|
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung-Viện trưởng tặng hoa chúc mừng cho đại diện nữ công Viện, TS. Ngô Thị Hương |
Phụ nữ Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn tổ chức kỷ niệm 101 năm ngày Quốc tế phụ nữ
Chiếm gần 50% so với tổng số CBVCLĐ, nữ cán bộ viên chức & người lao động của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn có vai trò quan trọng trong các hoạt động của Viện. Nhân dịp 101 năm kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ (8/3/1910-8/3/2011), ngày 4/3/2011 Ban Nữ công Viện đã tổ chức lễ kỷ niệm với sự tham dự của Đảng ủy, Ban giám đốc cùng 150 đại biểu phụ nữ là cán bộ viên chức và học sinh của Viện.
Tại buổi lễ các đại biểu phụ nữ đã có những bài phát biểu tham luận ôn lại lịch sử ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, lịch sử 1971 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng; tham luận về vấn đề bình đẳng giới và kinh nghiệm giảm áp lực công việc nội trợ của cán bộ nữ trong gia đình; báo cáo tổng kết công tác nữ công năm 2010 và chương trình hoạt động nữ công năm 2011; chỉ đạo của Lãnh đạo Viện và Ban chấp hành Công đoàn về công tác nữ công. Hàng năm cứ đến ngày 8-3, phụ nữ trên toàn thế giới trong đó có phụ nữ Việt Nam tổ chức kỷ niệm ngày quốc tế của giới mình; riêng ở nước ta, ngày 8-3 còn trùng với dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng-hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững bờ cõi giang san đất Việt, đồng thời còn là minh chứng hùng hồn cho niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ; nên ngày quốc tế phụ nữ 8-3 còn được coi là ngày phụ nữ Việt Nam và gắn liền với chiến công hiển hách của Hai Bà trong hơn 1971 năm qua. Một điều đáng thú vị hơn nữa, ngày 8-3 còn là ngày kỷ niệm thành lập Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn nên đây cũng là dịp để cùng nhau ôn lại quá trình hình thành phát triển của Viện, đặc biệt là các hoạt động nữ công. Cả thế giới vinh danh người phụ nữ trong ngày kỷ niệm mang tính lịch sử này, không chỉ vì họ chiếm đến 50% nhân loại mà còn vì họ chiếm một địa vị quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, người phụ nữ vẫn chưa thể hiện được vị thế của mình như cơ hội thụ hưởng giáo dục, phấn đấu vươn lên trong nghề nghiệp, vị trí xã hội, mức sống vật chất, điều kiện chăm sóc sức khỏe… so với nam giới; cho thấy bình đẳng nam nữ vẫn còn là vấn đề khó khăn dai dẳng cần phải quan tâm giải quyết. | PGS.TS. Triệu Nguyên Trung phát biểu tại Lễ kỷ niệm | Ở nước ta được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vai trò và vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được đề cao; nhiều phụ nữ có năng lực được được tạo điều kiện phát huy và cống hiến cho đất nước ở tất cả các lĩnh vực, không ít chị em nắm giữ các cương vị chủ chốt ở các cơ quan, đoàn thể. Người phụ nữ đã có nhiều cố gắng xây dựng gia đình trên các phương diện kinh tế, chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, nuôi con khỏe dạy con ngoan, giữ gìn văn hóa truyền thống, phòng chống tệ nạn xã hội…; hàng triệu phụ nữ đạt danh hiệu phụ nữ xuất sắc, giỏi việc nước đảm việc nhà. Đội ngũ cán bộ nữ không chỉ tham gia công tác nghiên cứu khoa học mà còn có vai trò chủ động, tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước. Các cấp hội phụ nữ đã có nhiều đổi mới, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực thu hút đông đảo phụ nữ tham gia, tạo nên sức mạnh đoàn kết và thúc đẩy phong trào phụ nữ ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. | TS. Ngô Thị Hương-trưởng ban Nữ Công báo cáo Công tác nữ công năm 2010 | Cũng như phụ nữ cả nước, phụ nữ Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đang cùng lúc phải gánh vác công việc lao động trí óc cùng gánh nặng gia đình. Đảng ủy, Ban Giám đốc và Ban chấp hành Công đoàn Viện đánh giá cao “Chương trình hoạt động nữ công năm 2011” do Ban Nữ công soạn thảo theo sự chỉ đạo của Công đoàn y tế Việt Nam mong rằng từ chương trình hành động này tập thể phụ nữ Viện sẽ có nhiều điều kiện cũng như cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật, trình độ nghiên cưu khoa học, cải thiện đời sống vật chất tinh thần, phấn đấu trở thành người phụ nữ năng động sáng tạo, có lối sống nhân hậu, quan tâm đến lợi ích tập thể và sức khỏe của cộng đồng. Thực tế thành quả hoạt động của Viện trong nhiều năm qua, có phần đóng góp không nhỏ của chị em phụ nữ. Trong chuyên môn, nhất là trên mặt trận nghiên cứu khoa học, hầu như chị em ta đều không quản ngại khó khăn gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; ngoài việc tiếp cận các phương tiện kỹ thuật cao tại labo, chị em còn phải thường xuyên lăn lộn với công tác nghiên cứu ngoài thực địa. Câu chuyện làm mồi cho muỗi đốt của chị em ở phòng nuôi nghe tưởng chừng như đơn giản, nhưng nếu thử hình dung hàng ngày bản thân trong mỗi chúng ta phải chìa tay cho muỗi đốt, để cứu đàn muỗi trong 3-4 tháng hè nóng bức, chắc khó mà thực hiện nổi ? Đó là chưa kể những lúc khó khăn trong việc quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái khi phải nằm tại thực địa hàng tuần, thậm chí hàng tháng trời băng rừng lội suối đến từng nhà bệnh nhân lấy lam theo dõi điều trị. Trong công tác phục vụ, chị em luôn cần mẫn thực hiện tốt mặt tài chính kế toán, cung ứng vật tư bất kể trong và ngoài giờ đảm bảo cho hoạt động cơ quan vận hành được trơn tru liên tục; công tác thư viện, công nghệ thông tin được phát huy và đi vào nề nếp, gắn liền với các thông tin khoa học công nghệ cao liên tục được cập nhật, đáp ứng yêu cầu tiếp thu những kiến thức và kỹ năng y học mới nhất trên thế giới. Trong các buổi phục vụ hội nghị hoặc giao lưu với các đơn vị bạn, sự nhiệt tình chu đáo cũng như tài nghệ nấu ăn của chị em đã để lại nhiều ấn tượng đẹp với các đại biểu và quan khách khắp nơi đến dự; đặc biệt lực lượng chị em là nòng cốt tham gia tích cực và có hiệu quả dịch vụ khám chữa bệnh cũng như các dịch vụ khoa học kỹ thuật khác, góp phần tăng nguồn thu chính đáng cho đơn vị và cải thiện đời sống cán bộ viên chức và người lao động. Trong học tập, đa phần các nữ học sinh Trung học tại Viện chiếm tỷ lệ điểm khá giỏi và trở thành trụ cột của phòng xét nghiệm tại các tuyến y tế từ trung ương đến địa phương sau khi tốt nghiệp, đồng thời cũng là những nhân tố tích cực thúc đẩy phong trào hoạt động văn nghệ thể thao của Viện. | Cô Triệu Thị Ninh với tham luận" Làm sao để giảm bới gánh nặng việc nhà cho nữ công nhân viên chức lao động" rất thú vị tại Lễ kỷ niệm |
Từ những nỗ lực lao động không mệt mỏi, xuất phát từ lòng yêu nghề và niềm đam mê khoa học, nhiều chị em phụ nữ Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã phấn đấu trở thành tiến sĩ, thạc sĩ có tay nghề cao; được tôn vinh là điển hình tiên tiến xuất sắc trong Đại hội thi đua yêu nước ngành y tế hoặc được bình chọn các danh hiệu “phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà”, “gia đình thành đạt”, kỷ niệm chương “vì sức khỏe nhân dân” cùng nhiều phần thưởng cao quý do Nhà nước và Bộ Y tế khen tặng. Đảng ủy và Lãnh đạo Viện ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của chị em, dù là cán bộ chuyên môn hay hành chính sự nghiệp, dù là viên chức hay học sinh, tất cả nỗ lực của chị em trong mọi phương diện công tác cũng như học tập rất xứng đáng được tôn vinh. Tuy nhiên bên cạnh những thành tích đạt được, nhìn lại sự phát triển của đội ngũ cán bộ nữ trí thức trong Viện, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng vẫn còn có sự mất cân đối về cơ cấu lãnh đạo (không có cán bộ nữ), trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học cơ bản không đồng đều, cơ cấu trí thức ở cán bộ nữ chưa hợp lý; số nữ trí thức có trình độ sau đại học và uy tín khoa học còn quá ít ỏi, trong khi đội ngũ cán bộ nữ kế cận phát triển chưa kịp về trình độ khoa học cũng như tư duy quản lý mặc dù số lượng cán bộ nữ có tăng nhanh. Đây cũng là mối quan tâm của Đảng ủy và Lãnh đạo Viện nhằm bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng hoạt động của Viện, đồng thời bản thân mỗi chị em chúng ta cần phải tự nhìn nhận và đánh giá lại mình để phấn đấu khắc phục vươn tới tầm xa hơn. Để giải quyết những tồn tại này, tôi đề nghị Ban nữ công cần có kế hoạch triển khai chương trình hành động và biện pháp khắc phục cụ thể tới từng khoa phòng (với cán bộ viên chức), từng lớp học (với các em học sinh) và mỗi chị em (kể cả CBVCLĐ và học sinh); cần chủ động tự nâng cao năng lực của mình qua học tập kinh nghiệm những người đi trước, học hỏi đồng nghiệp, tài liệu cũng như thông tin khoa học cập nhật; đồng thời Ban Nữ công cần phối hợp chặt chẽ với Ban Chấp hành Công đoàn có kế hoạch báo cáo kết quả hoạt động nữ công hàng quý, hàng 6 tháng, hàng năm tới Lãnh đạo Viện, Công đoàn cơ sở và Công đoàn Y tế Việt Nam. | PGS.TS. Triệu Nguyên Trung-Viện trưởng tặng hoa chúc mừng cho đại diện nữ công Viện, TS. Ngô Thị Hương |
Trong lễ kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8-3-2011, Đảng ủy, Lãnh đạo Viện, Công đoàn Viện và Ban vì tiến bộ phụ nữ của Viện đã tặng Ban Nữ công cùng các đại biểu nữ những bó hoa tươi thắm nhất để thể hiện tình cảm chân thành cũng như sự trân trọng đối với chị em nhân ngày kỷ niệm trọng đại này; chúc toàn thể chị em luôn mãi tươi trẻ, xinh đẹp, thành đạt và hạnh phúc, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã khen tặng cho phụ nữ Việt Nam “kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang”; Chúc Ban nữ công Viện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong mọi lĩnh vực công tác, học tập xây dựng Viện ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
|