Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 26/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Finance & Retail Thầy thuốc và Danh nhân
Việt Nam
Thế giới
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 5 8 2 4 3 5
Số người đang truy cập
1 4 2
 Thầy thuốc và Danh nhân Việt Nam
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Trọng-Người Thầy giáo mẫu mực, nhà quản lý y tế giàu kinh nghiệm

“Cứ gọi tôi là Thầy Trọng”

Ở Trường Đại học Y khoa Bắc Thái, những sinh viên Y1 chúng tôi thường gọi các thầy trong Ban Giám hiệu nhà trường là Bác với sự kính trọng của bậc con, cháu. Hồi đó, Tiến sĩ Lê Ngọc Trọng đang là Hiệu phó. Ông bảo: “Thầy biết tình cảm tốt đẹp của các em đối với chúng tôi. Nhưng ở trường đại học có hai đại từ rất đẹp là thầy giáo và sinh viên. Từ nay về sau các em cứ xưng hô với chúng tôi là thầy giáo nhé”. Tiến sĩ Trọng là vậy, câu nói chân tình, nhẹ nhàng nhưng cũng là thói quen thể hiện sự "kỹ tính” của một người thầy luôn nghiêm túc, đúng mực trong công việc. Có những hôm làm việc mệt mỏi ông vẫn dí dỏm, bất kể khi nào có học trò cần nhờ vả, ông luôn nhiệt tình chỉ dẫn. Nhưng những sinh viên thời ấy đừng mong “mặc cả” được “hình phạt” với Thầy Trọng khi đã mắc lỗi.  

Thời gian chúng tôi đi thực hành ở bệnh viện, sáng nào cũng vậy, cứ 7g30 giao ban khoa thì 6g30 là Thầy Trọng giao ban với tất cả sinh viên thực tập tại khoa nội. Nhóm trực nhiều đêm phải thức trắng để hoàn thiện bệnh án giao ban. Vì đêm nào cũng vậy, cứ vào khoảng 23 đến 24 giờ là Thầy Trọng lại “đi tua” kiểm tra việc trực của các khoa, điểm danh nhóm sinh viên trực và thăm bệnh nhân nặng, bệnh nhân mới vào viện. Nhóm trực nào không hoàn thiện bệnh án, bỏ sót triệu chứng, chẩn đoán bệnh mà không có lập luận chắc chắn, lập tức bị Thầy truy hỏi đến cùng và phạt trực bù là “chuyện thường tình ở bệnh viện”.

Sinh viên hồi ấy vẫn nhớ như in câu nói một lần bị quở trách: “Chẩn đoán có thể chưa đúng nhưng phải có cơ sở và trả lời thỏa đáng tại sao lại chẩn đoán như vậy”. Nói có sách, mách có chứng, ông chẳng tiếc công hướng dẫn sinh viên cách làm bệnh án rất chi tiết, cách lập luận chẩn đoán bệnh rất khoa học. Sau này, khi đi học sau đại học, Giáo sư Vũ Văn Đính có lần đã khen nhóm chúng tôi làm bệnh án hay nhất, khiến mấy đứa chúng tôi lại nhớ ngay đến thầy Trọng.

“Nghề giáo” đã gắn bó với ông từ khi ra trường, và Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Trọng dường như không thể xa được “mối duyên nợ” này dù khi đã làm Thứ trưởng Bộ Y tế với bao bề bộn của công việc. Bởi lẽ vẫn còn nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh y  khoa thực sự muốn được học hỏi ở Thầy không chỉ về học vấn, kinh nghiệm mà còn là những đức tính, y đức cần thiết cho nghề nghiệp sau này.

Thế là Giáo sư Trọng lại cố gắng sắp xếp thời gian tham gia giảng dạy ở Trường Đại học Y tế Công cộng, Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương, Học viện Quân Y, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Thái Nguyên. Đã không làm thì thôi, chứ đã nhận dạy, Giáo sư Trọng lại trở về với phong cách của một người thầy uyên bác, khắt khe nhưng rất nhiệt tình, khiêm tốn và giản dị. Ông luôn tuân thủ đầy đủ số giờ giảng dạy được phân công, hướng dẫn tận tâm học viên, nghiên cứu sinh làm luận án như những người thầy bình thường nhất.

“Cái duyên” với khoa học, đào tạo

Trải qua nhiều chức danh với những nhiệm vụ không giống nhau, nhưng khoa học và đào tạo gần như không thể tách rời với cuộc sống của ông. "Cái duyên” ngày càng bền chặt với khoa học và đào tạo của Giáo sư, Tiến sĩ Trọng có lẽ xuất phát từ chính nhiệt huyết và sự  năng nổ của một người quản lý lâu năm. Người thầy giáo năm xưa giờ đã là Thứ trưởng Bộ Y tế, ông lại được giao phụ trách mảng khoa học và đào tạo. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Trọng đã trực tiếp chỉ đạo Vụ Khoa học và Đào tạo xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trường cao đẳng, trung học và trường nghề, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch mạng lưới chung các trường đào tạo ở Việt Nam. Giáo sư cũng là người tích cực góp phần trong sự ra đời của nhiều trường mới như: Đại học Y tế Công cộng, Đại học Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược Cần Thơ, Đại học Điều dưỡng Nam Định,  Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương...

Hơn ai hết, một người từng nhiều năm vất vả trong nghề y, Giáo sư Trọng hiểu thế nào là tầm quan trọng của khoa học và kỹ thuật công nghệ y học đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả y tế và y học. Ông luôn ưu tiên và khuyến khích đầu tư các chương trình khoa học công nghệ trong ngành y tế. Bản thân Giáo sư Trọng làm Chủ nhiệm của 2 đề tài cấp nhà nước, 6 đề tài cấp bộ, tất cả đều được nghiệm thu, trong đó rất nhiều nội dung đã được ông sử dụng trong công tác đào tạo và quản lý ngành.

Những quãng nghỉ giữa các công việc, ông lại tranh thủ đúc kết kinh nghiệm quản lý nhiều năm cho các thế hệ kế cận qua những cuốn sách. Đến nay ông đã là Chủ biên của 26 cuốn sách về quản lý. Hai cuốn sách do ông là tác giả: “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”, “Công nghệ thông tin trong bệnh viện” chứa đựng biết bao thực tế, cùng những điều tâm huyết mà ông muốn cống hiến để góp một phần phát triển nền y học nước nhà.
Xây dựng mô hình mới về kết hợp Viện-Trường.

Trong những năm cuối thập niên 80 đầu 90, thời ông đang giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Y Bắc Thái kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, mô hình kết hợp Viện-Trường chặt chẽ được ông đưa vào áp dụng, và sợi dây liên kết đó đã phát huy được mọi tiềm năng của nhà trường và bệnh viện trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh. Sinh viên được gắn liền lý thuyết với thực hành, nâng cao trình độ thực tế. Bệnh viện lại có thêm những sự trợ giúp không nhỏ và liên tục được cập nhật những kiến thức mới, nhờ đó chất lượng sinh viên cũng như chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện tăng tiến rõ rệt. Nhận xét về mô hình này, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, khi đến thăm và làm việc tại bệnh viện đã nhận xét “Đây là mô hình quản lý có nhiều ưu việt, có tính sáng tạo của người quản lý trẻ tuổi”.

Từ năm 1992 đến năm 2006, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Trọng công tác tại Bộ Y tế với cương vị Thứ trưởng, được phân công giúp Bộ trưởng chỉ đạo các công tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, trang thiết bị và công trình y tế, công tác y học cổ truyền, công tác công nghệ thông tin, công tác bảo vệ sức khoẻ cán bộ trung ương, công tác thanh tra, công tác dược. Trên tất cả các lĩnh vực công tác, Giáo sư đã cố gắng chỉ đạo vận dụng sáng tạo mọi chủ trương của Đảng và Chính phủ về đổi mới các cơ chế chính sách, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, rất sát sao công việc, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Sự phát triển của các lĩnh vực do Giáo sư phụ trách đều có dấu ấn của người quản lý giàu kinh nghiệm, sát thực tiễn.

Xây dựng “Bộ Luật” về bệnh viện

Phụ trách công tác khám chữa bệnh từ năm 1992 đến năm 2004, Giáo sư Lê Ngọc Trọng đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của hệ thống bệnh viện ở nước ta. Để phát huy cao vai trò quản lý nhà nước trong bệnh viện, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương, cùng với tập thể lãnh đạo bộ, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Trọng đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng, ban hành và từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về khám chữa bệnh, như Quy chế bệnh viện, Quy trình kỹ thuật bệnh viện, Hướng dẫn điều trị, Quy trình chăm sóc, Quy chế xử lý chất thải bệnh viện, Quy định về mẫu hồ sơ bệnh án... Đây là hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động của bệnh viện. Một lần, Tổng Bí Thư Đỗ Mười làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, khi báo cáo về các Quy chế bệnh viện, Tổng Bí thư rất khen ngợi Bộ Y tế đã ban hành được những văn bản quan trọng trong quản lý bệnh viện, Tổng Bí thư động viên Bộ Y tế đã có “Bộ Luật” về bệnh viện, đề nghị các lĩnh vực khác cũng cần hoàn thiện các văn bản pháp quy tương tự. Để có kế hoạch phát triển các bệnh viện, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Trọng đã trực tiếp chỉ đạo công việc Quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh trong toàn quốc. Năm 2002, Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương đã phê duyệt quy hoạch này. Đây là lần đầu tiên ngành y tế có quy hoạch mạng lưới bệnh viện ở nước ta, là cơ sở để xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển bệnh viện.

Chỉ đạo đổi mới quản lý và  hiện đại hoá bệnh viện

Sau nhiều năm bám sát với thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, để phù hợp với tình hình mới, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Trọng đã đề xuất với Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến và được lãnh đạo bộ thống nhất chỉ đạo các bệnh viện theo mô hình bệnh viện là đơn vị cung cấp dịch vụ cho người dân, bao gồm hai loại dịch vụ chính là dịch vụ chuyên môn kỹ thuật (dịch vụ khám bệnh, cung cấp thuốc, xét nghiệm… ) và dịch vụ hậu cần (dịch vụ giặt là, dịch vụ ăn uống, vệ sinh công nghiệp… ), bệnh viện là khách sạn nhiều sao, có dịch vụ y tế, đặt trong công viên; với phương châm ở bệnh viện tất cả là để phục vụ người bệnh và để người bệnh hài lòng hơn với bệnh viện.

“Bí quyết quản lý” là phân cấp, ủy quyền tối đa

Những người thân thiết và học trò thấy ông đảm đương nhiều nhiệm vụ cùng lúc, nhiệm vụ nào cũng đúng nghĩa “công to, việc lớn” nhưng không những không hề "rối tinh” lên, mà lại đưa ra nhiều giải pháp rất hợp lý, thành công, nên muốn được Giáo sư Trọng “truyền dạy bí quyết”. Còn ông vẫn luôn giữ sự khiêm tốn vốn có: “Chẳng có công to việc lớn gì cả. Làm gì thì làm, nếu mình vận dụng được một chút khoa học, không ôm đồm công việc, phân cấp, ủy quyền tối đa, thường xuyên giám sát, kiểm tra thì sẽ vừa hiệu quả, mà lại giữ được sự đoàn kết tốt”. Sự thật, từ khi làm Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái nguyên, đến khi làm Thứ trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm tin học, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, kiêm Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Giám đốc Lê Ngọc Trọng đều ủy quyền chủ tài khoản cho cấp phó của đơn vị. Anh Lê Quang Ân, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị có lần tâm sự “Làm việc với anh Trọng rất vất vả, nhưng mình được chủ động hoàn toàn nên rất vui và làm việc hết mình”.
GS.TS. Lê Ngọc Trọng (đứng giữa) cùng Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên
và Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn trong buổi chia tay giáo sư về nghỉ hưu.

Bám sát thực tiễn

Giai đoạn từ 1992 đến 2002, với tư cách Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, khi các vùng Tây Nguyên, vùng núi phía bắc mắc sốt rét nhiều, nhiều tháng ròng đích thân vị Trưởng Ban đi “nằm vùng” để trực tiếp chỉ đạo giải quyết. Nhờ đó, đã góp phần làm giảm tỷ lệ mắc và chết do sốt rét. Năm 1991 có 1.091.251 người mắc sốt rét (16,75/1.000 dân), trong đó số chết do sốt rét 4.646 người (7,13/100.000 dân). Đến năm 2001, số mắc sốt rét giảm xuống còn 257.793 bệnh nhân (3,27/1.000 dân) và chết 91 người (0,12/100.000 dân). Năm 2001, Ông được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động Hạng ba vì thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống sốt rét.

Cũng nhờ qua thời gian thực tế này, ông đã được tận mắt chứng kiến những thiếu thốn, thiệt thòi của bà con vùng sâu, vùng xa không chỉ trong đời sống và đặc biệt là công tác chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh. Chỉ vì cơ sở khám, chữa bệnh tại địa phương còn yếu mà nhiều bà con đã phải cất công lặn lội lên thành phố chữa bệnh với bao đắt đỏ, phiền toái, không ít người trở nên trọng bệnh, thậm chí mất mạng vì chưa kịp chuyển lên tuyến trên. “Cái yếu” đó đã khiến Giáo sư Trọng day dứt mãi, và ông đã trực tiếp chỉ đạo về đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến. Mỗi bệnh viện trung ương, tỉnh, thành phố, phải có kế hoạch hàng năm giúp đỡ một bệnh viện tuyến dưới. Nhờ vậy, trong thời gian qua, nhiều “đôi bạn cùng tiến” đã liên tiếp đem lại những hiệu quả thiết thực cho những bệnh viện tuyến dưới. Có thể kể ra những “cặp” Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện tỉnh Cao Bằng; Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện tỉnh Tuyên Quang, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Viện Răng Hàm Mặt Hà Nội và Bệnh viện Bắc Cạn, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện tỉnh Lai Châu... Gần đây, khi nói về công tác này, Nguyên Thứ trưởng Lê Ngọc Trọng cho biết: “Công tác chỉ đạo tuyến đã được triển khai từ lâu, chúng tôi đã tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác này có hiệu quả. Hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã có sáng kiến nâng công tác chỉ đạo tuyến lên tầm cao mới bằng Đề án 1816 - Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất hoan nghênh và dư luận xã hội đánh giá rất cao”. 

Đảm trách nhiều cương vị quan trọng và không ít áp lực, trong công việc Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Trọng luôn nhiệt tình, hăng say, quyết tâm và có phương pháp làm việc khoa học, với nghệ thuật phân cấp, ủy quyền rất hợp lý. Mặt khác, đồng nghiệp còn thấy ở ông sự khiêm tốn, tôn trọng, học hỏi đồng nghiệp, luôn bám sát thực tiễn. Phải chăng đó là những lý do để Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Trọng có thể đảm đương và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao phó. “Mình là thầy ở lĩnh vực này, nhưng chỉ là trò trong lĩnh vực khác. Nếu cho là mình hay rồi, tốt rồi, giỏi rồi, thì còn ai gần được mình nữa. Nhìn ra điểm mạnh ở mỗi con người mà mình đang quản lý để phát huy, đó cũng là một yếu tố quan trọng để thành công” - sự khiêm nhường, giản dị và ham học hỏi ấy, phải chăng là phẩm chất luôn hội tụ ở một người thầy, người quản lý ngành y./.

 

Ngày 22/08/2011
Nguyễn Võ Hinh (sưu tầm)
Theo: Cục Quản ký khám chữa bệnh-Bộ Y tế
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn triển khai Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu với phương châm “Nỗ lực hết mình vì người bệnh”


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích