|
Các cán bộ côn trùng trong công tác phòng chóng sốt rét tại địa phương |
Cán bộ côn trùng chuyên ngành sốt rét-người chiến sĩ áo trắng thầm lặng
Là những cán bộ công tác trong chuyên ngành sốt rét-ký sinh trùng và côn trùng thuộc ngành y tế, nhưng vai trò hoạt động của cán bộ côn trùng ít được mọi người biết đến. Trong ngành y tế, họ là những người tốt nghiệp Cử nhân sinh học hoặc Kỹ thuật viên trung học, không phải phục vụ cho công tác của hệ điều trị mà làm việc cho hệ y tế dự phòng và trực tiếp với công tác chuyên khoa phòng chống các loại côn trùng truyền bệnh. Đối với ngành chuyên khoa sốt rét, họ thường được gọi với một cái tên rất đơn giản là “cán bộ côn trùng”. Nhiệm vụ của họ là tham mưu cho việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giám sát hoạt động của muỗi truyền bệnh, chỉ định các biện pháp phòng chống, đồng thời có trách nhiệm đánh giá hiệu quả các biện pháp can thiệp. Cán bộ côn trùng phải thường xuyên xuống tận các cơ sở của vùng sốt rét lưu hành, trực tiếp với thực địa để tổ chức điều tra hoạt động của muỗi Anopheles truyền bệnh bằng các phương pháp quy định như soi bắt muỗi ban đêm ở trong nhà; lấy thân mình làm mồi cho muỗi đốt để bắt muỗi ban đêm ở trong nhà, ngoài trời; bắt muỗi đốt máu gia súc ở các chuồng trại, soi bắt muỗi trú đậu trong nhà ban ngày, đặt bẫy đèn bắt muỗi ở trong nhà, ngoài nhà ban đêm .... Với cây đèn pin trên tay và vài dụng cụ bắt muỗi, họ làm việc âm thầm, lặng lẽ giữa chốn núi rừng âm u, buồn tẻ trong đêm tối khi mọi người đã ngủ để thu thập những dữ kiện cần thiết nhằm đánh giá tình hình hoạt động của muỗi truyền bệnh ở vùng sốt rét lưu hành; giúp nhận định, dự báo tình hình dịch tễ và nguy cơ dịch sốt rét tại cơ sở để chủ động có biện pháp can thiệp. Một phương pháp rất nguy hiểm có thể làm cho bản thân họ bị mắc bệnh sốt rét bất cứ lúc nào là tự nguyện ở trần, vén chân, vén đùi, để hở chổ trống, lấy thân mình làm mồi cho muỗi đốt để bắt muỗi nghiên cứu. Nếu muỗi Anopheles có mang ký sinh trùng sốt rét đốt thì mầm bệnh sẽ truyền qua cơ thể họ và gây bệnh. Đã có nhiều cán bộ côn trùng bị mắc bệnh sốt rét do nguyên nhân này, ban đêm họ phải thức trắng suốt đêm để bắt muỗi, chỉ chợp mắt được một lúc vào gần sáng nghỉ ngơi để rồi sáng hôm sau xử lý mẫu vật muỗi thu thập được trong đêm, định loại, mổ muỗi, báo cáo. Vào ban ngày, họ phải lội bộ dọc theo các khe suối, tìm các thủy vực nghi ngờ là nơi muỗi đẻ để bắt bọ gậy của muỗi nở ra từ trứng và xem xét, đánh giá, đối chiếu với tình hình hoạt động của muỗi trưởng thành qua dữ kiện đã điều tra vào ban đêm. Ngoài công việc giám sát hoạt động của muỗi truyền bệnh, cán bộ côn trùng còn phải xây dựng kế hoạch các biện pháp can thiệp như tẩm màn ngủ, phun tồn lưu tường vách nhà bằng hóa chất xua diệt muỗi, đồng thời chỉ đạo, giám sát và cùng các cơ sở tham gia thực hiện biện pháp để khống chế muỗi truyền bệnh phát triển trong mùa bệnh, góp phần hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh. Sau khi thực hiện biện pháp, đã kiểm tra, đánh giá chất lượng hiệu quả diệt muỗi của hóa chất bằng phương pháp thử nghiệm sự nhạy cảm của muỗi và sự tồn lưu diệt muỗi của hoá chất ứng dụng. Để chỉ đạo, giám sát việc thực hiện biện pháp tẩm màn ngủ, phun tồn lưu bằng hoá chất diệt muỗi; cán bộ côn trùng phải có mặt cả tháng trời tại các cơ sở vùng sốt rét để làm nhiệm vụ. Để đánh giá được hiệu quả diệt muỗi tồn lưu của hóa chất, họ cũng phải tổ chức điều tra và bắt hàng trăm con muỗi truyền bệnh trong mỗi đợt công tác để có đủ cơ sở nghiên cứu, nhận xét. Một số người trong số họ đã phấn đấu học tập vươn lên để có trình độ sau và trên đại học nhằm phục vụ tốt hơn cho yêu cầu nhiệm vụ công tác ngày càng cao. Trong nhiều chiến sĩ áo trắng của ngành y tế, họ là người chiến sĩ áo trắng thầm lặng đã đóng góp những công sức, trí tuệ, tài năng của mình để phục vụ cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân thuộc lãnh vực y tế cộng đồng. Mặc dù thầm lặng nhưng giá trị của nó đã được ngành y tế ghi nhận, tôn vinh, không chỉ để dừng lại ở sự lặng thầm.
|