Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 7 6 7 6 1
Số người đang truy cập
3 4 0
 Tư vấn sức khỏe Y học thường thức
Bệnh não do thuốc có thể gây nên các rối loạn thần kinh hoặc tâm thần (ảnh minh họa)
Đề phòng bệnh não khi dùng thuốc điều trị

Trên thực tế khi đang chữa trị một bệnh nào đó bằng thuốc, nếu thấy người bệnh xuất hiện dấu hiệu rối loạn thần kinh hoặc tâm thần thì việc đầu tiên phải nghĩ đến ngay là nguyên nhân do thuốc, sau đó mới tìm các nguyên nhân khác. Thuốc sử dụng để điều trị có thể xâm phạm đến hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên, trong đó bệnh não do thuốc là một trong những tác hại của thuốc đối với hệ thần kinh trung ương cần được lưu ý.

Bệnh não do thuốc có bệnh cảnh lâm sàng tương tự như bệnh cảnh lâm sàng của các bệnh não do những nguyên nhân khác, chúng thường được biểu hiện với hội chứng thần kinh hoặc tâm thần nhưng phổ biến nhất là trạng thái rối loạn ý thức từ lú lẫn, bán hôn mê đến hôn mê. Ý thức lú lẫn được biểu hiện bằng dấu hiệu ý thức mù mờ hay u ám, tư duy chậm chạp, mất định hướng về không gian như không biết hiện giờ mình đang ở đâu, mất định hướng về thời gian như không biết hiện tại là buổi sáng hay buổi chiều và mấy giờ...; đồng thời có vẻ mặt ngơ ngác, xa lạ, không nhận ra người quen, quên ngay cả tên của mình và những người thân quen...

Thuốc có thể gây ra bệnh não

Thuốc sử dụng để điều trị một bệnh nào đó có thể gây nên bệnh não do thuốc có nhiều loại khác nhau bao gồm: Thuốc có tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương như barbiturat, dẫn xuất phenothiazin như clopromazin, các benzodiazepin như diazepam; thuốc chống trầm cảm loại 3 vòngnhư imipramin, anafranil, laroxyl...; các loại thuốc phiện. Thuốc gây rối loạn chuyển hóa, gây hạ đường huyết như insulin, sulfamid hạ đường huyết... Thuốc gây rối loạn tuần hoàn não như thuốc hạ huyết áp gây ngã, ngất do hạ huyết áp tư thế. Trong thực tế, nhiều trường hợp sử dụng thuốc với liều lượng bình thường vẫn có khả năng xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn do người bệnh có sẵn những yếu tố thuận lợi và làm dễ như: Bệnh nhân có tuổi cao, trên lâm sàng biểu hiện sớm ý thức lú lẫn. Người bệnh bị suy thận nên thải trừ thuốc kém, dẫn đến nhiễm độc thần kinh như khi dùng các loại thuốc cimetidin, colistin; kháng sinh nhóm aminosid như streptomycin, kanamycin, gentamycin, tobramycin, neomycin, sisomicin... Bệnh nhân bị suy gan có thể làm cho việc chuyển hóa thuốc sử dụng không hoàn chỉnh dẫn đến những tai biến tại não. Việc điều trị cùng một lúc với nhiều loại thuốc khác nhau cũng có thể gây nên bệnh não do thuốc. Bệnh não do thuốc có thể dẫn bệnh nhân đến tình trạng bán hôn mê hoặc hôn mê. Nếu phát hiện sớm, nhiều trường hợp có thể cứu sống được tính mạng người bệnh do được hồi sức cấp cứu tốt và hiệu quả. Hiện nay danh mục thuốc điều trị có khả năng gây nên bệnh não ngày càng nhiều, ước tính có khoảng hơn 50 loại thuốc khác nhau và có thể còn nhiều hơn nữa cùng với sự ra đời của những loại thuốc mới. Gần đây, việc chữa trị bệnh ung thư bằng hóa trị liệu đã mang lại kết quả đáng kể nhưng kèm theo đó cũng có rất nhiều phản ứng có hại không mong muốn và xảy ra những tai biến, trong đó có bệnh não do thuốc như: Đối với ciclosporin, điều kiện thuận lợi để xảy ra nhiễm độc là thuốc làm giảm cholesterol máu, làm biến đổi chuyển hóa ciclosporin và làm tăng độ thẩm thấu của hàng rào máu-não; tuy vậy nhưng khi hạ thấp liều lượng sử dụng thì các tác dụng phụ sẽ giảm. Đối với methotrexat, khi sử dụng cần thận trọng và lưu ý vì chúng có nhiều kiểu tác dụng có hại không mong muốn có thể gây nên những tai biến.

Các thể bệnh não do thuốc và các tình huống đặc biệt

Bệnh não do thuốc được biểu hiện với nhiều thể bệnh lâm sàng khác nhau bao gồm: Phản ứng viêm màng não cấp tính, nếu tiêm đường nội tủy thì tác dụng phụ có thể hồi phục. Hội chứng thần kinh bán cấp tính trong hai tuần đầu như liệt hai chân, hội chứng tiểu não, liệt dây thần kinh sọ não. Bệnh não chất trắng mạn tính do độc tính của thuốc. Tai biến thần kinh sớm, trung bình xảy ra khoảng 6 ngày kể từ lúc bắt đầu dùng thuốc; có biểu hiện liệt nhẹ nửa người, bị rối loạn ngôn ngữ, thường có cơn co giật; tác dụng có hại không mong muốn này có thể giảm đi trong vòng từ 2 đến 6 ngày và không nhất thiết có sự tái phát khi dùng lại thuốc. Trong thực hành lâm sàng, cần lưu ý những tình huống đặc biệt để phát hiện bệnh não do thuốc có liên quan đến các đợt bệnh não do gan gây ra bởi thuốc, bệnh não hạ đường huyết và bệnh não sau hạ đường huyết. Các đợt bệnh não do gan gây ra bởi thuốc khi sử dụng các thuốc lợi tiểu có tác dụng làm hạ kali máu thường gặp nhất, tuy nhiên tất cả những loại thuốc lợi tiểu đều có thể là nguyên nhân. Ngoài ra nhiều loại thuốc an thần cũng có khả năng gây bệnh não do gan khi sử dụng nhóm thuốc benzodiazepin như clordiazepoxid, librium; thuốc phiện, pethidin, codein, barbiturat, các phenothiazin. Bệnh não hạ đường huyết có biểu hiện lâm sàng với triệu chứng lo âu, kích thích, nhìn đôi, dị cảm và dẫn đến co giật hoặc thiểu năng vận động, hôn mê với dấu hiệu Babinski dương tính ở cả hai bên. Loại hôn mê này diễn biến kéo dài, do đó người bệnh cần phải được điều trị liên tục ít nhất trong thời gian khoảng 36 giờ. Bệnh não sau hạ đường huyết xảy ra khi dùng thuốc insulin hoặc sulfamid hạ đường huyết quá liều. Các giai đoạn hạ đường huyết trong trường hợp này thường xảy ra ban đêm và dễ bị bỏ qua; chúng có thể gây nên các rối loạn thần kinh và tâm thần nổi bật như liệt vận động, hội chứng tiểu não, rối loạn tác phong, bị hoang tưởng, sa sút trí tuệ... Bệnh cảnh lâm sàng tiến triển thường nặng, có nguy cơ dẫn đến tử vong trong vòng vài tuần; một số trường hợp được phục hồi một phần nhưng để lại những di chứng tâm thần khá nặng nề.

Lời khuyên của thầy thuốc

Trên thực tế bệnh cảnh lâm sàng của các tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng thuốc điều trị có hại đến hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là bệnh não do thuốc rất giống với bệnh cảnh lâm sàng của các bệnh thần kinh và tâm thần do những nguyên nhân khác. Vì vậy khi đang chữa bệnh thần kinh hoặc tâm thần cho bệnh nhân, một vấn đề cần lưu ý là trước một trạng thái tiến triển xấu của bệnh cần phải phân biệt nguyên nhân nào do bệnh và nguyên nhân nào do thuốc điều trị sử dụng để có quyết định xử trí chính xác, kịp thời. Đối với các trường hợp thông thường khác, nếu phát hiện người bệnh có những rối loạn thần kinh hoặc tâm thần khi đang điều trị một loại bệnh bất kỳ nào đó thì việc đầu tiên phải nghĩ đến là do nguyên nhân của thuốc sử dụng để có biện pháp can thiệp phù hợp trước khi tìm những nguyên nhân khác.

Ngày 31/10/2016
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích