|
Thu gom, quản lý chất thải y tế để xử lý (ảnh internet) |
Nguy cơ môi trường ô nhiễm ảnh hưởng sức khỏe do chất thải y tế
Chất thải từ các cơ sở y tế và bệnh viện là mối nguy cơ gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như sức khỏe của cộng đồng người dân. Vì vậy việc quản lý và xử lý chất thải y tế là một mục tiêu quan trọng của ngành y tế để làm giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường, góp phần trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thực trạng tình hình Theo thống kê hiện nay, tại nước ta có 13.640 cơ sở y tế; trong đó có 1.263 cơ sở khám chữa bệnh, 1.016 cơ sở y tế dự phòng, 77 cơ sở đào tạo y dược, 180 cơ sở sản xuất thuốc và 11.104 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tại các cơ sở y tế, đặc biệt là bệnh viện đã thải ra hàng trăm tấn chất thải y tế mỗi ngày với khoảng gần 12% loại chất thải độc hại nguy hiểm. Nếu các chất thải y tế không được quản lý và xử lý tốt thì các thành phần nguy hại trong chất thải như vi sinh vật gây bệnh, chất gây độc, gây bệnh ung thư... sẽ tạo nên những nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng người dân và môi trường sống. Thực tế hiện tại nước ta ước tính chỉ có khoảng 50% bệnh viện đã phân loại, thu gom và xử lý chất thải y tế theo đúng quy định. Vì vậy các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập rất nhiều đến thực trạng quản lý và xử lý chất thải y tế không an toàn trong thời gian vừa qua. Để thực hiện được mục tiêu quản lý và xử lý chất thải y tế bảo đảm yêu cầu, đặc biệt là chất thải nguy hại một cách có hiệu quả, cần có sự nỗ lực của chính quyền, ngành y tế, các ban ngành có liên quan với chi phí được đầu tư một cách phù hợp. Các loại chất thải y tế Chất thải y tế bao gồm chất thải rắn và nước thải y tế. Trong các cơ sở y tế, bệnh viện là nơi có khối lượng chất thải y tế nhiều nhất, đa dạng nhất nên thường lấy chất thải của đơn vị này để phân loại. Tất cả các chất thải được phát sinh, thải ra từ bệnh viện đều được xem là chất thải bệnh viện. Tại các bệnh viện, có khoảng từ 75 đến 90% chất được thải ra là chất thải thông thường; chúng tương tự như chất thải sinh hoạt, không có nguy cơ độc hại lớn. Việc phân loại sẽ giúp cho việc quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy trình quy định. | Quản lý, vận chuyển chất thải y tế đến xử lý tại lò đốt (ảnh internet) |
Chất thải rắn y tế chiếm khoảng từ 10 đến 25% chất thải bệnh viện và được phân thành 4 nhóm: - Chất thải lây nhiễm sắc nhọn, chất thải lây nhiễm không sắc nhọn, chất thải bệnh phẩm, chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao. - Chất thải hóa học gồm các chất thường dùng trong y tế, formaldehyde, hóa chất quang hình, kim loại nặng, chất thải dược phẩm và chất thải gây độc tế bào. - Chất thải phóng xạ. - Bình chứa áp suất. Sự phát sinh các chất thải rắn y tế khác nhau tùy theo dịch vụ hoạt động của bệnh viện, chất lượng và năng lực quản lý bệnh viện. Nước thải bệnh viện là nguồn nước được thải ra từ cơ sở khám chữa bệnh được hình thành từ các hoạt động chăm sóc bệnh nhân và sinh hoạt trong bệnh viện. Nước thải này có thể chứa vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng, hóa chất độc, đồng vị phóng xạ. Ngoài ra còn có nước mưa không chứa các chất gây ô nhiễm. Thông thường ước tính mỗi bệnh viện có thể thải ra khoảng 0,4 đến 0,95 mét khối nước thải trên một giường bệnh trong một ngày tùy thuộc vào khả năng cung cấp nước, dịch vụ bệnh viện, số lượng bệnh nhân và người nhà chăm sóc người bệnh... Tuy vậy, nồng độ chất thải rắn lơ lửng (SS: suspended solid), chất hữu cơ (BOD5: biochemical oxygen demand 5) và các chất dinh dưỡng như nitơ, phosphore trong nước thải bệnh viện có thể không cao như nước thải đô thị. Nồng độ BOD5 thay đổi từ 80 đến 180 mg/l. Điều đáng lo ngại ở đây là nước thải bệnh viện chủ yếu nguy hại tập trung vào các loại vi sinh vật gây bệnh đường ruột, dễ dàng lây nhiễm qua đường nước. Nếu chất thải y tế không được quản lý và xử lý tốt, trong đó nước thải bệnh viện có chứa nhiều loại dược phẩm, hóa chất có thể làm ảnh hưởng xấu đến hiệu suất của hệ thống công trình xử lý sinh học. Nhiều kết quả nghiên cứu về chất lượng nước thải bệnh viện đã được thực hiện và phát hiện thông số ô nhiễm khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh viện ở tuyến trung ương, tỉnh, ngành và bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa lao, bệnh viện chuyên khoa phụ sản... | Giới thiệu một loại lò đốt rác thải y tế độc hại (ảnh internet) |
Nguy cơ của chất thải y tế Chất thải y tế được thải ra từ các cơ sở y tế, trong đó có bệnh viện có thể gây nên những mối nguy cơ đối với sức khỏe và môi trường sống của cộng đồng. Đối với sức khỏe con người Việc bị phơi nhiễm các loại chất thải y tế nguy hại có thể gây ra bệnh tật hoặc thương tích. Tất cả cá nhân, những người ở trong bệnh viện hay ở ngoài bệnh viện đều có nguy cơ tiềm ẩn bị phơi nhiễm các chất thải y tế nguy hại. Những đối tượng dễ dàng bị phơi nhiễm bao gồm các cán bộ, nhân viên y tế như bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và khách đến thăm nuôi người bệnh. Ngoài ra, công nhân làm việc trong bộ phận hỗ trợ thu gom chất thải, vận chuyển rác, giặt là; công nhân trong cơ sở xử lý và tiêu hủy chất thải như bãi rác hoặc lò đốt, kể cả những những người lượm nhặt rác... đều có thể bị phơi nhiễm chất thải y tế nguy hại. Nguy cơ chất thải lây nhiễm gồm vi sinh vật gây bệnh có trong chất thải. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua nhiều đường khác nhau như vết thương, vết cắt trên da, niêm mạc; hệ thống hô hấp, hệ thống tiêu hóa... Sự xuất hiện các loại vi khuẩn kháng kháng sinh và kháng hóa chất khử khuẩn có thể liên quan đến thực trạng quản lý, xử lý chất thải y tế không an toàn. Vật sắc nhọn không chỉ gây ra vết thương trên da mà chúng còn gây nhiễm trùng vết thương nếu chúng bị nhiễm bẩn. Thương tích do vật sắc nhọn gây nên là một loại tai nạn thương tích thường gặp trong các cơ sở y tế, bệnh viện. Trước đây, một khảo sát của Viện Y học lao động và môi trường ghi nhận 35% số cán bộ, nhân viên y tế bị thương tích do vật sắc nhọn gây nên và 70% trong số đó bị tổn thương do vật sắc nhọn trong sự nghiệp y tế. Sự tổn thương do vật sắc nhọn sử dụng trong y tế có khả năng lây truyền các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như HIV, HBV và HCV. Theo thống kê có khoảng 80% nhiễm trùng HIV, HBV, HCV nghề nghiệp là do thương tích vì vật sắc nhọn và kim tiêm. Ngoài ra, việc tái chế, tái sử dụng hoặc xử lý không an toàn chất thải y tế lây nhiễm bao gồm cả chất nhựa và các vật sắc nhọn có thể có tác động lâu dài đến sức khỏe của cộng đồng người dân. Nguy cơ chất thải hóa học và dược phẩm gồm nhiều loại hóa chất và thuốc men sử dụng trong cơ sở y tế, bệnh viện. Đây là các chất nguy hại như chất gây độc, ăn mòn, dễ cháy, gây phản ứng, gây sốc, gây độc... nhưng thường với khối lượng thấp. Sự phơi nhiễm hóa chất độc hại nguy hiểm có thể cấp tính hoặc mãn tính qua đường da, niêm mạc, hô hấp, tiêu hóa. Sự tổn thương ở da, mắt và niêm mạc đường hô hấp có thể gặp phải khi tiếp xúc với các loại hóa chất gây cháy, ăn mòn, gây phản ứng phụ như formaldehyde và các chất dễ bay hơi khác. Tổn thương thường gặp nhất là bỏng. Các hóa chất khử khuẩn được sử dụng phổ biến trong bệnh viện thường có tính ăn mòn. Trong quá trình thu gom, vận chuyển và lưu giữ; chất thải y tế nguy hại có thể bị rò rỉ, giải thoát, đổ tràn ra môi trường chung quanh. Việc rơi vãi các chất thải y tế lây nhiễm, đặc biệt là loại chất thải lây nhiễm có nguy cơ cao có thể làm lây lan mầm bệnh trong cơ sở y tế và bệnh viện gây nên đợt bùng phát nhiễm trùng bệnh viện đối với cán bộ, nhân viên y tế; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; kể cả việc gây ô nhiễm môi trường đất và nước tại chỗ. Nguy cơ chất thải y tế gây độc tế bào gồm nhiều loại thuốc điều trị chống ung thư. Chúng có thể kích thích hay gây tổn thương cục bộ trên da và mắt; cũng có thể gây chóng mặt, buồn nôn, đau đầu và viêm da. Nhân viên bệnh viện, đặc biệt là những người chịu trách nhiệm thu gom chất thải loại này có thể bị phơi nhiễm các thuốc điều trị chống ung thư do hít thở hoặc hấp thu các hạt lơ lửng trong không khí qua đường hô hấp. Ngoài ra, các thuốc gây độc tế bào như thuốc chống ung thư cũng có thể hấp thu qua da, qua đường tiêu hóa do thực phẩm vô tình bị nhiễm bẩn. Nguy cơ chất thải phóng xạ dùng trong y tế cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiếp xúc. Cách thức tiếp xúc và thời gian tiếp xúc với chất thải phóng xạ là các yếu tố quyết định, ảnh hưởng đối với sức khỏe được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn cho đến các vấn đề bị đột biến về gen sau này. Đối với môi trường sống Môi trường sống gồm môi trường nước, đất và không khí. Chất thải y tế nguy hại có thể ảnh hưởng, làm ô nhiễm đến các môi trường này và đây là những nguy cơ cần được quan tâm. Nguy cơ chất thải độc hại có trong chất thải thải bệnh viện có thể làm cho nguồn nước của môi trường sống bị nhiễm bẩn. Chúng có thể chứa các vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng, chủ yếu là chất thủy ngân từ nhiệt kế bị vỡ và chất bạc từ quá trình tráng rửa phim X quang. Ngoài ra một số loại dược phẩm được thải ra mà không qua xử lý cũng có thể gây nhiễm độc nguồn nước cung cấp. Đồng thời việc xả nước thải bừa bãi các chất thải lâm sàng như xả chung nước thải lây nhiễm vào hệ thống nước thải thông thường có thể tiềm ẩn yếu tố nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước do làm tăng chất hữu cơ BOD (biochemical oxygen demand). Nguy cơ chất thải nguy hại cũng có thể có trong môi trường đất do chất thải y tế không được tiêu hủy bảo đảm an toàn như chất tro trong lò đốt chất thải hay chất bùn của hệ thống xử lý nước thải sẽ là yếu tố làm ảnh hưởng đến môi trường. Các chất ô nhiễm từ các bãi rác có khả năng rò rỉ, thoát ra bên ngoài gây ô nhiễm nguồn nước và đất. Từ đây chúng tác động, ảnh hưởng đến sức sức khỏe cộng đồng người dân về lâu về dài. Nguy cơ chất thải y tế còn ảnh hưởng đến môi trường không khí vì sự ô nhiễm không khí được tăng lên do phần lớn chất thải nguy hại đều được thiêu đốt ở trong điều kiện không lý tưởng, không đạt yêu cầu. Việc thiêu đốt chất thải y tế không đủ nhiệt độ trong khi rác thải đưa vào quá nhiều trong lò đốt sẽ gây ra nhiều khói đen. Nếu đốt chất thải y tế đựng trong các túi nhựa nylon PCV cùng với các lại dược phẩm nhất định có thể tạo ra khí axít, thường là khí HCl và SO2. Trong quá trình đốt, các dẫn xuất halogen như F, Ch, Br, I... ở nhiệt độ thấp thường tạo ra axít như hydrochloride. Điều này dẫn đến nguy cơ tạo nên chất doxin, một loại hóa chất vô cùng độc hại ngay cả ở nồng độ thấp. Ngoài ra, các kim loại nặng như thủy ngân cũng có thể phát tán, thải ra theo khí thoát của lò đốt. Nguy cơ ảnh hưởng của môi trường có thể tác động đến hệ sinh thái và sức khỏe của con người trong thời gian dài. Khuyến nghị Cộng đồng người dân ở chung quanh các cơ sở y tế, bệnh viện rất nhạy cảm đối với các loại chất thải y tế, trong đó có chất thải phẫu thuật được người dân cảm nhận qua thị giác, khứu giác... gây mùi khó chịu từ khí thải ra từ các lò đốt vận hành không bảo đảm yêu cầu, có kỹ thuật công nghệ kém nên đã tác động, ảnh hưởng xấu, gây phiền hà và lo ngại đến vấn đề sức khỏe của chính bản thân mình và gia đình. Vấn đề quản lý và xử lý chất thải y tế, đặc biệt chất thải nguy hại là sự quan tâm lớn hiện nay của toàn xã hội. Vì vậy các cấp chính quyền, ngành y tế; các ban ngành liên quan cần có những giải pháp sớm, cụ thể từ thực trạng tình hình để chủ động khắc phục mặt tồn tại nhằm góp phần tăng cường công tác bảo vệ sức khỏe cho người dân và môi trường sống an lành.
|