Phụ nữ Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khẳng định vai trò quan trọng trong giai đoạn mới
Năm 2012 là năm có nhiều biến động về dịch bệnh cũng như điều kiện kinh tế-xã hội, nhất là bệnh sốt rét gia tăng ở nhiều vùng, các bệnh ký sinh trùng từ động vật truyền sang người ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên nữ cán bộ viên chức Viện sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã có nhiều nỗ lực phấn đấu trong mọi lĩnh vực hoạt động, góp phần không nhỏ trong thành tích hoạt động của Viện. Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn là đơn vị thuộc Bộ Y tế, có 77 nữ cán bộ công nhân viên, chiếm gần 48% tổng số cán bộ của Viện, trong đó có 3 cán bộ trên đại học (01 tiến sỹ, 01 BSCKI, 02 thạc sỹ), 36 cán bộ đại học; 34 cán bộ trung cấp và 3 cán bộ khác. Tập thể cán bộ nữ Viện có trình độ văn hóa và chuyên môn, đoàn kết, gắn bó, yêu ngành yêu nghề. Các chị đã không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ và áp dụng kỹ thuật cao phục vụ cho việc chẩn đoán, xác định các loài côn trùng, ký sinh trùng truyền bệnh sốt rét, các loài giun sán gây bệnh, cũng như chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm khác. | TS. Ngô Thị Hương-Trưởng Khoa Sinh học phân tử-Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn là một trong những cán bộ nữ tiêu biểu của Viện trong hoạt động nghiên cứu khoa học Đam mê và tận tụy hết mình vì nghề và phương châm làm việc của TS. Hương |
Trong công tác nghiên cứu khoa học, với niềm đam mê công việc và ham muốn học hỏi để nâng cao và cập nhật kiến thức cho mình, cho đến nay, phụ nữ Viện đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong hoạt động nghiên cứu khoa học được áp dụng trong nhiều lĩnh vực y học như sốt rét- ký sinh trùng và côn trùng y học. Mặc khác, sự quan tâm đúng mức của Đảng ủy, Ban giám đốc và Công đoàn cơ sở là những yếu tố thuận lợi để tập thể nữ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.Trong những năm qua, cán bộ viên chức nữ của Viện vẫn đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Các chị đã không ngại khó khăn, trèo đèo lội suối đến những bản làng xa xôi, lấy từng lam máu và mang từng viên thuốc đến với người dân. Nhiều chị đã lấy thân mình làm mồi cho muỗi đốt, nuôi giữ chủng ký sinh trùng để phục vụ công tác nghiên cứu côn trùng. Nhiều đề tài NCKH của các chị đã có những phát minh, sáng kiến, cải tiến ứng dụng thành công trong lĩnh vực y tế cũng như trong các hoạt động nghiên cứu khoa học khác, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nâng cao năng suất lao động và tạo dựng được một hình ảnh mới về người phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chính những đóng góp tích cực và cụ thể của phụ nữ vào thành quả của công cuộc đổi mới đất nước đã, đang làm thay đổi dần những định kiến về vai trò của phụ nữ trong xã hội và được xã hội đã thừa nhận phụ nữ có khả năng tham gia công việc, khả năng NCKH không thua kém nam giới. Với xã hội, các chị là những chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ sức khỏe nhân dân; mặc dù tính chất công việc của các mẹ, các chị gặp phải muôn vàn khó khăn do thường xuyên tham gia giám sát, chỉ đạo và có mặt dài ngày ở vùng sâu, vùng xa và các vùng trọng điểm bệnh tật trên địa bàn rộng (15 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên) để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhưng các chị vẫn thực hiện tốt lời dạy của Bác “phải thương yêu chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình; coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, “Lương y phải như từ mẫu”. Các chị là những tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo. Một số chị tại khoa/phòng trong Viện giữ vai trò quan trọng trong việc quản lý kỹ thuật xét nghiệm trong khu vực và còn làm công tác khám, chữa bệnh đã tận tình phục vụ bệnh nhân, thực hiện tốt 12 điều Y đức Bác Hồ đã dạy, tạo sự tin tưởng cho bệnh nhân. Với gia đình, các chị trở thành những người mẹ mẫu mực, người vợ đảm đang và người mẹ nhân từ, mẫu mực xây dựng nên tổ ấm gia đình hạnh phúc, là điểm tựa vững chắc cho chồng thành đạt, cho con trưởng thành và vươn tới đỉnh cao. Song, người phụ nữ cũng gặp muôn vàng khó khăn vì các chị vừa tham gia kiếm tiền nuôi sống gia đình, vừa chăm sóc các thành viên trong gia đình sẽ vất vả hơn người đàn ông. Để chăm sóc cho một gia đình, thông thường mỗi người phụ nữ phải cần tới gần hết thời gian trong ngày cho các công việc nội trợ, từ dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ, chợ búa... tới chăm sóc, dạy dỗ con cái. Cộng với thời gian làm việc ngoài xã hội, quỹ thời gian dành cho việc hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần, việc học tập nâng cao trình độ kiến thức của phụ nữ là rất hiếm hoi và gần như không có. Mặc khác, các chị thường xuyên đi công tác và ở lại dài ngày tại thực địa đã làm cho quỹ thời gian bên gia đình càng bó hẹp lại. Các chị còn phải đương đầu với những khó khăn để cân bằng giữa đời sống gia đình và công việc. Khác với nam giới, các cán bộ nữ phải mang thai, sinh đẻ, phải dành nhiều thời gian cho công việc nội trợ, quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái, phụng dưỡng cha mẹ già. Đặc biệt với cán bộ nữ trẻ, khó khăn càng nhiều hơn khi có con nhỏ và công việc gia đình cũng nặng hơn so với nữ cán bộ cao tuổi. Chính vì vậy, nhiều cán bộ nữ bị quá tải về sức lực, thiếu thời gian nghỉ ngơi, trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin; gánh nặng gia đình làm giảm sút sự thăng tiến, vươn lên của họ, tạo cho họ tâm lý an phận, ít nỗ lực phấn đấu và không tham gia các hoạt động NCKH. Do phải gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình nên phụ nữ khó có thể dành nhiều thời gian cho công tác NCKH. Đó cũng chính là khó khăn của bất kỳ phụ nữ nào khi làm công tác NCKH. Trong những năm qua đã có nhiều chị đã tham gia chủ nhiệm và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp cơ sở và tham gia các hoạt động giám sát phòng chống sốt rét của Quỹ toàn cầu như nuôi giữ chủng muỗi An. dirus, An.epiroticus trong labo, xác định tính nhạy kháng của An. maculatus bằng phương pháp điện di; nghiên cứu giải mã gen ty thể Cytochrom Oxydace SubunitI (COI) của An.minimus và An.harrisoni, tình hình nhiễm sán lá gan lớn ở một số điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế; nghiên cứu tỉ lệ nhiễm, cường độ nhiễm sán lá gan nhỏ sau 5 năm can thiệp tại Bình Định và Phú Yên. Đánh giá thực trạng nhiễm các bệnh giun truyền qua đất ở học sinh tiểu học sau nhiều năm can thiệp ở Bình Thuân, Ninh thuận, Khánh Hòa; tình hình nhiễm ấu trùng giun đũa chó ở Quảng Ngãi, và Quảng Nam. Hiệu quả cấp thuốc Arterakin tự điều trị sốt rét cho người đi rẫy tại 2 huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Bình Định. Nghiên cứu mức độ nhiễm ký sinh trùng sốt rét và đáp ứng miễn dịch ở các vùng dịch tễ sốt rét bằng kỹ thuật giêm sa và IFA tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đánh giá hiệu quả của việc cấp võng và bọc võng tẩm hóa chất trong PCSR cho người đi rừng ngủ rẫy tại huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Trong công tác xã hội, 100% gia đình chị em phụ nữ Viện đạt “Gia đình văn hóa”. Nhiều chị đã thành công trong việc nuôi dạy và hướng nghiệp cho con cái, có rất nhiều cháu học giỏi và thành đạt. Năm học 2011-2012 có đến 95% cháu đạt danh hiệu khá giỏi. Năm 2010, có 3 chị được Công đoàn nghành Y tế Việt Nam tặng bằng khen: “Phụ nữ 2 giỏi”.Chính những nỗ lực và đóng góp to lớn của các chị đã, đang và sẽ nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần vào việc hoàn thành các nhiệm vụ cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao cho ngành y. Chính vì vậy, dù ở cương vị lãnh đạo hay nhân viên y tế, các chị đều là những tấm gương tiêu biểu, vượt lên khó khăn làm tròn phận sự của người mẹ hiền, người con hiếu thảo tiêu biểu. Trong năm 2013 hoạt động Viện có nhiều chuyển đổi theo Quy hoạch tổng thể của hệ thống y tế Việt Nam. Chức năng, nhiệm vụ của các Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng sẽ được mở rộng theo hướng kiểm soát các bệnh do véc tơ truyền liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu nên nhiệm vụ của Viện nói chung và tập thể cán bộ nữ nói riêng cũng sẽ tở nên nặng nề hơn, đòi hỏi mỗi chị em phụ nữ phải tự phấn đấu để trở thành cán bộ khoa học giỏi, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà vẫn đảm đương được thiên chức của mình góp phần xây dựng công tác xã hội cũng như gia đình ngày càng vững mạnh.
|