Thầy thuốc và y đức
Dù không mới, nhưng chuyện nghề và y đức của người Thầy thuốc vẫn là trăn trở của những người trong và ngoài cuộc. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, Ban Biên tập Website xin trích đăng bài viết của Phóng viên Thu Hiền về chủ đề này trên Báo Bình Định ngày 27/2/2011 để chúng ta cùng suy ngẫm. * PGS-TS. Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện SR-KST-CT Quy Nhơn: | PGS-TS. Triệu Nguyên Trung Viện trưởng Viện SR-KST-CT Quy Nhơn |
Thầy thuốc phải giỏi Tôi làm ở một đơn vị dự phòng. Ngày đó, thầy thuốc làm mảng y tế dự phòng cực nhọc lắm. Học 6 năm ra trường, cầm mảnh bằng đi bắt muỗi, bắt côn trùng, đi thực địa ở các vùng rừng núi vô cùng khó khăn, nguy hiểm, nếu không yêu nghề thì không thể trụ lại với nghề. Hơn 30 năm trong nghề, từ một bác sĩ đến một nhà quản lý, y đức là chất lượng khám chữa bệnh đi đôi với thái độ phục vụ, lương tâm người thầy thuốc. Nghề y không thể coi là một ngành kinh doanh, vì nếu như thế người ta sẽ nghĩ đến việc khai thác tối đa lợi nhuận trên sức khỏe con người! Tôi thấm thía lời dạy của Bác: “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Muốn làm một người mẹ hiền thì một trong những tiêu chí quan trọng là thầy thuốc phải giỏi. Khi Bác nói thương yêu người bệnh như mẹ hiền thì đó là chữ Nhân của người thầy thuốc. Có một thực tế là hiện nay, một số thầy thuốc trẻ chỉ “chăm chăm” lấy tiền của bệnh nhân nên người dân có cái nhìn không thiện cảm với nghề. Đứng trên bục giảng, tôi luôn mong học sinh của mình hãy biết rèn chuyên môn thật giỏi và hãy biết đau với bệnh nhân như nỗi đau của một người mẹ. * Bác sĩ Trần Quốc Việt, BVĐK Khu vực Bồng Sơn: Y đức luôn là vấn đề thời sự Trong xã hội ngày nay, người làm việc ở bất cứ ngành nghề nào cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp. Trong nghề y, công việc chữa bệnh cứu người càng phải được coi trọng đạo đức nghề nghiệp. Phẩm chất, đạo đức của người hành nghề y thể hiện rõ ở thái độ phục vụ, chăm sóc sức khỏe người bệnh. Nền y học truyền thống của dân tộc vốn rất đề cao y đức. Những tư tưởng, quan niệm về y đức ấy cho đến nay vẫn còn tính thời sự và vẹn nguyên giá trị. Để có được thái độ, hành động chăm sóc một cách thân thương với người bệnh, người thầy thuốc cần có nhiều “năng lượng”, cả về vật chất lẫn tinh thần. Năng lượng đó cần dồi dào, đầy đủ để người thầy thuốc phục vụ bệnh nhân không mệt mỏi. Người thầy thuốc cần có tâm trí thảnh thơi để chuyên tâm học tập, nghiên cứu, tăng khả năng chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong thực tế ngày nay, thầy thuốc rất thiếu... năng lượng. Sống trong sự khó khăn, mệt mỏi… mà hàng ngày phải phục vụ cho số lượng bệnh nhân ngày càng đông, khiến cho thầy thuốc không đủ sức để làm hài lòng tất cả bệnh nhân một cách đầy đủ như ước muốn. Một số thầy thuốc vì khó khăn cuộc sống đã hành xử lệch lạc, trái với đạo đức nghề nghiệp của mình, khiến dư luận cho rằng y đức đang xuống cấp. Tôi từng biết có nhiều thầy thuốc lớn tuổi đã trải qua thời kỳ và điều kiện khó khăn hơn hiện nay rất nhiều, nhưng vẫn tận tâm phục vụ bệnh nhân đến trọn đời. Các thầy thuốc ấy về hưu với hai bàn tay trắng cùng với một tâm hồn thanh thản, sung sướng vì đã tận hiến đời mình cho cuộc sống của bao người bệnh nghèo khổ khác. | Những tư tưởng, quan niệm về y đức cho đến nay vẫn còn tính thời sự và vẹn nguyên giá trị.
|
* Điều dưỡng Hồ Thị Kim Dung, BVĐK TP Quy Nhơn: Nghề y là một nghề cao quý Nhưng nếu không có lòng yêu nghề, sự say mê với công việc, chấp nhận hy sinh nhiều thứ thì không thể làm tốt được. Nghề chúng tôi có lắm niềm vui mà cũng không ít nỗi buồn. Ngày nào, chúng tôi cũng gặp bệnh nhân không nơi nương tựa, không tiền bạc; lúc đó, họ chỉ trông mong vào sự giúp đỡ của các thầy thuốc. Tôi nhớ mãi những lần cùng các thầy thuốc góp tiền để họ về xe, hoặc mua cháo giúp họ qua ngày. Bây giờ, dư luận thường lên án thầy thuốc đang mất dần y đức, nhưng cũng nên thấu hiểu công việc để có cái nhìn chính xác hơn về chúng tôi, với muôn vàn áp lực: công việc, người bệnh, chế độ lương bổng chưa tương xứng… * Anh Nguyễn Thế Nam, TP Quy Nhơn: Bệnh nhân rất cần liều thuốc tinh thần của thầy thuốc Tôi cho rằng người thầy thuốc có y đức là người biết cảm nhận hơi thở yếu ớt, nỗi đau xé tim gan của người bệnh; biết cách làm dịu nỗi đau tinh thần cũng như thể xác của họ. Chức trách và nghĩa vụ mà xã hội giao phó cho thầy thuốc là làm công việc cứu người, không quản sự nguy hiểm đến tính mạng có thể đưa lại từ những mầm bệnh dịch; coi việc cứu mạng sống của con người còn cao hơn cả tính mạng của chính mình. Bây giờ vào bệnh viện chúng tôi sợ lắm. Vì bác sĩ gần như không hỏi han kỹ lưỡng về vấn đề sức khỏe mà bệnh nhân đang lo âu, không giải thích rõ ràng, cụ thể… Những bệnh nhân cần sự nhiệt tâm của người thầy thuốc, bởi đây là liều thuốc tinh thần để người bệnh tin vào cuộc sống.
|