Một tai biến sinh nghề tử nghiệp không ngờ
Một đồng nghiệp trẻ tốt nghiệp trường y thành phố Hồ Chí Minh ra nhận công tác tại Quy Nhơn, đơn vị mà trước đó mấy năm tôi đã đến nhận việc ở bộ phận đào tạo. Người đồng nghiệp được lãnh đạo cơ quan bố trí công việc tại bộ phận lâm sàng, điều trị để tăng cường bác sĩ tại đây nhằm bảo đảm công tác chỉ đạo cơ sở và nghiên cứu khoa học. Trong đợt nghiên cứu ký sinh trùng kháng thuốc tại huyện Khánh Phú, tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa), nơi sốt rét lưu hành nặng; bác sĩ này đã không may bị mắc bệnh sốt rét. Do nhóm nghiên cứu sẵn thuốc đặc hiệu có hiệu lực cao lúc đó nên anh bác sĩ đã sử dụng điều trị mà không hề nghĩ đến bệnh sử của mình trước đó để thận trọng việc dùng thuốc. Thế rồi tai biến xảy ra với tình trạng nguy kịch không hồi phục, dẫn đến hậu quả tử vong; sinh nghề tử nghiệp như là một tai họa ập đến đối với anh và điều không ngờ của các đồng nghiệp.
| Tình trạng suy thận cấp phải chạy thận nhân tạo để lọc máu (ảnh minh họa) |
Anh là bác sĩ Nguyễn Văn Châu vừa ra trường nên tuổi đời còn rất trẻ, đã có vợ và con gái đầu lòng. Mặc dù gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng anh tình nguyện ra phục vụ công tác tại Quy Nhơn thuộc miền trung. Khoa ký sinh trùng, lâm sàng, điều trị thuộc viện nơi anh công tác ngoài nhiệm vụ phối hợp với các bệnh viện trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên thực hành, chỉ đạo công tác chuyên môn; còn phải thực hiện nghiên cứu khoa học, trong đó có đánh giá tình hình ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. Xã Khánh Phú là thực địa được chọn tiến hành nghiên cứu vì thuộc vùng sốt rét lưu hành nặng, có đủ điều kiện và số mẫu thu thập đánh giá cần thiết thực hiện theo quy trình kỹ thuật. Dù mới nhận việc thời gian ngắn nhưng anh được bố trí cùng các đồng nghiệp tham gia đợt nghiên cứu kháng thuốc tại đây. Trong quá trình công tác thực địa, anh bị mắc bệnh sốt rét, một bệnh nghề nghiệp mặc dù có áp dụng biện pháp phòng ngừa đơn giản. Chủng loại ký sinh trùng sốt rét bị nhiễm là Plasmodium vivax, có thể điều trị đơn giản bằng thuốc chloquine cắt cơn sốt và primaquine tiệt căn khá hiệu quả; hiếm khi chuyển thành sốt rét ác tính gây hậu quả tử vong. Thế nhưng nhóm công tác sẵn thuốc có hiệu lực cao lúc đó là Fansidar tiêm, hộp 3 ống, loại thuốc chiến lược dùng để điều trị sốt rét; trong đó có sốt rét ác tính và sốt rét kháng thuốc do nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum nên đã sử dụng loại thuốc này để điều trị. Thường Fansidar được sản xuất dưới dạng viên nén gồm 500mg sulfadoxine kết hợp 25mg pyrimethamine dùng để uống; riêng Fansidar ống gồm 400mg sulfadoxine kết hợp với 20mg pyrimethamine sản xuất dùng để tiêm trong trường hợp sốt rét nặng và ác tính, người bệnh không uống được. Fansidar là thuốc chống kháng có hiệu lực tốt trong thời điểm đó nhưng đến cuối năm 1990 bắt đầu có hiện tượng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc; vì vậy Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo và Bộ Y tế đình chỉ sử dụng, đưa ra khỏi danh mục thuốc sốt rét thiết yếu. Thành phần thuốc có sulfadoxine là loại sulfamide thải trừ chậm, kết hợp với pyrimethamine tạo tác dụng hợp lực tăng mức ảnh hưởng trên ký sinh trùng sốt rét nên được chống chỉ định dùng cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 3 tháng tuổi, người bị dị ứng thuốc, suy gan, suy thận... Trong điều trị sốt rét, thuốc được chỉ định dùng liều duy nhất; đối với người lớn uống 2 viên hoặc tiêm bắp 2 ống, không được tiêm tĩnh mạch. Mặc dù y văn hướng dẫn dùng thuốc khá cụ thể nhưng khi dùng thuốc điều trị cho chính bản thân lại quên mất tiền sử mình bị suy thận trước đó. Fansidar đã được tiêm tiếp các đợt để chống tái phát thay vì sử dụng thuốc primaquine tiệt căn. Hậu quả sulfadoxine là loại sulfamide thải chậm có trong thuốc đã ảnh hưởng thận dẫn đến tình trạng suy thận cấp phải vào điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quy Nhơn với tình huống khá nguy kịch. Thời đó, bệnh viện này chưa có đơn vị thận nhân tạo xử trí mà chỉ làm thẩm phân phúc mạc. Để giải quyết tình hình, lãnh đạo đơn vị đề nghị lãnh đạo bệnh viện thống nhất hỗ trợ xe cứu thương cùng nhân viên y tế chuyển bệnh nhân ra Bệnh viện trung ương Huế chạy thận nhân tạo và tiếp tục điều trị, theo dõi. Tôi được cử đi theo vì bệnh viện ở Huế là nơi tôi đã từng học tập, thực hành và gắn bó trước khi ra trường nên có điều kiện thuận lợi trong mối quan hệ.
| Fansidar là thuốc sốt rét có tác dụng độc hại với người suy thận (ảnh minh họa) |
Việc chuyển tuyến người bệnh từ Quy Nhơn đến Huế an toàn. Tôi mang toàn bộ hồ sơ chuyển viện báo cáo Giáo sư Bác sĩ Phạm Như Thế, lúc đó là trưởng khoa nội kiêm trưởng đơn vị thận nhân tạo (sau này là giám đốc bệnh viện) để được xem xét, giúp đỡ. Việc thăm khám lâm sàng được tiến hành ngay cùng với các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết khác, Giáo sư Thế xác định bệnh nhân bị một đợt suy thận cấp trên nền suy thận mãn; dù có chạy thận nhân tạo thì chỉ giúp thoát khỏi được tình trạng nguy kịch trong đợt này, sau đó có thể dội lên đợt khác với hậu quả xấu nên việc chạy thận nhân tạo tốn kém nhưng hiệu quả mang lại không bền vững. Tôi trình bày bệnh nhân có gia đình, vợ con ở thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị được giúp đỡ; khi thoát khỏi nguy kịch sau chạy thận nhân tạo sẽ chuyển vào bệnh viện gần gia đình để tiếp tục điều trị và có người nhà chăm sóc. Giáo sư Thế đồng ý và trực tiếp thực hiện kỹ thuật, sau 6 giờ chạy thận nhân tạo lọc máu, sức khỏe bệnh nhân đỡ hơn nhiều, có thể ăn uống, đi lại được... Thời điểm này, tôi tiến hành ngay thủ tục xin được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh mặc dù ngược tuyến nhưng cũng được lãnh đạo và y vụ bệnh viện quan tâm. Do tình trạng sức khỏe đỡ hơn nên người bệnh chuyển bằng tàu hỏa cũng an toàn, có bác sĩ và y tá điều dưỡng đi kèm. Theo tiên lượng, sau mấy ngày vào bệnh viện được chuyển, bệnh nhân có nền suy thận mãn này lại bị đợt suy thận cấp, rồi tiếp tục các đợt suy thận cấp khác phải chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc liên tục... Sức khỏe ngày càng kiệt quệ dần và bệnh nhân tử vong do suy thận không hồi phục dù có sự cố gắng, giúp đỡ rất lớn của bệnh viện. Thời điểm này chưa hình thành kỹ thuật ghép thận nên việc xử trí cũng có giới hạn Nỗi đau đớn, thương tiếc đến với gia đình và cơ quan khi phải vĩnh biệt một người thân, một đồng nghiệp ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Có thể nói đây là một tai biến sinh nghề tử nghiệp không ngờ xảy ra trên thực tế mà thủ phạm, nguyên nhân đã được xác định. Bài học kinh nghiệm cay đắng này cần được mọi người quan tâm để cảnh báo, phòng ngừa.
|