|
Hen phế quản dị ứng có thể do dị nguyên phấn hoa có trong không khí (ảnh minh họa) |
Phòng ngừa hen phế quản dị ứng
Hen phế quản là hiện tượng thở đứt hơi, thở mạnh, thở khó... được các nhà khoa học dùng để chỉ các tình trạng khó thở. Đây có thể nói là bệnh lý gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó hen phế quản dị ứng là vấn đề cần được quan tâm để phòng ngừa vì xảy ra khá phổ biến.
Đặc điểm hen phế quản dị ứng Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hen phế quản là một tổn thương đặc trưng xảy ra bởi những cơn khó thở gây nên do các yếu tố khác nhau, do vận động kèm theo các triệu chứng lâm sàng làm tắc nghẽn toàn bộ hay một phần đường hô hấp và có thể phục hồi được giữa các cơn; tình trạng tắc nghẽn do tăng đột ngột những cản trở đường hô hấp có liên quan đến cơ chế miễn dịch hay không. Hen phế quản dị ứng có đặc điểm là cơn hen xuất hiện khi tiếp xúc với một chất nào đó có thể gây nên phản ứng mẫn cảm. Cơn khó thở khởi phát vài phút sau khi tiếp xúc với các chất này là do sự xuất hiện các kháng thể phản vệ kiểu IgE (immunoglobulin E). Cơn khó thở cũng có thể xuất hiện muộn hơn khoảng sau vài giờ tiếp xúc với chất gây dị ứng và cơ chế bệnh sinh của sự co thắt phế quản chậm này hiện nay chưa được các nhà khoa học chứng minh rõ. Thực tế trên lâm sàng có những yếu tố có thể nghĩ đến tình trạng hen phế quản dị ứng khi đối diện với người có cơ địa hay trạng thái bẩm sinh dị ứng thường ghi nhận ở bệnh nhân bị chàm thể tạng, nổi mày đay, viêm mũi co thắt, phù Quincke; trong gia đình có người thân bị hen phế quản. Đây là những yếu tố căn cứ, tư liệu khá chắc chắn để nghĩ đến tình trạng quá mẫn cảm của người bệnh. Các nhà khoa học cho rằng nếu cha hoặc mẹ bị dị ứng thì nguy cơ tăng khả năng dị ứng cho con với tỷ lệ khoảng 30%, nếu cả cha và mẹ đều bị dị ứng thì nguy cơ này sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 50%. Điều kiện xuất hiện cơn hen phế quản dị ứng Về mặt lâm sàng, cơn khó thở xảy ra do hen phế quản dị ứng thường xuất hiện khi người bệnh tiếp xúc với các dị nguyên. Vấn đề cơ bản này có thể do chính bệnh nhân cung cấp thông tin cho biết nhưng nhiều khi bác sĩ cũng phải hỏi thật cặn kẽ, cụ thể mới biết được. Bác sĩ cần có phương pháp hỏi bệnh để xác định được nơi chốn, giờ giấc, chu kỳ dị ứng xảy ra trong năm; hay nói một cách khác là phải khai thác rõ các yếu tố tiền sử bệnh lý, trong đó có tiền sử cơn hen phế quản xuất hiện. Ngoài ra, các xét nghiệm sinh học cũng có thể hỗ trợ một phần nào để hướng chẩn đoán đến nguyên nhân gây nên dị ứng, tuy nhiên đây không phải là kết quả có giá trị tuyệt đối như: bạch cầu ưa axít trong máu tăng trên 4.000/mm3 máu, có bạch cầu ưa axít trong chất khạc nhổ hoặc trong nước mũi, tỷ lệ IgE trong huyết thanh tăng cao. Từ những kết quả xét nghiệm ghi nhận cùng với việc phân lập các bệnh cảnh lâm sàng, có thể thực hiện thêm một số kỹ thuật thăm dò chức năng khác để xác định nguyên nhân như thăm dò trên da, xét nghiệm mất hạt bạch cầu ưa kiềm, thử nghiệm kích thích, tìm kháng thể IgE đặc hiệu... Thực tế cơn hen phế quản dị ứng thường xuất hiện do cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên qua đường hô hấp, có trong không khí, qua đường ăn uống; do nghề nghiệp lao động và tình trạng nhiễm khuẩn... Dị nguyên đường hô hấp: Các dị nguyên đường hô hấp hiện diện ở trong nhà thường là nguyên nhân chính gây nên hen phế quản dị ứng gồm: bụi nhà, các loại bọ nhà như dermatophagoides pteronyssinus, bụi của chăn đệm và thảm trải nhà, lông các loại súc vật nuôi... Hen phế quản dị ứng gặp trong các trường hợp này thường xảy ra hàng năm, cơn hen khởi phát về đêm hoặc khi quét dọn nhà cửa và thường kèm theo các biểu hiện triệu chứng ở tai mũi họng như chảy nước mũi, ngạt mũi... Những biểu hiện bệnh lý này giảm dần và mất đi khi người bệnh đi ra khỏi nhà. Đối với tình trạng mẫn cảm gây nên hen phế quản dị ứng từ các loại bọ nhà, các nhà khoa học ghi nhận cơn hen phế quản mất đi hoặc hết hẳn khi người bệnh ở độ cao từ 1.200 đến 1.500 mét so với mặt nước biển. Các loại mạt bụi nhà trú ẩn trong chăn, nệm, gối, khăn phủ giường, thảm trải sàn nhà... gây hen phế quản dị ứng thường phát triển mạnh ở nhiệt độ thích hợp là 25oC và độ ẩm cao. Lông, móng của các loài động vật nuôi cũng có thể là nguyên nhân gây hen phế quản dị ứng; vì vậy cần hỏi kỹ xem người bệnh có tiếp xúc với các loại chó, mèo, chuột, thỏ, lợn... hay không. Dị nguyên trong không khí: Các dị nguyên trong không khí gây hen phế quản dị ứng có thể là phấn hoa và nấm mốc. Hen phế quản dị ứng do phấn hoa có đặc điểm về mặt lâm sàng là hầu như bao giờ cũng phối hợp với viêm mũi co thắt, viêm kết mạc mắt; rất ít khi chỉ có riêng hen phế quản đơn thuần. Về thời điểm, bệnh thường xảy ra theo mùa trong năm, thường là mùa tương ứng với các cơn mưa phấn hoa mà người bệnh đã bị mẫn cảm dị ứng. Nhiều quốc gia đã xác lập được thời điểm mưa của từng loại phấn hoa để cảnh báo như ở nước ta ghi nhận mưa phấn hoa sữa thường xảy ra vào cuối mùa thu sang đầu mùa đông. Hen phế quản dị ứng do nấm mốc trong không khí như nấm cladosporium hoặc alternaria thì tính chất chu kỳ theo mùa không được rõ như đối với phấn hoa. Thường các loại nấm mốc gây hen phế quản dị ứng có mặt ngay tại nơi ở của người bệnh như nấm penicillium, aspergillus, stemphylium hay hiện diện trong các ngôi nhà ẩm thấp. Cơn hen phế quản dị ứng do nấm mốc trong không khí cũng xảy ra hàng năm nhưng chúng lại giảm và biến mất đi khi người bệnh di chuyển sống xa nhà ở những nơi khác. Chẩn đoán xác định hen phế quản dị ứng do nấm có thể thực hiện bằng cách xét nghiệm thấy nấm aspergillus fumigatus trong chất đờm khạc ra, có biểu hiện mẫn cảm dị ứng ngoài da theo kiểu thức thì hoặc bán chậm đối với kháng nguyên nấm aspergillus. Dị nguyên qua đường ăn uống: Các dị nguyên có trong các thức ăn, thức uống cũng gây nên hen phế quản dị ứng. Nếu là các món ăn chỉ có tính chất ngẫu nhiên như các loại tôm, cua, sò, hến... thì căn cứ vào lời khai của bệnh nhân để tìm ra loại thức ăn gây dị ứng. Nhưng nếu là thức ăn thường dùng như cà chua, rau quả, trứng, socôla... thì tìm nguyên nhân bằng cách loại trừ dần với phương pháp lần đầu ăn nhiều thứ, sau đó bớt dần từng thứ một mà không thấy cơn hen phế quản xuất hiện, lúc đó loại thức ăn cuối cùng chính là dị nguyên gây nên cơn hen phế quản. Thực tế một số phẩm màu dùng để nhuộm thực phẩm như chất tartrazine, carminic acid... cũng có thể là nguyên nhân gây nên hen phế quản dị ứng. Trong hen phế quản dị ứng do dị nguyên qua đường ăn uống, cần chú ý đến thuốc aspirin vì trên thực tế ghi nhận có khoảng 2 đến 4% những người bị hen phế quản do uống thuốc này trong một số trường hợp điển hình. Trên lâm sàng có 3 khả năng xảy ra khi sử dụng thuốc aspirin là: viêm mũi vận mạch gây tắc mũi mạn tính, sau này có thể gây các polip mũi; viêm xoang đôi khi kèm theo hiện tượng dày cứng các niêm mạc tạo thành một viêm đa xoang phì đại; hen phế quản có thể phối hợp với mày đay, phù mạch, phù vùng hạ thiệt gây ngạt thở, nhiều khi rất nguy hiểm, bệnh nhân có khi tử vong vì ngạt thở. Việc chẩn đoán chủ yếu căn cứ vào sự xuất hiện cơn hen phế quản sau khi uống thuốc aspirin. Do nghề nghiệp lao động: Hen phế quản dị ứng vì các dị nguyên đường hô hấp do nghề nghiệp lao động thường xảy ra rất khác nhau. Nếu chỉ có các dị nguyên do nghề nghiệp đơn thuần nghĩa là không có mẫn cảm với các dị nguyên trong nhà thì cơn hen chỉ xuất hiện tại nơi làm việc và lao động như trường hợp hen phế quản dị ứng của những công nhân làm việc trong phân xưởng dệt, trong các lò làm bánh mì... nếu chuyển làm công việc khác thì tình trạng hen phế quản trước đó sẽ giảm và mất hẳn. Do tình trạng nhiễm khuẩn: Tình trạng nhiễm khuẩn có thể gây nên hen phế quản dị ứng với các hình thái khác nhau. Trái lại, nhiễm khuẩn cũng có khả năng xảy ra trong trường hợp cơ thể có các cơn hen phế quản nặng và kéo dài. Có hai kiểu liên quan giữa hen phế quản và nhiễm khuẩn hô hấp là: lên cơn hen phế quản do nhiễm vi-rút đường hô hấp thường gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể gặp ở những người lớn trên 50 tuổi; hen phế quản do quá mẫn cảm với vi khuẩn hay nấm, thường là nấm candida albicans. Vấn đề này đang được nghiên cứu là sáng tỏ nhưng các nhà khoa học đã biết chắc rằng có một số loại vi khuẩn có khả năng kích thích sản xuất ra IgE (immunoglobulin E). Triệu chứng hen phế quản điển hình Cơn hen phế quản trong đó có hen phế quản dị ứng xuất hiện đột ngột, thường xảy ra vào ban đêm, thời gian xuất hiện phụ thuộc vào những yếu tố khác nhau. Các triệu chứng báo trước là ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mắt và nước mũi, ho từng cơn, bồn chồn, hoảng sợ, đầy bụng... nhưng không phải lúc nào cũng có; tuy nhiên các triệu chứng báo trước này vẫn có một giá trị đặc biệt đối với bệnh nhân bị hen phế quản. Sau đó sẽ xuất hiện cơn khó thở chậm, khó thở ở thì thở ra lại xuất hiện rất nhanh. Trong cơn hen phế quản, lồng ngực bệnh nhân căng ra, các cơ hô hấp phụ nổi lên rõ, vẻ mặt và cơ thể tím tái. Nhịp thở chậm, tiếng thở rít kéo dài; đứng ở xa có thể nghe thấy được tiếng thở rít của bệnh nhân. Nếu nghe phổi sẽ thấy tiếng rên ngáy, nhất là tiếng rên rít đặc thù. Trong trường hợp bị co thắt phế quản nhiều, thời gian thở ra rất dài và khi đó nghe phổi rất khó phát hiện được tiếng rít. Cơn khó thở này kéo dài hoặc ngắn tùy theo từng bệnh nhân. Sau khoảng một vài phút đến một vài giờ sẽ chuyển sang giai đoạn viêm long, báo hiệu người bệnh sắp sửa được cắt cơn hen phế quản; bệnh nhân khạc nhổ rất khó khăn và khạc ra được một ít đờm đặc quánh, có những hạt nhỏ trông như hạt trai. Lúc này nghe phổi có thể phát hiện nhiều tiếng ran ẩm. Ngoài ra, có thể thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng như xét nghiệm đờm, soi X quang lồng ngực để xác định. Nếu người bệnh khạc ra đờm nhiều là cơ sở báo hiệu cơn hen phế quản đã chấm dứt. Giữa các cơn hen phế quản, các triệu chứng nêu trên không còn, lúc này khám lâm sàng thấy bình thường; tuy nhiên nếu thực hiện một số thử nghiệm như nghiệm pháp gắng sức, nghiệm pháp acetylcholin hoặc carbachol thì vẫn phát hiện được tình trạng tăng hoạt tính của phế quản. Ngoài cơn hen phế quản điển hình với những dấu hiệu và triệu chứng ở trên, tùy theo từng trường hợp và sự tiến triển của cơn hen phế quản mà thực tế có những dạng khác nhau. Các cơn hen tái phát xảy ra tùy theo chu kỳ riêng của từng người, phụ thuộc vào sự tiếp xúc với các dị nguyên trong các trường hợp hen phế quản dị ứng; điều kiện làm xuất hiện cơn hen và nhịp điệu các cơn hen là cơ sở giúp tìm ra nguyên nhân gây nên. Khi có nhiều cơn hen phế quản xảy ra liên tiếp, không có lúc nào trở lại bình thường giữa các cơn gọi là cơn cấp phát hen; nguyên nhân có thể là do tình trạng nhiễm khuẩn kết hợp hoặc do tình trạng dị ứng quá nặng. Điều trị và phòng bệnh Điều trị hen phế quản dị ứng tận gốc chủ yếu bằng phương pháp giải mẫn cảm. Trong một thời gian dài cho bệnh nhân dùng chất gây nên hen phế quản với liều lượng tăng dần để cơ thể làm quen với dị nguyên gây hen phế quản dị ứng. Phương pháp này khó thực hiện vì người bệnh cần phải thực hiện việc tiếp nhận lặp đi lặp lại dị nguyên nhiều năm nên thường không kiên trì và bỏ cuộc, không chịu tiếp tụcc điều trị. Cũng có thể sắp xếp cho bệnh nhân sống tách biệt với những dị nguyên đã gây nên hen phế quản; phương pháp này cũng rất khó về phương diện xã hội và điều kiện thực tế. Tuy nhiên nếu hen phế quản do dị ứng vì nghề nghiệp lao động thì có thể khuyến cáo bệnh nhân chuyển nghề, tránh tiếp xúc với các chất gây hen phế quản trong ngành nghề cũ. Về phòng bệnh, hen phế quản dị ứng thường có yếu tố về thể tạng, cơ địa nên việc phòng ngừa rất khó khăn. Đối với nam nữ đều bị hen phế quản dị ứng do yếu tố bẩm sinh thì không nên kết hôn với nhau. Phải chữa sớm các bệnh mũi họng, đường hô hấp để phòng ngừa hen phế quản dị ứng. Thực tế muốn phòng bệnh hen phế quản dị ứng thì ngoài biện pháp luyện tập thể dục thường xuyên, cần giữ môi trường sống trong sạch, ít bụi bặm và thoáng mát.
|