Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 18/01/2025
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Finance & Retail Thầy thuốc và Danh nhân
Việt Nam
Thế giới
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 7 6 0 1 6 7
Số người đang truy cập
1 3 6
 Thầy thuốc và Danh nhân Việt Nam
TTND, PGS, TS, BS Triệu Nguyên Trung nhận nhiệm vụ trong lễ công bố bổ nhiệm viện trưởng
TTND, PGS, TS, BS Triệu Nguyên Trung: Một người thầy thuốc tận tụy, say mê vì công việc

Bây giờ đã qua tháng hai, đang chuẩn bị viết một chủ đề gì đó để kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2. Một người em cũng là một đồng nghiệp, Ths.Bs. Lê Thạnh, Trưởng khoa sốt rét thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Trị điện thoại chúc mừng năm mới; đồng thời gợi ý cho tôi viết một bài về anh Triệu Nguyên Trung, nguyên Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn vì tấm gương tận tụy với công việc, đã góp sức cho sự phát triển và các thành tựu của ngành chuyên khoa ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên mà ai cũng quý mến, kính trọng.

Anh Triệu Nguyên Trung và tôi đã có mặt trong thời điểm đầu tiên khi Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn mới thành lập năm 1977 sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng. Anh tốt nghiệp Đại học Y khoa Bắc Thái, còn tôi ra trường tại Đại học Y khoa Huế; anh vào nhận công tác tại viện sau tôi một năm, kẻ bắc người nam nhưng cùng tăng cường nhân lực cho đơn vị viện vừa hình thành. Chúng tôi làm nhiệm vụ được giao theo sự phân công của tổ chức, làm việc và sống chung với nhau trong khu tập thể cơ quan hồi đó là cơ sở tiếp quản một trại gia binh của quân đội đóng tại Quy Nhơn. Cơ sở vật chất, điều kiện công tác, môi trường sinh hoạt, chỗ ăn ở... lúc ban đầu còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế nhưng với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ; chúng tôi đã động viên nhau bám trụ để khởi đầu cho sự nghiệp thầy thuốc của mình. Tiếp theo những năm sau đó, nguồn nhân lực được bổ sung từ các trường khác đến, chủ yếu là cán bộ đại học để viện đủ năng lực chỉ đạo công tác, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo cán bộ chuyên khoa cho các tỉnh thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Chúng tôi là thế hệ thứ hai kể từ ngày viện được thành lập, trước đó là thế hệ tiền nhiệm đầu tiên đã có công lao xây dựng viện từ Trạm nghiên cứu sốt rét khu Trung Trung Bộ K55 ở chiến khu Trà My, Quảng Nam thuộc Ban dân y Khu 5 về tiếp quản sau giải phóng. Thế rồi lần lượt các bác sĩ, cử nhân sinh học ra trường đến tiếp nhận công tác tại viện. Để dễ nhớ cùng nhóm anh chị em đến nhận nhiệm vụ trong cùng một thời điểm, anh Triệu Nguyên Trung và tôi cùng các đồng nghiệp đã đưa ra cách gọi ngắn gọn: “Đạo, Hòa, Tần”; “Tú, Hinh, Quân”; “Trung, Kiện, Minh, Tâm”; “Đức, Giáo, Hoàn”; “Có, Công, Sanh” vân vân... Do ngồn nhân lực còn ít trong buổi sơ khai nên lãnh đạo viện hồi đó là TTND.BS Bùi Đình Bái phân công anh chị em mỗi người nhận công việc tại một bộ phận công tác. Tôi về Tổ Tuyên truyền-Huấn luyện, anh Triệu Nguyên Trung về Tổ Dịch tễ-Chỉ đạo chuyên khoa.

 

 TTND, PGS, TS, BS Triệu Nguyên Trung cấp cứu bệnh nhân sốt rét ác tính tại thực địa

Thế rồi cùng ăn, cùng ở, cùng làm; chúng tôi đã gắn bó, đoàn kết, giúp đỡ, đùm bọc nhau làm việc tại cơ quan cũng như sinh hoạt hàng ngày trong khu nhà ở tập thể đơn vị vốn còn nhiều khốn khó vào lúc ấy. Anh Triệu Nguyên Trung công tác tại Tổ Dịch tễ-Chỉ đạo chuyên khoa nên thường xuyên phải vắng mặt cơ quan, địa bàn công tác của anh là các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên như Gia Lai-Kon Tum, Đăk Lăk rộng lớn khi chưa được chia tách thành 4 tỉnh như bây giờ. Tây Nguyên vẫn là vùng trọng điểm sốt rét của khu vực từ đó cho đến nay, hàng năm số người mắc bệnh và tử vong do sốt rét thường chiếm tỷ lệ cao. Mỗi đợt công tác, anh phải tạm biệt chúng tôi từ một tháng rưởi đến ba tháng để lăn lộn với cơ sở vùng sốt rét nặng; vừa điều tra đánh giá tình hình dịch bệnh, vừa chỉ đạo tuyến đầu triển khai các biện pháp phòng chống, vừa trực tiếp khám chữa bệnh cho người dân, vừa thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học... Anh tận tâm, nhiệt tình với công việc để góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho đồng bào các dân tộc và đã được các cấp chính quyền, y tế cơ sở cũng như người dân quý mến, thương yêu. Sự chịu khó, chịu khổ; tính bình dị, gần gũi cộng đồng đã giúp anh vượt qua những gian lao, vất vã với nhiều điều kiện khó khăn trong công tác, trong sinh hoạt tại địa phương để hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Tôi cứ nhớ mãi một câu chuyện; trong thời gian công tác ở địa bàn còn có nhiều khó khăn, thiếu thốn. Điều kiện ăn ở tại cơ sở dài ngày nên bị thiếu hụt tiền công tác phí của bản thân anh cùng cả đoàn công tác mang theo nhưng do xa cơ quan trong khi làm nhiệm vụ không thể trở về đơn vị được để bổ sung. Đứng trước tình trạng nan giải nầy, vì tình thân đồng nghiệp, anh đã mạnh dạn gặp Bs. Sô Lay Tăng, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai-Kon Tum đặt vấn đề mượn nguồn kinh phí riêng để duy trì sinh hoạt cho đoàn công tác tiếp tục ở lại địa bàn, sau đó sẽ hoàn trả lại. Khi chia tỉnh, Bs. Sô Lay Tăng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, rồi Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kon Tum. Với hành động đơn giản, can đảm và không vì sĩ diện; chúng tôi đã gọi đùa anh là Bs. Sô Lay Trung, em ruột của Bs. Sô Lay Tăng mới làm được điều này.

Cũng một lần tôi rất cảm động, sau đợt công tác dài ngày ở Tây Nguyên trở lại đơn vị, phương tiện công tác là đi xe khách; xuống bến xe Quy Nhơn từ Pleiku về anh đã đón xe đạp thồ về khu nhà ở tập thể. Tôi thấy anh vào cổng với một tay xách túi hành lý, một vai vát quả mít to mà anh đã mua về làm quà cho anh chị em đồng nghiệp. Quả mít to đùng được mổ ra sau bữa ăn tại bếp ăn tập thể, chúng tôi vui vẻ được anh kể chuyện về đợt công tác dài ngày này với những múi mít thơm ngon đặc sản của vùng Tây Nguyên. Một người tận tụy với công việc ở địa bàn tiền tuyến khó khăn, gian khổ nhưng cũng không quên tình cảm thân thương đối với các anh chị em đồng nghiệp ở hậu phương; thật đáng trân trọng. Do phụ trách công tác đào tạo, tôi đã tận dụng thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe của anh tại cơ quan, chuẩn bị cho một đợt công tác khác để mời anh tham gia giảng dạy một số bài giảng về dịch tễ học sốt rét cho các lớp đào tạo kỹ thuật viên trung học chuyên khoa tại viện. Anh vui lòng nhận lời mặc dù rất cần sự nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe sau các đợt công tác thực địa khá mệt mỏi.

Thế rồi thời gian qua đi, vì hoàn cảnh neo đơn, tôi được chuyển công tác về Huế để hợp lý hóa gia đình sau 10 năm công tác. Anh Triệu Nguyên Trung bám trụ ở lại viện để tiếp tục công tác, vừa làm việc, vừa phấn đấu học tập trong điều kiện cơ quan ngày càng phát triển và anh đã bảo vệ thành công học vị phó tiến sĩ trong niềm vui mừng của rất nhiều đồng nghiệp; học vị này sau đó được chuyển đổi thành học vị tiến sĩ. Khi có học vị cao, anh vẫn không thay đổi bản chất; vẫn tận tâm, tận lực, hết lòng, say mê vì công việc trên tinh thần trách nhiệm với sự tin yêu của rất nhiều người. Anh vinh dự được Bộ Y tế bổ nhiệm làm phó viện trưởng, rồi viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn. Đây là niềm vinh quang không phải riêng của bản thân anh mà còn là sự hãnh diện của bản thân tôi cũng như những đồng nghiệp khác. Dù làm lãnh đạo nhưng anh vẫn mang tính bình dị, đơn giản, gần gũi anh em, quan tâm đến mọi người là cộng sự trong công tác của mình. Công tác chuyên môn của anh rất tinh thông, chỉ đạo công việc rất nhạy bén, say mê nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, mở rộng hoạt động công nghệ thông tin và trang tin điện tử... đã góp phần giúp cho viện ngày càng phát triển và đi lên xứng đáng là một viện đầu ngành của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đặc biệt là việc dám nghĩ dám làm trong phát triển các hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh, phòng chống mối mọt và côn trùng truyền bệnh, phát triển các labo đạt tiêu chuẩn ISO… nhờ có sự năng và sáng tạo của anh đã góp phần tích cực làm cho nguồn thu của cơ quan ngày càng ổn định, mang lại hướng đi cho sự phát triển Viện trong quá trình đổi mới.

 

 PGS, TS, BS Triệu Nguyên Trung với danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân

Không dừng lại ở đó, anh đã không ngừng thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ và cấp nhà nước có giá trị, khiêm tốn học tập ứng dụng những thành tựu y học trong hợp tác quốc tế để phục vụ công tác, tham gia đào tạo cán bộ đại học và sau đại học tại viện và các trường đại học y dược trong khu vực... Những đợt anh ra Huế để tham gia giảng dạy, đồng thời thực hiện các quy trình bảo vệ học hàm phó giáo sư tại Trường Đại học Y Dược Huế; bằng tình cảm chân thành đồng nghiệp tôi đã động viên anh cố gắng nỗ lực vượt qua mọi sự khó khăn với niềm tin của mình để hoàn thành nguyện ước. Sau đó anh đã bảo vệ thành công học hàm phó giáo sư trong sự vinh quang, vui mừng không những của bản thân anh mà còn có cả những bạn bè, đồng nghiệp và người thân. Tôi đã tâm sự, tôi với anh là một người bạn đồng hành, một người đồng nghiệp chân chính; anh đã trưởng thành và vươn lên từ sự khốn khó bằng quyết tâm và nghị lực bền vững của mình trong bản chất của một người thầy thuốc tận tụy, say mê vì công việc khoa học và y học; vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tôi và mọi người rất hãnh diện, tự hào vì anh Triệu Nguyên Trung đã vinh dự được nhà nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân; đạt được học vị tiến sĩ và học hàm phó giáo sư cùng với những phần thưởng huân chương, huy chương cao quý khác. Bản chất của một người thầy thuốc tận tụy, say mê vì công việc có được ở anh là tấm gương sáng, là điều tốt đẹp mà các thầy thuốc khác, đặc biệt là thế hệ trẻ cần nên phấn đấu học tập trong y nghiệp, rèn luyện về y đức để xứng đáng thầy thuốc thế hệ Hồ Chí Minh. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2, tôi xin gửi đến anh, Thầy thuốc Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Triệu Nguyên Trung một bó hoa tươi thắm với lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

 

 

 

Ngày 28/02/2014
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
Nguyên Phó Trưởng Phòng chỉ đạo chuyên khoa,
Trưởng Ban Giáo vụ, Tổ trưởng Tuyên truyền-Huấn luyện,
Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn.
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn triển khai Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu với phương châm “Nỗ lực hết mình vì người bệnh”


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích