Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 8 2 1 0 7
Số người đang truy cập
6 7 2
 An toàn thực phẩm & hóa chất Thuốc & Hóa chất
Một số hóa chất độc hại "ẩn nấp" xung quanh chúng ta

Có thể bạn chưa biết những vật dụng thường dùng hàng ngày có thể ẩn chứa những hóa chất độc hại nguy hiểm cho sức khỏe của bạn và gia đình. Công nghiệp hiện đại ngày càng phát triển, thói quen ăn uống và thói quen sinh hoạt có sự thay đổi lớn. Thống kê y học cho thấy mỗi ngày chúng ta tiếp xúc với một một nghìn loại hóa chất độc hại khác nhau.

Thông thường chúng ta thường biết đến một người chết vì bệnh ung thư, tim mạch… hay do tai biến chứ không chú ý đến những sát thủ ẩn nấp đằng sau những căn bệnh đó lại chính là do các thói quen sinh hoạt và ăn uống hàng ngày của chúng ta gây nên. Những hóa chất độc hại luôn hiện hữu trong những vật dụng hết sức thân thuộc hàng ngày và tấn công sức khỏe của chúng ta bất cứ lúc nào. Thực phẩm ô nhiễm, không khí ô nhiễm, nguồn nước ô nhiễm. Trong cuộc sống hiện đại, độc tố khắp nơi nên không ai có thể tránh khỏi. Trên thực tế, những độc tố này được tích lũy qua năm tháng, ngày một nhiều lên tạo thành những lớp độc tố cực kỳ nguy hiểm trong cơ thể, giống như mảng bám trong ấm trà, chúng bám chắc trong các bộ phận cơ thể, trong các tế bào lục phủ ngũ tạng. Nhưng độc tố ngấm vào cơ quan nội tạng, phá hủy các tế bào, ngăn cản tế bào hấp thu các chất dinh dưỡng và chặn đường thoát của các tế bào chết gây ra các hiện tượng đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, mất ngủ, kém ăn, sức đề kháng kém sau đó phát bệnh và gây ung thư.

 

Độc tố trong cơ thể chúng ta như “quả bom hẹn giờ”, tích tụ đến một mức nhất định nó sẽ sinh bệnh.
Ảnh minh họa
 

Một số hóa chất độc hại thường gặp trong đời sống

Fluoride trong kem đánh răng

Mặc dù đánh răng là công việc thiết yếu nhưng fluoride, hợp chất chủ yếu trong kem đánh răng có thể gây tổn hại cho trẻ, các chuyên gia sức khoẻ Canada cho biết. Theo các chuyên gia, nếu trẻ dưới 6 tuổi ăn phải một lượng nhiều fluoride trong khi đánh răng, trẻ có thể bị nhiễm fluoride. Hậu quả là một lớp màng trắng hoặc nâu sẽ bao quanh răng trẻ và sẽ rất khó sạch, điều này có thể gây tổn hại cho men răng và dẫn đến đau răng. Mặc khác, florua bản thân nó cũng là tiềm năng “độc”, ngay cả khi chỉ có một số lượng rất nhỏ cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí gây ngộ độc và độc tính có thể dần dần tích lũy. Để giảm tối thiểu nguy cơ, các bậc phụ huynh không nên cho fluoride vào nước súc miệng của trẻ và cũng nên kiểm tra lượng kem đánh răng trẻ dùng. Trẻ chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ kem đánh răng và tuyệt đối không nên nuốt nó. Đối với trẻ dưới 3 tuổi thì bố mẹ nên đánh răng giúp trẻ và không nên sử dụng kem đánh răng.Nguy hiểm của fluoride ngày càng tăng đối với trẻ lên 6 khi răng của chúng bắt đầu định hình, các chuyên gia cho biết thêm.

Chất p-phenylenediamine trong thuốc nhuộm tóc
 

Nhuộm tóc hiện nay đang trở thành một trào lưu trong đại bộ phận giới trẻ. Nhưng đa số đều không biết hoặc cố tình làm ngơ trước những tác hại của thuốc nhuộm tóc. Thành phần hóa học chủ yếu trong thuốc nhuộm tóc gồm có: Para Phenylene Diamine (P.P.D);Resorcinol; Carboxy Methyl Cellulose (CMC); Hydrogen peroxide; Propy parapen; Cethyl Acohol. Đặc biệt, trong thuốc nhuộm tóc có sử dụng một hóa chất có tên là p-phenylenediamine (PPD), một chất hoá học luôn có mặt trong thuốc nhuộm tóc. Tại Mỹ, các chuyên gia y tế cũng chứng minh rằng PPD gây dị ứng, chàm, hen, loét dạ dày, làm da mẫn đỏ, nhạy cảm với nắng và có thể gây tử vong nếu ngộ độc nặng.

Nguyên lý gây phản ứng dị ứng là do những chất được gọi là kháng nguyên hay dị ứng nguyên lần đầu tiếp xúc với da được gắn kết với protein ở da, kích thích hệ miễn dịch (gọi là quá trình trình diện kháng nguyên) tạo ra một lượng kháng thể nhất định có khả nǎng nhận diện kháng nguyên. Khi tiếp xúc lần sau với dị nguyên đó sẽ tạo thành phản ứng kháng nguyên, kháng thể tại vị trí tiếp xúc, gây nên triệu chứng ngứa, sẩn, phù nề, mụn nước, phỏng nước. Chính vì vậy mà khi nhuộm tóc lần đầu không bị dị ứng, những lần nhuộm sau mới bị dị ứng. Nhưng cũng tùy theo cơ địa của từng người mà có phản ứng nặng, nhẹ khác nhau.

Dị ứng với PPD thường làm cho vùng da đầu ngứa, đỏ và sưng tấy. Mặc dù rất hiếm, nhưng đôi khi chỉ với một tiếp xúc rất nhỏ cũng có thể gây ra sốc phản vệ hoặc tử vong. Chất này giúp màu sắc, màu tóc tươi sáng nhưng nó cũng có thể gây dị ứng da và thậm chí cả ung thư. Giám đốc bệnh viện Cảnh sát vũ trang Bắc Kinh, Vụ Huyết học nhắc nhở, nếu tóc được làm nóng đồng thời với lúc nhuộm tóc thì các mối nguy hiểm sức khỏe càng lớn hơn bởi vì p-phenylenediamine sẽ xâm nhập vào các mao mạch qua da dầu dễ hơn, với việc lưu thông máu, nó có thể gây ra các bệnh về máu, bệnh bạch cầu...

Ngoài ra, p-phenylenediamine cũng dễ gây ung thư da, ung thư bàng quang. Tốt nhất, khi nhuộm tóc nên hạn chế tiếp xúc thuốc với phần da đầu. Nếu màu tóc bị bạc theo đám thì không nên nhuộm đen toàn bộ đầu mà chỉ nhuộm phần tóc trắng để giảm mức độ kích thích da đầu và tổn thương.

Son môi

Nhiều người thường chỉ có thói quen dùng son môi để tô điểm cho đôi môi của mình mà lãng quên son dưỡng, đây là một sai lầm phổ biến, nó khiến cho đôi môi bị thiếu đi độ ẩm và vì thế tình trạng môi sẽ dễ bị khô, nứt. Chính vì thế, khi trang điểm đôi môi bạn nên dùng son dưỡng môi trước sau đó mới phủ son lên trên. Đây cũng là một mẹo nhỏ giúp cho son môi bền màu hơn và màu sắc môi sẽ tươi sáng hơn.Khi chọn son môi bạn cần tránh sử dung loại son môi có chì vì khi ăn uống nếu vô tình “ăn” luôn cả lớp son này thì cơ thể sẽ dễ bị nhiễm độc cấp tính, về lâu dài sẽ gây nên những rắc rối sức khỏe khó lường. Để phân biệt son môi có chứa chì hay không trước khi mua bạn nên thoa một chút son lên mu bàn tay rồi dùng nhẫn vàng tây di đi di lại nhiều lần. Nếu son vẫn giữ được màu sắc nguyên bản thì đó là thỏi son có hàm lượng chì thấp, nếu nó chuyển sang màu đen thì chứng tỏ hàm lượng chì rất cao.Nên ưu tiên lựa chọn thỏi son bền màu, có thời gian lưu trữ trên môi lâu dài, tạo được độ mịn bóng, không vón cục khi thoa và không khiến cho môi quá khô.
 

Hóa chất gây ung thư  trong sơn móng tay

Sơn móng tay có chứa nhiều hóa chất độc, điều này đã được các nhà khoa học Mỹ chứng minh trong một nghiên cứu gần đây. Những hóa chất độc thường thấy trong các loại sơn móng tay đó là: benzen, toluen, aceton... Benzen dễ gây ung thư, toluen có thể gây nghiện nếu hít nhiều, aceton nếu tiếp xúc trực tiếp với da sẽ dễ gây dị ứng và nhiễm trùng. Đặc biệt khi dùng sơn móng, nhiều người còn thường lạm dụng acetone - một chất tẩy rửa sơn móng nhanh chóng và hiệu quả, thế nhưng đây lại chính là “thủ phạm” khiến cho móng tay bị khô, giòn, yếu và dễ vỡ. Để hạn chế những tác hại của sơn móng tay đối với cơ thể con người, ta nên đọc kĩ những thành phần hóa học trong những sản phẩm trước khi mua. Và không nên dùng sơn móng tay liên tục trong thời gian dài, kể cả móng tay giả. Khi thấy những vùng da xung quanh móng tay bị mẩn đỏ, phải đến các cơ sở y tế để xử lí sát khuẩn, tránh nhiễm trùng.

  

 Sơn móng tay có chứa nhiều hóa chất độc, điều này đã được các nhà khoa học Mỹ chứng minh
trong một nghiên cứu gần đây. Ảnh minh họa

Chất talc trong mỹ phẩm trang điểm

Hầu hết các mỹ phẩm dạng bột như màu mắt, má hồng, phấn nền... của chị em đều có chứa talc. Đây là một chất bôi trơn rất tốt, có thuộc tính hóa học tương tự với amiăng. Các nhà khoa học đã cho thấy rằng thường xuyên sử dụng bột talc ở bộ phận sinh dục có thể làm tăng khả năng ung thư buồng trứng gấp 3 đến 4 lần. Hít phải loại bột này cũng có thể gây hại cho sức khỏe về lâu dài. Một báo cáo được công bố trên "Tạp chí Dịch tễ học" đã cho thấy rằng, những phụ nữ sử dụng bột talc thì nguy cơ ung thư buồng trứng sẽ gia tăng 60% so với những chị em khác. Ngoài ung thư, hóa chất này cũng có thể dẫn đến áp lực đường thở cấp tính khi hít phải.

 

Bột Talc

 
Toluene, Phthalates trong nước hoa, thuốc xịt tóc, dung dịch đánh bóng móng
(thường để dưới tên là hương liệu)

Đây là loại hóa chất có thể có trong nhiều loại nước hoa, thuốc xịt tóc, dung dịch đánh bóng móng. Mặc dù với một lượng cực nhỏ thì không gây hại nhưng nếu tiếp xúc với loại hóa chất này ở nhiều trường hợp khác nhau ví dụ như mùi xe hơi mới tỏa ra một lượng lớn phthalates có trong ghế ngồi của xe hơi, mùi sơn xịt xe, mùi nước xịt phòng… kết hợp với thói quen làm đẹp sẽ khiến cho cơ thể tích tụ một lượng lớn ở mức độ nguy hiểm.Các bà bầu có thể khiến thai nhi bị dị dạng nếu như hấp thụ quá nhiều loại hóa chất này. Mặc khác, nếu bạn bị hen suyễn, bạn hãy tránh xa sơn móng tay, gel tóc, sáp tóc, các mỹ phẩm có mùi thơm khác, đặc biệt là nước hoa bởi vì tất cả chúng đều chứa toluene. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một khi hít phải toluene nồng độ cao thì dù thời gian ngắn cũng có thể làm xuất hiện các triệu chứng khó chịu trong kết mạc và cổ họng tắc nghẽn, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, chóng mặt, suy nhược...Nếu tiếp xúc lâu dài, nó có thể dẫn đến ngộ độc mãn tính xảy ra hội chứng thần kinh suy nhược, gan to, hoặc gây các bất thường kinh nguyệt cho phụ nữ, da khô, viêm da. Nếu bạn là một người đam mê nước hoa, rất khó từ bỏ việc sử dụng chúng thì bạn có thể xem xét việc sử dụng các loại tinh dầu để thay thế.

Cồn trong nước súc miệng

Nước súc miệng giúp làm sạch răng và miệng, mang lại hơi thở thơm tho. Nhưng một trong những thành phần thiết yếu của nước súc miệng - rượu, có thể làm cho cơ thể bị thiệt hại gây ung thư. Nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Úc công bố năm 2009 cho thấy, nồng độ cồn của nước súc miệng là 25% hoặc cao hơn, tỷ lệ đó có liên quan với các bệnh ung thư miệng, lưỡi và cổ họng.

Hóa chất trong sản phẩm chăm sóc em bé

Khi chọn mua sản phẩm dầu tắm gội cho trẻ, các bậc phụ huynh nên lưu ý nhìn nhãn chai mỹ phẩm và thành phần (ingredients) in trên đó để tránh những hóa chất độc hại như Phenoxyethanol, Mineral oil… Nhiều tổ chức như FDA, Mind Body Green, David Suzuki Foundation, Green Organic World… đã công bố những thành phần trong mỹ phẩm có thể gây tác động xấu đến con người. Hiện tại, hầu hết các sản phẩm mỹ phẩm trên thị trường đều có chứa một số thành phần này. Nguyên liệu chính tạo nên dầu tắm gội là nước để tạo dung dịch lỏng, chất dịch treo để làm chúng trông có vẻ nhớt đồng nhất, chất bảo quản chống lại vi sinh vật, chất tẩy rửa, chất tạo bọt, hương liệu. Trong các sản phẩm tự nhiên, các thành phần này đa phần được chiết xuất từ thực vật. Tuy nhiên với các sản phẩm dầu tắm, dầu gội phổ biến thì hầu hết đều là các chất hóa học. Ngoài ra thị trường còn có dầu làm mềm da – Mineral oil với tên tiếng Việt là khoáng dầu, nghe rất tự nhiên và có lợi cho sức khỏe của bé nhưng thực tế chúng lại ngăn cản sự bài tiết của da, làm bít lỗ chân lông, gây mụn. Nguy hiểm hơn, chất này được khuyến cáo có khả năng gây ung thư và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

 

Khi chọn mua sản phẩm dầu tắm gội cho trẻ, các bậc phụ huynh nên lưu ý nhìn nhãn chai
mỹ phẩm và thành phần (ingredients) in trên đó để tránh những hóa chất độc hại như
Phenoxyethanol, Mineral oil… Ảnh minh họa

Trong đó, Mineral oil sản xuất từ dầu mỏ được đun lên và cất qua từng công đoạn với các sản phẩm dược như petrolatum, paraffinum liquidum, paraffin oil, cera microcristallina. Sodium Laureth Sulfate (SLES), Sodium Lauryl Sulfate (SLS), Amonium Lauryl Sulfate (ALS) là loại chất tẩy rửa và hoạt chất bề mặt, tạo bọt được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp mỹ phẩm vì giá thành rẻ. Chúng gây khô và bào mòn da, mỏng tóc, gây kích ứng với da nhạy cảm. Ngoài ra, nó có thể gây đục thuỷ tinh thể và các vấn đề khác về mắt. Triclosan là hoạt chất kháng khuẩn có công thức tương tự với chất độc màu da cam. EPA xếp hoá chất này vào loại thuốc diệt côn trùng, gây nguy cơ cao đối với sức khỏe con người và môi trường. Là một chất trong nhóm chlorophenol, triclosan bị nghi ngờ là hoá chất gây ung thư ở người. Đại học Y dược Tufts của Mỹ còn cho rằng triclosan chính là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của những loại “siêu côn trùng” kháng thuốc nguy hiểm. Hương thơm trong các sản phẩm mỹ phẩm là những hóa chất tạo mùi nhằm che lập đi những mùi vị không lành mạnh khác. Hương liệu tổng hợp có thể gây kích ứng da, nổi mẩn đỏ, da trở nên khô, sần sùi và lão hoá nhanh hơn. Ngoài ra, nếu dùng sản phẩm chứa hương liệu liên tục trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương hay chứng rối loạn nội tiết.

Chất khử mùi

Bạn sẽ “đánh bay” được mùi cơ thể khó chịu và thay vào đó là mùi hương dịu mát, dễ chịu khi sử dụng những chất khử mùi, thế nhưng minh chứng khoa học cũng chỉ ra rằng một số chất khử mùi có thể gây hại cho da và cơ thể, chủ yếu là những rắc rối khiến cho da bị dị ứng, tấy đỏ, ảnh hưởng đến sắc tố da. Để an toàn, tốt nhất nên sử dụng những nguyên liệu tự nhiên như chanh, giấm, gừng, cà chua hay nước phèn chua sẽ đem lại hiệu quả không thua kém chất khử mùi, hiệu quả lâu dài và đặc biệt an toàn tuyệt đối với làn da, sức khỏe nói chung.

Dioxane (dioxan) có trong chất tẩy rửa

Năm 2011, Tổng chức Môi trường Thế giới phát hiện, trong chất tẩy rửa có chứa chất gây ung thư là dioxane. Theo cơ quan này, trong khi chất tẩy rửa loại bỏ chất bẩn thì chúng cũng lưu lại các chất có độc dẫn tới ung thư là dioxane. Lựa chọn các chất tẩy rửa thân thiện với môi trường, học cách đọc nhãn ghi thành phần của chất tẩy rửa. Nếu sản phẩm có các thành phần như polyethylene, polyethylene glycol, polyetylen oxit thì đều có khả năng chứa dioxane và bạn nên tránh chúng.
 

Bispheol-A (BPA) trong đồ nhựa

CPCHE - Tổ chức Sức khỏe và Môi trường Trẻ em Canada khuyến cáo  rằng chúng ta không nên quá tin tưởng vào mác “an toàn khi sử dụng trong lò vi sóng” (microwave safe) đối với các sản phẩm về nhựa. Tốt hơn hết là không nên sử dụng hộp nhựa hoặc bọc thức ăn bằng nhựa trong lò vi sóng vì các hóa chất độc hại có thể ngấm từ nhựa vào thực phẩm và đồ uống. Thực phẩm nên được bảo quản trong các hộp thủy tinh hoặc gốm thay vì hộp nhựa. Và người tiêu dùng thì nên ăn các thực phẩm tươi và đông lạnh nếu có thể để tránh nguy cơ tiếp xúc với Bispheol-A (BPA), một hóa chất được sử dụng trong lớp lót các loại hộp dùng để chứa thực phẩm và đồ uống. BPA có thể gây ra rất nhiều tác động đối với sức khỏe, từ ảnh hưởng đến sự phát triển của não đến làm gián đoạn các chức năng nội tiết. Mặc khác, BPA là một loại hóc môn tổng hợp, được tìm thấy trong các sản phẩm như: hộp đựng thực phẩm, bình sữa trẻ em, các chai nhựa và các CD. Tại Mỹ, người ta đã cảnh báo BPA có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ, làm thay đổi chức năng của hệ miễn dịch, gây rối loạn hành vi và khả năng nhận thức. Về lâu dài, nó có thể gây tổn thương não bộ, gây ra căn bệnh Alzheimer và một số bệnh ung thư. Trẻ nhỏ sớm tiếp xúc với Bisphenol-A sẽ bị tổn thương vĩnh viễn. Bên cạnh đó, CPCHE cũng khuyến khích các bậc cha mẹ tránh mua những đồ chơi cho bé ngậm lúc mọc răng, đồ chơi trong bồn tắm, yếm, rèm tắm và các sản phẩm khác có chứa PVC, một loại nhựa mềm thường được gọi là nhựa vinyl. Những sản phẩm này có thể chứa các hóa chất độc hại có tên phthalates vốn bị cấm sử dụng trong sản xuất đồ chơi trẻ em kể từ tháng 6/2011.

 

 BPA trong đồ nhựa có thể gây ra rất nhiều tác động đối vớisức khỏe,
từ ảnh hưởng đến sự phát triển của não đến làm gián đoạn các chức năng nội tiết

Styrene có trong hộp xốp

Theo báo cáo nghiên cứu của Chương trình độc chất học quốc gia của Mỹ, styrene là một chất gây ung thư, có thể phá hủy DNA trong cơ thể người. Styrene được dùng nhiều để sản xuất các loại hộp xốp, nhất là các loại hộp đựng thức ăn, bát, đũa, cốc dùng 1 lần. Hãy tránh xa hoặc hạn chế sử dụng các các sản phẩm này bằng cách tránh làm nóng thức ăn trong những vật liệu nhựa chứa chất polystyrene, đặc biệt là thực phẩm chiên nóng. Nếu đựng các loại thực phẩm này, ở nhiệt độ cao chất styrene trong hộp, cốc... có thể được giải phóng và gây độc.

Dioxin

Dioxin là tên gọi chung của một nhóm hàng trăm các hợp chất hóa học tồn tại bền vững trong môi trường cũng như trong cơ thể con người và các sinh vật khác. Tùy theo số nguyên tử Cl và vị trí không gian của những nguyên tử này, dioxine có độc tính khác nhau. Dioxin là sản phẩm phụ của nhiều quá trình sản xuất chất hóa học công nghiệp liên quan đến clo như các hệ thống đốt chất thải, sản xuất hóa chất và thuốc trừ sâu và dây truyền tẩy trắng trong sản xuất giấy. Nếu một người phơi nhiễm dioxin dù lượng nhỏ nhất thì đã mang trong mình hiểm họa ung thư. Ngoài ung thư, dioxin còn có thể liên quan đến một số bệnh nguy hiểm khác như bệnh rám da, bệnh đái tháo đường, bệnh ung thư trực tràng không Hodgkin, thiểu năng sinh dục cho cả nam và nữ, sinh con quái thai hoặc thiểu năng trí tuệ, đẻ trứng (ở nữ)… Những hóa chất này tích tụ trong lớp mỡ của động vật. Thời gian bán phân huỷ của dioxin trong cơ thể động vật là 7 năm hoặc có thể lâu hơn. Một số thí nghiệm trên chuột cho thấy dioxin làm tăng nồng độ các gốc ion tự do trong tế bào. Điều này, có thể là làm phá huỷ các cấu trúc tế bào, các protein quan trọng và, quan trọng hơn cả, nó có thể gây đột biến trên phân tử DNA.
 

Dioxin là sản phẩm phụ của nhiều quá trình sản xuất chất hóa học công nghiệp liên quan đến clo như các hệ thống đốt chất thải, sản xuất hóa chất và thuốc trừ sâu và dây truyền tẩy trắng trong sản xuất giấy

Atrazine

Atrazine là một loại thuốc diệt cỏ và đã được chứng minh là có những tác động làm thay đổi hệ thống hóc môn tự nhiên trong động vật. Atrazine bị ngấm, thôi nhiễm vào nguồn nước uống và đây là nguồn ô nhiễm chính của chất này. Những người thường xuyên sử dụng nước có lượng atrazine cao quá tiêu chuẩn cho phép sẽ gặp những vấn đề về hệ tim mạch và trục trặc về sinh sản.Việc hạn chế nồng độ của Atrazine có thể được thực hiện bằng phương pháp lọc qua các-bon hoạt tính.

Phthalates

Phthalates còn được biết đến với cái tên “chất dẻo hóa”, chúng được dùng để sản xuất những sản phẩm như hộp nhựa và màng nhựa dẻo để bọc thực phẩm. Đây cũng là chất thường gặp nhất trong các loại nước hoa xịt phòng. Nó còn có trong một số loại véc-ni gỗ, sơn,… Trong những nhãn mác sản phẩm có ghi chữ “hương thơm nhân tạo” thì gần như chắc chắn đó là chất Phthalates. Phthalates rất dễ bị thôi nhiễm vào môi trường vì giữa chất này với các sản phẩm nhựa chứa nó, không có liên kết đồng hóa trị. Khi đồ nhựa bị lão hóa hoặc bị vỡ, sự giải phóng Phthalates càng mạnh. Phthalates phá vỡ hệ nội tiết, từ đó gây những tổn thương về thần kinh và hệ sinh sản. Phụ nữ là đối tượng dễ bị các chứng bệnh do Phthalates tạo ra bởi họ sử dụng các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm thường xuyên hơn. Nghiên cứu đã có thấy mối liên hệ giữa bệnh ung thư vú với sự nhiễm độc Phthalates. Phthalates còn phá vỡ hệ nội tiết và dẫn đến sự thay đổi hóc-môn cũng như những dị tật sơ sinh.

Phụ nữ là đối tượng dễ bị các chứng bệnh do Phthalates tạo ra bởi họ sử dụng các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm thường xuyên hơn. Nghiên cứu đã có thấy mối liên hệ giữa bệnh ung thư vú với sự nhiễm độc Phthalates

PBDEs (Polybrominated diphenyl ethers)

PBDEs được dùng trong các chất chịu lửa và có mặt trong rất nhiều sản phẩm khác nhau như: vật liệu xây dựng, các sản phẩm điện tử, đồ nội thất, xe máy, máy bay, các loại đồ nhựa, và trong các loại vải sợi. Con người bị nhiễm chất PBDEs thông qua việc hít thở hoặc qua đường ăn uống. PBDEs tích tụ trong máu, sữa mẹ và các lớp mỡ. Không có đánh giá chính xác về ảnh hưởng của PBDEs tới sức khỏe con người. Thí nghiệm cho chuột ăn những thực phẩm bị nhiễm lượng PBDEs trong vài ngày đã gây nên những ảnh hưởng ở tuyến giáp và gan. Một số nghiên cứu trước đây cho thấy việc bị nhiễm PBDEs gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch ở động vật.

Kết luận

           Những hóa chất độc hại có mặt trong hầu hết các sản phẩm bạn dùng trong gia đình. Nhưng không phải là chúng ta không thể tránh được chúng. Hãy dành thời gian, công sức phù hợp để tìm kiếm, thay thế những sản phẩm chứa những hóa chất độc hại này bằng những cách thức mới lành mạnh hơn và không gây hại cho sức khỏe. Như vậy, việc chọn lựa sản phẩm an toàn, môi trường sống trong sạch là những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sức khỏe thể chất của con người. Tuy nhiên, trước tình trạng hóa chất độc hại xung quanh chúng ta còn nhiều lo ngại như hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải biết cách “sống chung với lũ” sao cho an toàn, tiện lợi. Vì sức khỏe là vấn đề không thể chờ đợi mà là việc phải chăm chút hàng giờ, hàng ngày đòi hỏi mỗi người phải có ý thức chủ động để bảo vệ bản thân khi mà “phòng gần hơn chữa xa”.

Tham khảo:

1.Sự thật đáng sợ về hóa chất độc hại "ẩn nấp" quanh chúng ta-Thủy Anh tổng hợp

2.Báo điện tử Hóa học ngày nay

3.Báo điện tử khoahoc247.com

Ngày 28/11/2013
Minh Hiền
tổng hợp
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích