|
Thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt cần được giám sát chặt chẽ chất lượng (ảnh internet minh họa) |
Chất lượng thuốc và việc quản lý
Sản phẩm thuốc đã xác định là một loại hàng hóa đặc biệt cần phải được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ về mặt chất lượng để làm sao bảo đảm những loại thuốc sử dụng có hiệu lực và an toàn cho người dùng. Thực tế thời gian qua, việc quản lý thuốc tại nước ta có mặt còn hạn chế do chưa kiểm soát hết được chất lượng có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn, đặc biệt là các loại thuốc giả. Thuốc là những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật, khoáng vật được tổng hợp bằng phương pháp hóa học hay sinh học và được bào chế thành dạng thích hợp để dùng cho con người nhằm phòng bệnh, chữa bệnh; phục hồi, điều chỉnh chức năng của cơ thể; làm giảm triệu chứng bệnh; giúp chẩn đoán bệnh; phục hồi hoặc nâng cao sức khỏe; làm mất cảm giác một bộ phận hay toàn cơ thể; làm ảnh hưởng đến quá trình sinh đẻ và làm thay đổi hình dáng của cơ thể. Ngoài ra, những sản phẩm khác như vật liệu dùng trong nha khoa, sản phẩm cần ở lại trong cơ thể tạm thời hay lâu dài; bông, băng, chỉ khâu y tế cũng có thể được xem có đặc tính như thuốc. Với định nghĩa như trên nên thuốc có những đặc điểm sau đây: Thuốc có mối quan hệ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí đến cả tính mạng của người bệnh hoặc người dùng thuốc. Thuốc có tác dụng mong muốn và tác dụng không mong muốn, có tác dụng chính và tác dụng phụ, tác dụng tốt và tác dụng có hại hay phản ứng ngược của thuốc. Thực tế cho thấy trường hợp tác dụng tốt của thuốc thường xuất hiện sớm, xuất hiện ngay; còn tác dụng có hại thì tiềm tàng, xuất hiện muộn hơn. Khi các nhà khoa học quyết định đưa một loại thuốc mới vào sử dụng đều phải thận trọng, cân nhắc hai mặt có lợi và có hại của thuốc đó. Chất lượng thuốc phần nhiều không được bộc lộ ra bên ngoài mà tiềm ẩn bên trong. Vì vậy thầy thuốc và người sử dụng không thể nhận biết được đầy đủ chất lượng thuốc bằng cảm quan bên ngoài. Muốn đánh giá chất lượng thuốc cần phải có những phương tiện thích hợp và được thực hiện bởi những cơ quan chức năng và cán bộ chuyên môn về kiểm tra chất lượng thuốc. Thuốc là sản phẩm công nghệ cao, có hàm lượng trí tuệ và hàm lượng kỹ thuật cao; vì vậy có giá trị kinh tế lớn. Tổng giá trị tiền thuốc của toàn thế giới hiện nay chiếm tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Thuốc là một sản phẩm phổ cập cho rất nhiều người sử dụng, không chỉ cho thầy thuốc mà có một phần đáng kể được cộng đồng người dân sử dụng để tự điều trị. Các đặc điểm của thuốc đã nêu ở trên khẳng định thuốc là loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt được xác định trong Luật Bảo vệ sức khỏe và Điều lệ thuốc phòng bệnh, chữa bệnh được ban hành. Vì vậy, thuốc cần phải được quản lý chặt chẽ về chất lượng trong quá trình bào chế, sản xuất, phân phối, bảo quản và sử dụng. | Thuốc thật, thuốc giả khó phân biệt (ảnh internet minh họa) |
Yêu cầu và tiêu chuẩn chất lượng thuốc Thuốc sử dụng phải bảo đảm ba yêu cầu là có hiệu lực tác dụng chữa bệnh; có tính an toàn, không có hay chỉ có rất ít tác dụng phụ có hại; chất lượng thuốc phải đáp ứng những tiêu chuẩn về bào chế như độ đồng đều, giải phóng đủ lượng hoạt chất theo yêu cầu, ổn định bền vững trong một thời gian nhất định, tiện dùng và dễ bảo quản... Một loại thuốc lý tưởng là thuốc thỏa mãn được tốt nhất cả ba yêu cầu này và chúng đều rất quan trọng, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tiêu chuẩn chất lượng thuốc là những chuẩn mực quy định để làm căn cứ đánh giá, kiểm tra và quản lý chất lượng thuốc. Đối với những loại thuốc chung, khá phổ biến thì các tiêu chuẩn này được tập hợp thành dược điển quốc gia của từng nước. Đối với các sản phẩm thuốc khác còn lại, nhất là các biệt dược thì các tiêu chuẩn này được quy định theo cơ sở sản xuất như hãng thuốc, xí nghiệp thuốc được cơ quan quản lý dược phẩm chấp thuận. Nội dung các tiêu chuẩn chất lượng thuốc dù là dạng nguyên liệu hay là dạng bào chế luôn luôn đề cập đến các chỉ tiêu nhằm đánh giá được mức độ thỏa mãn của ba yêu cầu là hiệu lực, an toàn và chất lượng của sản phẩm. Nội dung này được thể hiện các vấn đề về xác định tính “đúng” của sản phẩm, xác định tính “đủ” của sản phẩm và xác định độ tinh khiết của thuốc. Xác định tính “đúng” của sản phẩm là xác định sản phẩm A hoặc có chứa chất A thì phải có sự hiện diện của chất A chứ không phải là một chất nào khác. Ngày nay, bên cạnh phương pháp hóa học cổ điển, các nhà khoa học đã dùng nhiều phương pháp khác để xác định định tính các chất nhanh, nhạy, rất hiệu quả như quang phổ hấp thu, phát xạ; sắc ký lỏng cao áp, sắc ký khí, sắc ký khí khối phổ ký liên hợp; phổ cộng hưởng từ hạt nhân, phương pháp nhiễu xạ tia X... Ngoài các phương pháp vật lý, hóa học và hóa lý; còn có các phương pháp sinh học, vi sinh học, enzym học, miễn dịch học... để xác định tính đúng của sản phẩm. Xác định tính “đủ” của sản phẩm là xác định lượng hoạt chất ở trong thuốc phải đủ theo quy định. Nếu thuốc là nguyên liệu tinh khiết, hàm lượng hoạt chất phải tiệm cận tới trị số 100%. Đối với các dạng bào chế, hàm lượng được xác định bằng các giới hạn dưới và trên của hàm lượng ghi trên nhãn. Có nhiều phương pháp để xác định hàm lượng thuốc bằng phương pháp cổ điển như phân tích trọng lượng, phân tích thể tích; phương pháp dụng cụ hiện đại như quang phổ UV/VIS, quang phổ huỳnh quang, sắc ký khí, sắc ký lỏng cao áp; đo thế, đo amper, cực phổ...; phương pháp sinh học như vi sinh, sinh học, enzym học... Xác định độ tinh khiết của thuốc cũng là một tiêu chuẩn cần thiết vì một loại thuốc dù có hoàn hão đến mấy cũng không thể là chất tinh khiết lý tưởng. Thực tế ghi nhận loại nước cất hai lần chứa ít nhất mười tạp chất có thể phát hiện được. Các tạp chất trong thuốc có nhiều nguồn gốc khác nhau do nguyên liệu ban đầu tổng hợp thành thuốc chưa được loại bỏ hết, tạp chất có thể là những chất phụ có trong dược liệu được chiết xuất đi kèm với hoạt chất chính; do trong bào chế, sản xuất thuốc dưới tác động của các quá trình công nghệ gây nên các phản ứng thủy phân, oxy hóa, mất nước, trùng hợp, đồng phân hóa...; quá trình bào chế thuốc có thể làm nhiễm tạp chất vào thuốc. Đồng thời tạp chất cũng được hình thành trong quá trình bảo quản, tồn trữ thuốc dưới tác động của những yếu tố môi trường bất lợi như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, không khí... Trong các tạp chất nói trên, có nhiều tạp chất đã định danh được và có phương pháp xác định nhưng cũng còn những tạp chất hoặc có thể còn tạp chất chưa biết, chưa xác định được. Các tạp chất phần nhiều quyết định đến độ an toàn của thuốc vì tính độc hại của chúng. Tuy vậy, không phải mọi tạp chất đều độc hại mà có những tạp chất vô hại; mặt khác cũng có những tạp chất chưa được biết đến hoặc chưa biết được đầy đủ về tác hại của chúng. Các phương pháp xác định tạp chất cũng có những thay đổi theo sự tiến bộ của công nghệ sản xuất thuốc. | Kiểm nghiệm chất lượng thuốc là một yêu cầu không thể thiếu (ảnh internet minh họa) |
Ngoài ra đối với các dạng bào chế, tiêu chuẩn chất lượng thuốc còn quy định những chỉ tiêu về đồng đều hàm lượng, khối lượng, thể chất, kích thước, tốc độ giải phóng hoạt chất... Các chỉ tiêu này cũng rất có ý nghĩa đối với việc bảo đảm an toàn và hiệu lực của thuốc. Độ ổn định chất lượng của dạng bào chế thuốc cũng ngày càng được quan tâm hơn. Nhiều chế phẩm thuốc được quy định và công bố thời hạn sử dụng trên nhãn mà trước đây chỉ thấy ở các loại thuốc kháng sinh và các chế phẩm sinh học nhưng hiện nay là tất cả các chế phẩm bào chế đều quy định hạn dùng. Trong sử dụng thuốc, bên cạnh việc theo dõi tác dụng chữa bệnh, cần quan tâm đến tác dụng không mong muốn, tác dụng phụ hay phản ứng ngược của thuốc nữa. Tác dụng phụ, độc hại có thể được gây ra bởi chính hoạt chất thuốc, đây là bản chất cố hữu của hoạt chất thuốc dù là hoạt chất ở dạng hoàn toàn tinh khiết nhưng cũng có thể do các tạp chất chứa trong thuốc; do thuốc kém tinh khiết hoặc do thuốc bị biến chất, bị phân hủy. Ngoài ra còn cần quan tâm đến vấn đề thuốc giả có thể gây nên tác dụng phụ, độc hại cho người dùng thuốc. Quản lý chất lượng thuốc Từ nguyên liệu tới khi thành sản phẩm và đến tay người tiêu dùng, thuốc phải trải qua nhiều giai đoạn và các giai đoạn này đều có ảnh hưởng đến chất lượng thuốc nhưng giai đoạn quan trọng nhất là sản xuất thuốc. Sản xuất thuốc tốt có ý nghĩa quyết định đến chất lượng thuốc. Trong quá trình sản xuất thì nguyên liệu, điều kiện sản xuất, quy trình, việc kiểm tra bán thành phẩm và thành phẩm đều liên quan đến chất lượng. Nguyên liệu có chất lượng cao thì mới có thể làm ra sản phẩm tốt; trái lại nguyên liệu xấu thì thì sản phẩm thường không thể tốt được. Quy trình sản xuất cũng có nhiều yếu tố tạo nên chất lượng như công thức bào chế được xây dựng, cơ sơ nhà xưởng và môi trường chung quanh, trang thiết bị máy móc, bố trí dây chuyền sản xuất, phương pháp và kỹ thuật công nghệ sản xuất; trình độ và trách nhiệm của cán bộ, công nhân sản xuất; việc tổ chức và quản lý, kiểm tra kỹ thuật, kiểm tra chất lượng bán thành phẩm và thành phẩm... Như vậy chất lượng thuốc được hình thành trong cả quá trình làm ra sản phẩm và nhà sản xuất là người xây dựng nên chất lượng sản phẩm của mình. Chính nhà sản xuất mới có hiểu biết đầy đủ về chất lượng sản phẩm do chính họ sản xuất ra. Vì vậy nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc. Xuất phát từ quan điểm này trong quản lý chất lượng, các nhà khoa học đã đưa ra những quy định cần phải áp dụng thực hiện trong sản xuất thuốc gọi là tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP: good manufacturing practice). Sau khi sản xuất, thuốc được bảo quản, tồn trữ, vận chuyển, phân phối trong một thời gian nhất định trước khi đến tay người tiêu dùng. Các giai đoạn này cũng có tác động, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng thuốc. Vì vậy các nhà khoa học cũng đề ra các quy tắc về bảo quản, tồn trữ thuốc nhằm bảo đảm chất lượng gọi là tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP: good storage practice). Các biện pháp quản lý chất lượng thuốc bao gồm những quy định như phải có một hệ thống quy chế luật lệ về dược như quản lý sản xuất, lưu thông thuốc; thuốc đưa vào lưu thông phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng nhà nước và an toàn; nghiêm cấm việc sản xuất, lưu thông thuốc giả, thuốc không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng... Đồng thời phải có hệ thống thanh tra dược để giám sát, cưỡng chế việc thực hiện các quy chế làm cho các quy chế đi vào cuộc sống và có hiệu lực thực sự. Ngoài ra phải tổ chức một hệ thống kiểm nghiệm thuốc như là một tổ chức kỹ thuật pháp lý xác định chất lượng thuốc; đây là một hoạt động, một mắc xích rất quan trọng trong dây chuyền quản lý chất lượng; không có chúng thì không thể nói đến quản lý chất lượng thuốc một cách thực sự. Trong sản xuất thuốc, nhờ có công tác kiểm nghiệm mà người quản lý sản xuất đánh giá được chất lượng qua các công đoạn từ nguyên liệu, bán thành phẩm cho đến thành phẩm cuối cùng. Quản lý nhà nước về thuốc nhờ có công tác kiểm nghiệm mà biết được một cách khách quan tình hình thuốc tốt, thuốc xấu, thuốc thật, thuốc giả lưu hành để có biện pháp xử lý thuốc không đạt chất lượng; bảo đảm thuốc có chất lượng tốt được lưu hành. Như vậy chất lượng thuốc có liên quan đến một loạt các vấn đề mà những vấn đề này phải bảo đảm yêu cầu, tiêu chuẩn thực hành tốt (good practice) như thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP: good manufacturing practice), thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP: good storage practice), thực hành tốt kiểm nghiệm thuốc (GLP: good laboratory practice), thực hành tốt thử nghiệm lâm sàng (GCP: good clinical practice) và cuối cùng của đầu ra là thực hành tốt nhà thuốc (GPP: good pharmacy practice) như các nước tiên tiến. Mỗi khi thực hiện được các vấn đề này tốt thì mới có được chất lượng thuốc bảo đảm những yêu cầu, tiêu chuẩn cần thiết.
|