Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 0 4 8 0 1
Số người đang truy cập
2 8 4
 Tư vấn sức khỏe Kiến thức phổ thông
Phải bảo đảm vô trùng khi cắt rốn lúc trẻ được sinh ra để phòng ngừa uốn ván ở trẻ sơ sinh (ảnh minh họa)
Chủ động ngăn ngừa bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh

Uốn ván ở trẻ sơ sinh là một loại bệnh nặng do hệ thần kinh trung ương của trẻ bị nhiễm độc bởi độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani gây nên. Loại vi khuẩn này thường xâm nhập vào cơ thể của trẻ qua rốn nên còn được gọi là uốn ván rốn. Mặc dù hiện nay bệnh uốn ván trẻ sơ sinh đã được khống chế với tỷ lệ thấp nhưng ở đâu đó bệnh vẫn còn phát hiện, nhất là các trường hợp trẻ sinh tại nhà ở vùng nông thôn và miền núi, nơi có điều kiện tiệt trùng kém, kể cả khi trẻ bị đẻ rơi. Cần chủ động ngăn ngừa tình trạng này. 

Đặc điểm của tác nhân gây bệnh

Tác nhân gây bệnh uốn ván là vi khuẩn Clostridium tetani, một loại trực khuẩn nhỏ có kích thước từ 1,5 đến 3 µm. Khi nuôi cấy lâu ở môi trường, trực khuẩn sinh ra nha bào ở ngay đầu nên trông giống như hình một cái đinh. Đây là loại trực khuẩn kỵ khí, gram dương, di động, không có vỏ bọc. Muốn diệt được trực khuẩn uốn ván chỉ cần đun nóng đến 50oC nhưng nha bào có thể chịu đựng được ở nhiệt độ 120oC trong vòng 1 giờ. Nha bào vi khuẩn thường có ở trong bụi, đất, nước, phân người và súc vật. Trực khuẩn uốn ván tiết ra một ngoại độc tố được các nhà khoa học tách ra làm hai thành phần về mặt hóa học: một phần có tác dụng gây tan máu gọi là tetanolysin không có ý nghĩa về mặt lâm sàng, một phần gây co giật các cơ gọi là tetanospasmin. Các triệu chứng cơ bản của bệnh uốn ván là do tetanospasmin gây ra. Độc tố này tan trong nước, bị phá hủy khi đun nóng lên 70oC, có độc lực rất mạnh. Thực nghiệm cho thấy độc tố đi từ vết thương có trực khuẩn qua máu hoặc bạch huyết vào các trục của dây thần kinh ngoại vi rồi bám vào các trung tâm thần kinh. Các nhà khoa học đều ghi nhận ái tính cao của độc tố uốn ván với tế bào thần kinh và khi độc tố đã bám vào tổ chức thần kinh thì không thể tách ra được, đây là vấn đề khá quan trọng cần được lư ý. Đối với uốn ván ở trẻ sơ sinh, trực khuẩn Clostridium tetani xâm nhập vào cơ thể của trẻ từ vết cắt ở rốn khi được sinh ra với vết cắt bằng dụng cụ có mang nha bào uốn ván như dao, kéo hoặc do bông, băng không được tiệt trùng tốt.

Triệu chứng lâm sàng

Uốn ván ở trẻ sơ sinh có thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 5 đến 12 ngày, đôi khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện sớm hơn vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 hay có thể muộn hơn vào ngày thứ 18 sau khi sinh. Bệnh bắt đầu với triệu chứng cứng hàm do cơ hàm bị co cứng, trẻ không há được miệng để bú. Cứng hàm là triệu chứng quan trọng với tính chất cứng hàm liên tục, cứng hàm tăng lên khi làm há miệng bằng đè lưỡi. Sau đó các cơ mặt, cổ, lưng, tứ chi đều trong trạng thái co cứng; trẻ nằm cứng đờ, tay nắm chặt, chân duỗi thẳng, nét mặt đau khổ khá đặc biệt với dấu hiệu trán nhăn, môi chúm lại, hai mép bị kéo lên trên. Trong tình trạng cứng đờ, trẻ có những cơn kịch phát gây co giật, thở không đều, da tím tái. Các cơn co giật có thể ngắn hoặc dài, nhanh hay chậm. Những cơn kịch phát này có thể gây ngừng thở nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời. Các cơn kịch phát tự nhiên xuất hiện thường do sự kích thích của tiếng động, ánh sáng... Ngoài các triệu chứng chính đã nêu, phần lớn trường hợp trẻ đều bị sốt; một số trường hợp sốt có thể trên 41oC, một số trường hợp khác lại có thân nhiệt hạ xuống dưới 35oC; những rối loạn thân nhiệt như vậy có tiên lượng rất xấu. Lưu ý phần rốn của trẻ bao giờ cũng bị nhiễm trùng nên ướt, chảy nước vàng hoặc có mủ; một số trẻ có triệu chứng rốn bị viêm tấy đỏ. Về xét nghiệm, do tình trạng nhiễm khuẩn rốn nên bạch cầu máu gia tăng, nhất là bạch cầu đa nhân trung tính; thực tế không cần thiết trong việc xét nghiệm tìm trực khuẩn uốn ván ở rốn của trẻ.

Tiến triển bệnh lý và chẩn đoán

Trong những trường hợp tiến triển tốt, các cơn co giật và triệu chứng cứng hàm của trẻ sẽ giảm dần, miệng có thể há ra dần. Bệnh kéo dài trung bình khoảng từ 3 đến 4 tuần nhưng triệu chứng tăng trương lực cơ có thể kéo dài khoảng hơn 1 tháng. Trường hợp nặng có khả năng có những biến chứng như viêm phế quản phổi, suy dinh dưỡng; nếu tiến triển xấu sẽ dẫn đến tử vong. Mặc dù với những tiến bộ của y học nhưng trên thực tế bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh vẫn là loại bệnh gây tử vong cao, chiếm tỷ lệ khoảng 30 đến 80% các trường hợp. Trẻ thường bị tử vong trong khoảng từ 3 đến 6 ngày đầu nằm tại bệnh viện do các cơn co giật làm ngừng thở. Những yếu tố có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán tiên lượng là thời gian ủ bệnh càng ngắn thì tỷ lệ tử vong càng cao. Các trẻ có triệu chứng lâm sàng của bệnh uốn ván sau 7 ngày có tỷ lệ sống cao hơn trẻ có thời gian ủ bệnh dưới 7 ngày. Nếu cơn kịch phát co giật càng nhiều và càng dài, trẻ càng có nguy cơ ngừng thở nên tiên lượng khá xấu. Dấu hiệu rối loạn thân nhiệt ở trẻ bị mắc bệnh uốn ván với nhiệt độ cơ thể thấp dưới 35oC hoặc quá cao khoảng từ 40 - 41oC đều có tiên lượng xấu. Chẩn đoán xác định bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh chủ yếu căn cứ vào các triệu chứng thực thể như: cứng hàm, co cứng toàn thân, co giật từng cơn với dấu hiệu ngạt thở và nét mặc đau đớn rất đặc biệt của trẻ. Trong những trường hợp không điển hình, việc chẩn đoán bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh phải phân biệt với các trường hợp gồm: Xuất huyết não và màng não thường xuất hiện trong vài ngày đầu sau khi sinh, trẻ co giật, tím tái, ngừng thở nhưng không cứng hàm liên tục, không có nét mặt đau khổ... Viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh với dấu hiệu trẻ không cứng hàm ngoài cơn co giật, cần tìm ổ nhiễm khuẩn và các triệu chứng màng não như thóp phồng, cổ cứng, dấu hiệu Kernig. Bệnh tetani ở trẻ sơ sinh với dấu hiệu trẻ có cơn co giật, có dấu hiệu Chvosteck, trường hợp nghi ngờ cần xét nghiệm calci máu. Có dị tật ở khớp hàm làm trẻ không há được miệng thường ít gặp hơn trong thực tế.

Điều trị bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh

Điều trị bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh nhằm các mục đích trung hòa độc tố uốn ván vẫn còn lưu hành trong máu của trẻ, săn sóc trẻ trong thời gian độc tố còn bám vào tổ chức thần kinh, điều trị vết thương ở rốn có trực khuẩn uốn ván gây bệnh. Trong thời gian gần đây, việc điều trị bệnh uốn ván trẻ sơ sinh tập trung vào các phương pháp điều trị đặc hiệu, điều trị cơn co giật, nuôi dưỡng và chăm sóc, điều trị vết thương ở rốn và sử dụng kháng sinh. Điều trị đặc hiệu bằng cách tiêm huyết thanh chống uốn ván, có hai loại huyết thanh gồm huyết thanh chống uốn ván lấy từ người có ưu điểm không gây phản ứng, tồn tại lâu và huyết thanh chống uốn ván lấy từ huyết thanh ngựa được dùng phổ biến, rộng rãi hơn; các loại huyết thanh chống uốn ván thường được tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt. Điều trị các cơn co giật có vai trò quan trọng vì các cơn cơ giật có thể gây tử vong đột ngột cho trẻ, thực tế thường sử dụng các loại thuốc an thần và giãn cơ; phải bảo đảm thường xuyên làm thông đường thở, trường hợp nhẹ có thể dùng một hoặc hai loại thuốc an thần, nếu có dấu hiệu suy hô hấp phải đặt nội khí quản và hút đờn dãi hàng giờ cho đến khi giai đoạn cấp tính vượt qua, trường hợp nặng có thể áp dụng phương pháp đặt nội khí quản ban đầu và sau đó mở khí quản. Việc nuôi dưỡng và săn sóc được thực hiện bằng cách đặt trẻ trong lồng ấp có nồng độ oxy và nhiệt độ thích hợp. Nếu không có lồng ấp, phải đặt trẻ trong một phòng yên tĩnh, ít ánh sàng; không nên lay động hoặc bế ẵm trẻ để tránh các cơn co giật. Trong giai đoạn đầu nếu trẻ bị co giật nhiều thì nuôi dương bằng đường tĩnh mạch; bảo đảm nhu cầu về nước, chất điện giải và các chất dinh dưỡng. Khi trẻ đỡ bớt co giật, có thể cho ăn sữa mẹ qua ống thông mũi - dạ dày với lượng 50ml, dùng 8 lần trong ngày. Khi không có điều kiện nuôi dưỡng trẻ bằng đường tĩnh mạch, nên đặt ống thông mũi - dạ dày sau khi trẻ nhập viện để có thể bơm sữa mẹ và cho uống các loại thuốc cần thiết. Điều trị vết thương ở rốn trước đây có quan điểm cho rằng phải cắt bỏ rốn bị nhiễm khuẩn mới có thể chữa được bệnh nhưng hiện nay chỉ thực hiện việc rửa sạch rốn nhiễm trùng bằng nước oxy già. Sử dụng kháng sinh chỉ có tác dụng kiềm chế trực khuẩn uốn ván nhưng không kiềm chế được việc sản xuất ra độc tố gây bệnh, dùng kháng sinh cũng ngăn ngừa được khả năng bội nhiễm thêm; nên dùng loại kháng sinh có phổ diệt khuẩn rộng.


Nha bào của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani (ảnh minh họa)

Phòng bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh

Biện pháp chung để phòng bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh là cần đầu tư và tăng cường chi phí cho công tác phòng ngừa, loại trừ một số tập quán, thói quen sinh đẻ, đỡ đẻ phản khoa học. Cải thiện điều kiện vệ sinh của các cơ sở y tế, nhất là phòng sinh của các nhà hộ sinh. Trang bị các phương tiện đỡ đẻ và phương tiện tiệt trùng theo quy định của ngành y tế. Theo dõi tốt phụ nữ có thai, tránh tình trạng đẻ ở tại nhà và đẻ rơi. Đào tạo, bồi dưỡng nữ hộ sinh có đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ. Bình thường cơ thể con người không có miễn dịch tự nhiên đối với trực khuẩn uốn ván, do đó muốn có tính miễn dịch để phòng chống bệnh thì phải tiêm phòng vắc-xin. Hiện nay do công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai khá tốt, bảo đảm độ bao phủ nên bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh đã giảm đi rất nhiều. Một vấn đề cần lưu ý là phải tuyệt đối vô khuẩn khi cắt rốn lúc trẻ được sinh ra, nữ hộ sinh phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hay nước đun sôi để nguội, sát khuẩn tay bằng cồn hay ngâm tay vào dung dịch sát trùng, dùng găng tay vô trùng; kéo cắt rốn, chỉ buộc, băng rốn phải được hấp tiệt trùng ở nhiệt độ 120oC trong 20 phút hoặc đun sôi trong 2 giờ; khi cắt rốn tránh chạm tay vào mỏm cắt. Đối với sản phụ, cần tiêm phòng đủ 2 liều vắc-xin phòng bệnh uốn ván vào 2 tháng cuối của thai kỳ; liều thứ hai sau liều thứ nhất một tháng và phải trước khi sinh đẻ ít nhất từ 15 đến 30 ngày vì người mẹ có thể truyền cho thai nhi lượng miễn dịch chống uốn ván cho đến tháng đầu sau sinh và phương pháp này đã tỏ ra an toàn, có hiệu quả. Trong một hội nghị quốc tế về bệnh uốn ván, các nhà khoa học đã khuyến cáo cần tiêm vắc-xin phòng bệnh uốn ván cho tất cả phụ nữ đang ở độ tuổi mang thai với 5 lần tiêm: Lần 1 cho phụ nữ độ tuổi mang thai đến cơ sở y tế dù với bất cứ lý do nào như khám bệnh cho con hay mẹ, khám thai... Lần 2 khoảng 4 tuần sau khi tiêm lần thứ nhất. Lần 3 khoảng 6 - 12 tháng sau khi tiêm lần thứ hai, sau lần tiêm này có thể cả mẹ và con đã được bảo vệ chống lại bệnh uốn ván. Lần 4 tối thiểu 1 năm sau lần tiêm thứ ba hoặc trong thời gian mang thai, lần tiêm này sẽ bảo vệ được cho cả mẹ và con không bị mắc bệnh uốn ván trong vòng 10 năm. Lần 5 tiêm sau tiêm lần thứ tư tối thiểu một năm, lần tiêm này sẽ gây được miễn dịch bảo vệ cho cả mẹ và con suốt đời. Chương trình tiêm chủng vắc-xin uốn ván cho người mẹ để phòng bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo thực hiện và triển khai ở nhiều quốc gia đã mang lại kết quả tốt. Lưu ý nếu trẻ được sinh ra trong điều kiện không bảo đảm vô trùng và người mẹ chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh uốn ván lúc mang thai thì nên tiêm phòng uốn ván bằng huyết thanh chống uốn ván SAT (serum anti tetanus) cho trẻ với 1.500 đơn vị, tiêm bắp thịt một lần sau sinh.

Lời khuyên của thầy thuốc

Mặc dù hiện nay bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh hay uốn ván rốn đã giảm xuống ở mức độ thấp do công tác tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh một cách tích cực cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhằm phòng ngừa bệnh cho trẻ khi được sinh ra cùng với công tác phòng chống nhiễm khuẩn ở các cơ sở y tế được triển khai khá đồng bộ. Tuy vậy ở đâu đó vẫn còn một số trường hợp bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh được ghi nhận, đặc biệt là ở vùng nông thôn và miền núi với tập tục sinh tại nhà hoặc bị đẻ rơi trong điều hiện vô trùng không tốt hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hay khi mang thai bỏ sót tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh. Vấn đề này cần được lưu ý phòng ngừa theo các nội dung đã được nêu trên để bảo đảm an toàn cho tất cả các trẻ khi được sinh ra.

Ngày 14/12/2016
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích