ta hy sinh rất nhiều vì mắc phải sốt rét ác tính. Nhất là những tân binh, nhiều anh em hành quân mới vào điểm tập kết đã phải nằm lại bởi sốt rét. Tôi đi tất cả những chiến trường B3, B1 khu 5, B4 Bình Trị Thiên, hai lần ở B2 Nam Bộ từ 1971-1973 và 1974-1976. Làm nhiệm vụ đẩy lùi bệnh rốt rét cho anh em chiến sỹ. Bệnh dịch nó cũng tàn bạo và gây nên bao nhiêu cái chết đau thương như bọn giặc vậy. Nhưng thời điểm đó cả dân tộc đang bừng bừng khí thế chiến đấu và chiến thắng kẻ thù đã thôi thúc tôi làm thế nào đó hạn chế đến mức có thể trong việc đẩy lùi giặc sốt rét” - Ông kể lại. Đẩy lùi dịch sốt mò Năm 1965, bộ đội và người dân Sơn La bị một đợt sốt không rõ nguyên nhân rất nghiêm trọng. Các nhân viên y tế địa phương đã cho người bệnh dùng thuốc chống sốt rét ác tính nhưng bệnh không những không suy giảm mà còn nặng thêm. Trước tình hình ấy, ông cùng với GS. Võ An Dậu ở Khoa truyền nhiễm Bệnh viện 103 được điều động gấp lên Sơn La với nhiệm vụ đẩy lùi dịch sốt không rõ nguyên nhân này. Hai chiến sỹ quân y bắt đầu từ những nốt loét trên cơ thể người bệnh. Hỏi cặn kẽ mới biết rằng vết loét đó là do con ấu trùng mò đốt, chỉ bằng đầu que tăm sau đó do không có thuốc đặc trị nên nó lở to ra. Thì ra trước đó, những ngày đầu 1965 Mỹ điên cuồng ném bom xuống vùng Sơn La và một số địa phương lân cận, bộ đội và nhân nhân ta đã phải chui vào hang tránh bom. Trong quá trình lưu trú trong hang bị ấu trùng mò, một loại sống ký sinh trên thân dơi đốt. Hai chiến sỹ quân y vui mừng ôm chầm nhau vì đã nắm được nguyên nhân phát dịch. Dũng sĩ diệt sốt rét ác tính Năm 1968, ông được Tổng cục và Cục quân y cử vào trong HO đón E5 ở Trị Thiên ra hậu phương (E1, E2, E3, E7. E8) với hai nhiệm vụ phòng chống và điều trị dịch sốt rét ác tính đang bùng phát ở các đơn vị này. Ông vẫn nhớ như in cái thời khắc nhạy cảm ấy: “Chúng tôi phát hiện ra hiện tượng chung là virut sốt rét đã nhờn thuốc. Ngay lập tức chúng tôi đề xuất một số phác đồ 3 thuốc dùng đợt ngắn 3 ngày để điều trị đột kích sốt rét trong thời điểm rất khẩn trương, giúp bộ đội mau chóng quay lại vị trí chiến đấu. Đoàn công tác chúng tôi đã thâm nhập 14 cơ sở điều trị của B2 phối hợp với đội vệ sinh phòng dịch miền Nam để trực tiếp chữa trị và phổ biến kinh nghiệm dùng phác đồ phối hợp trong điều trị sốt rét”. Nằm trong lòng chiến trận ở Nam Bộ, ông đã đề đạt với Cục Quân y nhiều phương pháp phòng và điều trị dịch sốt rét ác tính mới và hiệu quả. Một trong những biện pháp đạt hiệu quả là dùng phối hợp thuốc sốt rét (Quinin hoặc Chloroquine với Pyrimethamine) được Cục Quân y chấp nhận đưa vào điều trị cho bộ đội. Những phương án điều trị của ông đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chiến trường và được đưa vào các văn bản chỉ thị hướng dẫn điều trị sốt rét của Cục Quân y và của Quân y Miền Nam, được áp dụng rộng rãi ở mọi chiến trường từ các tuyến trước về cơ sở điều trị tuyến sau của hành lang 559, các quân khu B1, B3, B4, B4, B5, B2 “Lửa chiến trường luôn rực cháy, có bộ phận nhen lửa, có bộ phận thổi bùng lửa, thì cũng có chúng tôi - lực lượng quân y, những người giữ ngọn lửa ấy cháy mãi” - Ánh mắt của người cựu binh ở tuổi 84 lại sáng lên hào hứng như thể được quay lại cái thời điểm 33 năm trở về trước. -Thiếu tướng, GS.TSKH Bùi Đại được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân tháng 3/1989, Anh hùng lực lượng vũ trang tháng 12/1989, vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước năm 2000. -Ông là Chuyên viên đầu ngành về Dịch học Quân sự - Chuyên gia cố vấn CTPCSRQG, từng là Trưởng Tiểu ban Truyền nhiễm Quân đội. -Ông cũng được bạn bè nước ngoài biết đến với tư cách là nhà chuyên gia chống dịch hàng đầu. Sau khi hoà bình lập lại ông sang Lào đẩy lùi dịch sốt đái đen. Sau đó sang Trung Quốc chữa dịch viêm màng não rồi sang Camphuchia chống hạch. |
|