|
Tiếp xúc với động vật nuôi ở trong nhà có thể bị dị ứng (ảnh minh họa) |
Dị nguyên nguồn gốc động vật có thể gây dị ứng
Dị ứng là một phản ứng khác thường của cơ thể con người khi tiếp xúc với một dị nguyên lần thứ hai hoặc những lần sau đó. Các loại dị nguyên có nguồn gốc động vật như biểu bì, lông vũ, bụi lông gia súc ngựa, chó, cừu, mèo; các loại côn trùng như ong mật, ong vò vẽ, bướm, châu chấu, bọ hung, rệp; vảy da, móng vuốt, mỏ của nhiều loại động vật; bộ da, lông súc vật của cừu, chồn dùng làm đồ trang sức, may quần áo; lông gà, vịt, chim dùng làm gối, nệm... là những dị nguyên có thể gây dị ứng. Đây là loại dị nguyên ngoại sinh không nhiễm trùng gây dị ứng thường gặp hàng ngày nhưng ít được chú ý để phòng ngừa.
Tính kháng nguyên của dị nguyên Theo các nhà khoa học, tế bào của những loại động vật khi xâm nhập vào cơ thể con người qua nhiều đường khác nhau sẽ mang tính kháng nguyên, chúng có thể là nguyên nhân gây nên nhiều phản ứng và bệnh dị ứng thường hay gặp. Tính kháng nguyên của dị nguyên phụ thuộc vào một số các điều kiện như: Có bản chất lạ đối với cơ thể, phân tử dị nguyên không được giống với bất cứ một phân tử nào của cơ thể; đây là điều kiện tuyệt đối cần thiết đối với dị nguyên; trên cơ thể không bao giờ tổng hợp kháng thể chống lại những thành phần của bản thân nó, trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Phân tử lượng của dị nguyên phải lớn, các chất có phân tử lượng nhỏ không có tính kháng nguyên; theo quy luật chỉ có những chất có phân tử lượng lớn hơn 10 ngàn đến 20 ngàn mới bắt đầu có tính kháng nguyên nhưng tính chất này còn yếu, ngay cả với các chất có phân tử lượng nhỏ hơn 40 ngàn; những chất có cấu trúc hóa học phức tạp có phân tử lượng càng lớn, có thể hơn 600 ngàn thì tính kháng nguyên càng mạnh; tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ; thực tế dextran có phân tử lượng 100 ngàn nhưng tính kháng nguyên của nó rất yếu, ngược lại glucagon là nội tiết tố của tuyến tụy tạng tuy phân tử lượng là 3,8 ngàn và insulin có phân tử lượng 6 ngàn nhưng tính kháng nguyên của hai chất này khá mạnh. Một số hóa chất có phân tử lượng nhỏ như chlorua picryl, formol... vẫn có tính kháng nguyên và gây nên tình trạng dị ứng như viêm da tiếp xúc; các chất này làm biến chất protein của cơ thể, chính các protein biến chất mới có tính kháng nguyên đầy đủ, còn các loại hóa chất chỉ tham gia với tư cách là bán kháng nguyên, đây là những kháng nguyên không có khả năng kích thích sinh kháng thể nhưng khi gặp kháng thể thì kết hợp đặc hiệu. Dị nguyên có nguồn gốc động vật Những dị nguyên có nguồn gốc động vật phổ biến là biểu bì, lông vũ, bụi lông gia súc của ngựa, chó, cừu, mèo...; các loại côn trùng như ong mật, ong vò vẽ, bướm, châu chấu, bọ hung, rệp...; vảy da, móng vuốt, mỏ của nhiều loại động vật. Ngoài ra, bộ da lông súc vật của cừu, chồn dùng làm đồ trang sức, may quần áo; lông gà, vịt, chim dùng làm gối, nệm... cũng có thể là những dị nguyên gây dị ứng. Hoạt chất gây dị ứng của các dị nguyên này hiện nay vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Thành phần chủ yếu của tóc, lông vũ, vảy da là chất sừng có nhiều nguyên tố sulfua trong các phân tử acid amin như cystin, methionin; chất sừng không tan trong nước và không chiết xuất được bằng dung dịch coca. Trong vảy da ngựa có hai thành phần là thành phần có sắc tố và thành phần không có sắc tố, vảy da ngựa có loại dị nguyên protein với phân tử lượng 40 ngàn, cũng có thể tìm thấy 7 thành phần protein trong đó có một thành phần protein có tính kháng nguyên mạnh nhất và kết tủa trong dung dịch amoni sulfat 55 - 85% bảo hòa; trong điện di, thành phần protein nói trên di chuyển trong vùng beta-globulin, có 9% hexose ở dạng galactose, maltose mà phân tử lượng là 34 ngàn. Trên thực tế thường hay gặp các hội chứng dị ứng như hen phế quản, viêm mũi, nổi mày đay, chàm do lông vũ, lông súc vật, vảy da động vật phát hiện được trong những công nhân ở các trại chăn nuôi bò, cừu, lợn; xí nghiệp nuôi gà, vịt; xí nghiệp lông vũ, nhà máy thuộc da và làm nệm, nhân viên cửa hàng cắt tóc; công nhân viên tại các trại chăn nuôi gia súc thí nghiệm như chột bạch, chuột cống, thỏ, khỉ, gà... Nhiều người mặc quần áo may bằng chất liệu lông có thể bị dị ứng như áo măng tô lông, áo lông, khăn quàng lông, tất tay lông... Dùng áo len đan hay mũ đội đầu có lông chim cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh dị ứng. Các nhà khoa học đã có nhiều thông báo về những người bệnh bị bệnh hen phế quản do tiếp xúc với lông chim vẹt, bạch yến, bồ câu... Lưu ý trong nọc ong của ong mật, ong vò vẽ được sử dụng như là một loại dược liệu quý dùng để chữa bệnh có 3 loại protein có khả năng gây dị ứng như: Protein I có 18 acid amin với độc tính, không có enzym, phân tử lượng là 35 ngàn làm tan hồng cầu, giảm huyết áp ngoại vi, tác động đến thành mạch và gây nên phản ứng viêm tại chỗ. Protein II có 21 acid amin và 2 loại enzyme là hyaluronidase làm tiêu chất cơ bản của tổ chức liên kết tạo điều kiện cho nọc lan truyền trong da, dưới da, tăng tác dụng tại chỗ của nọc; enzyme phospholipase A tách lecithin thành mấy chất khác nhau, trong đó có sản phẩm của isolecithin làm tan huyết và tiêu tế bào; chính thành phần protein II là nguyên nhân làm giảm độ đông máu khi bị nhiều con ong đốt cùng một lúc. Riêng protein III chưa rõ bản chất của thành phần. Bên cạnh những tính năng dược liệu quý của nọc ong như có tác dụng kháng sinh mạnh, tăng sức đề kháng cơ thể, tăng chuyển hóa, giảm đau, chống dị ứng...; nọc ong có thể gây nên phản ứng dị ứng như nổi mày đay, mẩn ngứa, phù Quincke, sốc phản vệ... Liều nọc nong có thể gây chết người là khoảng 300 đến 500 con ong đốt cùng một lúc tạo nên cơn sốc rất nặng do tổn thương hệ thần kinh, tuần hoàn, tiêu máu, chậm đông máu. Tuy nhiên trên thực tế đã có một số trường hợp bị sốc phản vệ trầm trọng do chỉ có một vài con ong đốt gây nên. Nọc ong dùng để chữa bệnh là loại có liều nhỏ, khi cho ong đốt hoặc tiêm nọc ong vào cơ thể sẽ tạo ra sức đề kháng mới và hình thành tình trạng miễn dịch với nọc ong. Ngoài ra, các loài bướm, rệp, châu chấu, bọ hung cũng là những dị nguyên hay gặp. Khi bướm vẫy cánh, lớp phấn trên cơ thể tung ra, rơi xuống và được gió cuốn đi xa; đây là những dị nguyên rất mạnh, người bị dị ứng với dị nguyên này có thể lên cơn hen phế quản, viêm mũi, nổi mày đay, mẩn ngứa... Phòng ngừa dị ứng có dị nguyên từ động vật Việc phòng ngừa dị ứng với các dị nguyên có nguồn gốc từ động vật đã được nêu ở trên muốn thực hiện có hiệu quả phải chú ý tránh sự tiếp xúc trực tiếp với các dị nguyên này, đặc biệt là đối với những người dễ bị mẩn cảm dị ứng. Không cho các loại động vật nuôi có điều kiện tiếp xúc với người ở trong nhà ở, nhất là ở phòng ngủ; nên tiếp xúc các động vật nuôi ở môi trường ngoài trời; phải rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc thuốc sát trùng sau khi tiếp xúc với các loại động vật, kể cả động vật nuôi ở trong nhà như chó, mèo; nên tắm cho các loại động vật nuôi ở trong nhà ít mất mỗi tuần một lần, đồng thời vệ sinh nơi ở của chúng sạch sẽ và lại bỏ đi những tấm thảm hay chăn mền quá cũ. Thận trọng khi tiếp xúc với môi trường nghi ngờ có các loại côn trùng hoạt động như ong mật, ong vò vẽ, bướm, châu chấu, bọ hung, rệp... cũng như vảy da, biểu bì, lông vũ, bụi lông, móng vuốt, mỏ của các loại động vật. Lưu ý việc sử dụng các loại đồ dùng, trang sức, áo quần được sản xuất bằng vật liệu lông gà, lông vịt... vì chúng cũng có thể gây nên tình trạng dị ứng.
|