|
Hướng dẫn điều tra KAP về công tácphòng chông giun sán tại tỉnh Thừa Thiên Huế |
Thực tế hành vi thực hành với kiến thức hiểu biết và thái độ của cộng đồng
Trong công tác nghiên cứu khoa học, để đánh giá một vấn đề hay một sự kiện trong cộng đồng, những người thực hiện thường xem xét các nội dung có liên quan đến kiến thức, thái độ và hành vi thực hành của con người. Những cuộc điều tra này thường được gọi là điều tra KAP (K: knowledge = kiến thức, A: attitude = thái độ, P: practice = thực hành). Trong khi tiến hành một cuộc điều tra, phỏng vấn những vấn đề có liên quan;người thực hiện thường thiết kế sẵn các nội dung cần thu thập theo mẫu để có thông tin cần thiết. Trong đó có các câu hỏi phỏng vấn, ghi nhận các phần về kiến thức, thái độ và hành vi thực hành của chủ thể phỏng vấn đối với khách thể được phỏng vấn. Kết quả thu thập thông tin sau khi xử lý số liệu thường ghi nhận được kiến thức hiểu biết, thái độ và hành vi của khách thể có mối liên quan theo tỷ lệ thuận với nhau, đó là điều thường hay gặp phải khi chủ thể đặt câu hỏi phỏng vấn và khách thể dựa vào nội dung câu hỏi phỏng vấn đó để trả lời. Sự trả lời này chỉ mới phản ánh đúng một phần vấn đề về kiến thức và thái độ, khách thể cũng thường dựa vào đây để chứng tỏ luôn hành vi thực hành của mình và cứ như vậy, hành vi thực hành có được từ sự phỏng vấn, điều tra thường đi cùng với kiến thức hiểu biết và thái độ của người được phỏng vấn trong cộng đồng. Ở đây cũng cần phải xem xét thêm về trình độ hiểu được câu hỏi, sự nhiệt tình, khả năng hợp tác của khách thể khi tiến hành công việc đối với chủ thể điều tra. Trên thực tế, hành vi thực hành thường không đi cùng với kiến thức và thái độ nếu chủ thể điều tra thiết kế kỹ các nội dung cần thiết để thu thập dữ liệu về hành vi thực hành của khách thể một cách cụ thể. Đơn cử một vài dữ kiện về thực tế hành vi thực hành không đi cùng với kiến thức hiểu biết và thái độ của cộng đồng để minh họa vấn đề này: - Về lãnh vực giao thông, những người tham gia giao thông bằng các phương tiện trên đường bộ khi được phỏng vấn về kiến thức và thái độ đều có thể trả lời dễ dàng một số các câu hỏi thông thường trong Luật Giao thông đường bộ quy định như phải dừng lại, không được vượt qua giao lộ khi có dấu hiệu đèn đỏ báo hiệu, chỉ được vượt qua khi có dấu hiệu đèn xanh; phải đội mũ bảo hiểm để bảo đảm an toàn ở trên các đoạn đường có cắm biển hiệu quy định .... Khi tiến hành điều tra, phỏng vấn; phần lớn mọi người đều có thể trả lời được các câu hỏi này một cách nhanh chóng, dễ dàng nhưng nếu không cẩn thận, người điều tra sẽ dễ bị nhầm lẫn, xem đó là hành vi thực hành và khi tổng hợp, phân tích đều ghi nhận được kết quả hành vi thực hành thường đi đôi với kiến thức và thái độ. Trên thực tế cho thấy một số các đối tượng mặc dù hiểu rất rõ việc vượt giao lộ khi có dấu hiệu đèn đỏhoặc không đội mũ bảo hiểm trên các đoạn đường đã quy định là phạm luật nhưng họ vẫn cứ vượt đèn đỏ, vẫn không cần đội mũ bảo hiểm. Như vậy hành vi thực hành sẽ không đi cùng với kiến thức và thái độ trên thực tế. Do đó cần phải chú ý việc điều tra hành vi thực hành bằng một phương pháp khách quan, cụ thể khác để bảo đảm sự chính xác khi phân tích hiện tượng và kết quả. - Về lãnh vực y tế, khi cần chẩn đoán cộng đồng về một vấn đề nào đó cũng thường gặp phải những khó khăn từ thực tiễn có liên quan đến hành vi thực hành và kiến thức, thái độ. Khi điều tra, phỏng vấn người dân, kể cả đồng bào các dân tộc thiểu số về công tác phòng chống sốt rét, phần lớn mọi người đều trả lời đúng các câu hỏi về nguyên nhân gây bệnh là do muỗi truyền, biết tác hại của bệnh và biết được phải sử dụng màn chống muỗi để phòng tránh sự mắc bệnh. Kiến thức, thái độ đã hiểu biết rõ ràng nhưng hành vi thực hành khi được phỏng vấn với một câu hỏi đặt ra là “có sử dụng màn chống muỗi trong lúc ngủ không ?” Kết quả thu thập được của người điều tra từ câu trả lời của người dân là “có” và kết quả này được đưa vào phiếu điều tra. Khi xử lý số liệu, kết quả ghi nhận người có sử dụng màn chống muỗi trong lúc ngủ chiếm tỷ lệ cao. Trên thực tế, hành vi thực hành này có thể ngược lại và chiếm tỷ lệ thấp. Để có được thông tin, dữ liệu chính xác thì người điều tra phải trực tiếp điều tra, đánh giá việc sử dụng màn chống muỗi của người dân trong lúc họ đang ngủ, còn việc phỏng vấn để người dân trả lời bằng câu hỏi đã được thiết kế chủ quan thì sẽ có kết quả ảo vì người dân thường dựa vào câu hỏi để trả lời theo kiến thức hiểu biết và thái độ chứ không phải theo hành vi thực hành của mình do ảnh hưởng vấn đề tâm lý trong khi đối diện với câu hỏi và với người phỏng vấn là cán bộ y tế. - Đối với công tác phòng chống giun sán cũng vậy, khi tiến hành điều tra, phỏng vấn đối tượng học sinh. Một số câu hỏi được đặt ra để khảo sát hành vi thực hành về vệ sinh là “có rửa tay trước khi ăn và sau khi đi cầu không ?”, kết quả thu thập sẽ được trả lời là “có”; “có cắt móng tay khi mọc dài không ?”, kết quả sẽ được trả lời là “có”; “có đi chân đất không ?”, kết quả sẽ được trả lời là “không” .... Cứ như vậy, câu hỏi được đặt ra để rồi ghi nhận kết quả “có” hay “không” và ghi vào phiếu điều tra. Tổng hợp, xử lý số liệu thu thập được và xem như là kết quả của hành vi thực hành. Trên thực tế, không hẳn là đúng như vậy. Muốn thu thập được kết quả đúng và chính xác thì phải kiểm tra việc rửa tay đúng vào lúc trước khi ăn và sau khi đi cầu, xem móng tay, kiểm tra chân, giày, dép cụ thể .... để thu thập dữ liệu. Về phương pháp, để có được dữ liệu trong chẩn đoán cộng đồng một cách khách quan, kiến thức hiểu biết và thái độ của người dân có thể khảo sát bằng việc phỏng vấn thông qua các mẫu phiếu thực hiện giữa chủ thể người phỏng vấn và khách thể người được phỏng vấn, có nghĩa là giữa người hỏi và người trả lời câu hỏi. Còn hành vi thực hành phải được tổ chức điều tra một cách cụ thể trên thực tế, không thông qua việc phỏng vấn đơn giản như thu thập dữ liệu của kiến thức hiểu biết và thái độ. Tóm lại, để có được dữ liệu kiến thức hiểu biết, thái độ (knowlegde, attitute) có thể dùng cách phỏng vấn và để có được dữ liệu về hành vi thực hành (practice) thì phải thông qua việc điều tra trên thực tế. Có thể nói rằng công tác truyền thông giáo dục bằng các phương tiện tuyên truyền, thông tin đại chúng là đầu vào để nâng cao kiến thức hiểu biết và thái độ cho cộng đồng về những vấn đề cần thiết của nhiều lãnh vực. Còn đầu ra phải là kết quả có được của hành vi thực hành của tất cả mọi người hoặc đa số con người trong cộng đồng. Khi hành vi thực hành trên thực tế có tỷ lệ thấp thì công tác truyền thông giáo dục chỉ mới dừng lại ở kiến thức và thái độ mà chưa có đầu ra một cách cụ thể bằng hành vi thực hành. Hành vi thực hành của cộng đồng thường không đi cùng với kiến thức và thái độ là một vấn đề rất đáng được quan tâm để có những giải pháp cụ thể trong xã hội hiện tại ngày nay.
|