|
Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Viện sĩ Phạm Song |
Vĩnh biệt Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Viện sĩ Phạm Song
Tin buồn Bộ Y tế, Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương, Tổng Hội Y học Việt Nam, Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phường Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và gia đình vô cùng đau đớn báo tin: Giáo sư, Viện sĩ Phạm Song, sinh ngày 23/11/1931; Quê quán: xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; Trú quán tại: 19B phố Trần Hưng Đạo, TP. Hà Nội; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; Nguyên Chủ tịch Hội đồng bảo vệ sức khỏe Trung ương; Nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị; Nguyên Viện trưởng Viện Y học các bệnh lâm sàng nhiệt đới; Nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Ấn Độ-Việt Nam; Nguyên Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam; Nguyên Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam nhiệm kỳ 2005-2010; Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Tổng Hội Y học Việt Nam nhiệm kỳ 2011-2015; Thầy thuốc Nhân dân; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; đã đột ngột từ trần hồi 12 giờ 10 phút ngày 8/11/2011 (tức ngày 13/10 năm Tân Mão) trong khi đang dự Hội nghị nghiên cứu hệ thống y tế do Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức. Lễ viếng: bắt đầu từ 8h - 10h30’ ngày 12/11/2011 (tức ngày 17/10 năm Tân Mão), tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu từ 10h30’ ngày 12/11/2011. Lễ di quan: sau 11h00’ ngày 12/11/2011. Lễ an táng: Từ 12h30’ ngày 12/11/2011 (tức ngày 17/10 năm Tân Mão), tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Buổi sáng 8/11/2011, ngày cuối cùng của cuộc đời, GS. Pham Song đã nhiệt tình tham gia buổi hội thảo khoa học về y tế, vui vẻ cởi mở nói chuyện với các đồng nghiệp trẻ, đã phát biểu những ý kiến đầy tâm huyết, sôi nổi về các công việc của ngành y tế , rồi sau đó, cơn đau tim đột ngột đã đưa ông ra đi mãi mãi. Ông ra đi để lại nhiều công việc nghiên cứu khoa học và viết sách về y học còn dang dở… Giáo sư, Viện sĩ Phạm Song là một trong số chuyên gia y học hàng đầu của nước ta, suốt đời say mê làm việc không mệt mỏi vì sứ mệnh vinh quang của người thầy thuốc. Bước vào tuổi 80 nhưng niềm say mê đó không hề giảm sút mà ông rất tự hào đã hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ, cống hiến hết mình cho sự nghiệp y tế của nước nhà. Một sự nghiệp vẻ vang Ông là sinh viên y khoa khoá 1952 -1956 của Đại học Y Dược khoa trong kháng chiến, đã tích cực tham gia phục vụ bộ đội và nhân dân trong kháng chiến, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ và các công tác y tế khác trong hoà bình. Năm 1955, ông trở về Trường Đại học Y khoa hoàn thành các chương trình học, tốt nghiệp xuất sắc bác sĩ năm 1956 chuyên khoa tim mạch. Ông đạt điểm cao nhất cả trong chấm luận án và thi lâm sàng. Giáo sư Đặng Văn Chung chỉ cho 9 điểm với ý nghĩa “Bớt đi một điểm cho khỏi kiêu căng, vì kiêu căng tự phụ chẳng làm được gì nhiều, khi chọn ngành y”.Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã có công đào tạo và bồi dưỡng ông từ một bác sĩ chuyên khoa tim mạch chuyển sang chuyên khoa truyền nhiễm với giải thích: “Bệnh nhiễm trùng hiện nay là bệnh hàng đầu của nước ta. Tôi cần một cán bộ trẻ sang làm ngành này đáp ứng trước mắt và lâu dài” và ông đã phấn đấu hoàn thành tốt mong muốn nguyện vọng của thầy Phạm Ngọc Thạch, trở thành giáo sư giỏi đầu ngành. Ông được cử dự các khóa đào tạo sau đại học với kết quả xuất sắc. Tại Rumani, ông được điểm 10 cho cả 4 chứng chỉ, hay khi tốt nghiệp lớp miễn dịch học của Tổ chức Y tế Thế giới tại Thụy Sĩ, ông đạt 297 điểm trên tổng 300 điểm. Ông Chủ tịch Hội đồng nói: “Bớt 3 điểm để nhớ y học vô cùng rộng lớn không bao giờ biết hết”. GS. Phạm Song là Chủ nhiệm Khoa Bệnh nhiễm trùng Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (1966-1980). Năm 1981, ông được đề bạt làm Phó Giám đốc và năm 1982 làm Giám đốc. Ông luôn kiên trì tự nâng cao năng lực, nghề nghiệp, tích cực tham gia giảng dạy, làm nghiên cứu khoa học. Bộ trưởng Bộ Y tế Đặng Hồi Xuân nhận ra năng lực chuyên môn và khả năng quản lý của ông, đã đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Y tế cho ông vào đầu năm 1984. Là Thứ trưởng bận nhiều công việc, GS. Phạm Song vẫn kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Truyền nhiễm và đảm bảo các tiết giảng dạy mỗi năm tại Trường Đại học Y Hà Nội. Khi thành lập Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, ông kiêm nhiệm chức vụ Viện trưởng. | GS.VS. Phạm Song hướng dẫn các cán bộ trẻ tại Phòng xét nghiệm sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Trần Thanh Giang |
Nhà chiến lược y tế Ông đã chủ trì cùng các vụ, viện trưởng đầu ngành và các cán bộ vụ, cục Bộ Y tế soạn thảo Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, được Quốc hội khoá XIII phê duyệt ngày 30/6/1989 và soạn thảo Chiến lược bảo vệ sức khỏe nhân dân 1990-2000. Đây là dấu son về đổi mới phương thức hành động theo khoa học y tế công cộng của nước ta mà đến nay nội dung các chương trình và phương pháp quản lý vẫn còn mang tính thời sự. Ông cũng là người bằng nghiên cứu thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm của các nước có nền y tế tiên tiến, đã đề xuất ra chủ trương từ thu một phần viện phí tiến tới đề xuất được Nhà nước ban hành chính sách bảo hiểm y tế, đến nay sau 20 năm đã phát triển trên phạm vi toàn quốc với nhiều loại hình phong phú, chăm lo bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Người chỉ huy xuất sắc của Chương trình Tiêm chủng mở rộng GS. Phạm Song, Thứ trưởng Bộ Y tế (1984- 1988), Bộ trưởng Bộ Y tế (11/1988-10/1992) là người lãnh đạo với nhiều chủ trương và việc làm để Chương trình Tiêm chủng mở rộng có nhiều thành công, tạo một bước tiến quan trọng trong hoàn cảnh kinh tế và xã hội của nước ta trong thời kỳ đất nước có nhiều khó khăn nhất. Bộ trưởng đã tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đã viết thư cho ngài Jame Grant-Tổng Giám đốc UNICEF: “Mời ông sang thăm nước tôi, để có thể giúp chúng tôi khắc phục hoàn cảnh hiện nay. Tiêm chủng mở rộng khó đạt các chỉ tiêu đã xác định, các nhân viên y tế cơ sở không có lương và phụ cấp. Chúng tôi mời ông gặp Thủ tướng nước tôi và đề nghị ông cấp cho chúng tôi một khoản viện trợ đặc biệt, để cán bộ y tế tuyến xã có lương, để họ làm tiêm chủng”. Ngài Jame Grant đã sang Việt Nam, nước ta đã nhận được khoản viện trợ đặc biệt đó. Chương trình Tiêm chủng mở rộng là chương trình quốc gia, nếu đạt thành tích cao sẽ kéo theo việc phục hồi hoạt động của các trạm y tế xã. Nhiều cống hiến cho khoa học Điều mà GS. Phạm Song tâm đắc nhất trong hoạt động khoa học y tế là quyết tâm đưa artemisinin vào điều trị sốt rét do Plasmodium falciparum kháng thuốc. Ông đã đề nghị Đảng và Chính phủ phát động phong trào di thực cây thanh hao hoa vàng từ Lạng Sơn về các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Chỉ sau 2 năm từ chỉ có 36 kg artemisinin bột, chúng ta đã có 3 tấn artemisinin bột cùng các dẫn xuất với nhiều dạng bào chế đủ dùng trong nước như tiêm tĩnh mạch, viên đặt hậu môn. Có thuốc artemisinin cùng với việc tẩm màn bằng hóa chất permethrin chống muỗi đã khống chế được sốt rét, không có dịch lớn xảy ra và rất hiếm khi có tử vong sốt rét ác tính do Plasmodium falciparum. Bộ Y tế đã hướng dẫn kỹ thuật sử dụng artemisinin và các dẫn xuất sản xuất trong nước để điều trị vào năm 1990 và sau đó 9 năm y tế thế giới đã công nhận chọn artemisinin là thuốc hàng đầu để điều trị sốt rét do Plasmodium falciparum”. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu artesiminin về dẫn xuất và cả nguyên liệu sang các nước châu Phi và châu Âu, công trình đã tập hợp rất nhiều đơn vị khoa học và hàng chục bác sĩ tham gia, đã được tặng giải thưởng khoa học công nghệ Hồ Chí Minh 2000. GS.VS. Phạm Song còn được giao chủ nhiệm chương trình khoa học nhà nước về chống nhiễm khuẩn 1990-2000 mã số KYO1. Ông đã đề nghị thành lập Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS khi chưa có ca HIV(+) nào ở Việt Nam và từ năm 1990 đã có chương trình trung hạn giảm thiểu tác hại lây nhiễm HIV do y tế thế giới hỗ trợ xây dựng, xây dựng báo điện tử về đái tháo đường và vận động xây dựng Chiến lược toàn diện về phòng chống viêm gan virut B, C và đái tháo đường. Là tác giả của nhiều cuốn sách giá trị GS.VS. Phạm Song còn là đồng chủ biên với PGS.TS. Nguyễn Hữu Quỳnh-chuyên gia về ngôn ngữ học, với sự cộng tác của 120 giáo sư, tiến sĩ y học nhiều thế hệ để biên soạn 4 tập Bách khoa thư bệnh học, được khởi công từ năm 1990 và hoàn thành năm 2004 đã tái bản đến lần thứ ba. Từ năm 2009 đến nay, Giáo sư cùng các đồng nghiệp chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa y học Việt Nam. Ông là tác giả và rất tâm đắc với cuốn HIV/ AIDS, đề cập toàn diện đầu tiên về chủ đề này. Bao nhiêu điều học được ở Hà Lan và kinh nghiệm thực hành của ông được thể hiện trong cuốn Những vấn đề cơ bản và mới về bệnh viêm gan virut. Ông cũng viết cuốn Lâm sàng và điều trị sốt rét, xuất bản năm 1994 nêu rõ sốt rét ác tính chủ yếu là do tắc mạch não còn các phản ứng khác là thứ phát và đề cao việc dùng artesiminin và thuốc chống huyết khối. Trong chỉ đạo phòng chống sốt xuất huyết, ông chủ trương dập dịch phải bắt đầu khi có những ca sốt Dengue cổ điển… Tất cả những suy nghĩ chiến lược và chính sách về y tế, nước sạch vệ sinh môi trường, dân số và sức khỏe sinh sản đã được ghi lại trong cuốn Những vấn đề cơ bản về y tế, kế hoạch hoá gia đình, vệ sinh môi trường 1980 - 2000 và nhiều sách khác như: Sử dụng thuốc hợp lý - 1984, Cẩm nang dùng thuốc cho cán bộ y tế xã-1988… GS.VS. Phạm Song-một cán bộ đảng viên ưu tú-một trái tim nhân hậu-một trí tuệ bác học đã phấn đấu quên mình cho sự nghiệp khoa học và y tế nước nhà. Cuộc đời ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, làm rạng rỡ nền y học nước nhà trước bạn bè thế giới.
|