Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 7 2 4 6 8
Số người đang truy cập
1 9 1
 An toàn thực phẩm & hóa chất Thuốc & Hóa chất
Nguy hại của tình trạng nhiễm độc chì

Theo thông tin ghi nhận, tại thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên hình thành một làng nghề tái chế chất chì từ vật liệu phế thải của pin và bình ắc quy. Tình trạng này đã làm cho nhiều người dân ở đây bị nhiễm độc chì, đặc biệt là trẻ em gây nguy hại đến sức khỏe. Cộng đồng người dân cần quan tâm đến vấn đề nguy hại để chủ động phòng ngừa nhiễm độc chì ở những nơi tương tự hoặc do các nguyên nhân khác.

 
Tái chế chì từ pin và bình ắc quy phế thải là nguy cơ dẫn đến nhiễm độc chì (ảnh minh họa)

Trước đây, xét nghiệm nhanh 500 trẻ em ở trong thôn Đông Mai ghi nhận có đến 97% trẻ bị phơi nhiễm chì với hàm lượng vượt từ 3 đến 7 lần so với mức cho phép; người lớn cũng có kết quả xét nghiệm chất chì cao hơn mức bình thường. Thực trạng hiện nay cần có giải pháp cho người dân ở nơi đây và những nơi có nguy cơ nhiễm độc vì lý do khác.

Nguyên nhân gây nhiễm độc chì

Theo các nhà khoa học, chất chì hiện diện trong cơ thể không có vai trò lợi ích gì về mặt sinh lý đối với con người. Bình thường nồng độ chì trong máu toàn phần khi xét nghiệm phải dưới 10 µg/dL và lý tưởng nhất là không có chất chì ở trong máu. Tuy vậy, những người có tiếp xúc trực tiếp với chất chì bằng nhiều nguồn khác nhau có thể bị nhiễm chì, dần dần dẫn đến khả năng gây nhiễm độc như: Dùng các loại thuốc nam để uống hoặc bôi mà dân gian thường gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi... lưu hành bất hợp pháp trên thị trường do thuốc có chứa chì. Sử dụng các loại sơn có thành phần chì gồm những loại sơn cũ, dùng sơn có chất chì để sơn trên đồ chơi của trẻ em. Ảnh hưởng từ môi trường sống do hít bụi từ loại sơn cũ có chất chì, tiếp xúc với đất bị nhiễm sơn chì, bị ô nhiễm từ các hoạt động công nghiệp có dùng chì, dùng xăng dầu có pha chì, dùng nguồn nước từ đất bị ô nhiễm chì, sử dụng hệ thống ống dẫn nước loại cũ bằng chất liệu chì, hít thở không khí từ các hoạt động công nghiệp có chì, hít phải khói xăng dầu có chất chì.Làm các loại nghề nghiệp có nguy cơ cao bị phơi nhiễm chì gồm việc sửa chữa bộ tản nhiệt của động cơ, sản xuất thủy tinh, hướng dẫn tập bắn súng, thu gom đạn, nung nấu chì, tinh chế chì, đúc chì, cắt chì, pha chế và sử dụng sơn chì; công nhân xây dựng có tiếp xúc với sơn chì, sản xuất nhựa polyvinil chloride; phá và dỡ bỏ vỏ tàu; sản xuất, sửa chữa, tái sử dụng và tái chế chì từ các loại pin và ắc quy. Sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp với vỏ đồ hộp có chất hàn gắn bằng chất chì hoặc sử dụng các loại thực phẩm bị ô nhiễm chì từ môi trường không được kiểm soát tốt. Thường xuyên tiếp xúc với các nguồn khác có chất chì như vật dụng đồ gốm, sứ thủ công có chì; mang mảnh đạn chì trên cơ thể, sử dụng pin có chì, dùng lưới đánh bắt cá có buộc gắn mảnh chì...

Chẩn đoán nhiễm độc chì và điều trị

Để chẩn đoán xác định tình trạng bị nhiễm độc chì, các cơ sở y tế phải căn cứ vào 2 điều kiện là người nguy cơ nhiễm độc phải có tiền sử tiếp xúc với các nguồn có chất chì hoặc có các triệu chứng gợi ý và xét nghiệm máu phải có chỉ số nồng độ chất chì trên 10 µg/dL. Việc xét nghiệm máu là một tiêu chuẩn bắt buộc để chẩn đoán xác định, vì vậy cần lưu ý đến kỹ thuật xét nghiệm này. Tuy vậy, cũng nên quan tâm đến việc chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác để tránh nhầm lẫn trong việc xác định bao gồm: Các nguyên nhân gây bệnh lý về não, màng não cấp tính do các bệnh và tình trạng ngộ độc khác. Các bệnh có liên quan đến thần kinh ngoại biên như bệnh Guillain Barré, porphyria. Bệnh thiếu máu do các nguyên nhân khác. Những nguyên nhân gây đau bụng cấp tính không phải do nhiễm độc chì. Có trạng thái tâm căn suy yếu và suy nhược cơ thể. Theo các nhà khoa học, tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em và người lớn có sự khác biệt nhau nên cần chú ý khi chẩn đoán. Việc chẩn đoán cũng được xác định theo 3 mức độ nặng, trung bình và nhẹ; riêng người lớn có thêm loại không có triệu chứng hoặc triệu chứng kín đáo.

Chẩn đoán mức độ nhiễm độc chì ở trẻ em

Đối với mức độ nặng: Trên lâm sàng có biểu hiện bệnh lý tổn thương hệ thần kinh trung ương ở não như làm thay đổi hành vi, gây co giật, hôn mê, phù gai thị, liệt dây thần kinh sọ não, tăng áp lực nội sọ; có biểu hiện rối loạn tiêu hóa với triệu chứng nôn kéo dài; có dấu hiệu thiếu máu có thể kết hợp thiếu sắt. Xét nghiệm máu thấy nồng độ chất chì ở trong máu trên 70 µg/dL.

Đối với mức độ trung bình: Có biểu hiện triệu chứng tiền bệnh lý não. Trên lâm sàng xuất hiện thương tổn thần kinh trung ương như tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc; trẻ thường bỏ chơi và hay quấy khóc; có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như nôn từng lúc, đau bụng, chán ăn. Xét nghiệm máu thấy nồng độ chất chì ở trong máu từ 45 đến 70 µg/dL.

Đối với mức độ nhẹ: Trên lâm sàng có biểu hiện bệnh lý kín đáo hoặc không có triệu chứng bệnh. Xét nghiêm máu thấy nồng độ chất chì ở trong máu dưới 45 µg/dL.

Chẩn đoán mức độ nhiễm độc chì ở người lớn

Đối với mức độ nặng: Trên lâm sàng xuất hiện triệu chứng tổn thương thần kinh trung ương với bệnh lý não như: hôn mê, co giật, có trạng thái mù mờ, sảng loạn, rối loạn vận động khu trú, đau đầu, phù gai thị, viêm thần kinh thị giác, có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ; đồng thời bị liệt ngoại biên của thần kinh ngoại vi. Bị rối loạn tiêu hóa với cơn đau quặn bụng, nôn. Xuất hiện triệu chứng thiếu máu, có thể kết hợp với thiếu chất sắt. Ngoài ra cũng có biểu hiện bệnh lý về thận. Xét nghiệm cận lâm sàng thấy nồng độ chất chì ở trong máu trên 100 µg/dL.

Đối với mức độ trung bình: Trên lâm sàng ghi nhận dấu hiệu thương tổn thần kinh trung ương như đau đầu, mất trí nhớ, suy giảm khả năng tình dục, mất ngủ, có nguy cơ cao biểu hiện bệnh lý về não; có thể có bệnh lý về thần kinh ngoại biên của thần kinh ngoại vi, giảm dẫn truyền thần kinh. Bị rối loạn tiêu hóa như vị giác cảm thấy có vị kim loại, đau bụng, chán ăn, táo bón. Có biểu hiện bệnh lý thận mạn tính. Ngoài ra còn có triệu chứng thiếu máu nhẹ, đau cơ, yếu cơ, đau khớp. Xét nghiêm máu thấy nồng độ chì ở trong máu từ 70 đến 100 µg/dL.

Đối với mức độ nhẹ: Có biểu hiện dấu hiệu lâm sàng do thần kinh trung ương bị ảnh hưởng như mệt mỏi, hay buồn ngủ, giảm trí nhớ; có thể ghi nhận các thiếu hụt về trạng thái thần kinh, tâm thần khi làm những thử nghiệm đánh giá; đồng thời có hiện tượng giảm dẫn truyền thần kinh ngoại vi. Khi thực hiện các thử nghiệm đánh giá về tâm thần thấy có sự suy giảm tâm thần, đồng thời có dấu hiệu bệnh lý thận; có thể bắt đầu xuất hiện triệu chứng thiếu máu, giảm khả năng sinh sản, tăng huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Xét nghiệm máu thấy nồng độ chất chì trong máu từ 40 đến 69 µg/dL.

 
Gắn chì vào lưới bắt cá bằng răng miệng cũng là nguy cơ bị nhiễm độc chì (ảnh minh họa)

Ngoài mức độ nhẹ, ở người lớn còn có trường hợp mới nhiễm độc chì không có triệu chứng hoặc có triệu chứng kín đáo được biểu hiện trên lâm sàng bằng các dấu hiệu như: giảm số lượng tinh trùng, có nguy cơ bị sẩy thai làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản; về thần kinh có thể có sự thiếu hụt kín đáo nếu tiếp xúc chất chì kéo dài, có nguy cơ tăng huyết áp và tăng enzyme tổng hợp protoporphyrin hồng cầu. Xét nghiệm máu ghi nhận nồng độ chì trong máu dưới 40 µg/dL. Trên thực tế, tình trạng nhiễm độc chì biểu hiện ở mức độ nặng thường là thể cấp tính hoặc đợt cấp tính của trạng thái nhiễm độc mạn tính. Về điều trị, tất cả các trường hợp trẻ em cũng như người lớn khi phát hiện tình trạng nhiễm độc chì ở mức độ trung bình và nặng đều phải cho nhập viện để xử trí phù hợp. Cũng nên cho nhập viện các trường hợp người bị nhiễm độc chì có diễn biến phức tạp cần theo dõi và thăm dò kỹ hơn. Công tác điều trị nhiễm độc chì phải được thực hiện tại bệnh viện để bảo đảm các nội dung và nguyên tắc cần thiết như: điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ, điều trị để hạn chế sự hấp thu chì, nội soi lấy dị vật có chì khi phát hiện, sử dụng thuốc giải độc chì thường gọi là thuốc gắp chì... Các nhà khoa học đã khuyến cáo nếu người mẹ bị nhiễm độc chì thì tốt nhất là không nên cho con bú, cần phải xét nghiệm chất chì ở trong sữa mẹ, nếu chất chì ở trong sữa mẹ ở mức độ thấp không đáng kể mới được cho trẻ bú mẹ. Khi phát hiện trẻ sơ sinh bị nhiễm độc chì từ người mẹ, phải áp dụng biện pháp sử dụng thuốc giải độc chì cho trẻ theo quy định. Nếu người phụ nữ đang bị nhiễm độc chì, không nên có thai trong thời điểm này, chỉ nên có thai sau khi xét nghiệm máu thấy có nồng độ chì dưới 10 µg/dL.

Các nguy hại và biện pháp phòng bệnh

Như đã nêu ở trên, tình trạng nhiễm độc chì có thể gây nên các nguy hại rất lớn đến sức khỏe của con người, đặc biệt là ở trẻ em. Khi chỉ số nồng độ chì ở trong máu trên 70 µg/dL thường gây nên hội chứng não cấp tính ở trẻ nhỏ. Hội chứng não cấp tính dễ gây tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh, tâm thần nặng nề. Thực tế ghi nhân tỷ lệ tử vong có thể chiếm đến 65% các trường hợp khi chưa có các loại thuốc thải độc chì và tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn dưới 5% các trường hợp khi đã có các loại thuốc thải độc chì hiệu quả. Có khoảng 25 đến 30% các trường hợp trẻ bị di chứng tâm thần kinh vĩnh viễn như chậm phát triển về trí tuệ, mất khả năng học tập và sinh hoạt; bị co giật, mù lòa, bại liệt. Tuy vậy, phần lớn các trẻ em bị nhiễm độc có nồng độ chì trong máu tăng nhưng lại không biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ và vẫn có nguy cơ chậm phát triển trí tuệ cũng như thể chất cần phải xử trí điều trị. Các nhà khoa học cho rằng có mối liên quan tỷ lệ nghịch giữa chỉ số thông minh IQ (intelligence quotient) của trẻ em và nồng độ chì ở trong máu ngay cả khi nồng độ chì trong máu ở mức độ thấp.

 
Một trẻ em bị nhiễm độc chì sau khi dùng thuốc cam có chứa chất chì (ảnh minh họa)

Việc phòng bệnh tốt nhất là tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của cộng đồng người dân. Khi nghi ngờ bị nhiễm độc, nên đi khám ở các cơ sở y tế đáng tin cậy, có chức năng nghiệp vụ chuyên khoa. Chỉ sử dụng các loại thuốc điều trị được phép lưu hành trên thị trường một cách hợp pháp với đơn thuốc của bác sĩ theo quy định. Phải loại bỏ, không tiếp xúc với các sản phẩm có nguy cơ gây nhiễm độc chì trong sinh hoạt hàng ngày như loại sơn có chì, xăng dầu có chì, đồ chơi trẻ em sơn chì... Đồng thời nên giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt là tại nhà ở và trường học; thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân cho trẻ, đặc biệt là vấn đề rửa tay, cắt móng tay, không đưa tay và mọi vật dụng hoặc đồ chơi lên miệng. Trường hợp trẻ em sống và sinh hoạt ở những môi trường bị ô nhiễm chất chì, ngoài việc thực hiện các biện pháp xử lý môi trường còn cần phải chú ý thường xuyên cung cấp đủ các chất khoáng cần thiết như calci, sắt, kẽm, magnê... Ngoài ra, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động; đặc biệt đối với các nghề nghiệp có nguy cơ bị nhiễm độc chì như làng nghề tái chế chất chì từ vật liệu phế thải của pin và ắc quy ở thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên và những nơi khác. Cần giữ gìn môi trường trong sạch, tránh gây ô nhiễm, bảo đảm an toàn lao động, chuyển đổi ngành nghề có nguy cơ gây nhiễm độc; định kỳ nên kiểm tra tình hình sức khỏe, xét nghiệm máu để xác định nồng độ chỉ ở trong máu nhằm có biện pháp xử trí kịp thời, phủ hợp.

Ngày 18/06/2015
TTƯT.BS. Nguyễn võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích