Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 7 7 5 0 5
Số người đang truy cập
2 3 9
 Tư vấn sức khỏe Hỏi-Đáp
Hỏi đáp y học thường thức và chuyên ngành ký sinh trùng, côn trùng truyền bệnh tháng 11+12 năm 2016 (Phần 2)

Lê thị Vĩnh L., 38 tuổi, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

Hỏi: Thưa các bác sỹ, mẹ em năm nay 75 tuổi, từ khi bị tai biến mạch máu não (cách nay 2 năm) từ bệnh viện trở về nhà có đi lại chậm trong nhà và thinh thoảng ra ngoài khu vui chơi được, nhưng đi chậm. Gia đình có mua thêm thuốc Ginko biloba cho mẹ dùng thường xuyên và đều đặn hàng ngày, nhưng em gần đây nghe nói thuốc này có nhiều tác dụng phụ rất nguy hiểm, không nên dùng nữa. Em không biết thực hư ra sao, kính mong các bác sỹ giúp đỡ và cho lời khuyên tân tình. Gia đình em rất cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi liên quan đến tác dụng của thuốc cũng như một số tác dụng ngoại ý của một loại thuốc mà vốn dĩ hiện nay được tiêu thụ rất phổ biến trên thị trường, nhất là đối tượng người cao tuổi, có suy giảm trí nhớ, hay dùng với mục đích là bổ thần kinh,…Nhân đây, chúng tôi xin tổng hợp đầy đủ về loại thuốc này để có cái nhìn đày đủ hơn về hai mặt của một vấn đề để bạn và gia đình dùng thuốc an toàn.

Tác dụng của thuốc Ginko biloba

Cây bạch quả có tên khoa học là Ginkgo biloba, là một loại cây đã có hàng triệu năm nay, được coi là loài xưa nhất còn sống sót trên trái đất và hiện nay được trồng nhiều nơi trên thế giới. Bạch quả đã được ghi trong sách thuốc cổ truyền Trung Hoa từ 2.800 năm trước Công nguyên. Hiện nay, Ginkgo biloba được bào chế dưới dạng uống, viên nén và thuốc tiêm.


Hình 1

Ginkgo biloba xuất phát từ thảo dược thiên nhiên, qua nhiều công trình nghiên cứu đã kết luận tác dụng có lợi cho sức khỏe trong việc hỗ trợ chữa được nhiều bệnh. Ginkgo biloba là một trong những loài cây sống lâu đời nhất. Nó cũng là một trong những dược thảo bán chạy nhất tại Mỹ và châu Âu. Ginkgo biloba được chiết xuất từ cao chế của lá cây bạch quả đã được tiêu chuẩn hóa.

Ginkgo biloba là cao chiết từ lá bạch quả đã tiêu chuẩn hóa EGB có 24% flavonoid (ginkgo glycosid) và 6% ginkgolid biloba. Không được có quá 5 phần triệu ginkgolic (chất độc) có trong EGB. Thuốc được bào chế dưới nhiều dạng viên nén 40mg cao EGB. Lọ 30 ml dung dịch uống 40mg/ml. Viên nang 1,6 g cao khô EGB. Dung dịch tiêm 5ml/17,5mg EGB. Thuốc có nhiều tên biệt dược: giloba phytosome, ginkobay, ginkogink, gintec, tanakan, sagokain, superkan, OP - Can.. Các nhà khoa học châu Âu khi nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng của lá bạch quả cũng đã phát hiện được các hoạt chất có tác dụng bổ não, chống lão hóa, giúp cho người cao tuổi khôi phục trí nhớ,

Ginkgo biloba có một lịch sử lâu dài của việc sử dụng trong điều trị các bệnh về máu và các vấn đề bộ nhớ, làm tăng chức năng tuần hoàn não, tăng tính chịu đựng của mô não khi thiếu ôxy, chống ôxy hóa gốc tự do, ổn định màng nên được coi như một chất bảo vệ thần kinh. Chúng là yếu tố ngăn cản kích hoạt tiểu cầu nên có tính chống đông máu, ngăn cản việc kết tụ các mảng amyloid - nguyên nhân gây bệnh Alzheimer.


Hình 2

Ginkgo biloba đã xuất hiện với nhiều tên thương mại khác nhau được sản xuất trong hay ngoài nước. Do tính chất dược lý liên quan tuần hoàn não và được chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên, nhiều người đã chọn và sử dụng Ginkgo biloba khi có các triệu chứng liên quan tuần hoàn não. Các bác sĩ cũng sử dụng như một thuốc thường quy trong kê toa cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan rối loạn chức năng tuần hoàn não, các rối loạn mạch máu ngoại biên, bệnh Alzheimer, chứng sa sút tâm thần do nhồi máu nhiều lần, ù tai, giảm trí nhớ...

Do vậy, nhiều người đã chuộng các sản phẩm của Ginkgo biloba và xem như là viên bổ não, sử dụng thường xuyên hàng ngày, nhất là người lớn tuổi. Ginkgo biloba đôi khi còn được dùng “làm quà” cho bạn bè và những người thân trong gia đình, nhất là quà biếu các cụ già. Trong thời gian gần đây, việc sử dụng ginkgo biloba khá tùy tiện và thiếu những kiến thức cơ bản về sản phẩm này. Về tác dụng của thuốc, chất này có tác dụng điều hòa vận mạch, tăng cường tuần hoàn não, tăng tính chịu đựng của não khi thiếu ôxy, chống ôxy hóa gốc tự do, ổn định màng nên được coi là chất bảo vệ thần kinh, dẫn truyền nơron. Là yếu tố chống kích hoạt tiểu cầu nên có tính chất chống đông máu. Thư giãn nội mô, ngăn cản 3-5 cyclic GMP (guanosid monophosphat) phosphodiasterase ngăn chặn bớt độ nhạy cảm của thụ thể cholin, thụ thể gây tiết epinephrin, kích thích sự hấp thu cholin ở chân hải mã. Ngăn cản kết tụ amyloid, nguyên nhân gây bệnh Alzheimer.

Thuốc được dùng trong các trường hợp thiểu năng tuần hoàn não, suy mạch máu ngoại vi như giảm trí nhớ, kém tập trung tinh thần, rối loạn thính giác, ù tai, chóng mặt, giảm thị lực, suy võng mạc, đặc biệt với người cao tuổi. Suy tuần hoàn, tiền chứng của tai biến mạch máu não (dự phòng) hoặc tai biến mạch não nhằm phòng tai biến mạch não thứ phát. Đối kháng với quá trình sản sinh gốc tự do và peroxyd - hóa lipid ở màng tế bào. Điều trị các triệu chứng đau do suy tuần hoàn ngoại vi, triệu chứng khập khiễng cách hồi, hay hội chứng Raynaud, nhược dương, đau thắt khi đi, rối loạn dinh dưỡng.

Trong 10 năm gần đây có hàng trăm công trình nghiên cứu lại  dược tính, ứng dụng lâm sàng của EGB. Trong số này, có một số đã đưa ra kết luận rằng mặc dù EGB có tính năng ngăn chặn mảng amyloid nhưng EGB không có lợi ích lâm sàng với người người bị bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ tuổi già do đó thế không dùng EGB cho người Alzheimer nặng (lú lẫn), cũng rất ít khi dùng trong trường hợp Alzheimer nhẹ. Trong điều trị chứng khập khễnh cách hồi, tuy EGB có hiệu quả nhưng thấp chỉ có thể có được khi dùng với liều khá cao (240mg/ngày). Trong chứng ù tai thấp, EGB hầu như chỉ có hiệu quả với người mới bị ù tai nhẹ do vận mạch.


Hình 3

Đối với người cao tuổi, kết quả nghiên cứu cho biết lá bạch quả có nhiều tác dụng khác nhau khi dùng điều trị bệnh ở người. Cao Ginkgo biloba có tác dụng điều hòa mạch máu, giảm nhớt máu và ngưng kết hồng cầu, ức chế yếu tố hoạt hóa tiểu cầu, ngăn chặn các gốc tự do và ổn định màng tế bào trong bệnh mạch máu não, sa sút trí tuệ, bồi bổ trí nhớ. Ginkgo biloba được dùng để điều trị giai đoạn sớm của bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ, ù tai do mạch gây nên. Nhiều nghiên cứu thử nghiệm ginkgo để điều trị bệnh mạch não, và sa sút trí tuệ đã cho biết sản phẫm làm từ ginkgo có thể làm khả quan hơn những triệu chứng của sa sút trí tuệ. Y học cổ truyền phương Đông còn dùng quả bạch quả làm thuốc tiêu đờm, chữa hen, trị khí hư, tiêu độc, sát trùng.

Các nhà khoa học châu Âu khi nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng của lá bạch quả cũng đã phát hiện được các hoạt chất có tác dụng bổ não, chống lão hóa, giúp cho người cao tuổi khôi phục trí nhớ, trị chứng ngủ gật, kém trí nhớ, hay cáu gắt của người cao tuổi. Hai hoạt chất ginkgolide B và sesquiterpene bilobalide trong chiết suất ginkgo biloba làm tăng tuần hoàn trong não, cùng làm tăng chịu đựng của mô khi thiếu oxy được coi như là một chất bảo vệ thần kinh, chống oxy hóa, chống gốc tự do, ổn định màng và ngăn cản yếu tố kích hoạt tiểu cầu.

Những tác dụng dược học khác gồm làm thư giãn nội mô qua sự ngăn chặn phosphodiesterase, ngăn chặn bớt mất độ nhầy của thụ thể choline gây nhầy, thụ thể gây tiết adrenaline, kích thích tái hấp thu choline, ngăn cản sự đóng tụ mảng beta amyloid. Ngoài công dụng của gingko trong bệnh mạch não, sa sút trí tuệ, bồi bổ trí nhớ, ginkgo còn được dùng trong chỉ định chống ù tai và có hiệu nghiệm cho bệnh rối loạn tình dục vì dùng thuốc, trị khó chịu khi leo núi cao, giảm phản ứng dễ bị lạnh, giúp khá hơn bệnh thoái hóa điểm vàng trong mắt, suyễn và thiếu giảm oxy trong máu, trong mô.


Hình 4

Với số dân đến tuổi già mỗi lúc một nhiều hơn, số người bị sa sút trí tuệ và có vấn đề với đi lại ngày càng nhiều, ginkgo biloba được coi là một dược thảo khá an toàn, rẻ tiền. Thuốc này có thể hỗ trợ cho bệnh nhân bị bệnh Alzheimer, các rối loạn tâm thần tập tính của người cao tuổi như: rối loạn trí nhớ, giảm khả năng trí tuệ, lú lẫn và rối loạn trong hành vi của cư xử. Ginkgo biloba là thuốc được lựa chọn để điều trị chóng mặt và ù tai, tổn thương võng mạc do căn nguyên thiếu máu, tắc nghẽn động mạch chi dưới mãn tính. Nó làm chậm tiến triển của bệnh và nhẹ bớt triệu chứng để giảm bớt tình trạng sa sút trí tuệ.

Điều quan trọng là người bệnh phải chọn lựa kỹ lưỡng loại ginkgo muốn dùng, sản phẩm cần hội đủ tiêu chuẩn lượng an toàn của terpene lactone và ginkgolic acid.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Pháp đăng trên tạp chí The Lancet Neurology đã chỉ ra rằng thảo dược ginkgo biloba (cây bạch quả) của Trung Quốc, vốn được quảng bá là có tác dụng cải thiện trí nhớ và làm gia tăng độ minh mẫn, không hề có tác dụng trong việc phòng ngừa bệnh Alzheimer. Để đưa ra kết luận trên, trong suốt 5 năm, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Toulouse đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của ginkgo biloba đối với hơn 2.800 tình nguyện viên cao tuổi. 50% số những người tình nguyện tham gia nghiên cứu được cho uống 2 liều tinh chất ginkgo biloba mỗi ngày, trong khi những người còn lại được cho uống giả dược (placebo).


Hình 5

Kết quả cho thấy, tỷ lệ những người bị mắc chứng mất trí nhớ và các biểu hiện của bệnh Alzheimer hầu như không chênh lệch giữa hai nhóm. Trong nhóm được uống Ginkgo biloba, 61 người được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer, trong khi nhóm còn lại có 73 người bị mắc bệnh này. Ở một nghiên cứu trước đó được đăng trên tạp chí Journal of the American Medical Association, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Ginkgo biloba không giúp làm chậm lại chứng giảm nhận thức ở người già. Hiện trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, các loại thực phẩm chức năng chứa chiết xuất Ginkgo biloba thường được bán rất chạy.

Cần chú ý, cao Ginkgo biloba không phải là thuốc hạ áp, không dùng để thay thế cho các thuốc hạ áp. Chưa rõ tác dụng trên phụ nữ có thai, do vậy không nên dùng cho phụ nữ có thai. Không dùng dạng thuốc chích quá 25mg cho những trường hợp say rượu, nhiễm toan hay kém dung nạp fructose sorbitol, hoặc người thiếu men fructose 1,6 - diphosphatase. Cũng đừng pha loãng với các dung dịch khác. Tác dụng phụ hiếm có như rối loạn tiêu hóa, nổi mụn, nhức đầu. Ginkgo thường được dung nạp tốt, nhưng có thể tăng nguy cơ chảy máu nếu dùng chung với warfarin, thuốc chống tiểu cầu và khi dùng chung với một số dược thảo khác.


Hình 6

Tác dụng ngoại ý của Ginko biloba

Tuy nhiên, thuốc nào cũng có hai mặt, người bệnh cần biết về những nguy cơ có thể xảy ra để dùng thuốc được an toàn. Sử dụng Ginkgo biloba cũng ghi nhận ít có, đặc biệt nếu bạn đang mắc các loại bệnh lý liên quan như tăng huyết áp, đái tháo đường, dễ chảy máu. Để sử dụng Ginkgo biloba một cách an toàn, nắm vững những nguy cơ do Ginkgo biloba gây ra là một việc mang tính cấp thiết. Một số nguy cơ và tác dụng ngoại ý do Ginkgo biloba gây ra như sau:

-Dị ứng: Không dùng cho những người bị dị ứng hoặc nhạy cảm với Ginkgo biloba, các thành phần của nó hoặc các thành viên của họ cây bạch quả. Có thể có nhạy cảm chéo gặp ở những người bị dị ứng với họ Urushiols (vỏ xoài, cây thù du, cây thường xuân, cây sồi độc, hạt điều). Ginkgo biloba có thể gây ra đau đầu, chóng mặt, đánh trống ngực, buồn nôn và tiêu chảy. Dị ứng với bạch quả có thể gây phát ban hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng hơn;

-Ảnh hưởng huyết áp: Ginkgo biloba có vẻ an toàn khi dùng cho người lớn khỏe mạnh đường uống với liều thông thường cho đến 6 tháng. Tuy nhiên, Ginkgo biloba có thể gây huyết áp cao hơn hoặc thấp hơn. Cần thận trọng ở những người đang dùng thuốc hoặc các loại thảo mộc và chất bổ sung làm thay đổi huyết áp;

-Tăng nguy cơ chảy máu: Ginkgo biloba có thể làm tăng nguy cơ chảy máu nên tránh dùng cho những người bị rối loạn chảy máu hoặc uống thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Điều chỉnh liều dùng có thể cần thiết;

-Gây buồn ngủ: Buồn ngủ hoặc an thần có thể xảy ra khi dùng sản phẩm này, nên hãy cẩn thận dùng thuốc này khi lái xe hay vận hành máy móc nặng;

-Ảnh hưởng đường máu: Ginkgo biloba có thể làm giảm lượng đường trong máu. Cần thận trọng ở những người bị bệnh đái tháo đường hay hạ đường huyết và ở những người dùng thuốc, thảo dược, chất bổ sung có ảnh hưởng đến lượng đường trong máu;

-Ảnh hưởng lên một số bệnh: Sử dụng thận trọng ở những người có tiền sử hoặc có nguy cơ bệnh lý dạ dày hoặc rối loạn đường ruột, rối loạn cơ xương, rối loạn hệ thần kinh, rối loạn tâm thần, động kinh hoặc bệnh lý da. Sử dụng thận trọng ở người có nguy cơ bị hội chứng Stevens-Johnson;

-Tương tác thuốc: Sử dụng thận trọng ở những người đang dùng thuốc cho bệnh tim hoặc động kinh, thuốc kháng cholinergic, thuốc chống trầm cảm. Ginkgo biloba có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi dùng cùng với các thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu. Một số thuốc như aspirin, thuốc chống đông máu warfarin hoặc heparin, thuốc chống kết tập tiểu cầu như clopidogrel và các thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hoặc naproxen. Do đó, tránh sử dụng Ginkgo biloba 2-3 tuần trước khi thực hiện một số thủ tục phẫu thuật và can thiệp nha khoa. Những người có bệnh tim cũng không được dùng.

-Gây ra nhiều triệu chứng của các cơ quan khác nhau

+Nội tiết: Ginkgo biloba cũng khiến nồng độ insulin thay đổi, làm ảnh hưởng lên điều trị bệnh đái tháo đường.

+Tiêu hóa: Co thắt cơ vòng hậu môn, viêm hậu môn và trực tràng, nóng rát hậu môn, táo bón, tiêu chảy, thay đổi vị giác, khô miệng, đau dạ dày hoặc kích thích dạ dày, tăng sự thèm ăn, rối loạn đường tiêu hóa nhẹ, viêm miệng hoặc môi, đau bụng, nôn mửa;

+Tâm thần kinh: Thay đổi hành vi, nhức đầu, hưng cảm nhẹ, bồn chồn, đổ mồ hôi, căng thẳng, đánh trống ngực, bồn chồn, buồn bã, buồn ngủ;

+Các triệu chứng khác: Mất giọng, phát ban, tê, đau nhức.

Tốt nhất bạn không nên tự ý sử dụng Ginkgo biloba. Khi muốn sử dụng, nên gặp bác sĩ/ dược sỹ để được tư vấn một cách kỹ lưỡng, các bác sĩ sẽ khám và hỏi bạn nhiều thông tin liên quan trước khi quyết định kê toa Ginkgo biloba cho bạn.


Hình 7

-Chống chỉ định: Người thiếu men fructose-16-diphosphatase. Dùng với các chất chống đông heparin, warfarin...Trước đây chế phẩm Ginkgo biloba được coi là thuốc lành tính, song gần đây đã thấy thuốc cũng có những tác dụng phụ:

+Nhức đầu, buồn nôn, bồn chồn, tiêu chảy, dị ứng da;

+Tăng nguy cơ chảy máu, do có yếu tố kích hoạt tiểu cầu, chống đông máu. Một số trường hợp bị xuất huyết dưới màng cứng, xuất huyết dưới nhện, xuất huyết trong não, xuất huyết tiền phòng (mắt). Vì vậy khuyến cáo không dùng nếu có rối loạn đông máu, không dùng cùng lúc với các thuốc chống đông máu kể cả aspirin, dipyridamol, ticlopidin và cũng không dùng với các thảo dược có chứa coumarin, tỏi, dấm sẽ làm tăng sự chảy máu. Cần ngừng sử dụng EGB trước 36 giờ, tốt nhất là 10-14 ngày trước khi phẫu thuật;

+An toàn cho người mang thai chưa được biết rõ;

+Chỉ nên dùng cho người tai biến mạch máu não bị nhũn, nhồi máu, không dùng cho người bị đứt, vỡ, phẫu thuật não;

+Không nên dùng với các thuốc chống động kinh (carbamazcpin, valproic acid);

+Trong bào chế, nguyên liệu EGB không được có trên 5 phần triệu ginkgolic.

Công dụng của EGB đã được chứng minh trên các thử nghiệm có đối chứng với giả dược ở người bị thiểu năng tuần hoàn não, bị suy giảm chức năng tuần hoàn chung, bị suy mạch máu ngoại vi, rối loạn thính giác. Do thế, EGB được dùng trong các trường hợp điều trị thiểu năng tuần hoàn não (với các biểu hiện chính ù tai, chóng mặt, giảm thị lực); điều trị thiểu năng tuần hoàn não khi chưa xảy ra tai biến mạch máu não nhằm dự phòng từ xa và sau khi đã xảy ra tai biến mạch máu não nhằm dự phòng tái phát tai biến này. Điều trị các triệu chứng đau (do suy tuần hoàn ngoại vi  như: đau thắt khi đi ngoài, rối loạn dinh dưỡng), triệu chứng khập khễnh cách hồi, hội chứng Raynaud, chứng nhược dương (phối hợp với papaverin).

Trên đây là các thông tin chuyên môn có minh chứng về tác dụng ngoại ý cũng như tác dụng bảo vệ cơ thể tránh hoặc giảm một số bệnh lý. Nói tóm lại, người xưa dùng lá Ginkgo biloba có hiệu quả, an toàn. Do đó khi chiết ra EGB người ta tin cậy hoàn toàn vào kinh nghiệm đó. Các tài liệu trước đây ghi nhiều công dụng, không ghi tác dụng không mong muốn nào. Ngày nay, những nghiên cứu dược tính ứng dụng lâm sàng cho thấy EGB chỉ thực sự có công dụng trong một số trường hợp nhất định, đồng thời cũng chỉ ra những tác dụng không mong muốn mà trước đây chưa đề cập đến. Biết thêm những điều này để dùng EGB cho hợp lý.


Liên Hoa, 56 tuổi, Bà Rịa Vũng Tàu, hoahong126@....

Hỏi: Xin các bác sỹ cho tôi biết nguyên do nào dẫn đến đau bụng vùng dưới rốn ở phụ nữ vì tôi đau bụng thời gian kéo dài trên 6 tháng rồi mà không tìm ra nguyên nhân tại sao. Chân thành cảm ơn sự phúc đáp của bác sỹ sớm!

Trả lời:Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin chia sẻ các thông tin tổng hợp từ nhiều chuyên gia y tế đã cho thấy một số nguyên nhân hàng đầu gây đau bụng dưới ở phụ nữ và đau bụng dưới hay đau vùng chậu là một trong những triệu chứng thường gặp ở phụ nữ. Cấu tạo cơ thể của phụ nữ khác so với nam giới, càng tạo điều kiện xuất hiện nhiều các triệu chứng đau bụng, bởi đây là nơi tập trung các cơ quan sinh sản (phần phụ) của nữ giới. Tuy nhiên nhiều người lầm tưởng rằng đau bụng dưới là đau phần phụ, điều này hoàn toàn sai. Có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng, cần phân biệt rõ để loại trừ các loại bệnh có thể có với bất kỳ phụ nữ ở lứa tuổi nào.


Hình 8

Đau vùng chậu liên quan đến các cơn đau ở vùng bụng dưới rốn. Cơn đau này có thể báo hiệu về các bệnh liên quan đến sinh sản, rối loạn tiêu hóa, hay thậm chí có bệnh còn đe dọa đến tính mạng. Để tìm đúng nguyên nhân khiến phụ nữ đau vùng chậu hãy đến gặp bác sĩ để xác định đúng bệnh và điều trị đúng nguyên nhân.


Hình 10

(i) Viêm ruột thừa

Các triệu chứng viêm ruột thừa bao gồm đau nhói ở bụng dưới bên phải (P), nôn và sốt. Nếu bạn có những triệu chứng này, hãy đến ngay bác sĩ để được thăm khám, siêu âm và làm xét nghiệm tối thiểu vì đây là trường hợp khẩn cấp ngoại khoa. Nếu không phẫu thuật cắt bỏ phần ruột thừa viêm này nó sẽ lan nhiễm trùng trong ổ bụng, có thể dẫn đến tử vong do nhiễm trùng huyết và viêm phúc mạc toàn thể.

(ii) Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa mạn tính gây ra các cơn đau bụng, chuột rút, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón. Chúng xuất hiện khi thay đổi chế độ ăn uống, trong tình trạng căng thẳng.

(iii) Đau bụng do rụng trứng

Nếu bạn có những cơn đau nhói vào thời kỳ rụng trứng của phụ nữ, điều này xảy ra ở rất nhiều người. Khi rụng trứng, buồng trứng thường rụng một quả trứng cùng với một số chất dịch và máu, điều này gây kích ứng niêm mạc của bụng gây ra các chứng đau.

   

 Hội chứng IBS

 Hội chứng kinh nghuyệt

 Mang thai


(iv) Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào, nó làm người đó tính khí thất thường, nổi mụn trứng cá, nhức đầu, đau bụng, chuột rút. Thay đổi nội tiết tố trong một chu kỳ kinh nguyệt) là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tăng cường vận động thể dục thể thao, bổ sung vitamin có thể làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt này.

(v) Mang thai ngoài tử cung

Đây là một tình trạng có thể đe dọa tính mạng. Nó xảy ra khi một phôi hình thành và phát triển ở ngoài tử cung, thường là ống dẫn trứng. Các triệu chứng bao gồm đau vùng chậu mạnh hoặc chuột rút (đặc biệt là ở một bên), chảy máu âm đạo, buồn nôn và chóng mặt. Trường hợp này người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ ngay.

   
Một số bệnh lý ngoại khoa vùng chậu hông ở phụ nữ hay gặp trên lâm sàng

(vi) Bệnh viêm vùng chậu

Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh là viêm vùng chậu dẫn đến vô sinh ở nữ giới. Bệnh này có thể gây tổn thương viêm nhiễm ở tử cung, hai buồng trứng và ống dẫn trứng ở phụ nữ. Các triệu chứng bao gồm đau bụng dưới, sốt cao hoặc sốt nhẹ, dịch tiết âm đạo bất thường có thể hôi, đau khi quan hệ tình dục hoặc mót tiểu, trong trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật nếu điều trị nội khoa không hiệu quả.

(vii) U nang buồng trứng

Một u nang buồng trứng thường là vô hại nếu u này hoàn toàn lành tính và không gây tác động đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân, nhưng nếu u nang ngày càng lớn, gây ra đau vùng chậu dưới, tăng cân và đi tiểu thường xuyên. U nang buồng trứng có thể được phát hiện bằng khám phụ khoa và/ hoặc siêu âm vùng bụng tổng quát.

(viii) U xơ tử cung

U xơ tử cung thường phát triển ở thành tử cung được gọi là u xơ, nhưng đây không phải là ung thư. U xơ tử cung thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi 30 và 40 và thường không gây ra vấn đề gì cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, đau lưng, rối loạn kinh nguyệt hay quan hệ tình dục bị đau, hoặc khó khăn trong việc mang thai, có thể ảnh hưởng trong quá trình mang thai. Bác sĩ có thể can thiệp loại bỏ u xơ tử cung nếu nó ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn. Song không phải lúc nào u xơ tử cung cũng cần đến can thiệp phẩu thuật loại bỏ khối u nếu chúng không gây các biến chứng và rối loạn trên cơ thể bệnh nhân.

(ix) Lạc nội mạc tử cung

Ở một số phụ nữ, mô nội mạc tử cung lại phát triển bên ngoài lòng tử cung, nó có thể xuất hiện ở buồng trứng, vòi, ống dẫn trứng, bàng quang, trong ruột và nhiều bộ phận khác của cơ thể. Sự phát triển bất thường đó khiến cho người phụ nữ bị đau đớn khi cơ thể hành kinh và đây là căn nguyên có thể dẫn đến không thể mang thai ở nhiều phụ nữ do rối loạn nội tiết tố.


Hình 12

(x) Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu là khi vi trùng xâm nhập vào đường tiết niệu tấn công bất cứ nơi nào từ niệu đạo, bàng quang, niệu quản hoặc thận. Nó gây ra các triệu chứng như đau bụng, đi tiểu đau, buốt và lúc nào cũng mót tiểu. Nhiễm trùng đường tiết niệu thường không nghiêm trọng nếu được điều trị kịp thời. Nhưng khi nó lây lan đến thận, nó có thể gây tổn thương vĩnh viễn, mạn tính. Các dấu hiệu của nhiễm trùng thận bao gồm sốt cao, buồn nôn, nôn và đau ở một bên ở vùng lưng dưới. Dấu hiệu nhiễm trùng rõ.

Cần lưu ý đối với nữ thì nhiễm trùng tiết niệu thường hay tái phát đi tái phát lại và dẫn đến nhiễm trùng mạn tính, nhất là khi có các bệnh lý kèm theo, rối loạn kinh nguyệt, quan hệ tình dục bất thường, các dấu hiệu dị dạng ở cơ quan sinh dục, tiết niệu, hay dùng thuốc và nước rửa vệ sinh bừa bãi không hợp lý làm mất đi hệ vi khuẩn tốt ở tại chỗ.

(xi) Sỏi thận

Sỏi thận thường là hỗn hợp gồm muối và khoáng chất, cholesterol có trong nước tiểu, chúng có thể nhỏ như một hạt cát hay lớn như những viên sỏi to, thậm chí to bằng nắm đấm tay. Khi viên sỏi di chuyển từ thận đến bàng quang, nó gây ra những cơn đau ở bụng dưới hoặc vùng xương chậu. Nước tiểu của bạn có thể chuyển sang màu hồng hoặc màu đỏ như máu do quá trình di chuyển làm trầy xước niêm mạc của đường tiết niệu gây chảy máu dưới dạng hồng cầu nguyên vẹn (intact erythrocyte) hoặc dạng vết (trace).

  
Một số bệnh lý thận – tiết niệu gây đau bụng dưới ở phụ nữ

(xii) Viêm bàng quang kẽ

Viêm bàng quang kẽ là một tình trạng đau mãn tính liên quan đến viêm bàng quang. Những người bị IC nặng đi tiểu nhiều lần mỗi giờ. Các triệu chứng khác bao gồm áp lực trên vùng mu, đi tiểu đau và đau trong khi quan hệ tình dục. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ từ 30 - 40. Lưu ý rằng với nhiều phụ nữ thì nhiễm trùng tiết niệu nói chung và viêm bàng quang nói riêng dễ tái phát và dẫn đến nhiễm trùng mạn tính, dày thành bàng quang, nhất là khi có các bệnh lý hoặc dị dạng kèm theo như rối loạn kinh nguyệt, quan hệ tình dục bất thường, sai tư thế, dị dạng ở cơ quan sinh dục-tiết niệu, hay dùng thuốc kháng sinh không theo kháng sinh đồ và sử dụng nước rửa vệ sinh lạm dụng không hợp lý làm mất đi hệ vi khuẩn tốt ở tại chỗ để bảo vệ.

(xiii) Các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Đau vùng chậu là một dấu hiệu cảnh báo đối với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục. Phổ biến nhất là nhiễm trùng Chlamydia spp. và bệnh do vi khuẩn lậu. Đây là 2 loại nhiễm khuẩn nguy hiểm có thể gây đau vùng chậu, dẫn đến đi tiểu đau, chảy máu giữa chu kỳ, tiết dịch âm đạo bất thường. Nếu xuất hiện các triệu chứng trên, cần tìm đến bác sĩ để chữa bệnh, tránh lây bệnh cho người bạn tình hoặc chồng/ vợ của mình.


Hình 14

(xiv) Đau do sa một số tạng ở phụ nữ

Ở những phụ nữ có tuổi, đôi khi gặp xuất hiện chứng sa tạng, điều này cũng gây chứng đau vùng chậu. Những bộ phận dễ bị sa nhất bao gồm bàng quang hay tử cung. Đây không phải là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng nó có thể gây khó chịu. Các triệu chứng phổ biến nhất là tăng áp lực đối với các thành âm đạo, cảm giác đầy ở bụng dưới, khó chịu ở háng hoặc thắt lưng, quan hệ tình dục đau.

(xv) Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu

Giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở chân (nhìn thấy ở trong bắp đùi, nhượng chân, khủy chân, vùng quanh gót) và đôi khi có thể phát triển ở khung chậu. Máu tràn trong các tĩnh mạch vùng chậu, làm cho trở nên sưng lên và đau. Đây được gọi là hội chứng sung huyết vùng chậu. Cơn đau có tăng lên khi bạn ngồi hoặc đứng.

(xvi) Đau do các vùng sẹo trong sau quá trình phẩu thuật

Nếu bạn đã từng trải qua các phẫu thuật ở vùng bụng, chậu hoặc thấp hơn, chẳng hạn như mổ ruột thừa, hoặc phẫu thuật do nhiễm trùng ở khu vực này, bạn có thể bị đau liên tục từ mô sẹo. Nhiều trường hợp là do dính ở bụng gây đau. Những cơn đau do sẹo thường gần thời điểm bạn vừa trải qua một đợt phẫu thuật nào đó ở ổ bụng, nếu không phải bạn vừa phẫu thuật ổ bụng, cần nói điều này cho bác sĩ biết để tìm nguyên nhân chính xác gây bệnh và điều trị hiệu quả.

(xvii) Đau khi quan hệ tình dục

Đau khi quan hệ tình dục có thể do nhiều nguyên nhân, điển hình nhất là do nhiễm trùng âm đạo, thiếu chất dịch tiết (khô âm đạo), hoặc nhiều chứng đau mà ngày nay y học vẫn chưa rõ nguyên nhân. Đau khi quan hệ tình dục là một chứng đau khó nói ra, khi gặp phải triệu chứng đó, bạn cần đến ngay bác sĩ sản  phụ khoa để tìm đúng nguyên nhân. Có rất nhiều loại bệnh tật khiến phụ nữ bị đau khi quan hệ tình dục. Nặng thì có thể còn xuất huyết khi quan hệ tình dục.

(xviii) Đau vùng chậu mạn tính

Đau vùng chậu xảy ra bên dưới vùng rốn và kéo dài ít nhất 6 tháng, thường được chẩn đoán là chứng đau vùng chậu mạn tính, nhiều khi nó ảnh hưởng cả tới cuộc sống và giấc ngủ của một số phụ nữ. Đối với những trường hợp này, cách tốt nhất là tìm đến một bác sĩ chuyên khoa về đau để tư vấn và điều trị.

Trên đây là một số nguyên nhân thường gặp trên thực hành lâm sàng dễ dẫn đến đau bụng dưới của một số phụ nữ mà chúng ta cần lưu ý, không biết bạn đã đi tham khám đầy đủ các chuyên khoa và đã được các bác sỹ chỉ định đầy đủ các cận lâm sàng chưa? Nếu vậy có thể xem lại các bệnh lý khác ở đây mà chúng ta bỏ sót hay không?


Trịnh Ng., 52 tuổi, TX An Nhơn, tỉnh Bình Định, hoangduong@

Hỏi: Xin hỏi các bác sỹ làm thế nào để phòng ngừa được chứng đau đầu do bệnh lý thần kinh?

Trả lời: Rất tiếc câu hỏi của bạn không nêu ra là bệnh lý thần kinh gì và đã điều trị ở đâu chưa, loại thuốc gì và có tiền sử chấn thương, cao huyết áp, đột quỵ, tai biến mạch não, bệnh lý nền mạn tính gì không? Vì bản thân bệnh lý thần kinh có nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không nhất thiết một bệnh cụ thể. Đau đầu là một trong nhiều triệu chứng bệnh hay gặp và có thể để lại nhiều phiền toái cho người bệnh. Có nhiều nguyên nhân gây ra đau đầu và đau đầu cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác, trong đó có các bệnh lý thuộc hệ thần kinh.


Hình 15

Đau đầu là chứng bệnh hay gặp, đồng thời cũng dễ bị người bệnh bỏ qua và coi đó là bệnh lặt vặt. Tuy nhiên, chứng đau đầu có các biểu hiện khác nhau và người bệnh cần phân biệt được các dấu hiệu đau do bệnh lý. Khi bị đau đầu mà cơn đau đầu ngày càng dữ dội với mức độ tăng dần thì người bệnh cần cảnh giác và nên nghĩ đến chứng đau đầu đi kèm bệnh lý và nên đi khám bác sĩ ngay, làm các thăm dò chức năng cần thiết để xác định bệnh và có liệu pháp điều trị phù hợp. Để việc điều trị bệnh hiệu quả, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Bệnh nhân không tự ý dùng thuốc điều trị đau đầu dạng này, vì với các bệnh lý thần kinh của não bộ, việc dùng thuốc bừa bãi sẽ để lại hậu quả lâu dài, không thể lường hết được. Dùng thuốc bừa bãi khiến bệnh không thuyên giảm mà còn diễn tiến nặng hơn, rất nguy hiểm.

Đau đầu có thể do sự xáo động trong cấu trúc nhạy cảm đau trong đầu. Bản thân bộ não không nhạy cảm với đau, vì nó không có thụ thể cảm nhận đau. Một số vùng trên đầu và cổ có các cấu trúc nhạy cảm đau. Các cấu trúc đó được chia làm 2 loại, một là trong vùng sọ não (mạch máu, màng não, các dây thần kinh sọ) và hai là ngoài sọ não (màng ngoài xương sọ, cơ, dây thần kinh, động mạch và tĩnh mạch, mô dưới da, mắt, tai, xoang và niêm mạc).

Do nhiều nguyên nhân về môi trường, cuộc sống cũng ảnh hưởng đến tinh thần tạo nên những cơn đau nhức đầu. Đau đầu có khi chỉ thoáng qua nên dễ bị người bệnh bỏ qua, hoặc cũng có thể nó là một trong những triệu chứng của bệnh lý thần kinh và thường đau đầu kéo dài. So với các chứng đau đầu khác, đau đầu do các bệnh lý thần kinh có những dấu hiệu để nhận biết sớm. Những dạng đau đầu liên quan đến bệnh lý thần kinh gồm có:

-Đau đầu do tăng huyết áp: đau đầu do tăng huyết áp thường gặp ở người có bệnh lý tăng huyết áp, đi kèm yếu tố hay bị  căng thẳng, stress trong công việc, cuộc sống, thì nguy cơ đau đầu càng cao. Chứng đau đầu này thường đột ngột, dữ dội. Đau đầu khu trú nhiều ở vùng chẩm, trán. Bệnh nhân có cảm giác cứng các cơ gáy, đau lên đỉnh đầu và có thể lan tới vùng trán, thường đau nhiều về ban đêm.

Nguyên nhân đau đầu ở bệnh nhân tăng huyết áp là do áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch tăng làm cho thành mạch bị giãn dần ra và xuất hiện những tổn thương. Những tổn thương này ngày càng tăng ở các mạch máu nhỏ tại não gây ra hiện tượng đau đầu. Bệnh nếu để muộn dễ gây ra các biến chứng tắc mạch máu não. Người bệnh tăng huyết áp cần cảnh giác với những cơn đau đầu, để phòng biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

  
Hình 16-17

-Đau đầu do u não do u gây tăng áp lực nội sọ nên đau đầu ở giai đoạn đầu thường âm ỉ, kéo dài. Giai đoạn sau kèm buồn nôn, giảm thị lực hoặc dấu hiệu của thần kinh khu trú như liệt chi, liệt dây thần kinh sọ não, mắt mờ. Lúc này là đau đầu liên tục dữ dội và uống thuốc giảm đau cũng không giảm;

-Đau đầu do viêm màng não: viêm màng não có thể là bệnh do virut, vi khuẩn hay các tác nhân ký sinh trùng, đơn bào hoặc nấm gây ra. Nếu do virut gây nên thì bệnh có thể khỏi trong vòng vài ngày còn nếu là vi khuẩn gây nên thì sức khỏe bệnh nhân có thể diễn tiến trầm trọng. Đau đầu nghiêm trọng là một triệu chứng của bệnh viêm màng não. Ban đầu cơn đau đầu chỉ ở mức độ vừa nhưng tăng dần cường độ. Sau đó người bệnh thấy đau đầu dữ dội, uống thuốc không giảm, kèm các biểu hiện cổ cứng, ói, sợ ánh sáng, sốt cao;

-Đau đầu do dị dạng mạch máu não: Dị dạng mạch máu não là hiện tượng các mạch máu bất thường, rối loạn trong não. Những dị dạng mạch máu này khi vỡ gây chảy máu não. Đây là một căn bệnh bẩm sinh và hết sức nguy hiểm. Dị dạng mạch máu não có thể gây ra xuất huyết não, động kinh, nặng có thể hôn mê và tử vong. Nếu bạn còn trẻ tuổi hay bị đau đầu dữ dội, đã đi khám bệnh và dùng nhiều loại thuốc không có kết quả, có thể bạn mắc phải chứng dị dạng mạch máu não. Trong trường hợp này, bạn cần đi chụp mạch não để xác định chẩn đoán. Đau đầu là một triệu chứng của bệnh lý dị dạng mạch máu não. Cơn đau có diễn tiến âm ỉ, dai dẳng, đôi khi bùng lên cơn đau dữ dội có thể kèm theo liệt run;

-Đau đầu do xuất huyết não: Đây là dạng đau đầu đột ngột, cơn đau dồn dập khủng khiếp và có thể liệt nửa người, hôn mê nhanh. Xuất huyết não là bệnh khởi phát đột ngột và dữ dội. Bệnh nhân có thể bị xuất huyết não ngay trong lúc làm việc, sinh hoạt bình thường, thậm chí ngay cả trong lúc ngủ cũng có thể hứng chịu cơn xuất huyết não.


Hình 18

Bên cạnh việc dùng thuốc, để phòng chứng đau đầu (vì bất kỳ nguyên nhân gì), người bệnh cần lưu ý các liệu pháp như: cần sự thay đổi lối sống, cách làm việc hiệu quả, tinh thần thoải mái là liều thuốc tốt nhất để phòng bệnh. Việc thay đổi lối sống cần áp dụng đầu tiên là ăn chế độ ăn lành mạnh và giữ cân nặng hợp lý, trong tầm kiểm soát. Người bệnh cũng cần phải điều chỉnh khẩu phần ăn, tránh ăn những thức ăn có thể gây khởi phát cơn đau nửa đầu (tôm, cua, cá, sò, ốc, chocolate, ca cao, pho mát, bơ hoặc uống một số thức uống có cồn).

Những người có hút thuốc, uống rượu, béo phì... thường có khuynh hướng dễ bị đau đầu hơn. Nếu trong cuộc sống không thể tránh khỏi stress, bạn hãy học cách khắc phục và hóa giải stress tốt hơn. Nên giảm áp lực công việc, tránh những căng thẳng, cố gắng giữ cho mình có một tinh thần lạc quan yêu đời. Chuyên cần tập luyện thể dục thể thao, đi bộ, yoga, dưỡng sinh, khí công. Hãy học cách thư giãn, thể dục nhẹ trước khi đi ngủ để có giấc ngủ tốt hơn, cố gắng ngủ đúng giờ, tránh ngủ ngày quá nhiều để có được giấc ngủ ngon và phòng ngừa đau đầu hiệu quả.


Trần Thanh T., 39 tuổi, La Gi, Bình Thuận, leoanhuyen56@

Hỏi: Kính thưa các bác sỹ cho em hỏi khi dùng thuốc dạng băng dán ngoài da, ngoài tác dụng chữa bệnh còn có tác dụng ngoại ý nào khác? Cháu xin cảm ơn!

Trả lời: Đây là một câu hỏi mà ít người dùng các chế phẩm này không hiểu hết tác dụng chữa bệnh hoặc ngăn ngừa các chứng bệnh cũng như các tác dụng ngoại ý của thuốc trong chế phẩm dán xuyên da đang có trên thị trường (dạng chống say tàu xe dán sau tai) hay trong lâm sàng điều trị tim mạch (dạng có thuốc dán vành chống đau thắt ngực dán ở ngực). Ngoài các tác dụng như thế, chúng không thể tránh khỏi một số tác dụng ngoại ý của thuốc bên trong nếu cho bênh nhân phơi nhiễm và giữ lâu miếng dán này.

Dùng thuốc dưới dạng băng dán trên da là hình thức khá phổ biến nhằm để điều trị hoặc phòng bệnh. Cũng vì cách dùng khá đơn giản này mà nhiều người lầm tưởng, có thể bị tác dụng phụ nguy hiểm khi dùng thuốc dạng băng dán.


Hình 20

Thuốc ở dạng băng dán xuyên da thường là băng mỏng, thường có hình chữ nhật hay hình tròn. Có hai loại, đó là loại dán lên da cho tác dụng tại chỗ chỉ có tác dụng giảm đau ở chỗ vùng dán. Còn loại thứ hai mặc dù dán lên da nhưng thuốc ngấm xuyên qua da, đi vào mạch máu, cho tác dụng toàn thân (tác dụng không khác gì thuốc uống hay tiêm). Dạng thuốc dán thấm qua da cho tác dụng toàn thân còn được gọi là “hệ điều trị xuyên da” (transdermal therapentic system_TTS, sau tên thuốc của dạng thuốc này thường có chữ TTS). Sau khi dán, dược chất sẽ thấm xuyên qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào hệ tuần hoàn chung và cho tác dụng toàn thân.

Dạng thuốc này có các ưu điểm như không làm thương tổn cơ quan tiêu hóa, không gây tai biến và bất tiện như dạng thuốc tiêm, không có sự biến đổi hấp thụ và bị gan chuyển hóa như dạng thuốc uống; có thể cung cấp dược chất liên tục mà không phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày. Nếu cần ngưng ngay điều trị thì chỉ cần bóc miếng băng dán ra khỏi da.

Do có nhiều ưu điểm nên băng dán xuyên da hiện được dùng điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như: đau thắt ngực, phòng ngừa nhồi máu cơ tim, say tàu xe, rối loạn mãn kinh do thiếu hormon sinh dục nữ, điều trị hỗ trợ chống đau nhức nghiêm trọng như ung thư giai đoạn cuối, cai nghiện thuốc lá. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng dễ gây tai biến trên bệnh nhân.

Một số tác dụng ngoại ý do dùng băng dán xuyên da có thể gặp khi dùng dạng thuốc này như dược phẩm nên dạng thuốc băng dán xuyên da có thể cho tác dụng phụ giống như dạng thuốc uống hay tiêm. Đây là điều mà người sử dụng cần đặc biệt lưu ý. Như fentanyl-TTS chứa dược chất giảm đau gây nghiện có thể gây khó thở, thở chậm, suy hô hấp. Miếng dán xuyên da chống nôn chứa scopolamin, bên cạnh tác dụng chống co thắt, chống nôn cũng đồng thời có thể gây tác dụng phụ gọi là liệt đối giao cảm (có tác động đến hệ thần kinh) làm khô miệng, táo bón, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn điều tiết mắt làm mắt nhìn mờ, hoa mắt.

Trường hợp bị tác dụng phụ phải ngưng ngay sự điều trị bằng cách bóc băng dán ra khỏi da, nếu đang dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ phải báo cho bác sĩ biết. Cũng vì nguy cơ gây tác dụng phụ mà nhiều loại băng dán xuyên da chống chỉ định với phụ nữ có thai, đang cho con bú, trẻ em (trẻ dưới 12 tuổi không dùng fentanyl-TTS, trẻ dưới 8 tuổi không dùng scopoderm TTS). Do băng dán xuyên da là dạng thuốc đặc biệt cho tác dụng toàn thân nên ta phải thận trọng khi dùng và lưu ý:

-Tuy chứa cùng dược chất nhưng thuốc dán xuyên da của các hãng khác nhau có thể có cách sử dụng khác nhau;

-Tuân theo sự hướng dẫn về cách dùng như thời điểm dán, dán trong bao lâu, nơi dán, khoảng cách giữa hai lần dán, cách hủy băng dán sau khi dùng xong để hạn chế các tác dụng ngoai ý có thể gặp phải;

-Nhiều người có tâm lý dán thật nhiều thì tác dụng mới nhanh và lâu nên thường sử dụng một lúc 2, 3 miếng dán hoặc sử dụng cùng lúc với thuốc uống. Việc làm này rất phản khoa học thường gây ra những phản ứng ngược, nảy sinh các tác dụng ngoại ý bởi khi tung ra thị trường, nhà sản xuất đã tính toán được liều lượng thuốc tốt nhất có trong miếng dán, phù hợp với thể trạng của người sử dụng;

  
Hình 21-22

-Khi dùng nhiều miếng dán cùng lúc, thuốc sẽ ngấm hết qua da, thẩm thấu vào máu với liều lượng rất cao. Khi đó người sử dụng đang ở trong tình trạng dùng thuốc quá liều, các tác dụng ngoai ý rất khó tránh và sẽ nặng hơn, thậm chí nguy kịch vì ngộ độc thuốc. Đặc biệt với loại miếng dán chống say xe, tuyệt đối không dùng kết hợp cả miếng dán và thuốc uống, thuốc tiêm chống say xe. Việc dùng nhiều loại thuốc cùng lúc sẽ khiến thần kinh trung ương và toàn thân bị chi phối bởi nhiều loại thuốc, tình trạng quá liều luôn thường trực, tai biến, ngộ độc do thuốc luôn cận kề, chưa kể những tương tác thuốc sẽ khiến cơ thể phải chịu những hậu quả khó lường;

-Trước khi dán, vùng da đó phải được làm sạch, khô nhằm giữ miếng băng dán được lâu. Nếu miếng băng dán có nguy cơ bị rớt ra, nên dán thêm băng keo xung quanh rìa của miếng dán. Có một số loại băng dán trong khi dán thuốc vẫn có thể tắm rửa nhưng không được chà xát chỗ dán bằng xà phòng (cần xem kỹ bản hướng dẫn về điều này);

-Không nên dán miếng dán xuyên da ở nơi da bị kích thích hay trầy xước vì sẽ làm tăng sự thẩm thấu qua da của hoạt chất này và có thể gây ngộ độc;

-Dán đúng vị trí theo sự hướng dẫn. Ví dụ, dán nitroderm TTS (trị đau thắt ngực) vào vùng da trước ngực, dán scopoderm TTS (phòng say tàu xe) vào vùng da khô sau tai 4 giờ trước khi lên xe (nếu sáng sớm ngày hôm sau khởi hành, nên dán vào đêm ngay trước khi ngủ để thuốc có đủ thời gian thấm qua da vào máu).

-Về loại băng dán cho tác dụng tại chỗ cũng cần lưu ý, không nên dán vào chỗ trầy xước hoặc có vết thương, vì hoạt chất có thể thấm vào bên trong cơ thể gây hại. Ví dụ băng dán chứa methyl salicylat, menthol, camphor, thymol... trong đó methyl salicylat nếu thấm nhiều vào máu sẽ gây độc;

-Sau khi dùng, không nên bỏ miếng dán bừa bãi (nên bỏ vào thùng rác có nắp đậy kín) vì lượng thuốc còn thừa có thể gây hại cho trẻ em nếu chúng lấy dán vào da.

Trên đây là một số loại thuốc liên quan đến hệ dán điều trị xuyên da, có tác dụng kiểm soát triệu chứng, nhưng khi sử dụng cũng nên lưu ý các tác dụng ngoại ý do hoạt chất gây ra.

Lê Thị Lê H., 38 tuổi, TT Eakar, Đăk Lăk

Hỏi: Kính chào bác sỹ, em đang làm nghề buôn bán kinh doanh xe máy và thường xuyên vệ sinh kinh nguyệt, vệ sinh hàng ngày rất sạch sẽ và quan hệ lành mạnh. Tuy nhiên, không hiểu tại sao trong hai năm qua em thường xuyên bị viêm bàng quang tái lại nhiều lần không điều trị dứt điểm, em có nói chồng em thử nước tiểu không thấy nhiễm trùng. Vậy đâu là nguyên nhân em bị tái đi tái lại, chắc là không phải do vệ sinh (vì em ở sạch sẽ). Kính mong quý bác giúp em lời khuyên!

Trả lời: Chúng tôi rất thông cảm và chia sẻ với các khó chịu về viêm bàng quang của bạn. Trong thực tế chúng tôi thường tiếp nhận các câu hỏi nan ná như chi hỏi gồm có viêm bàng quang có phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs)? Những nguyên tắc cơ bản của vệ sinh phụ nữ để ngăn ngừa viêm sinh dục là gì? Vì sao quan hệ tình dục dễ gây viêm bàng quang-tiết niệu? Nội tiết tố nữ có vai trò gì trong vấn đề này?


Hình 24

Rất hiếm khi và chỉ là ngoại lệ nếu như viêm bàng quang tái phát bị gây ra bởi vi trùng gây bệnh lây truyền qua đường tình dục và tất nhiên, nếu có viêm bàng quang sau quan hệ tình dục không an toàn hoặc viêm bàng quang phối hợp với biểu hiện viêm phụ khoa thì cũng cần phải làm các khám nghiệm loại trừ bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vi trùng thường gặp trong viêm bàng quang thông thường có nguồn gốc từ đường tiêu hoá, nhất là vây nhiễm từ đại tràng sang vùng chậu hông và tiết niệu như E. coli, Proteus spp., Enterobacter spp.…. Trong khi đó, bệnh lây truyền qua đường tình dục lại là do Chlamydia trachomatis, Neisseria gonorrhoeae và đôi khi là do virus Herpes spp.. Những loại này có thể biểu hiện với hội chứng giả viêm bàng quang.


Hình 25

Quan hệ tình dục có thể gây khởi phát viêm bàng quang do 3 yếu tố: (i) Yếu tố cơ học: Động tác giao hợp làm niệu đạo bị kéo giãn và tiếp xúc với vi khuẩn ở âm đạo. Động tác giao hợp góp phần đẩy các chất tiết trong các tuyến nhỏ kéo theo vi khuẩn vào lòng niệu đạo, âm đạo. Hơn nữa, giao hợp gây tình trạng viêm niêm mạc làm niệu đạo dễ bị nhiễm trùng; (ii) Yếu tố nhiễm khuẩn: Giao hợp gây tiết ra vi trùng của hệ sinh thái vi khuẩn bình thường có trong âm đạo. Hệ sinh thái vi khuẩn này không gây bệnh cho âm đạo nhưng có thể gây bệnh cho niêm mạc niệu đạo; (iii) Yếu tố cảm xúc: Những hưng phấn do giao hợp có thể gây phản ứng tiết ra Endorphine gây hại cho miễn dịch địa phương.

Viêm bàng quang hay gặp hơn ở phụ nữ mang thai và phụ nữ tiền/mãn kinh cho thấy vai trò ảnh hưởng của những biến đổi nội tiết tố  với viêm bàng quang. Nói một cách chính xác hơn, sự thiếu hụt nội tiết tố nữ estrogene là 1 trong các nguyên nhân gây viêm bàng quang. Sự mất rối loạn cân bằng nội tiết tố làm niêm mạc niệu đạo và âm đạo bất ổn định trong khi có sự mất thăng bằng của hệ vi khuẩn lành trong âm đạo, một số vi trùng tăng sinh có thể gây bệnh cho niêm mạc niệu đạo. Bên cạnh đó, thiếu vệ sinh tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sản mạnh mẽ, do vậy phải vệ sinh thường xuyên sạch sẽ và thường xuyên thay băng vệ sinh. Tuy nhiên, việc làm vệ sinh quá mức hoặc sử dụng các sản phẩm không phù hợp có thể gây ra những chấn thương cơ học và tổn thương hóa học cho niêm mạc bộ phận sinh dục. Hệ sinh thái vi trùng của âm đạo và âm hộ rất dễ bị tiêu huỷ. Việc làm mất đi vi trùng lành do rửa quá nhiều hay dùng các sản phẩm vệ sinh không thích hợp sẽ kích thích sự phát triển của loại vi khuẩn gây bệnh.


Hình 26

Cuối cùng, quần áo quá chật sẽ gây tăng nhiệt độ và độ ẩm tại chỗ thuận lợi cho sự phát triển của vi trùng gây bệnh. Có 10 lời khuyên để tránh viêm bàng quang tái phát lại:

-Uống đủ nước 1,5-2 lít mỗi ngày;

-Không nhịn tiểu, nếu có điều kiện đi tiểu khi cần thiết và đủ lượng;

-Đi tiểu ngay sau khi giao hợp vợ chống/bạn tình;

-Tránh để ẩm và nóng vùng sinh dục tiết niệu;

-Vệ sinh bộ phận sinh dục từ trước ra sau;

-Tránh táo bón;

-Không vệ sinh tại chỗ thái quá cũng như không lạm dụng nước rửa vệ sinh phụ nữ quá nhiều;

-Giữ vệ sinh khi thấy kinh nguyệt;

-Không tự dùng thuốc, đặc biệt kháng sinh cần phải dùng theo kết quả kháng sinh đồ để tránh kháng thuốc và rút ngắn thời gian điều trị;

-Điều trị cùng lúc cho cả vợ và chồng hay bạn tình nếu bị bệnh lây qua đường tình dục.

Ngày 04/01/2017
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích