Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 26/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Finance & Retail Thầy thuốc và Danh nhân
Việt Nam
Thế giới
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 5 8 2 5 4 3
Số người đang truy cập
2 9
 Thầy thuốc và Danh nhân Việt Nam
Trường Đại học Y Dược Huế
Nghĩ về đạo đức và truyền thống người cựu sinh viên y Huế

Đại học Huế đang chuẩn bị kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (1957-2012), Trường Đại học Y Dược Huế là trường thành viên cũng tham gia vào sự kiện trọng đại này. Mới đó mà đã 55 năm, thời gian qua đi với nhiều thế hệ nhưng những người cựu sinh viên y Huế vẫn luôn luôn giữ vững đạo đức và truyền thống của mình.

 

Có lẽ những người cựu sinh viên qua các thế hệ được học tập tại Trường Đại học Y khoa Huế trước đây không ai là không biết đến Thầy Lê Văn Bách. Ngày 19/2/2002, tháng ngày cuối đời; thầy đã để lại di bút cuối cùng trước khi ra đi về cõi vĩnh hằng vào ngày 02/4/2002. Trong ngày giỗ 10 năm sau khi thầy mất, tôi và Bác sĩ Dương Văn Sinh đến thăm viếng nhà thầy ở Phú Mộng, thắp hương với mâm cơm cúng và dâng sớ cầu siêu cho thầy. Tôi có dịp đọc lại di bút này với mong ước của thầy trước khi mất là “Cầu mong anh chị em dù ở đâu cũng được sức khỏe, hạnh phúc, nhiều thành đạt mà vẫn giữ vững được đạo đức và truyền thống người cựu sinh viên Y Huế”. Suy nghĩ về vấn đề, là một cựu sinh viên y Huế Khóa 10 (1970), tôi đã nhìn lại những gì đã qua...

 

Di bút của Thầy Lê Văn Bách viết ngày 19/2/2002

 
Đạo đức của người cựu sinh viên y Huế

Có lẽ đạo đức của người cựu sinh viên y Huế qua các thế hệ đã được các thầy cô giáo dạy bảo ngay từ năm đầu tiên mới vào trường để học y nghiệp. Vấn đề đạo đức đã được xác định cụ thể với lời tuyên thệ bắt buộc mà người cựu sinh viên của thế hệ trước đây phải đọc trong buổi lễ tốt nghiệp trước khi ra trường. Tôi còn nhớ rất rõ và thuộc lòng về lời tuyên thệ này mặc dù từ ngày tôi vào học trường y cho đến nay đã 42 năm. Lời tuyên thệ trước khi ra trường của người cựu sinh viên y Huế tốt nghiệp trước giai đoạn năm 1975 có nội dung như sau:

- Trước đấng tối cao mà tôi tin tưởng,

- Trước các Y tổ của Thế giới và Việt Nam, Hoàng đế Hippocrates và Hải Thượng Lãn Ông,

- Trước các thầy và các bạn đồng môn đã gây dựng y nghiệp cho tôi,

- Trước các bậc sinh thành ra tôi và nhất là trước lương tâm chức nghiệp của chính tôi;

- Tôi xin tuyên thệ:

Coi nghề thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như một con đường cứu người và giúp đời, chứ không xem như một phương tiện thương mãi.

Trong khi hành nghề, tôi chỉ dùng mọi hiểu biết về người bệnh để phục vụ y đạo.

Vì tình yêu Tổ quốc, tôi sẽ cố phát triển những sắc thái đặc biệt của nền y học Việt Nam.

Vì tình thương nhân loại, tôi sẽ cứu tất cả mọi người và truyền nghề cho bất cứ những ai có khả năng và thiện chí.

Vì tôn trọng sinh mạng của người bệnh và tư tưởng cao đẹp của nghề thầy thuốc, tôi sẽ phải học hỏi và nghiên cứu trọn đời.

Hôm nay chỉ mới là bắt đầu!”

  

Logo của Trường Đại học Y khoa Huế

trước đây và Đại học Y Dược hiện nay

Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, những người cựu sinh viên y Huế trước đây và cựu sinh viên y Huế các thế hệ sau này đã được rèn luyện về y đức qua lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nội dung thư gửi cán bộ y tế tại hội nghị y tế được tổ chức vào ngày 27/2/1955. Ngày này đã trở thành Ngày Thầy thuốc Việt Nam và hàng năm trong buổi lễ kỷ niệm, những người cựu sinh viên y, những cán bộ y tế đã nghỉ hưu hay đang còn đương chức có dịp tiếp thu lại nội dung bức thư để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện y đức của mình. Bộ Y tế cũng đã ban hành các văn bản quy định về tiêu chuẩn đạo đức của những người làm công tác y tế, quy tắc ứng xử của cán bộ, nhân viên trong ngành y tế... Vấn đề y đức của người cựu sinh viên y Huế đã duy trì, củng cố, phát triển để giữ vững được đạo đức trong khi thực hành y nghiệp.

Trong thực tế đời thường, vấn đề y đức của ngành y tế thời gian qua đã được dư luận xã hội quan tâm vì sự xói mòn đạo đức của một bộ phận những người thầy thuốc thiếu lương tâm, trách nhiệm do bị ảnh hưởng nặng nề mặt trái của nền kinh tế thị trường. Mặc dù đời sống của nhiều cán bộ, nhân viên y tế còn gặp nhiều khó khăn do đồng lương quá thấp; công việc lại khá bận rộn, vất vả... nhưng nếu dùng thủ đoạn gây khó khăn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để cầu mong chiếc phong bì tiêu cực làm phương tiện cứu cánh phải lòi ra mới được quan tâm phục vụ là một điều trái với đạo lý, vi phạm đạo đức nói chung và y đức nói riêng. Con sâu làm rầu nồi canh, số ít làm cho số nhiều bị ảnh hưởng, mang tiếng. Có lẽ phần lớn những cựu sinh viên y Huế dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể tự hào, hãnh diện trước mọi người về việc giữ vững được đạo đức của mình. Các cựu sinh viên y Huế khác chưa quan tâm đến vấn đề này thì nên kiểm định lại giá trị y đức của mình trong khi thực hành y nghiệp để có được lương tâm trong sạch như những lời thề, ước nguyện khi tốt nghiệp ra trường.

Truyền thống của người cựu sinh viên y Huế

Truyền thống nổi bật nhất của người cựu sinh viên y Huế là tinh thần “tôn sư trọng đạo”, thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc nhau bất cứ trong hoàn cảnh nào. Khi còn học ở trường, đi thực tập bệnh viện cũng như khi đã tốt nghiệp ra trường; người cựu sinh viên y Huế luôn luôn kính trọng các thầy cô giáo. Trong mắt những người cựu sinh viên y Huế, các thầy cô giáo hình như có một cái gì đó vĩ đại và trong sáng. Vĩ đại vì các thầy cô giáo rất tinh thông về kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ để truyền dạy đầy đủ y nghiệp cho những người học trò thân yêu. Trong sáng vì các thầy cô giáo có đạo đức chuẩn mực, khách quan, vô tư để làm tấm gương sáng về y đức, y đạo cho học trò soi rọi. Chính vì sự tôn kính các thầy cô giáo nên những người cựu sinh viên y Huế đã được học tập nhiều hơn trong sự tận tâm dạy dỗ của những người xây dựng y nghiệp cho mình.

Các thầy cô giáo trường y Huế cũng đã xây dựng truyền thống “kính trên, nhường dưới” cho sinh viên được truyền dẫn qua các thế hệ. Đàn em lớp dưới phải kính trọng các anh chị lớp trên; các anh chị lớp trên phải có trách nhiệm thay mặt các thầy cố giáo thương mến, giúp đỡ, chỉ bảo thêm cho đàn em lớp dưới. Tinh thần “tôn sư trọng đạo”; “quyền huynh thế phụ” là một truyền thống đã có từ lâu đời tại trường y Huế và được giữ vững cho đến tận mãi ngày hôm nay.

Tôi còn nhớ như in khi ngày nào còn đi học, nhất là thời gian đi thực tập lâm sàng tại Bệnh viện Trung ương Huế bắt đầu từ năm thứ hai. Các thầy cô giáo đã phân công anh chị lớp trên chịu trách nhiệm quản lý, chỉ bảo cụ thể cho các em lớp dưới trong vai trò của “sư huynh” và lẽ đương nhiên “sư huynh” phải có “sư đệ” với sự phân định rạch ròi. Truyền thống này đã nối tiếp đến biết bao thế hệ của người cựu sinh viên y Huế.

   

 Thầy Bùi Duy Tâm

 Thầy Lê Văn Bách

 Thầy Lê Bá Vận

Trong các buổi đi thực hành lâm sàng, các anh chị lớp trên đã hướng dẫn cụ thể, cầm tay chỉ việc từng triệu chứng bệnh lý, sinh lý bệnh học, các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán phân biệt, chẩn đoán xác định, hướng điều trị... Trong các phiên trực bệnh viện, anh chị lớp trên giao nhiệm vụ, giám sát công việc và ký xác nhận kết quả học tập, thực hành vào sổ trực trước khi nộp sổ cho thầy cô giáo bộ môn kiểm tra. Lớp trên phụ trách lớp dưới liền kề và cứ như vậy để có trách nhiệm quản lý lẫn nhau theo thứ bậc. Các anh chị sinh viên năm thứ sáu là năm cuối cùng tại trường y được gọi là sinh viên nội trú, trên túi áo choàng trắng được thêu hai chữ NT trước cái tên của mình là người có trách nhiệm trước bác sĩ điều trị trong phiên trực và sinh viên thực tập. Sổ trực sinh viên thực tập phải có chữ ký xác nhận của anh chị sinh viên nội trú trực mới hợp lệ trước khi nộp sổ báo cáo phiên trực cho thầy cô giáo phụ trách bộ môn. Khi tôi đi thực tập tại khoa sản phụ vào năm thứ ba, Thầy Nguyễn Văn Tự, trưởng bộ môn đã phân công trong thời gian 3 tháng thực hành lâm sàng tại đây; mỗi sinh viên tối thiểu phải đở đẻ được 30 trường hợp sản phụ sinh; trong đó có 10 trường hợp sinh con so và 20 trường hợp sinh con rạ. Anh chị em sinh viên trong nhóm thực tập phải giúp đỡ nhau với sự hỗ trợ của các anh chị lớp trên để đạt được chỉ tiêu mới có cơ sở thi lên lớp cuối năm. Nhọc nhằn ở đây là sự tranh đua tiếp nhận các trường hợp sản phụ đến sinh để đủ chỉ tiêu nhưng rất vui vì sinh viên nữ hộ sinh tại Trường Nữ Hộ sinh Quốc gia thực tập tại khoa sản phụ cũng được phân chỉ tiêu đở đẻ trong thời gian thực tập.

Cũng tương tự như vậy, để có cơ hội học tập nhiều hơn; truyền thống của người cựu sinh viên y Huế là phải ganh đua, tìm mọi việc để học tập bất cứ lúc nào, bất kỳ ở đâu để nâng cao kỹ năng y nghiệp. Ngay vào năm thứ nhất, cứ 10 sinh viên y khoa được trường bố trí 1 xác người để thực hành mổ và học cơ thể học. Muốn thực hành phẫu thuật sản phụ khoa, ngoại khoa tốt phải bám chặt theo thầy, các anh chị lớp trên và ngay cả y tá trưởng phòng mổ để được vào phụ việc. Lúc đầu là phụ dụng cụ ở lớp dưới; sau đó là phụ mổ 1, phụ mổ 2 ở lớp cao hơn. Thầy cô và các anh chị lớp trên tận tình chỉ dạy từng bước đi ban đầu cho đến khi thuần thục để chủ động giao công việc. Chính nhờ vậy mà sinh viên y Huế đã có điều kiện học tập, rèn luyện các kỹ năng phẫu thuật sản phụ khoa, ngoại khoa... một cách tự tin. Thầy Bùi Duy Tâm, Thầy Lê Văn Bách, Thầy Nguyễn Bửu, Thầy Nguyễn Văn Tự, Thầy Lê Viết Kiểu, Thầy Lê Bá Vận, Thầy Đỗ Như Đài, Thầy Lê Xuân Công, Thầy Bùi Minh Đức... và anh chị lớp trên chính là những người đã dẫn dắt tôi từng ly từng tý bệnh lý nội khoa, sản phụ khoa, ngoại khoa, mắt, tai, mũi, họng... và điều trị nội khoa, phẫu thuật trong quá trình học tập. Mùa nghỉ hè, các sinh viên ở ngoại tỉnh về thăm nhà; tôi và một số đồng môn tại Huế xin phép thầy được làm việc, trực bệnh viện để có dịp thực hành nhiều hơn vì ít sinh viên xen vào việc tìm kiếm công việc học tập như những ngày thường.

  

 Vợ chồng Thầy Nguyễn Văn Tự

 Thầy Bùi Minh Đức

Một truyền thống mà cựu sinh viên y Huế thể hiện rõ nét là sự thương mến, cưu mang, đỡ đần, giúp đỡ cho đồng môn, đồng nghiệp một cách chu đáo, tận tình trong khi gặp khó khăn về công việc hoặc từ các nơi khác đến miền đất lạ còn ngỡ ngàng trước đời sống kinh tế và tinh thần. Có một thời, một số cựu sinh viên y Huế do điều kiện công việc và kinh tế khó khăn đã di chuyển từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên vào miền Nam được đồng môn, đồng nghiệp, sư huynh, sư đệ là cựu sinh viên y Huế bao bọc, tạo điều kiện để định cư, ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình. Hàng năm, cựu sinh viên y Huế ở miền Nam đã tổ chức các buổi gặp mặt truyền thống định kỳ hoặc khi có các thầy cô giáo, đồng môn, đồng nghiệp từ hải ngoại trở về thăm quê hương để có điều kiện gặp gỡ, ôn lại truyền thống tự hào của những người cựu sinh viên y Huế.

55 năm Đại học Huế, 55 năm Trường Đại học Y Dược Huế

Trong dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Đại học Huế, 55 năm thành lập Trường Đại học Y khoa, ngày nay là Trường Đại học Y Dược Huế. Nhìn lại quá khứ đã qua và tiến trình hướng đến tương lai, những người cựu sinh viên y Huế của các thế hệ từ dưới mái trường này ra đi khắp mọi miền đất nước, kể cả cựu sinh viên y Huế ở hải ngoại làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, cho con người có quyền tự hào về đạo đức và truyền thống vẻ vang của mình. Lời nhắn nhủ trong di bút của Thầy Lê Văn Bách, một người thầy chuẩn mực về đạo đức, tinh thông về y nghiệp đã để lại trước khi thầy ra đi về cõi vĩnh hằng; những người cựu sinh viên y Huế sẽ quyết tâm giữ vững được đạo đức và truyền thống vinh quang của mình như sự mong ước của thầy.
 

Ngày 09/04/2012
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
Cựu sinh viên y Huế Khóa 10 (1970)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn triển khai Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu với phương châm “Nỗ lực hết mình vì người bệnh”


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích