Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 27/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Finance & Retail Thầy thuốc và Danh nhân
Việt Nam
Thế giới
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 5 8 6 8 3 5
Số người đang truy cập
4 4 1
 Thầy thuốc và Danh nhân Việt Nam
Thầy tôi và tôi - TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11
Nghĩ về người Thầy mà tôi quý trọng

Cứ mỗi năm gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 và Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2, tôi lại nghĩ đến Thầy. Các thế hệ bác sĩ đã được học tập, tốt nghiệp tại Trường Đại học Y khoa Huế những năm về trước có lẽ tất cả mọi người đều biết và tôn quý Thầy vì đạo đức chuẩn mực, nghề nghiệp tinh thông và tình cảm thương mến học trò chân thật... Thầy Lê Văn Bách, một người Thầy, một thần tượng mà tôi quý trọng.

 

Thầy tôi

Hàng năm, vào ngày giỗ của Thầy, tôi và Bác sĩ Dương Văn Sinh, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế, người bạn cùng tuổi, cùng làng, cùng lớp, cùng khóa và một số đồng nghiệp thân thương của chúng tôi đã đến viếng Thầy, dâng hương tưởng niệm với mâm cơm, lễ vật cúng Thầy đã được chuẩn bị sẵn mang theo. Bên cạnh bàn thờ Thầy cùng với gia tiên là một bức tượng đồng tạc chân dung của Thầy với hàng chữ ghi ở bên dưới:

Một đời y đức sáng ngời,

Một lòng nhân hậu giữa thời đổi thay;

Tận tâm, thanh bạch, chân thành,

Nghiêm trang mà vẫn đượm đầy tình thương”.

 

 Bức tượng của Thầy Lê Văn Bách

Tôi được biết đây là bức tượng do cựu sinh viên khóa học 1975-1981, lớp học của Thầy thuốc nhân dân-Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ươngHuế đã nhờ các nghệ nhân tạc tượng xi măng nổi tiếng ở Huế thực hiện để tưởng niệm Thầy vào tháng 7-2007 và được gia đình Thầy nhờ các nghệ nhân ở Trường Đại học Mỹ thuật Huế phục chế lại bằng dát một lớp đồng mỏng. Câu thơ ghi ở đế bục tượng là của tác giả Trần Dương Hân, người con rể yêu quý của Thầy đang ở tại Cộng hòa Liên bang Đức.

Thầy đã nhìn chúng tôi và mĩm nụ cười thương mến như ngày nào chúng tôi còn học ở trường. Tôi linh cảm rằng, Thầy vẫn luôn ở bên chúng tôi, dìu dắt chúng tôi trên suốt chặng đường từ những ngày còn ở trong trường học cho mãi đến tận ngày hôm nay. Tôi đã có hơn 33 năm công tác sau khi tốt nghiệp, mang hành trang về y nghiệp và y đức đã được Thầy dạy dỗ, trang bị đầy đủ để vào đời phục vụ cho ngành y tế dự phòng, bắt đầu từ Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn cho đến Trạm Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh Bình Trị Thiên và kết thúc công tác tại Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Gia đình hạnh phúc của Thầy Lê văn Bách

 
Ngày đưa Thầy về cõi vĩnh hằng, trời đất cũng buồn với cơn mưa nhỏ hạt vào buổi sáng sớm; gia đình, người thân, bạn hữu, những người học trò... lặng lẽ theo chuyến xe tang đưa Thầy lên núi và tiễn biệt Thầy. Tôi cảm thấy đau đớn, xót xa như bị mất mát một cái gì quý báu nhất của mình. Thầy đã ra đi trong lòng thương mến của mọi người, kể cả những bệnh nhân nguy kịch đã được thầy cứu sống. Tôi lầm lũi đi trong làn mưa nhỏ vào buổi sáng sớm của ngày hôm ấy để đưa tiễn Thầy, nước mắt và nước mưa lẫn lộn vào nhau tôi không thể phân biệt được. Thầy ra đi nhưng tôi vẫn cảm thấy rất gần. Ngày giỗ Thầy hàng năm, tôi và Bác sĩ Dương Văn Sinh cùng một số đồng nghiệp thường có mặt tại nhà Thầy để dâng hương tưởng niệm, gặp lại được Cô và những người con của Thầy để nói chuyện về Thầy. Thầy Lê Văn Bách, người Thầy mà tôi cũng như các đồng nghiệp khác tốt nghiệp ra trường tại Trường Đại học Y khoa Huế đều quý trọng.

 

 BS. Dương Văn Sinh đọc sớ cầu siêu tưởng niệm Thầy

Y đức của Thầy từ ngày tôi mới vào trường y

Sau khi hoàn thành xong chứng chỉ dự bị y khoa năm 1969-1070 tại trường Đại học Khoa học Huế (nay là Khách sạn Sài Gòn-Morin) tôi nạp đơn thi vào Trường Đại học Y khoa Huế. Với các kiến thức đã được trang bị khi hoàn thành chứng chỉ dự bị y khoa, tương đương với chứng chỉ SPCN, viết tắt từ chữ tiếng Pháp: Sciences Physique Chimie et Naturelles; có nghĩa là môn khoa học vật lý, hóa học, vạn vật; tôi đã thi đậu vào trường Đại học Y khoa Huế. Thầy Lê Văn Bách chính là người Thầy trong hội đồng đã hỏi thi vấn đáp cho tôi. Thầy nhìn tôi bằng ánh mắt hiền từ, thân thiện để tôi khỏi bối rối và hỏi: “Em cho biết tại sao hàng ngày chúng ta phải uống nước?”. Tôi trả lời... Thầy và các thầy trong hội đồng thi đều gật đầu làm tôi tự tin hơn. Thầy hỏi tiếp: “Em có thể cho biết có mấy cơ chế thải nước ra bên ngoài của cơ thể con người?”. Tôi trả lời... Thầy mĩm cười với nụ cười hiền hậu, gật đầu nhìn tôi và đưa cho tôi một cục phấn viết bảng, bảo tôi vẽ sơ đồ hệ thống cơ quan tiết niệu của người trên tấm bảng đen treo trong phòng hội đồng thi. Tôi thực hiện xong phần thi của mình với lời chúc mừng của các thầy trong hội đồng. Mở cửa phòng thi ra ngoài để đến phiên người bạn khác, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và tin chắc rằng tôi đã có cơ hội bước chân vào trường y; đáp ứng được sự mong muốn của bản thân, ông bà, cha mẹ, anh chị em, người thân và bạn bè.

 

 Học trò cũ đến viếng và dâng hương nhân ngày giỗ của Thầy

Vào năm thứ nhất trường y, khóa 10, năm 1970; tôi được học môn sinh lý học (Physiologie) do Thầy Lê Văn Bách giảng dạy. Thầy rất tận tình với lớp học của tôi, thái độ giảng bài rất nghiêm trang, cẩn thận nhưng nhẹ nhàng đã giúp chúng tôi tiếp thu các bài học một cách đầy đủ, cụ thể. Tôi làm bài tập và bài thi của Thầy luôn luôn đạt kết quả tốt. Năm thứ hai, tôi và các bạn cùng lớp được đi thực tập bệnh viện (hồi đó thường gọi là đi stage bệnh viện). Trong thời gian thực tập tại Khoa nội Bệnh viện Trung ương Huế, Thầy cũng đã giảng dạy lâm sàng, hướng dẫn cho chúng tôi từng triệu chứng bệnh lý lâm sàng cụ thể trên mỗi người bệnh để học tập. Mặc dù mới sinh viên năm thứ hai nhưng cũng đã được Thầy bố trí trực để có cơ hội học tập, làm việc thực hành được nhiều hơn. Cứ sau mỗi phiên trực, phải nạp sổ trực thực tập ghi báo cáo kết quả cụ thể những vấn đề đã được học tập có xác nhận của các anh, chị sinh viên nội trú năm thứ sáu trước khi nạp sổ trực cho thầy. Thầy cũng đã chỉ định anh Cán sự y tế Phan Ngô, Y tá trưởng của khoa thường xuyên nhắc nhở chúng tôi thực hiện nghiêm túc vấn đề này. Y đức trong tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân và mối quan hệ thân ái với đồng nghiệp là những vấn đề mà tôi đã học được từ sự nghiêm túc của Thầy. Tiếp tục những năm sau đó, tôi cũng đã có cơ hội và điều kiện để học tập được y nghiệp, y đức, y đạo của Thầy mà tôi đã được truyền thụ và kính trọng từ những ngày đầu bước chân vào trường y. Ngày thi tốt nghiệp vào năm 1977, chính Thầy cũng là người trong hội đồng chấm thi bộ môn nội. Vẫn như ngày vào trường, Thầy hiền hậu, nhẹ nhàng hỏi thi lâm sàng với nụ cười thánh thiện.

Một điều tôi không thể nào quên, vào năm thứ nhất trường y, học được mấy tháng, học trò của Thầy rất nhiều lớp làm sao Thầy nhớ hết, nhất là những sinh viên mới. Một lần thân sinh tôi bị bệnh, tôi đưa ba tôi đến phòng khám bệnh ngoài giờ của Thầy ở trên đường Trần Thúc Nhẫn, Bến Ngự, Huế để được thầy khám chữa bệnh. Khi vào phòng khám bệnh, tôi cúi đầu, mở miệng “Thưa Thầy”; Thầy mĩm cười hỏi “Em học năm thứ mấy”. Tôi thưa “Em mới vào trường”... Thầy đã khám bệnh cho ba tôi cẩn thận, kê đơn thuốc điều trị và tôi cám ơn, chào Thầy ra về. Đến chỗ thu tiền, tôi hỏi cô y tá để gửi tiền khám bệnh thì bất ngờ cô y tá bảo Thầy Bách nói không thu tiền. Mặc dù rất ngỡ ngàng nhưng vì có nhiều bệnh nhân đang chờ khám bệnh nên tôi chỉ biết cám ơn cô y tá và đưa ba tôi về nhà trong niềm cảm phục về y đức của người thầy ngày mới vào trường. Tôi hỏi thêm các đồng nghệp khác, họ cũng đã gặp những trường hợp như tôi khi đưa người thân đến khám bệnh ở phòng mạch tư nhân ngoài giờ hành chính của Thầy.

 

 Thầy tôi và tôi

Ngay trong năm học đầu tiên, tôi cũng đã được học lời tuyên thệ của người thầy thuốc khi tốt nghiệp ra trường sẽ đọc cách sau đó 6 năm tại Trường Đại học Y khoa Huế. Trong một nội dung của lời tuyên thệ có ghi rõ “Xem nghề thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như là một con đường cứu người, giúp đời chứ không xem là một phương tiện thương mại”. Tôi càng thấy thấm thía thêm về y đức sàng ngời của Thầy từ một việc đơn giản mà cách đây 40 năm tôi đã chứng kiến và được Thầy truyền dạy. Khi kết thúc lời tuyên thệ cũng đã nhắc nhở sinh viên y khoa tốt nghiệp là “Hôm nay chỉ mới là bắt đầu”.

Lời kết

Mặc dù hiện nay tôi và các đồng nghiệp không còn dịp được gặp lại Thầy sau khi Thầy ra đi về cõi vĩnh hằng nhưng tấm gương của Thầy về y nghiệp, y đức, y đạo, lòng nhân hậu, thanh bạch, chân thành, sự nghiêm trang, đầy tình cảm thân thương... của Thầy vẫn còn mãi mãi đi theo tôi cho đến hết cuộc đời này. Tôi cảm thấy Thầy đang mĩm cười nhìn tôi và tôi đã trân trọng thưa với Thầy về những kết quả, thành tích mà bản thân đã phấn đấu đạt được Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, Huân chương lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Danh hiệu Lao động giỏi-lao động sáng tạo ngành y tế toàn quốc... do những công lao dạy dỗ, truyền thụ mà tôi đã học được của Thầy từ ngày mới bước chân vào trường y. Hàng năm ngoài ngày giỗ Thầy, cứ đến gần Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2 và Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11; tôi càng nhớ đến Thầy và tưởng niệm Thầy với lòng quý mến, trân trọng.

Ngày 01/11/2010
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
Cựu sinh viên khóa 10 (1970)
Trường Đại học Y Dược Huế
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn triển khai Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu với phương châm “Nỗ lực hết mình vì người bệnh”


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích