|
TS. Ngô Thị Hương-trưởng ban Nữ Công báo cáo Công tác nữ công năm 2010 |
Phụ nữ Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn khẳng định vị trí của mình trong các lĩnh vực hoạt động năm 2010
Năm 2010 là một năm có nhiều biến động về dịch bệnh cũng như điều kiện kinh tế-xã hội, tuy nhiên nữ cán bộ viên chức Viện sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã có nhiều nỗ lực phấn đấu trong mọi lĩnh vực hoạt động, góp phần không nhỏ trong thành tích hoạt động của Viện. Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn có 66 nữ cán bộ viên chức & người lao động (CBVCLĐ) , chiếm 44 % tổng số cán bộ viên chức của Viện; trong đó trình độ sau đại học 3 ( 1 tiến sĩ, 1 thạc sĩ, 1 Bác sĩ CKI, 30 đại học,30 trung cấp và 3 cán bộ khác. Bên cạnh những thuận lợi là tập thể nữ tương đối đồng đều về trình độ văn hoá và có sự đoàn kết gắn bó, yêu ngành, yêu nghề và được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và công đoàn cơ sở; công tác nữ công của Viện cũng gặp không ít khó khăn do địa bàn hoạt động trải dài 11 tỉnh duyên hải miền Trung ( từ Quảng Bình đến Bình Thuận) và 4 tỉnh Tây nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông) nên chị em nữ phải thường xuyên đi công tác lưu động. Các chị phụ trách nữ công là cán bộ bán chuyên trách nên thời gian dành cho công tác nữ công còn hạn chế. Mặc dù vậy trong năm 2010, các chị em của Viện đã khắc phục mọi khó khăn đạt được nhiều kết quả hoạt động đáng khích lệ. Về công tác giáo dục tư tưởng Được sự chỉ đạo của Đảng ủy, Lãnh đạo và Công đoàn Viện, công tác giáo dục luôn được Ban nữ công chú trọng. Trong thời gian qua, tập thể chị em phụ nữ Viện luôn đoàn kết gắn bó yêu thương như chị em trong một gia đình, luôn có tư tưởng kiên định, yên tâm công tác. Chính yếu tố này đã tạo nên sức mạnhđể chị em hoàn thành tốt các nhiệm vụ được cơ quan giao phó. Hưởng ứng phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sôi nổi trên toàn quốc và đặc biệt là của Đảng Bộ, BCH Công đoàn Viện phát động, chị em phụ nữ Viện đã ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên tất cả mọi lĩnh vực, góp phần cho sự đi lên và phát triển Viện.
| Cán bộ nữ Viện tham gia tích cực trong hoạt động chuyên môn (labo nuôi muỗi) |
Về thực hiện nhiệm vụ chính trị Với đặc thù là cán bộ của Viện nghiên cứu các bệnh về ký sinh trùng và côn trùng nên công tác chuyên môn phần lớn gắn liền với thực địa, vì thế việc sắp xếp hài hòa giữa học tập, công tác chuyên môn và công việc gia đình là một bài toán khó. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết và ý chí vươn lên, chị em phụ nữ Viện đã cố gắng vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ và học tập nâng cao. Song tất cả những thành tựu ấy không thể nào không kể đến sự quan tâm đặc biệt của các cấp Chính quyền và Công đoàn Viện. Công tác nghiên cứu khoa học Trong năm qua, nhiều chị em đã tham gia và chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ và cấp cơ sở như nuôi giữ chủng muỗi An. dirus, An.epiroticus trong labo, xác định tính nhạy kháng của An. maculatus bằng phương pháp điện di; nghiên cứu giải mã gen ty thể Cytochrom Oxydace SubunitI (CO I) của An.minimus và An.harrisoni, tình hình nhiễm sán lá gan lớn ở một số điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế; nghiên cứu tỉ lệ nhiễm, cường độ nhiễm sán lá gan nhỏ sau 5 năm can thiệp tại Bình Định và Phú Yên. Đánh giá thực trạng nhiễm các bệnh giun truyền qua đất ở học sinh tiểu học sau nhiều năm can thiệp ở Bình Thuân, Ninh thuận, Khánh Hòa; tình hình nhiễm ấu trùng giun đũa chó ở Quảng Ngãi, và Quảng Nam. Hiệu quả cấp thuốc Arterakin tự điều trị sốt rét cho người đi rẫy tại 2 huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Bình Định. Nghiên cứu mức độ nhiễm ký sinh trùng sốt rét và đáp ứng miễn dịch ở các vùng dịch tễ sốt rét bằng kỹ thuật giêm sa và IFA tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đánh giá hiệu quả của việc cấp võng và bọc võng tẩm hóa chất trong PCSR cho người đi rừng ngủ rẫy tại huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Về công tác nghiên cứu hợp tác với nước ngoài, trong năm 2010 có một chị được mời tham gia khóa trao đổi bài giảng toàn cầu về lĩnh vực sinh học phân tử trong sốt rét tạiViện nghiên cứu Sốt rét Quốc gia Ấn Độ
| Cán bộ nữ Viện tham gia tích cực trong hoạt động chuyên môn (labo kiễm tra kỹ thuật) |
Công tác chuyên môn, nghiệp vụ Với 14 khoa phòng, công việc chuyên môn của Viện khá đa dạng. Tuy nhiên ở lĩnh vực nào chị em cũng cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó Dịch Tễ là khoa đầu não của Viện, hoạt động của khoa sẽ giúp Lãnh đạo nhận định tình hình, kịp thời chỉ đạo nhằm quản lý dịch bệnh trong khu vực. Công tác của khoa chủ yếu là ở thực địa, chị em phụ nữ của khoa đã không ngại khó khăn gian khổ , vượt đèo, lội suối đến với bà con ở những bản làng xa xôi, soi phát hiện từng lam máu tìm ký sinh trùng sốt rét và khám bệnh cấp thuốc cho người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành, đêm đến các chị còn làm mồi cho muỗi đốt để định loại phát hiện véc tơ truyền bệnh. Ngoài ra các chị còn tham gia công tác kiểm tra kỹ thuật và quản lý hoạt động điểm kính giúp nâng cao hiệu quả phát hiện và điều sớm ngay từ tuyến cơ sở, hạn chế tử vong và sốt rét ác tính.Các chị trong khối nghiên cứu lâm sàng thường xuyên tham gia các đề tài nghiên cứu kháng thuốc với thời gian dài tại thực địa, để tìm ra loại thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt rét. Tại la bô của Viện, các chị còn tiến hành nuôi cấy giữ chủng ký sinh trùng để phục vụ nghiên cứu kháng thuốc; hàng ngày không kể ngày nghỉ,các chị cần mẫn với công việc của mình như chăm những đứa con mọn. Các chị trong khoa Côn trùng cũng không kém phần gian khổ, tại thực địa các chị làm mồi cho muỗi đốt để tìm ra trung gian truyền bệnh và tiến hành nghiên cứu véc tơ kháng hóa chất để từ đó tìm ra loại hóa chất diệt hữu hiệu nhất phục vụ trong công tác phòng chống sốt rét. Tại la bô của Viện các chị rất thành công trong việc nuôi giữ và nhân giống những loài muỗi Anophen để phục vụ công tác nghiên cứu, công việc này đòi hỏi sự cần mẫn và hy sinh rất lớn, hàng ngày các chị phải cho muỗi đốt máu của chính mình thì công việc nuôi giữ chủng mới thành công. Sinh học phân tử là lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, bao gồm các kỹ thuật mới, hiện đại, những kết quả nghiên cứu chuyên sâu về phân loại côn trùng, ký sinh trùng sốt rét, đặc biệt là ký sinh trùng kháng thuốc đã giúp giải quyết và làm sáng tỏ những vấn đề còn vướng mắc trong chuyên môn. Tuy công việc vất vả, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, các công đoạn của kỹ thuật đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác nhưng các chị trong khoa luôn cố gắng tìm tòi, cải tiến sao cho thuận lợi nhằm góp phần phục vụ tốt hơn công tác phòng chống bệnh sốt rét cũng như các bệnh ký sinh trùng nói chung. Các chị khoa Ký sinh trùng cũng đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ trong chuyên môn, các chị có những chuyến công tác về địa phương giúp người dân điều trị các bệnh ký sinh trùng đường ruột, đặc biệt là các bệnh ký sinh trùng mới xuất hiện gần đây. Ngoài ra các chị còn hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở y tế tuyến dưới học các kỹ thuật phát hiện và điều trị bệnh. Các chị em thuộc phòng khám của Viện trong thời gian qua đã rất nổ lực trong công tác káhm chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là các bệnh ký sinh trùng. Phần lớn nhân viên trong khoa là nữ, số lượng bệnh nhân thì rất đông nên các chị đã làm việc rất cật lực, nhiều chị có con nhỏ nhưng vẫn cố gắng sắp xếp để phục vụ bệnh nhân. Với một phần cố gắng của các chị, phòng khám của Viện đã trở thành một thương hiệu uy tín trong khu vực và cả nước. Trong năm qua, có những thời điểm số bệnh nhân của phòng khám lên đến con số 400- 500 trên một ngày. Trong công tác đào tạo và hợp tác quốc tế, khoa Đào tạo của Viện đến nay đã hoạt động được 33 năm và đã có hơn 1000 kỹ thuật viên được đào tạo từ đây đang công tác trên khắp cả nước; công tác quản lý học sinh khá vất vả, nhất là trong giai đoạn hiện nay, thế nhưng Ban giáo vụ của trường lại rất ít người và chỉ có một nữ duy nhất nên chị rất vất vả trong việc giáo dục và quản lý; trong các lĩnh vực đào tạo đều có sự tham gia giảng dạy nhiệt tình, tâm huyết của các chị em phụ nữ chuyên môn của Viện. Các chị trong khối Công nghệ thông tin và thư viện luôn kịp thời cung cấp những thông tin mới và hữu ích cho công tác chuyên môn, tham gia tích cực góp phần tạo nên sự thành công cho trang Webside của Viện như ngày hôm nay. Các chị phòng Hợp tác quốc tế cũng rất tích cực trong việc biên tập Trang tiếng anh cho Webside của Viện; các chị còn tham gia dịch tài liệu, đặc biệt là tài liệu phục vụ công tác chuyên môn và thực hiện các công việc đối ngoại của Viện. Trong khối hậu cần, công tác tài chính rất quan trọng giúp hoàn thành tốt công việc chuyên môn, công việc của phòng tài chính khá nhiều nhưng số lượng chị em phụ nữ chiếm đa số, nên công việc của các chị rất vất vả; đặc biệt vào thời điểm triển khai chiến dịch công tác, các chị phải lo cung cấp hậu cần kịp thời để các đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ. Các chị thuộc bộ phận Kế hoạch tổng hợp luôn kịp thời cung cấp thuốc men, hóa chất, vật tư cho các tỉnh trong khu vực và đáp ứng nhu cầu cho các đoàn công tác của Viện; tham gia quản lý và tham mưu kế hoạch hoạt động cho khu vực và Viện. Các chị khối hành chính cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: giải quyết công văn đến, công văn đi kịp thời, phục vụ tốt thủ tục hành chính cho các đoàn công tác. Các chị tham gia bảo quản và giữ gìn cơ quan sạch đẹp.
| Tại phòng khám chuyên khoa Viện |
Học tập nâng cao trình độ Viện là một đơn vị nghiên cứu khoa học nên đòi hỏi chị em phải luôn không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm vừa qua có 1 chị hoàn thành chương trình cao học, 1 chị học xong chuyên khoa cấp I, 1 chị học xong chương trình đại học, và hiện có 1 chị học cao học và 6 chị học đại học. Đa số chị em trong Viện biết ngoại ngữ và 90% biết sử dụng vi tính. Ngoài ra còn rất nhiều chị tham gia các lớp tập huấn và học tập chính trị, chuyên môn, kỹ thuật để nâng cao hiệu quả công tác và để thành lập phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO trong thời gian sắp đến. Xây dựng gia đình văn hóa mới Trong cuộc sống kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc giữ vững hạnh phúc gia đình là điều khó khăn nhưng tất cả chị em phụ nữ Viện vẫn luôn coi trọng và cố gắng hết sức để giữ mái ấm của mình, chịu thương chịu khó hoàn thành thiên chức làm mẹ, làm vợ. Trong quan hệ gia đình, hàng xóm, khu dân cư các chị luôn giữ được mối quan hệ thân ái, ứng xử đúng mực và thực hiện nếp sống gia đình văn hóa. Trong nhiều năm qua 100% gia đình chị em phụ nữ Viện đạt “Gia đình văn hóa”. Nhiều chị đã thành công trong việc nuôi dạy và hướng nghiệp cho con cái, có rất nhiều cháu học giỏi và thành đạt. Năm học 2009-2010 có đến 95% cháu đạt danh hiệu khá giỏi. Công tác chăm lo thiếu niên, nhi đồng luôn được Ban nữ công đặc biệt quan tâm. Hàng năm Ban nữ công phối hợp với đoàn thanh niên tổ chức phát thưởng và tạo sân chơi cho các cháu nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, tết Trung thu nhằm động viên các cháu học tập. Công tác xã hội cũng được Ban nữ công Viện rất quan tâm. Năm qua nữ CBCC Viện đãtham gia chương trình hiến máu nhân đạo, nhường cơm xẻ áo, tham gia vào các đoàn khám và phát thuốc từ thiện; chia xẻ áo quần, sách vở với các cháu vùng bão lũ, khó khăn; trong năm qua 100% chị em nữ CBCC Viện thực hiện tốt công tác sinh đẻ có kế hoạch. Hoạt động đoàn thể và công tác khác Trong nhiều năm qua, có nhiều nữ CBVCLĐ được kết nạp và đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tính đến năm 2010, đã có 19/54 đảng viên nữ Nữ CBVCLĐ Viện luôn tích cực tham gia các buổi học tập nghị quyết của Đảng, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 vừa qua Ban nữ công Viện đã tổ chức chương trình mít tinh, thuyết trình, giao lưu văn nghệ với chủ đề “Phụ nữ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với nhiều tiết mục đặc sắc và đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho người xem. Chị em phụ nữ Viện nhiệt tình tham gia, hưởng ứng các phong trào văn nghệ, thể thao và các phong trào khác do Công đoàn Y tế tỉnh Bình Định và Công đoàn ngành Y tế tổ chức. Hàng năm hưởng ứng các đợt phát động phong trào của Công đoàn cơ sở chào mừng các ngày lễ lớn và phong trào thi đấu giao lưu thể thao, văn nghệ giữa các Viện trong khu vực, chị em phụ nữ tham gia nhiệt tình, sôi nổi và đã đạt được nhiều giải cao góp phần cho đoàn thể thao Viện đạt giải nhất toàn đoàn trong nhiều năm liền. Với những thành tích đạt được, trong Đại hội Thi đua yêu nước vừa qua, nhiều chị được trao tặng danh hiệu: “Điển hình tiên tiến” các cấp, và có chị được chọn báo cáo điển hình trước Đại hội. Năm 2010, có 3 chị được Công đoàn nghành Y tế Việt Nam tặng bằng khen: “Phụ nữ 2 giỏi”. Trên đây là toàn bộ hoạt động của Nữ CBVCLĐ Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn trong năm 2010, đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển của Viện và đặc biệt cho công tác phòng chống sốt rét và các bệnh ký sinh trùng trong khu vực miền Trung-Tây nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
|