|
Bệnh nhân Hứa Cẩm Tú đã dần bình phục, người khám là GS.BS. Bùi Đức Phú. (Ảnh do Bệnh viện Trung ương Huế cung cấp). |
GS. TS. Bùi Ðức Phú: Những đối mặt trong ca ghép thận đặc biệt cho Hứa Cẩm Tú
Ca ghép thận cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện (BV) TW Huế vào ngày 10/7/2012. Đây là trường hợp bị cắt nhầm 2 quả thận tại Bệnh viện đa khoa Cần Thơ ngày 6/12/2011. Theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bệnh nhân đã được chuyển đến Huế để điều trị và phẫu thuật. Sau 8 tháng điều trị và trải qua 10 lần mổ, hôm nay, BN đã chính thức ra viện. Báo SK&ĐS xin gửi tới bạn đọc cuộc trò chuyện giữa nhà văn, TS. Trần Huyền Sâm và GS.BS. Bùi Đức Phú về ca ghép thận đặc biệt này. Suốt thời gian qua, báo giới và công chúng hồi hộp chờ đợi kết quả ca ghép thận hy hữu cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú. Có lúc bệnh nhân rơi vào tuyệt vọng, tưởng chừng không thể vượt qua... Sau 10 lần mổ và gần 2 tháng điều trị nan giải, được biết, hôm nay, bệnh nhân đã “cầm chắc” sự sống trong tay. Là người chỉ đạo và thực hiện ca phẫu thuật đặc biệt này, GS có thể cho biết cảm xúc của mình trong giây phút này với độc giả? Sự sống của con người là quý giá nhất. Là một bác sĩ, niềm vui lớn nhất của tôi là đã cứu sống một mạng người. Còn với tư cách là người lãnh đạo, tôi như trút được một gánh nặng - một áp lực lớn đã ám ảnh tôi suốt cả 8 tháng qua, thậm chí theo tôi cả vào giấc ngủ… Đã có lúc nào GS hình dung đến tình huống xấu do thất bại trong điều trị? Có chứ. Điều đó có thể xảy ra. Mặc dù đã từng đối mặt với hoàn cảnh bất lực khi cứu sống sinh mệnh người bệnh và cũng đã chuẩn bị là cần phải làm gì khi điều xấu nhất sẽ xảy ra, nhưng có lẽ sẽ rất khó khăn cho tôi khi nhìn vào đôi mắt đau khổ và tuyệt vọng của chồng con chị Hứa Cẩm Tú. Đó chính là động lực lớn nhất để tôi và đồng nghiệp BV TW Huế thành công trong cuộc đấu tranh giành giật sự sống cho bệnh nhân. Ghép thận không phải là mới, nhưng ghép thận trên bệnh nhân đã bị cắt bỏ hai thận thì không hề đơn giản. Sự không đơn giản này bị “hệ lụy” từ hàng loạt các nguyên nhân khác nhau mà chỉ người bác sĩ trực tiếp thực hiện mới tự thấu hiểu và âm thầm chịu đựng. Vậy GS có thể cho biết những khó khăn đã đối diện trong ca ghép thận hy hữu này? | PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân Hứa Cẩm Tú tại Bệnh viện TW Huế. |
Đây là trường hợp đặc biệt nhất trong cuộc đời làm bác sĩ của tôi. BVTW Huế đã ghép thành công hơn 70 trường hợp và hầu như chỉ thực hiện 1 lần mổ. Duy nhất trường hợp này phải thực hiện đến 10 lần, thực sự là một nỗi ám ảnh. 10 lần, bạn cứ hình dung đi… Vì sao phải mổ nhiều lần như vậy, thưa GS? Ca ghép thận của chị Tú quá khó và phức tạp, phải mổ đi mổ lại nhiều lần, nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Nguyên nhân do chảy máu khoang sau phúc mạc dai dẳng vì rối loạn yếu tố đông máu, vì bóc tách khoang sau phúc mạc bị dính do lần mổ cắt thận ở Cần Thơ, ngoài 2 lần mổ tiến hành ghép thận trong ngày đầu sau đó phải mổ lại thêm 8 lần nữa. Khó khăn trong những lần mổ lại này là: Phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối vì nguy cơ nhiễm trùng rất cao; Quá trình thao tác cực kỳ nhẹ nhàng, tinh tế vì dễ làm thương tổn các miệng nối mạch máu và niệu quản; Vấn đề truyền máu và tiểu cầu phải đảm bảo không gây nên phản ứng thải ghép thể dịch; Vấn đề suy kiệt và suy đa tạng do phải mổ nhiều lần kèm theo mất máu, nhiễm trùng nếu xảy ra. Trong 8 lần mổ, trung bình 4 ngày mổ 1 lần, cách nhau ngắn nhất là 1 ngày và dài nhất là 7 ngày. Các phương tiện cầm máu ngoại khoa đều được áp dụng, kể cả dùng keo sinh học nhưng không hiệu quả. Cuối cùng, chúng tôi phải sử dụng biện pháp tạo phản ứng viêm khoang sau phúc mạc bằng cách chèn gạc, không đóng vết mổ, băng kín vô trùng và sau 48 giờ thì mổ lại, kiểm tra khoang sau phúc mạc không còn chảy máu, rửa sạch và đóng vết mổ. Nguy cơ nhiễm trùng của biện pháp này rất cao, nhưng nhờ kỹ thuật mổ vô trùngtuyệt đối và liệu pháp kháng sinh phù hợp nên tình trạng nhiễm trùng đã không xảy ra. Thưa GS, so với những ca ghép thận trước đây, chắc hẳn BVTW Huế đã áp dụng những phương pháp mới trong trường hợp này? Để vượt qua ca mổ đặc biệt này, chúng tôi đã vận dụng hết tất cả tâm lực và năng lực. Có thể nói, các kỹ thuật cầm máu ngoại khoa tiên tiến đều được áp dụng, kỹ thuật vô trùng được tuân thủ nghiêm ngặt trong 10 lần mổ cũng như giai đoạn hậu phẫu và quá trình chuẩn bị phẫu thuật. Ngoài ra, lần đầu tiên ở Việt Nam, chúng tôi đã áp dụng phác đồ mới điều trị rối loạn đông máu và phác đồ dự phòng thải ghép thể dịch một cách an toàn và hiệu quả. Mặt khác, để hạn chế nguy cơ thải ghép thể dịch, ngân hàng máu phải huy động nhóm người cho máu đặc biệt như là nam giới, chưa truyền máu lần nào, không mắc các bệnh mạn tính… và luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng cung ứng ngay khi có nhu cầu. | Các bác sĩ ghép thận cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú ngày 10/7. (Ảnh do Bệnh viện Trung ương Huế cung cấp). |
Đây là một ca hết sức đặc biệt, hiếm thấy trong lịch sử ghép thận ở Việt Nam. Vậy đội ngũ bác sĩ Huế có sự tham vấn của các chuyên gia nước ngoài không, thưa GS? Dù không trực tiếp, nhưng chúng tôi có trao đổi với các chuyên gia tại các Trung tâm ghép tại Pháp và Bỉ qua điện thoại và email để có thêm kinh nghiệm, nhất là trong việc điều trị rối loạn đông máu. Chúng tôi quyết định truyền khối lượng lớn tiểu cầu và liên tục trong và sau lần mổ thứ 9 để duy trì tiểu cầu luôn trên ngưỡng 150.000, đồng thời, còn dùng cả máu tươi lọc bạch cầu (750ml) cung cấp hồng cầu và tiểu cầu. Phương thức này không có trong phác đồ ghép thận kinh điển vì dễ có nguy cơ thải ghép thể dịch. Tuy vậy, song song với việc áp dụng phác đồ truyền máu trên, kết hợp với kỹ thuật cầm máu ngoại khoa, tình trạng chảy máu và rối loạn đông máu đã được kiểm soát. Bên cạnh việc điều trị thải ghép theo phác đồ kinh điển, vấn đề dự phòng phản ứng thải ghép thể dịch bằng cách dùng immunoglobulin sau khi truyền các chế phẩm máu 3-4 tuần lần đầu tiên được chúng tôi sử dụng cho trường hợp Hứa Cẩm Tú do bệnh nhân đã được truyền quá nhiều máu và các thành phần máu. PV: GS có thể cho bạn đọc biết rõ hơn về hiện tượng “thận móng ngựa”? Thận hình móng ngựa hay còn gọi là horseshoe kidney/ rein en fer à cheval. Đây là một dị dạng bẩm sinh của thận với đặc điểm là: hai quả thận dính liền nhau bởi một cầu nối nhu mô thận (gọi là eo); thường nằm lạc chỗ và có dị dạng về cấu trúc giải phẫu của đường bài niệu (thận xoay ra ngoài, bể thận nằm bên ngoài thận thay vì bên trong, bể thận giãn, trào ngược bàng quang-niệu quản, niệu quản cắm lạc chỗ...) và mạch máu. Chẩn đoán được thận hình móng ngựa khi làm siêu âm bụng, chụp UIV hoặc CT scan bụng với các dấu hiệu đặc thù. Chỉ điều trị bệnh này khi có biến chứng như tạo sỏi trong thận, thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận - niệu quản, do trào ngược bàng quang - niệu quản... là các hậu quả của dị dạng đường niệu của bệnh. Phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật mổ mở vì nếu mổ nội soi dễ bị tai biến do bất thường cấu trúc mạch máu và đường niệu. Nghe nói có nhiều trường hợp đã không thực hiện thành công, ngay cả ở nước ngoài? Bệnh nhân Hứa Cẩm Tú là sự cố y khoa lần thứ hai tại Việt Nam. Lần đầu cách đây 25 năm, bệnh nhân được chuyển ra nước ngoài ghép thận nhưng thất bại và bệnh nhân tử vong. | Bệnh nhân Hứa Cẩm Tú đã dần bình phục, người khám là GS.BS. Bùi Đức Phú. (Ảnh do Bệnh viện Trung ương Huế cung cấp) |
Công chúng cho rằng Bộ trưởng Bộ Y tế đã không nhầm khi chọn BVTW Huế để thực hiện ca ghép đặc biệt này. Điều đó cho thấy giới y học cũng như dân chúng rất tin tưởng vào GS và BV. Với tư cách là người trực tiếp điều phối, GS có thể cho biết, dựa trên những nhân tố nào mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tin tưởng giao trách nhiệm? Có phải xuất phát từ ca mổ ghép tim thành công cho bệnh nhân Mậu Đức năm 2011? Có lẽ vậy. Bộ trưởng đã nhìn thấy sự chỉ đạo thống nhất trong công tác tổ chức ghép tạng, sự phối kết hợp nhịp nhàng trong việc huy động mọi nguồn lực và sự thể hiện y đức cao cả của tập thể thầy thuốc BVTW Huế.Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú, mặc dù kéo dài và gặp rất nhiều tình huống hết sức phức tạp, có lúc tưởng chừng không cứu được, nhưng với quyết tâm của một tập thể có trình độ chuyên môn cao và y đức sáng ngời, chúng tôi đã làm nên điều kỳ diệu. Đó là đã mang lại sự sống quý giá cho chị Tú. | GS.BS. Bùi Đức Phú cùng bệnh nhân Hứa Cẩm Tú (đứng giữa) và gia đình trong buổi họp báo sáng 5/9 tại BV TW Huế. |
Chúng tôi hạnh phúc nhận được sự thấu hiểu, quan tâm và chia sẻ của Bộ Y tế và thông tin đại chúng. Rất sớm, 1 tuần sau mổ ghép thận cho chị Tú, Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các lãnh đạo Cục, Vụ Bộ Y tế đã về Huế thăm BN Tú và động viên các thầy thuốc BVTW Huế. Đó là niềm vui lớn để chúng tôi vượt qua sự kiện khó khăn này. Đằng sau sự sống của một sinh mệnh là nỗi cực nhọc thầm lặng của người bác sĩ. Bạn đọc báo SK&ĐS cũng như quần chúng luôn biết ơn và đồng hành cùng GS trên con đường khổ đau và cao quý này. Chân thành cảm ơn GS về cuộc phỏng vấn này!
|