|
Thầy Thuốc là một nghề cao quý, một nghề đặc biệt, nó trực tiếp quan hệ đến sức khoẻ, đến tính mạng của con người. |
Nghĩ về vấn đề y đức trong nền kinh tế thị trường.
Ai cũng biết rằng nghề Thầy Thuốc là một nghề cao quý, một nghề đặc biệt, nó trực tiếp quan hệ đến sức khoẻ, đến tính mạng của con người. Trong nền kinh tế thị trường và trong bối cảnh của đất nước hiện nay, những tác động tiêu cực của xã hội đã làm cho những người Thầy Thuốc bị ảnh hưởng không ít đến vấn đề giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống. Thực tế hiện nay, phần lớn những người Thầy Thuốc đang phải đối diện với những điều kiện về đời sống còn gặp nhiều khó khăn, đồng lương và mức thu nhập còn quá thấp, chưa đủ trang trải cho những sinh hoạt trong đời thường của cơ chế thị trường như một số ngành nghề khác. Thầy Thuốc được quan niệm là một cái nghề, làm nghề thì phải bảo đảm đầy đủ cho cuộc sống để có thể tồn tại và phát triển. Trong mối quan hệ và trong khi đồng tiền được đặt ra giữa người Thầy Thuốc và bệnh nhân, khi bệnh nhân đến bệnh viện có nhiều phương thức trả tiền thì những tác động tiêu cực dù ít dù nhiều cũng đã làm ảnh hưởng đến lương tâm, xói mòn đạo đức, sự cao quý của nghề Thầy Thuốc. Đồng tiền, quà cáp biếu xén cũng đã làm thay đổi quan hệ đối xử của người Thầy Thuốc đối với bệnh nhân. | Th.S Bs Huỳnh Hồng Quang đang khám và theo dỏi bệnh nhân | Từ những ngày còn ở trong nhà trường để học nghề Thầy Thuốc trước đây, những sinh viên y khoa Huế đã được các Thầy Cô dạy dỗ, căn dặn từ những bước đầu tiên chập chững vào trường để chuẩn bị cho mình hành trang về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức của người Thầy Thuốc khi ra trường bằng lời tuyên thệ trước lúc nhận nhiệm vụ. Một nội dung trong lời tuyên thệ đầu tiên mà sinh viên y khoa Huế phải đọc trước bức tượng Hypocrate - Y Tổ của Thế giới và Hải Thượng Lãn Ông - Y Tổ của Việt Nam cùng các Thầy Cô, các bạn đồng môn đã gây dựng y nghiệp cho mình là: “Coi nghề Thầy Thuốc mà tôi đã tự chọn như một con đường cứu người và giúp đời, chứ không xem như một phương tiện thương mại”. Kết thúc lời tuyên thệ là “Hôm nay chỉ mớilà bắt đầu”. Đúng vậy, người Thầy Thuốc mới ra trường chỉ là mới bắt đầu cho y nghiệp và y đạo của mình, vì vậy cần phải rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng nhiều hơn nữa để trở thành một người Thầy Thuốc chân chính, vừa có tài vừa có đức, không xem nghề Thầy Thuốc là một nghề kinh doanh, buôn bán, thương mại vì lợi ích kinh tế.
Nhìn lại lời thề Hypocrate, một nội dung cũng được đề cập đến vấn đề đạo đức nầy là: “Tôi sẽ giữ gìn sao cho đời sống và nghề nghiệp của tôi được trong trắng và thần thánh”. Hải Thượng Lãn Ông cũng có lời căn dặn: “Phàm người mới đi thăm bệnh, nên tùy bệnh cần kíp hay không mà sắp đặt đi thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hay nghèo nàn mà nơi đến trước, chỗ tới sau, hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém. Khi lòng mình có chỗ không thành thật thì khó mong thu được kết quả”. “Khi đến xem bệnh ở những nhà nghèo túng hay những người mồ côi, góa bụa hiếm hoi, càng nên chăm sóc đặc biệt vì những người giàu sang không lo không có người chữa; còn những người nghèo hèn thì không đủ sức đón được Thầy giỏi. Vậy ta để tâm một chút, họ sẽ được sống một đời. Còn như những người con thảo, vợ hiền, nghèo mà mắc bệnh; ngoài việc cho thuốc lại tuỳ sức mình mà chu cấp cho họ nữa vì có thuốc mà không có ăn thì vẫn đi đến chỗ chết. Cần phải cho họ được sống toàn diện mới đáng gọi là nhân thuật. Còn những kẻ vì chơi bời phóng đãng mà nghèo và mắc bệnh thì không đáng thương tiếc lắm”. “Khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi, chớ có mưu cầu quà cáp vì những người nhận của người khác cho thường hay sinh nể nang, huống chi đối với những kẻ giàu sang, tính khí thất thường mà mình cầu cạnh, thường hay bị khinh rẻ. Còn việc tâng bốc người ta để cầu lợi, thường hay sinh ra chuyện; cho nên nghề thuốc là thanh cao, ta phải giữ tiết khí cho trong sạch”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy những người Thầy Thuốc phấn đấu rèn luyện y nghiệp, y đức của bản thân mình bằng nội dung đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ và như là một phương châm hay một khẩu hiệu của ngành y tế: “Lương y phải như từ mẫu”. Người Thầy Thuốc phải như người mẹ hiền, thương yêu bệnh nhân như ruột thịt, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn ... là những vấn đề mà người Thầy Thuốc cần phải kiểm nghiệm, đánh giá về y đức của mình trong khi thực hành y nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Y đức được xem là tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế. Các Thầy Thuốc của thế hệ đã qua như Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng .... đã để lại tấm gương sáng của cả trọn đời mình cho sự nghiệp y học và y tế của nước nhà, trong đó y đức đã được ngành y tế tôn vinh và học tập. Gs. Hồ Đắc Di, một trong những người Thầy Thuốc tiêu biểu của ngành y tế và là người Thầy Giáo của nhiều thế hệ Thầy Thuốc Việt Nam cũng đã từng nói “Trong mọi nghề, có lẽ nghề Thầy Thuốc và nghề Thầy Giáo là hai nghề cao thượng nhất. Một mang lại sự sống, một mang lại trí tuệ; và cả hai đều đòi hỏi lương tâm trong sạch”. Trong thực tế sinh hoạt đời thường, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động không ít đến đạo đức của người Thầy Thuốc và cả Thầy Giáo. Vấn đề đạo đức bị xói mòn của một số Thầy Thuốc, Thầy Giáo có liên quan với đồng tiền, với kinh tế đã được đề cập đến trong thời gian qua ở các cơ sở. Để điều chỉnh vần đề này, Bộ Y tế đã có Quyết định ban hành quy định về y đức, có nghĩa là tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế. Một nội dung có liên quan được nêu ra trong quy định về y đức là “Không được phân biệt đối xử với người bệnh. Không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh. Phải trung thực khi thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh”. “Kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn; không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất, thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh”. Vẫn biết rằng trong nền kinh tế thị trường, đồng tiền là phương tiện đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống của tất cả mọi người, nó cũng có mối quan hệ xen vào giữa chủ thể và khách thể của ngành y tế, giữa Thầy Thuốc và bệnh nhân , kể cả người nhà của bệnh nhân trong cơ chế mới. Vì vậy để hạn chế những tiêu cực làm ảnh hưởng đến sự xói mòn đạo đức của người làm công tác y tế, nhất thiết cần phải có những quy định cụ thể để điều chỉnh hành vi của người Thầy Thuốc, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vì đạo đức là điều kiện bắt buộc trong nghĩa vụ và tình thương của người này đối với người khác. Những quy định cụ thể để điều chỉnh hành vi là rất cần thiết nhưng cái cốt lõi nhất của y đức vẫn là sự xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của những người Thầy Thuốc. Đành rằng các chế độ, chính sách dành cho cán bộ ngành y tế đang được Đảng và Nhà nước quan tâm xem xét giải quyết để đời sống của người Thầy Thuốc được cải thiện tốt hơn, hạn chế bớt tác động tiêu cực của nền kinh tế thị truờng. Nhưng về lãnh vực đạo đức, trong dịp kỷ niệm ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27/2, mong rằng tất cả những người làm công tác y tế hãy ngẫm nghĩ lại vấn đề y đức của mình trong thực hành y nghiệp được vận hành theo nền kinh tế thị truờng ở giai đoạn mới để tự điều chỉnh hành vi đạo đức của mình. Chỉ cần nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Lương y phải như từ mẫu”, “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” là có thể điều chỉnh ngay được hành vi trong thực hành y nghiệp của bản thân mình trong khi làm nhiệm vụ dù ở khu vực y tế Nhà nước hoặc trong hành nghề y dược tư nhân.
|