Biểu hiện phản ứng có hại của thuốc và các lưu ý để giảm tác hại
Hiện nay thuốc dùng để chữa bệnh, phòng bệnh ngày càng được cộng đồng người dân sử dụng nhiều nên rất dễ có nguy cơ dẫn đến phản ứng có hại. Vì vậy cần biết những biểu hiện bất thường về lâm sàng và cận lâm sàng liên quan đến phản ứng có hại của thuốc để xử trí kịp thời và lưu ý các vấn đề cần thiết trong quá trình sử dụng để giảm thiểu tác hại.
| Da nổi ban đỏ là một biểu hiện thường gặp trong phản ứng có hại của thuốc (ảnh minh họa) |
Biểu hiện triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng bất thường Khi sử dụng thuốc kể cả thầy thuốc lẫn người bệnh, người nhà bệnh nhân cần chú ý phát hiện một số biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng xảy ra bất thường có liên quan đến phản ứng có hại của thuốc để có biện pháp xử trí kịp thời, phù hợp nhằm chủ động ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc. Biểu hiện bất thường có thể ghi nhận được bao gồm: các dấu hiệu chung, phản ứng ở da, rối loạn chức năng gan, kết quả xét nghiệm huyết học, phản ứng phản vệ và sốc phản vệ, suy thận cấp, rối loạn tiêu hóa, rối loạn hô hấp, chỉ số đường huyết, rối loạn nội tiết, rối loạn thần kinh và cơ, huyết áp biến đổi, rối loạn nhịp tim, rối loạn tâm thần, các rối loạn bất thường khác với thuốc nghi ngờ... Biểu hiện chung với dấu hiệu thường ghi nhận là sốt, đau đầu, buồn ngủ, bị ngất xỉu, tăng cân nhanh. Kèm theo đó là có các phản ứng ở da như nổi mề đay, phù mạch, nổi ban đỏ, có ban xuất huyết, tăng nhạy cảm với ánh sáng; có thể có ban nổi bọng gồm hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, ban cố định; nổi mụn trứng cá, rụng tóc, nhiễm vi khuẩn, nhiễm vi nấm. Rối loạn chức năng gan xuất hiện với dấu hiệu vàng da, vàng mắt, phù thủng; kết quả xét nghiệm chức năng gan ghi nhận có dấu hiệu bất thường như tăng men gan AST, ALT, phosphatase kiềm, bilirubine máu. Đồng thời xét nghiệm huyết học cũng ghi nhận kết quả bất thường như giảm hồng cầu, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu đa nhân trung tính, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin; có hiện tượng thiếu máu tan máu, tăng tế bào lympho, có phản ứng Coombs dương tính, giảm prothrombine. Phản ứng phản vệ và sốc phản vệ được biểu hiện với cảm giác khác thường lúc ban đầu là bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi...; sau đó mới xuất hiện triệu chứng bệnh lý ở một hoặc nhiều cơ quan khác như da, tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh... Suy thận cấp cũng xảy ra với dấu hiệu tăng creatinine máu. Rối loạn tiêu hóa biểu hiện triệu chứng nôn, buồn nôn, khó nuốt, thay đổi vị giác, khô miệng, loét miệng, loét thực quản, đau vùng thượng vị, bị sỏi mật, viêm tụy tạng, táo bón, tiêu chảy và viêm đại tràng giả mạc, xuất huyết tiêu hóa. Rối loạn hô hấp với dấu hiệu khó thở, co thắt phế quản, viêm phổi kẽ. Chỉ số đường máu diễn biến bất thường, có thể tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết. Rối loạn nội tiết ghi nhận với tình trạng suy tuyến giáp trạng, có thể tăng hoạt động tuyến giáp trạng, tăng prolactine máu, bị lipus ban đỏ do thuốc. Rối loạn thần kinh và cơ biểu hiện với bệnh lý thần kinh ngoại biên, chóng mặt, co giật, rối loạn trương lực cơ, rối loạn thần kinh ngoại tháp, tăng áp lực nội sọ, có các động tác bất thường, đau cơ, tiêu cơ vân cấp, loãng xương, hoại tử xương. Huyết áp cũng có biến biến bất thường như hạ huyết áp, hạ huyết áp ở tư thế đứng hoặc tăng huyết áp. Bị rối loạn nhịp tim với triệu chứng loạn nhịp hoặc có hiểu hiện bất thường trên điện tâm đồ, viêm màng ngoài tim, chậm nhịp tim, có huyết khối và đột quỵ, mắc bệnh cơ tim và van tim, suy tim. Rối loạn tâm thần xảy ra với trạng thái lú lẫn do thuốc, bị kích động, ức chế tâm thần, thay đổi tâm tính trầm cảm hay hưng cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi ăn uống, rối loạn trí nhớ, thay đổi nhận thức, loạn thần, có hội chứng cai thuốc. Ngoài ra, còn có thể phát hiện các biểu hiện bất thường khác trong quá trình điều trị của người bệnh sau khi sử dụng thuốc nghi ngờ gây nên phản ứng có hại.
| Bất kỳ loại thuốc nào khi sử dụng cũng có thể dẫn đến phản ứng có hại (ảnh minh họa) |
Lưu ý để giảm khả năng xuất hiện phản ứng có hại của thuốc Như trên đã nêu, phản ứng có hại của thuốc có thể làm xuất hiện các biểu hiện triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng bất thường ảnh hưởng đến sức khỏe kể cả tính mạng của người bệnh trong những trường hợp nguy kịch nếu không được phát hiện và xử trí điều trị can thiệp kịp thời. Vì vậy cần lưu ý đến một số vấn đề cần thiết trong quá trình sử dụng thuốc để giảm thiểu khả năng xuất hiện phản ứng có hại của thuốc. Trong khi kê đơn thuốc, cấp phát thuốc hoặc thực hành y lệnh; nhân viên y tế từ bác sĩ, dược sĩ, y tá điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên cần thận trọng và cân nhắc đến các yếu tố quan trọng như: thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý lâm sàng của người bệnh, liều dùng, đường dùng và khoảng cách hợp lý giữa các lần đưa thuốc vào cơ thể, đã làm các xét nghiệm cận lâm sàng có liên quan và đánh giá kết quả xét nghiệm, trạng thái bệnh lý của người bệnh có khả năng ảnh hưởng đến dược động học của thuốc, tiền sử dị ứng với thuốc sử dụng hoặc các thuốc khác trong cùng nhóm thuốc dược lý của người bệnh, bệnh nhân đang dùng thuốc khác hoặc thuốc y học cổ truyền có khả năng gây tương tác với thuốc sử dụng. Đồng thời xem xét thuốc được kê đơn có phải là thuốc dễ có nguy cơ gây ra phản ứng có hại như: kháng sinh nhóm aminoglycosid, digoxin, thuốc chống đông kháng vitamin K, heparin, hóa trị liệu điều trị ung thư... hay các thuốc cần thận trọng tăng cường theo dõi bệnh nhân hoặc thường xuyên làm các xét nghiệm theo dõi như: công thức máu, điện giải đồ, creatinine huyết thanh, xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm chức năng đông máu... Ngoài ra cũng phải xem kỹ hạn dùng của thuốc, cách bảo quản thuốc đúng yêu cầu nhất là thuốc cần được bảo quản trong điều kiện đặc biệt; có thể quan sát bằng cảm quan để phát hiện dấu hiệu bất thường về chất lượng thuốc như thuốc đổi màu, mất màu thuốc...; các thiết bị, dụng cụ tiêm truyền bảo đảm vô trùng cũng là vấn đề cần được quan tâm. Lưu ý không nên kê đơn thuốc nếu không có lý do rõ ràng giải thích cho việc kê đơn thuốc đó. Thận trọng khi kê đơn thuốc cho đối tượng trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người có bệnh nặng; người bệnh bị suy giảm chức năng gan,thận. Cần theo dõi chặt chẽ những đối tượng bệnh nhân này trong quá trình sử dụng thuốc. Phải cẩn thận khi kê đơn đối với những loại thuốc được biết thông tin có nguy cơ cao gây nên phản ứng có hại và có tương tác thuốc như: thuốc chống đông máu, thuốc hạ đường huyết, thuốc tác dụng trên hệ thần kinh trung ương; đồng thời giám sát chặt chẽ những người bệnh đã có biểu hiện phản ứng có hại của thuốc khi dùng thuốc. Cũng nên cân nhắc về phản ứng tương tác giữa thuốc sử dụng điều trị đối với các loại thức ăn, rượu bia và đồ uống khác. Cần tránh sự phối hợp các thuốc điều trị với nhau khi không cần thiết. Phải quan tâm xem xét toàn bộ các thuốc mà người bệnh đã sử dụng bao gồm cả những loại thuốc không cần kê đơn, thuốc y học cổ truyền. Trên thực tế, nếu người bệnh có những biểu hiện hoặc triệu chứng bất thường không rõ có liên quan đến tình trạng bệnh lý hay không, phải cân nhắc đến khả năng xảy ra phản ứng có hại của thuốc. Khi nghi ngờ phản ứng có hại của thuốc đã xảy ra trên bệnh nhân, cần chú ý việc giảm liều lượng thuốc hoặc ngừng ngay thuốc nghi ngờ càng sớm càng tốt; đồng thời xử trí can thiệp, đánh giá ảnh hưởng và báo cáo phản ứng có hại của loại thuốc sử dụng. Lời khuyên của thầy thuốc Trong thực tế, bất kỳ loại thuốc nào dùng để điều trị và phòng bệnh cũng đều có khả năng gây ra những phản ứng có hại của thuốc không lường trước được, đặc biệt là trên các đối tượng có cơ địa nhạy cảm. Vì vậy cả bác sĩ, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân cần biết rõ các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng về phản ứng có hại của thuốc để phát hiện sớm và xử trí biện pháp can thiệp kịp thời, phù hợp nhằm ngăn ngừa những hậu quả xấu có khả năng xảy ra nguy hiểm đến tính mạng. Để làm giảm khả năng xuất hiện phản ứng có hại của thuốc cũng cần phải lưu ý, thận trọng đến những vấn đề cần thiết đã được nêu ở trên.
|