Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 05/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 3 1 9 5 2 1
Số người đang truy cập
2 0 6
 An toàn thực phẩm & hóa chất
Thực trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng cùng những nỗ lực ngăn chặn của Việt Nam và thế giới trong năm 2014

Thuốc giả ngành công nghiệp tội lỗi; Hơn 1 tấn thuốc sốt rét, kháng sinh,Viagra... giả nhập lậu từ Trung Quốc; Bắt 2 giám đốc sản xuất thuốc trị tai biến và cốm chữa còi xương giả; Phát hiện xe khách chở 11.400 viên thuốc kích dục xuất xứ Trung Quốc; Thuốc giả đe dọa thế giới; Bỏ 1.000 USD, thu lại 500.000 USD; Làm thuốc giả từ... xi măng; Thuốc giả là nguyên nhân thảm kịch triệt sản ở Ấn Độ; Interpol tịch thu 9,4 triệu viên thuốc giả

Thuốc giả ngành công nghiệp tội lỗi

Dù đã được cảnh báo trong các Hội nghị quốc tế như là một vấn nạn với quy mô toàn cầu, song cho đến nay, nạn buôn bán thuốc giả đã trở thành một "trận lụt" gây ra những tác hại khôn lường. Giữa tháng tư vừa qua, một hội nghị đã được tổ chức ở Thụy Sĩ với mục tiêu là xây dựng một hiệp ước quốc tế chống thuốc giả.

Thuốc giả tại châu Âu

Trong những năm qua, nạn buôn bán thuốc giả đã thu được lợi nhuận lên tới hàng tỷ đô la Mỹ. Theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tốc độ tăng trưởng hàng năm của "ngành công nghiệp tội lỗi" này lên tới 100% từ năm này sang năm khác. Theo WHO, thuốc giả chiếm tới 30% và thậm chí, có khi còn lên tới 50% lượng dược phẩm lưu hành ở một số nước đang phát triển. Chỉ cần lấy châu Âu là tâm điểm, ta cũng có thể thấy được mức độ phát triển khủng khiếp của cơn dịch này. Theo tiết lộ của Phó chủ tịch Hội đồng châu Âu thì chỉ riêng trong hai tháng cuối năm 2008, các lực lượng hải quan đã thu giữ được 34 triệu đơn vị dược phẩm giả trên các biên giới của liên minh châu Âu và chỉ trong hai năm, lượng thuốc giả nhập vào châu Âu đã tăng gấp sáu lần và từ năm 2006, WHO đã cảnh báo rằng có một sự bùng nổ của thị trường thuốc giả với doanh thu toàn cầu đến năm 2010 có thể đạt tới mức 75 tỷ USD.

Châu Âu là một trường hợp đặc biệt tiết lộ hiện trạng của nạn thuốc giả. Chúng ta biết rằng đây là một trong những nơi có mức sống cao trên thế giới và hệ thống an sinh xã hội đủ đảm bảo cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe. Vậy mà dược phẩm giả vẫn có đất sống tại đây. Nhiều người chọn một cách đơn giản hơn rất nhiều là mua thuốc "trôi nổi" và đặc biệt là giờ đây lại có thêm sự giúp sức của internet. Sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và cả tiền bạc.

Và đó chính là mảnh đất màu mỡ của các loại thuốc rởm. Loại thuốc nhiều nhất trên thị trường thuốc giả là các loại thuốc hỗ trợ tình dục (kiểu Viagra), thuốc giảm béo và thuốc chống trầm cảm, căng thẳng thần kinh. Theo một thống kê của hãng dược Pfizer, 50% dược phẩm bán trên mạng internet là thuốc giả và trong đó có cả các thành phần vô cùng độc hại như thuốc chuột và axit boric. Thị trường dược trên mạng internet đang là một vấn đề nhức nhối đến mức gần đây, tại Pháp, một đạo luật liên quan đến quản lý việc bán thuốc trên internet đang được gấp rút soạn thảo. Và tất nhiên, châu Âu còn là bàn đạp để đưa thuốc giả đến các nước đang phát triển khi mà hiện nay không ít người đang có một thứ "mốt" dùng các loại "hàng xách tay" gồm cả dược phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm nhập khẩu không theo các kênh chính thức với giá rẻ đồng nghĩa với việc coi rẻ tính mạng con người.
 

Trước vấn nạn toàn cầu nói trên, trong các ngày 15 và 16/4, một hội nghị quốc tế do Hội đồng châu Âu đã được tổ chức tại Bale (Thụy Sĩ) với sự có mặt của các đại biểu từ tất cả các nước thành viên liên minh châu Âu, WHO và các đối tác quốc tế, đồng bảo trợ là Cơ quan châu Âu kiểm soát chất lượng dược phẩm và chăm sóc sức khỏe (DEQM). Trong hội thảo này, các khách mời đã cùng phân tích hiện trạng của "ngành công nghiệp thuốc giả" ở mức độ toàn cầu. Điều đáng sợ là hiện nay, lợi nhuận của kinh doanh thuốc giả có thể so sánh với lợi nhuận từ buôn ma túy vậy mà những hình phạt dành cho loại tội phạm này lại nhẹ hơn rất nhiều so với buôn ma túy. 
 

Công ước chống thuốc giả

Chính vì lý do đó, trong hội nghị, Ủy ban châu Âu đã xây dựng một Công ước chống thuốc giả mang tên MEDICRIME (ghép của "medicaments" - dược phẩm và "crime" - tội phạm: công ước chống tội phạm liên quan đến dược phẩm). Công ước này sẽ có hiệu lực trên toàn châu Âu và sẽ là một công ước mở mà các quốc gia ngoài châu Âu cũng có thể tham gia. Công ước này sẽ hình sự hóa tất cả những hình thức phạm tội liên quan đến dược phẩm và dược phẩm giả bao gồm: sản xuất dược phẩm giả; cung cấp, tạo điều kiện cung cấp và buôn bán các sản phẩm dược phẩm giả; làm giả giấy tờ; sản xuất hoặc cung cấp không phép các sản phẩm y tế cũng như đưa ra thị trường các sản phẩm y tế không đáp ứng các yêu cầu của pháp luật. Công ước này cũng đưa ra các khung hợp tác quốc tế trong việc chống và trừng phạt các tội liên quan đến thuốc giả. Theo dự kiến, công ước này sẽ được Hội đồng bộ trưởng của Liên minh thông qua vào 11/5/2010 và được ký vào 25/10/2010 tại Hội nghị Hội đồng châu Âu các Bộ trưởng Tư pháp họp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Hơn 1 tấn thuốc sốt rét, kháng sinh,Viagra... giả nhập lậu từ Trung Quốc

Số tân dược giả này được nhập khẩu trái phép từ Trung Quốc trong đó có nhiều loại thuốc quan trọng như: thuốc sốt rét, kháng sinh,Viagra và một số loại thuốc đặc trị khác…Công an TP. Thanh Hóa phối hợp với đội Quản lý thị trường số 1 – Chi cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ 1,2 tấn tân dược giả nhãn mác, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc giấy tờ do Trung Quốc sản xuất. Số tang vật trên được các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa thu giữ tại số nhà 06 phố Cửa Hậu, phường Điện Biên, Thành phố Thanh Hóa. Toàn bộ số tân dược giả, kém chất lượng trên là của đối tượng Nguyễn Thị Thu Hương, sinh năm 1975 ở Khu tập thể Nam Đồng, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
 

Tại cơ quan Công an, Hương khai nhận đã mua toàn bộ số hàng trên là để chuẩn bị cho việc mở phòng khám tại TP. Thanh Hóa. Điều đáng nói, là số tân dược giả này được nhập khẩu trái phép từ Trung Quốc trong đó có nhiều loại thuốc quan trọng như: thuốc sốt rét, kháng sinh,Viagra và một số loại thuốc đặc trị khác…


Toàn bộ số tân dược giả, kém chất lượng đã bị cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ.

Đây là vụ vận chuyển, tàng trữ tân dược giả, kém chất lượng lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Bắt 2 giám đốc sản xuất thuốc trị tai biến và cốm chữa còi xương giả

Hàng ngàn hộp cốm Zinc-kid dành cho trẻ còi xương và phụ nữ mang thai cùng thuốc Lumbrotine hỗ trợ điều trị tai biến mạch máu não đã bị làm giả và tung ra thị trường.

 
Số hàng hoá bị bắt quả tang đưa đi tiêu thụ

Ngày 11-11, Đội chống hàng giả, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 - Công an TP Hà Nội) cho biết vừa phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46, Bộ Công an) phát hiện bắt giữ nhóm người sản xuất buôn bán tân dược giả. PC46 cũng ra lệnh bắt khẩn cấp 2 người để điều tra về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh theo ‪Điều 157 Bộ Luật hình sự.

Đó là Bùi Văn Hiệp (SN 1985, quê ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và thiết bị y tế HT Hoa Kỳ (có trụ sở tại số 42B/41/210 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) và Nguyễn Anh Văn (SN 1982, quê ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), Giám đốc Công ty TNHH thương mại và đầu tư LV France (trụ sở tại 161, tổ 2, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội). Vụ việc được phát hiện vào khoảng 11 giờ 35 phút ngày 8-11 tại khu vực vườn hoa của trường ĐH Thủy lợi (Hà Nội). Vào thời điểm trên, Đội chống hàng giả PC46 phát hiện Bùi Văn Hiệp điều khiển xe máy BKS 29L1 - 400.68 chở 2 thùng các-tông có dấu hiệu nghi vấn. Tiến hành kiểm tra, bên trong chứa 150 hộp thuốc Lumbrotine và 80 hộp cốm bổ Zinc-kid. Được biết, cốm bổ Zinc-kid điều trị thiếu kẽm ở trẻ còi xương và phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú còn Lumbrotine là thuốc hỗ trợ điều trị tai biến mạch máu não.

Phát hiện xe khách chở 11.400 viên thuốc kích dục xuất xứ Trung Quốc

Kiểm tra chiếc xe khách vi phạm tốc độ, lực lượng CSGT Thanh Hóa đã phát hiện hàng chục bao hàng, trong đó có 2 thùng thuốc kích dục với số lượng trên 11.000 viên xuất xứ Trung Quốc.

Vào khoảng 13 giờ ngày 12-8, tại km 381 trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa), tổ tuần tra kiểm soát Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa, do thiếu tá Nguyễn Hữu Nam làm tổ trưởng, đã phát hiện một chiếc xe khách chạy hướng Bắc – Nam vi phạm tốc độ nên đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra hành chính.Qua kiểm tra chiếc xe khách mang BKS 16H - 8532 do ông Lê Đình Vững (SN 1973, ngụ Thủy Nguyên, Hải Phòng) điều khiển, lực lượng CSGT phát hiện có rất nhiều hàng hóa mỹ phẩm khôngcó nguồn gốc xuất xứ nên đã yêu cầu tài xế đưa xe về trụ sở, đồng thời thông báo cho lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp xử lý. Sau khi cho hạ số hàng xuống khỏi xe, lực lượng liên ngành đã phát hiện trên xe có 2 thùng thuốc kích dục với số lượng 11.400 viên, mang nhãn hiệu MAXMAN TABLETS do Trung Quốc sản xuất và 116 lọ mỹ phẩm đã quá hạn. hoặc không có nguồn gốc nhái các hãng nổi tiếng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng đã không xuất trình được giấy tờ liên quan đến số hàng trên.

 Theo tài xế Lê Đình Vững, ông nhận chở số hàng trên của một người ở địa phận tỉnh Thái Bình, bên ngoài thùng có ghi là keo dán đầu nên mới đồng ý vận chuyển. “Khi bị lực lượng chức năng Thanh Hóa bắt giữ, tôi mới biết đó là thuốc kích dục” - ông Vững khai nhận ban đầu. Hiện lực lượng chức năng đang tạm giữ số hàng trên để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

 
Thuốc Lumbrotine hỗ trợ điều trị tai biến mạch máu não cũng bị làm giả

Xác minh tại đơn vị trực tiếp phân phối thuốc Lumbrotine và Zinc-kid, kết quả toàn bộ số thuốc do Bùi Văn Hiệp vận chuyển trên xe máy là hàng giả, không phải chính hãng sản xuất. Mở rộng vụ án, Đội chống hàng giả đã bắt giữ thêm Nguyễn Anh Văn, kẻ trực tiếp mua mẫu thuốc Lumbrotine và cốm bổ Zinc-kid thật bán trên thị trường và mang đi làm mẫu, đặt hàng sản xuất giả rồi đóng gói, tung ra thị trường để tiêu thụ. Nguyễn Anh Văn đã bán ra thị trường hơn 3.000 sản phẩm. Khám xét mở rộng, cơ quan công an tiếp tục phát hiện và thu giữ thêm máy dập hàn mép túi và một số bao bì nhãn thuốc để sản xuất thuốc giả. PC 46 đang tiếp tục làm công tác giám định để xác định thành phần của các loại thuốc này.

Thuốc giả đe dọa thế giới

Thuốc giả đang dần vượt qua ma túy để trở thành “con gà đẻ trứng vàng” đối với các tổ chức tội phạm trên khắp thế giới.

 
Các nhân viên y tế tiêu hủy số thuốc giả bị tịch thu ở Bắc Kinh (Trung Quốc)  - Ảnh: AFP

Trong hai ngày 19 - 20.11, tại thủ đô Dublin của Ireland, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã tổ chức diễn đàn nhằm tổng kết lại 10 năm “tuyên chiến” với thuốc giả, vốn đang lan tràn với tốc độ chóng mặt và trở thành mối họa cực lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Báo Tribune de Genève dẫn thông cáo của Interpol cho biết tại nhiều khu vực thuộc Đông Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ, thuốc giả đang chiếm đến hơn 30% thị trường dược phẩm. Thậm chí ở một số quốc gia như Guinea, Nigeria, tỷ lệ này lên đến 60%. Hiện những tổ chức tội phạm khét tiếng đều xem việc buôn lậu thuốc giả là nguồn thu nhập quan trọng, bên cạnh những hoạt động phi pháp quen thuộc như buôn bán ma túy, làm tiền giả…

Bỏ 1.000 USD, thu lại 500.000 USD

Thuốc giả trở nên hấp dẫn các tổ chức tội phạm vì mang lại lợi nhuận cực kỳ lớn và khung hình phạt dành cho những vi phạm liên quan đến lĩnh vực này cũng nhẹ, đặc biệt nếu so với mức phạt dành cho buôn bán, tàng trữ ma túy…Tờ Le Figaro dẫn báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp dược phẩm quốc tế (IFPMA) cho biết lợi nhuận từ thuốc giả cao hơn từ 10 - 25 lần so với ma túy. Cụ thể, khi bọn tội phạm bỏ ra 1.000 USD để sản xuất thuốc giả, sẽ mang lại lợi nhuận từ 200.000 - 500.000 USD. Cùng mức “đầu tư” như thế, buôn lậu ma túy và thuốc lá “chỉ” mang về lần lượt 20.000 USD và 43.000 USD.

Còn theo báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu và phòng chống thuốc giả Pháp (IRCAM), thị trường thuốc giả trên thế giới đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, từ 26 tỉ euro/năm 2005 lên 55 tỉ euro/năm 2010, tương đương 10% thị trường dược phẩm chính thống. Bên cạnh đó, khác với nhiều mặt hàng phi pháp khác, thuốc giả có thể được mua bán rất dễ dàng trên mạng internet: chỉ cần vài cái nhấp chuột, thanh toán nhờ thẻ tín dụng và hàng được chuyển qua bưu điện. Theo Le Figaro, hơn 60% lượng dược phẩm bán trực tuyến trên mạng trong những năm gần đây là hàng giả.

Báo cáo của Ủy ban châu Âu vào năm 2012 cũng cho thấy thuốc giả chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các loại hàng giả bị hải quan các nước EU phát hiện khi kiểm tra các bưu kiện. Chính vì vậy, chiến dịch chống thuốc giả Pangea VII do Interpol phối hợp với lực lượng an ninh của 110 quốc gia thực hiện hồi tháng 5 vừa qua cũng đặt trọng tâm vào các đường dây bán thuốc giả qua mạng internet. Với 1.235 cuộc điều tra, chiến dịch này đã giúp thu giữ 9,4 triệu viên/gói thuốc giả (tổng trị giá 36 triệu USD), bắt giữ 237 người, xóa sổ 10.600 website.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), 75% lượng thuốc giả trên thế giới có xuất xứ Trung Quốc và Ấn Độ. Khi gửi với số lượng lớn, thuốc giả từ 2 nước này sẽ được ngụy trang rất kỹ hoặc được gửi sang một nước trung gian để tránh nguy cơ bị phát hiện. Hồi tháng 10.2013, khoảng 1 triệu viên thuốc chống trầm cảm Xanax giả xuất xứ Trung Quốc đã bị phát hiện ở sân bay Zurich (Thụy Sĩ). Điểm đến sau cùng của lô hàng này là Ai Cập. Tháng 2.2014, hải quan Pháp cũng phát hiện 2,4 triệu viên thuốc giả trong 2 container “trà” từ Trung Quốc tại cảng Le Havre.

Làm thuốc giả từ... xi măng

Tờ Le Monde dẫn lời chuyên gia Aline Plançon của Interpol nhận định: “Dược phẩm giả đang ngày càng đa dạng và tinh vi hơn vì bọn tội phạm rất nhanh nhạy trong việc “bắt mạch” thị trường. Chẳng hạn năm 2010, chúng tôi đã phát hiện vắc xin ngừa vi rút gây cúm A/H1N1 giả. Thời điểm đó, mọi người đang rất lo ngại dịch bệnh này”. Các loại thuốc đặc trị ung thư cũng là miếng mồi béo bở của các tổ chức tội phạm vì giá cả ngày càng đắt đỏ, những người thu nhập thấp, lại không có bảo hiểm y tế rất dễ mất cảnh giác khi thấy thuốc cùng loại nhưng giá rẻ quảng cáo “rầm rộ” trên mạng internet.

Điều đáng lo ngại là các tổ chức tội phạm đã không ngại đầu tư công nghệ cao để sản xuất thuốc giả nên nếu không qua xét nghiệm hóa sinh sẽ khó có thể phân biệt được thật giả: thuốc giả nhìn bề ngoài giống hệt thuốc thật, về màu sắc, trọng lượng, bao bì cho đến nhãn cấp phép lưu hành… Nhưng thay vì dược chất, thuốc giả có thể được làm từ đủ loại nguyên liệu: từ bột mì, đường, bột sữa, đến… chất chống đông, xi măng, bột màu. Bột màu rất thường được dùng để sản xuất những loại thuốc có màu đặc biệt như Viagra (xanh dương). Năm 2009, một loại xi rô trị ho giả làm từ chất chống đông đã làm 84 người tử vong tại Nigeria.

Theo IRCAM, không chỉ chi tiền để trang bị các loại máy móc tối tân cho sản xuất, các tổ chức tội phạm còn tổ chức mạng lưới kinh doanh thuốc giả xuyên biên giới vô cùng bài bản: nghiên cứu thị trường, pháp luật, điều kiện cơ sở hạ tầng của nhiều nước để chọn nơi thích hợp cho sản xuất, phân phối, lập công ty bình phong…

Thuốc giả, hại thật

Theo Le Monde, ngay cả khi thuốc giả được làm từ những nguyên liệu vô hại như bột mì cũng sẽ gây ảnh hưởng cực kỳ xấu đối với bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nghiêm trọng như tim mạch, ung thư. Ngoài ra, một bệnh nhân không được điều trị đúng mực có thể trở thành trung gian lây lan dịch bệnh, thậm chí tạo ra những “siêu vi khuẩn kháng thuốc”, vốn là mối họa khôn lường đối với sức khỏe cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới ước tính hằng năm trên thế giới có khoảng 700.000 bệnh nhân bị lao và sốt rét tử vong vì dùng phải thuốc giả.

Thuốc giả là nguyên nhân thảm kịch triệt sản ở Ấn Độ

“Chính quyền Ấn Độ có trách nhiệm trong thảm kịch này”, R.K Gupta, bác sĩ trực tiếp thực hiện phẫu thuật triệt sản cho 83 phụ nữ khiến ít nhất 13 người tử vong trong vòng chưa đầy 3 giờ, nói hôm nay 13.11.

 
Nhân viên y tế chăm sóc cho các nạn nhân tham gia cuộc phẫu thuật triệt sản ngày 11.11 vừa qua - Ảnh: Reuters

Bác sĩ R.K Gupta cho rằng thuốc giả chứ không phải thiết bị phẫu thuật không vệ sinh, hỏng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 13 phụ nữ. Theo Reuters, bác sĩ nhận trách nhiệm đạo đức về mình, nhưng nói rằng chính quyền Ấn Độ mới là nơi chịu trách nhiệm cho hậu quả thương tâm trên. “Việc quyết định xem có bao nhiêu phụ nữ được giữ lại khả năng sinh sản là trách nhiệm của chính quyền”, bác sĩ Gupta nói với Reuters tại đồn cảnh sát nơi ông đang bị tạm giam. Ông sẽ phải đối mặt với khả năng bị truy tố vì tội làm vô ý làm chết người. Ông nói thêm: “Đây là trách nhiệm đạo đức của tôi khi tôi triệt sản 83 phụ nữ đó theo yêu cầu của họ. Nhưng nếu tôi không làm, tôi sẽ vấp phải sự phản ứng của công chúng”. 

Gupta nói rằng những nhân viên y tế đã cung cấp cho những phụ nữ này ciprofloxacin (loại thuốc kháng sinh thường gặp trong toa thuốc của các bác sĩ) và thuốc giảm đau ibuprofen sau cuộc phẫu thuật được tiến hành trong một căn phòng đầy bụi bẩn và mạng nhện của một bệnh viện tư tại thị trấn Pandari, Chhattisgarh. Đây là một trong những vùng nghèo nhất Ấn Độ.

 
Nỗi đau của người nhà nạn nhân - Ảnh: Reuters

“Cái chết của những nạn nhân thật bí ẩn. Tôi chưa từng gặp phải tình huống như vậy trước đây. Tôi không phải là thủ phạm. Tôi chỉ là người được đưa ra để chịu tội thay. Chính quyền mới chính là nơi chịu trách nhiệm cho tai nạn này”, ông nói với phóng viên Reuters. Bác sĩ R.K Gupta đã được nhà nước vinh danh về các hoạt động triệt sản của mình 10 năm về trước. Ông đã thực hiện hơn 50.000 cuộc phẫu thuật triệt sản tương tự.

Ấn Độ là nước có số phụ nữ triệt sản cao nhất thế giới với hơn 4 triệu phụ nữ được triệt sản mỗi năm. Các biện pháp nhằm kìm hãm sự gia tăng dân số của nước này được miêu tả là khắc nghiệt và tàn bạo chỉ sau Trung Quốc. Chương trình triệt sản của Ấn Độ được thực hiện một cách cưỡng bức bởi nhiều phụ nữ đã được trả tiền để tham gia cuộc phẫu thuật trong khi không hề biết hết những rủi ro. Theo Reuters, những nhà hoạt động xã hội tại nước này nói rằng chương trình triệt sản hàng loạt vốn dĩ đã là một thảm hoạ có thể nhìn thấy trước. Tỉ lệ sinh của Ấn Độ đã giảm trong những thập kỉ gần đây, nhưng nước này vẫn nằm trong các quốc gia có tốc độ tăng trưởng dân số nhanh nhất thế giới. 

Tính đến thời điểm này, đã có 13 người tử vong và nhiều người khác đang trong tình trạng nguy kịch và được điều trị tại các bệnh viện. Một vài trong số họ được phẫu thuật bởi một người bác sĩ khác, điều này theo ông Gupta càng cho thấy ông không có trách nhiệm trong việc gây ra cái chết của những nạn nhân này. Theo quy trình, bác sĩ cần phải dành ít nhất 15 phút cho mỗi cuộc phẫu thuật và chỉ được thực hiện tối đa 30 cuộc phẫu thuật triệt sản mỗi ngày.

Tuy nhiên, các bác sĩ Ấn Độ cho biết họ thường phải thực hiện khoảng 90 cuộc phẫu thuật mỗi ngày, và không có nhiều thời gian để thực hiện các biện pháp tiệt trùng đảm bảo vệ sinh. Riêng với Gupta, ông cũng cho biết thông thường mình chỉ có khoảng 2 đến 5 phút cho mỗi ca phẫu thuật, việc vệ sinh dao mổ được giao cho 2 phụ tá.

“Găng tay, áo phẩu thuật và kẹp gòn gạc của tôi đều được khử trùng sau mỗi ca mổ trước khi tái sử dụng. Nếu tôi cảm thấy không ổn, tôi sẽ thay cái mới. Tôi thực hiện 10 ca phẫu thuật với cùng một con dao mổ”, ông nói.

Interpol tịch thu 9,4 triệu viên thuốc giả

Tờ Le Figaro ngày 23.5 dẫn thông cáo của Interpol cho biết đã tịch thu 9,4 triệu viên thuốc giả trong chiến dịch Pangea VII (từ ngày 13 - 20.5). Đây là chiến dịch chống thuốc giả có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, được thực hiện tại 111 nước với 1.235 cuộc điều tra. Pangea VII đặc biệt tập trung vào thị trường trực tuyến và đã cùng chính phủ các nước đóng cửa 10.600 website bán thuốc giả. Số thuốc giả bị tịch thu thuộc đủ chủng loại, từ giảm béo đến trị ung thư, cảm cúm, ho, chống cholesterol…

Trong số này, có nhiều loại có thể gây tử vong. Báo Le Monde dẫn lời chuyên gia Aline Plançon của Interpol cho biết: “Thuốc giả đang được bọn tội phạm rất quan tâm vì lợi nhuận cực kỳ cao. Bỏ ra 1.000 euro làm thuốc giả có thể thu về 200.000 - 450.000 euro, hơn xa so với buôn lậu ma túy (20.000 euro)”.

Trung Quốc bắt 1.300 người bán thuốc giả

Bộ Công an Trung Quốc vừa thông báo hơn 1.300 người đã bị bắt với cáo buộc bán thuốc giả qua mạng. Đây là kết quả của chiến dịch truy quét nạn kinh doanh dược phẩm mờ ám trên internet tại 29 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc, triển khai từ tháng 6.2013, theo Tân Hoa xã. Ngoài ra, giới chức còn đóng cửa 140 website và cơ sở bán thuốc qua mạng không có giấy phép kinh doanh, đồng thời tịch thu hơn 9 tấn nguyên liệu thuốc giả.

Phần lớn số thuốc được sản xuất từ nguyên liệu hư hỏng, chứa thành phần độc hại hoặc bị cấm và được quảng cáo có tác dụng trị các bệnh như cảm cúm ở trẻ em và tim mạch. Reuters dẫn thống kê từ giới công tố Trung Quốc cho hay số vụ án về tội bán thuốc giả hoặc thực phẩm độc hại ở nước này là hơn 8.000 vụ trong năm 2012, tăng gấp 5 lần so với năm 2011.

Bắt giữ hơn 3.000 hộp thuốc tân dược giả

Đội chống hàng giả phòng PC46 – Công an Hà Nội phối hợp với Cục cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế - Bộ Công an, vừa phát hiện và bắt giữ nhóm đối tượng sản xuất buôn bán thuốc tân dược giả. Tang vật của vụ án.

Vụ việc được phát hiện vào khoảng 11h35’ ngày 8/11 tại khu vực vườn hoa của trường ĐH Thủy Lợi. Vào thời điểm trên, Đội chống hàng giả, phòng cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế - Công an Hà Nội phối hợp với Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - Bộ Công an, phát hiện đối tượng Bùi Văn Hiệp (SN 1985, HKTT Thôn Hưng Nhân, Trực Mỹ, Trực Ninh, Nam Định, giám đốc công ty cổ phần thương mại và thiết bị y tế HT Hoa Kỳ) điều khiển xe máy BKS 29L1 – 400.68 chở 2 thùng caton có dấu hiệu nghi vấn.

Tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện bên trong 2 thùng caton chứa 150 hộp thuốc Lumbrotine và 80 hộp cốm bổ Zinc-kid điều trị thiếu kẽm ở trẻ còi xương và phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú. Tiến hành xác minh nóng tại công ty TNHH đầu tư và phát triển y tế - là đơn vị trực tiếp phân phối thuốc  Lumbrotine và Zinc-kid, cơ quan công an nhận được kết quả, toàn bộ số thuốc do Bùi Văn Hiệp vận chuyển trên xe máy là hàng giả, không phải chính hãng sản xuất.
 

Toàn bộ số thuốc do Bùi Văn Hiệp vận chuyển trên xe máy là hàng giả, không phải chính hãng sản xuất. Tiến hành điều tra mở rộng vụ án, Đội chống hàng giả đã bắt giữ thêm đối tượng Nguyễn Anh Văn (SN 1982, HKTT tại Thôn 10, xã Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Ninh). Hiện Văn là giám đốc công ty TNHH thương mại và đầu tư LV France (trụ sở tại 161, tổ 2, phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội). Qua điều tra xác minh, Nguyễn Anh Văn là đối tượng trực tiếp mua mẫu thuốc Lumbrotine và cốm bổ Zinc-kid thật bán trên thị trường và mang đi làm mẫu, đặt hàng sản xuất giả rồi đóng gói, tung ra thị trường để tiêu thụ. Nguyễn Anh Văn khai nhận: Y đã bán ra thị trường hơn 3.000 sản phẩm. Khám xét mở rộng, cơ quan công an tiếp tục phát hiện và thu giữ thêm máy dập hàn mép túi và một số bao bì nhãn thuốc bị làm giả.

Thượng tá Thành Kiên Trung – phó trưởng phòng PC46 – Công an Hà Nội cho biết: Các đối tượng đã đặt in các vỏ bao bì giống bao bì của thuốc thật, sau đó đặt một số cơ sở sản xuất dược, sản xuất các thành phẩm bên trong. Các cơ sở này thì vì lợi nhuận nên cũng không biết tên thuốc là gì mà chỉ làm theo yêu cầu của các đối tượng. Hiện PC 46 đang tiếp tục làm công tác giám định để xác định thành phần của các loại thuốc này. Được biết, ngoài loại cốm bổ Zinc-kid dành cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Loại thuốc Lumbrotine là thuốc hỗ trợ điều trị tai biến mạch máu não. Hiện cơ quan cảnh sát điều tra (PC46) đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với 2 đối tượng nói trên để tiếp tục mở rộng vụ án.

Mỗi năm, 1 triệu người thiệt mạng do uống thuốc giả

Tình trạng tân dược giả không chỉ hoành hoành tại các nước đang phát triển mà vấn đề này cũng đang diễn ra rất nghiêm trọng tại các nước phát triển như Mỹ, Canada và Tây Âu.

Đáng chú ý, sự xuất hiện của mạng Internet cũng tiếp tay cho vấn nạn này. Theo thống kê của ngành Hải quan quốc tế, thị trường tân dược giả toàn cầu có giá trị lên tới 200 tỉ USD.
 

Mức chiết khấu hấp dẫn, cùng với việc không phải xuất trình đơn thuốc là hai nguyên chính thu hút đến 1/4 số người dùng Internet tại các quốc gia phát triển mua thuốc trên mạng. Phần lớn số thuốc giả trên thị trường là thuốc giảm béo, chống căng thẳng thần kinh hay Viagra. Theo thống kê, chỉ riêng tại Mỹ, cứ 10 người mua thuốc trên mạng thì có tới 6 người sẽ mua phải thuốc giả. Theo thống kê của Interpol toàn cầu năm 2013, mỗi năm, có đến 1 triệu người thiệt mạng do uống phải thuốc giả.
 

Trung Quốc bắt đường dây sản xuất thuốc giả

Theo China Daily ngày 22-12, cảnh sát thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô đã bắt giữ 28 nghi can và tịch thu hơn 1.000 thùng sản phẩm trong cuộc bắt giữ một đường dây sản xuất thuốc giả và đã tìm thấy thành phần thức ăn chăn nuôi trong một loạt thực phẩm chức năng cao cấp tịch thu được.

Với giá 398 nhân dân tệ (khoảng 65USD) một hộp sản phẩm chăm sóc sức khỏe cao cấp, được làm từ thức ăn chăn nuôi và một vài thành phần khác trong khi chi phí sản xuất thực sự chưa đến 30 nhân dân tệ, đường dây sản xuất thuốc giả này có chuỗi cung ứng lớn, cung cấp các loại thực phẩm và thuốc bất hợp pháp cho hơn 8 tỉnh thành ở Trung Quốc, thu lời hơn 1 tỷ nhân dân tệ (163 triệu USD) kể từ năm 2008.

Choáng với công nghệ làm thuốc giả bằng chân

Thuốc đông y được xay thành bột trộn với bột thuốc tây y rẻ tiền rồi được dùng chân giẫm lên để ép thành những viên con nhộng “thần dược” chữa bách bệnh nan y. Hiện tượng buôn bán thuốc giả đã xuất hiện trên thị trường từ rất lâu nhưng hình ảnh ra lò của những viên thuốc con nhộng giả vừa được công bố khiến người tiêu dùng càng thêm hoang mang. Khi ập vào một cơ sở sản xuất thuốc giả tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), lực lượng công an đã bắt quả tang ngay tại hiện trường hành vi sản xuất thuốc giả “thủ công hơn cả mức thủ công” của những công nhân tại đây.

 
Dùng chân chế tác thuốc Tây giả vừa bị phát hiện ở Trung Quốc

Ngay từ cửa sổ của căn phòng dùng để sản xuất thuốc giả, người ta đã ngửi thấy mùi thuốc đông y xộc lên mũi. Một công nhân trong xưởng theo yêu cầu của cảnh sát đã thao tác lại quá trình làm thuốc giả. Đầu tiên, họ xay thuốc đông y thành bột, sau đó cũng nghiền vài viên thuốc tây y rẻ tiền thành bột, hòa vào nhau. Tiếp theo, anh ta lấy ra một công cụ giống như một tấm lọc, đổ vào một nhúm vỏ nửa viên con nhộng màu vàng rồi nhẹ nhàng lắc qua lắc lại, vỏ con nhộng sẽ chui vào những cái lỗ trên tấm lọc đó. Sau đó, anh này đổ bột thuốc vào, rồi đậy một chiếc khuôn có nhét đầy những vỏ viên con nhộng màu đỏ lên.

Kinh khủng nhất là công đoạn ngay sau đó, anh ta dùng chân giẫm đạp lên chiếc khuôn, để nửa viên con nhộng màu đỏ đậy khớp vào vỏ màu vàng. Và hàng trăm viên thuốc con nhộng giả đã được ra lò như vậy. Tại hiện trường, bột thuốc và vỏ con nhộng được quăng vứt khắp nơi, không hề có bất cứ một thiết bị sản xuất hiện đại, vệ sinh nào. Tại cơ sở sản xuất thuốc giả này, cảnh sát thu được những bao bì thuốc có ghi “Viên nang ôn thận giảm đường”, “Viên nang phục khang trị tiểu đường”… cùng 26 loại thuốc giả khác. Từ cơ sở sản xuất thuốc giả này, Công an tỉnh Vũ Hán còn lần ra ba cơ sở sản xuất thuốc giả khác trên địa bàn.

Hoạt động tiêu thụ thuốc giả được những kẻ bất lương này thông qua việc bán hàng qua mạng để lừa đảo người tiêu dùng. Chúng thuê những công ty làm các website chuyên nghiệp để dựng nên những địa chỉ bán hàng hoành tráng qua mạng với giá cả cạnh tranh so với những sản phẩm cùng tính năng khác trên mạng. Chỉ cần khách hàng mắc bẫy là chúng sẽ chăm sóc nhiệt tình bằng cách giao hàng tận nhà. Những công ty buôn bán thuốc giả tại Trung Quốc không chỉ tung ra thị trường trong nước, bọn chúng còn quảng cáo bán ra thị trường nước ngoài vận chuyển vào Việt Nam qua con đường vận chuyển lậu thu về số tiền khổng lồ, đánh đổi bằng sức khỏe và mạng sống của chính người tiêu dùng.

Ngày 05/01/2015
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung và Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang
(Tổng hợp từ nhiều nguồn tin)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích