Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 7 7 2 7 8
Số người đang truy cập
2 3 3
 Tư vấn sức khỏe Hỏi-Đáp
Trả lời câu hỏi bạn đọc về chuyên ngành ký sinh trùng và y học thường thức tháng 3-2017

Lê Quang Nghĩa T., 41 tuổi, ở TP. Cần Thơ, 0918….

Hỏi: Kính thưa các bác sỹ, vừa qua xóm em ở người hóc xương và cục thịt bị cấp cứu nhưng sau đó qua đỏi, em xin hỏi làm thế nào cấp cứu hóc xương và các dị vật khác tốt nhất và hiệu quả nhất nhằm cứu sống tốt nhất cho người không may bị hóc vậy bác sỹ!

Trả lời: Cảm ơn câu hỏi của bạn như một chia sẻ cho tất cả mọi người về tình trạng cấp cứu thường ngày có thể xảy ra trên cả người lớn và trẻ em nhỏ và người lớn tuổi khi không có bác sỹ ở gần bện. Có thể gần đây, anh chị có nghe về thông tin của các bác sĩ của Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai vừa xử lý thành công hai ca dị vật  phế quản ở hai bệnh nhân. Đây là hai trường hy hữu: Một dị vật là viên thuốc con nhộng còn nguyên vỏ nhôm sau 1 tháng nằm trong phế quản bệnh nhân và một dị vật là hạt hồng xiêm được tìm thấy sau đúng 1 năm. Bệnh nhân Đ.V.T (47 tuổi, Nghĩa Hưng, Nam Định) đến khám tại phòng khám Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai ngày trong tình trạng ho kéo dài, đau ngực bên phải. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị giãn phế quản, theo dõi dị vật đáy phế quản phải. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân được tiến hành nội soi phế quản gây mê gắp ra dị vật là một hạt hồng xiêm và có nhiều dịch mủ đục phía dưới chỗ tắc. Trước đó, ngày 22/02/2017, Trung tâm Hô hấp cũng phát hiện và gắp thành công một viên thuốc con nhộng còn nguyên vỏ nhôm từ phế quản gốc bên phải của một bệnh nhân nam 67 tuổi đến từ xã Vũ Phúc, TP. Thái Bình.


Hình 1

Theo hồ sơ bệnh án, ngày 22/02/2017, bệnh nhân H.V.H (67 tuổi, TP. Thái Bình) được nhập viện trong tình trạng ho kéo dài, đã đi khám và điều trị một số nơi nhưng không đỡ. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp và dựa vào kết quả phim chụp, các bác sĩ Trung tâm Hô hấp phát hiện có một dị vật ở phế quản gốc bên (P). Sau đó, bệnh nhân được chỉ định nội soi gây mê lấy dị vật, sau khoảng 20 phút, các bác sĩ đã gắp được một viên thuốc comazil (là một loại thuốc chữa cảm cúm) còn nguyên vỏ nhôm từ phế quản gốc bên (P). Đây là một trường hợp khá hy hữu bởi dị vật mà các bác sĩ lấy ra được là một viên thuốc con nhộng còn nguyên vỏ nhôm bên ngoài rất sắc nhọn nên có nguy cơ gây tổn thương và viêm phế quản, viêm phổi rất cao. Theo người nhà bệnh nhân kể, trước đây khoảng 1 tháng, bệnh nhân bị ho nên đã tự ra hiệu thuốc mua thuốc về uống. Được cô dược sĩ bán cho khoảng 20 viên mỗi liều cho riêng vào 1 túi nên khi uống bệnh nhân đã cho cả vốc thuốc đó vào miệng mà quên không kiểm tra thuốc đã bóc vỏ hay chưa. Sau khi uống, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng của hội chứng xâm nhập như ho sặc sụa, khó thở. Sau đó vài ngày có sốt nhẹ, bệnh nhân đã đi khám ở một vài phòng khám nhưng không phát hiện ra nguyên nhân.


Hình 2

Từ hai trường hợp bệnh nhân trên, GS.TS. Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: Người dân không nên tự ý mua thuốc về uống và chỉ uống thuốc theo đơn có hướng dẫn của bác sĩ. Khi uống thuốc, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn và kiểm tra đơn thuốc xem đã uống đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng loại thuốc và cách sử dụng...Đặc biệt, người bệnh cần uống từ từ để chắc chắn đã bóc hết vỏ nhựa, vỏ nhôm để tránh những trường hợp đáng tiếc như trên. Với những bệnh nhân bị sặc hoặc hóc dị vật, cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra và xử lý kịp thời, tránh các biến chứng có thể xảy ra như rách, xước đường thở, đường tiêu hóa, gây nhiễm trùng, áp-xe…Đối với những trường hợp hóc dị vật là những vật sắc nhọn, đã được nuốt sâu vào trong phế quản, các bác sĩ cũng khuyến cáo không được sử dụng thủ thuật Heimlich hoặc gây nôn vì sẽ gây tổn thương thêm (chỉ áp dụng đối với trường hợp hóc dị vật là những vật tròn, nhỏ, không sắc cạnh và chưa đi sâu vào trong phế quản).

Liên quan đến câu chuyện hóc dị vật ở trẻ nhỏ. Hai mẩu chuyện nhỏ dưới đây xảy ra khá lâu, xin kể lại nhằm giúp các ông bố, bà mẹ trẻ cùng các cô trông giữ trẻ cũng như các chị giúp việc tại các gia đình có các bé nhỏ tuổi cần quan tâm... đề phòng bất trắc khi chăm sóc trẻ có thể dẫn đến tử vong cho bé, vì sơ suất gây sặc thức ăn vào đường thở, gây suy hô hấp. Năm 1960, tại nhà trẻ của Sở Y tế và Bệnh viện Khu Tự trị Thái-Mèo đặt tại Thuận Châu (thuộc tỉnh Sơn La ngày nay) xảy ra một sự việc đau lòng vì bé gái 2 tuổi bị chết do sặc cháo, gây tắc thở. Nguyên do vì chị Th. - người trông giữ trẻ đã cố ép cháu nuốt thìa cháo trong khi cháu đang khóc quấy, không chịu ăn. Hoảng hốt, chị Th. đã bế cháu đến bệnh viện trong tình trạng môi mặt tím ngắt, tim ngừng đập, phổi ngừng thở, đồng tử giãn, hết phương cứu chữa... Cơ quan đã tổ chức ngay một đợt học tập để nâng cao kiến thức chăm sóc trẻ dành cho các chị công tác ở đây và ban nữ công cùng công đoàn cơ quan phân công thay nhau đến kiểm tra nhắc nhở thường xuyên và động viên giúp hoạt động của nhà trẻ sớm hoạt động đi vào ổn định, để các ông bố, bà mẹ có con gửi nhà trẻ yên tâm công tác...


Hình 3

Vào năm 1972, Sau khi đi công tác về, một ông bố mua chút quà cho cháu là gói kẹo bi - một loại kẹo làm từ đường được cô lên rồi viên tròn như viên bi, đóng gói bán cho khách. Cháu mừng lắm, ngồi vào lòng bố rồi mở gói kẹo nhón một viên cho vào miệng, trong khi vừa ngậm viên kẹo lại vừa kể bi bô chuyện nhà cho bố nghe. Bỗng tôi thấy cháu ngừng nói, nhìn thấy mặt cháu biến sắc hơi tím tái, tôi vội cúi gập người cháu xuống gối của mình, rồi lấy tay phải ép mạnh vào bụng cháu, đẩy ngược lên phía trên đầu cháu làm áp lực ổ bụng tăng, đẩy cơ hoành ép vào hai đáy phổi, dồn không khí ngược từ phổi ra khí quản, tống viên kẹo bi bật ngược lại và nằm lại trong miệng, tôi vội móc viên kẹo bi ra khỏi miệng cháu, nhờ vậy, cháu thở lại được, da mặt và môi hồng trở lại. Nếu khi đó ẵm ngửa cháu mang đi cấp cứu thì chẳng khác nào đẩy viên kẹo bi vào sâu đường thở làm chẹn kín khí quản, gây tắc thở hoàn toàn và mọi sự chấm hết).


Bạn đọc ngoài ngành y cần hiểu biết đôi chút cấu tạo về cơ thể của người là thực quản đi từ miệng mang thức ăn, nước uống, thuốc men... xuống dạ dày, nó nằm ngay và gắn sát trước thanh quản (đoạn đầu của khí quản, có nhiệm vụ trong việc hít thở, trao đổi khí cho con người). Ở đầu thực quản có nắp đậy bằng một loại cơ, mở ra để đón thức ăn xuống thực quản, trong khi đó, thanh quản cũng có nắp nhưng được đóng kín lại, không để lọt thức ăn, uống vào đường thở. Nếu vừa ăn, vừa nói cùng lúc, hai nắp đậy thực quản và thanh quản cùng mở ra, dễ gây sặc vì thức ăn dễ dàng chui vào thanh quản, xuống khí quản, nếu nhẹ thì khí quản sẽ đẩy thức ăn ra, bật lên vòm mũi họng gây hắt hơi kèm thức ăn, uống, còn nặng hơn thì nguy hiểm. Vì vậy, khi cho bé ăn (cháo hoặc uống sữa, bú sữa...),  nên lưu ý tuyệt đối không ép bé ăn, bú khi nó đang khóc phản ứng sẽ gây tai nạn cho bé. Phải thật bình tĩnh tìm cách hút thức ăn ra khỏi miệng bé, gấp người bé cúi tối đa, ép bụng, dồn lên phía trên, làm tăng áp lực không khí ở đường thở để tống dị vật ra ngoài, như mô tả ở trên. Các thức ăn trước khi chế biến cần cắt nhỏ, nấu nhừ, kẹo bánh cứng phải được người lớn làm nhỏ trước khi cho trẻ ăn, chỉ cho trẻ ăn ít một, không nên đùa giỡn, nói chuyện nhiều khi trẻ ăn vừa gây mất vệ sinh do vi khuẩn bắn qua nước bọt truyền cho người xung quanh, tạo ra thói quen không đẹp trong ăn uống sau này khi trẻ trưởng thành...

Trên đây là một số ca bệnh tương đối điển hình về tình trạng hóc dị vật ở người lớn cả trẻ em mà chúng ta có thể gặp và cách ứng cứu kịp thời để cứu sống bệnh nhân. Các hình ảnh minh họa cũng cho biết cách sơ cấp cứu cho từng đối tượng mà bạn có thể tham khảo.

Lê Thị Nhi-lenhi4496@..............-Tuy Phước-Bình định

Hỏi: Bác sĩ cho em hỏi viện mình có tài liệu về bệnh do Sarcorcystis spp. và Toxoplasma gondii gây ra trên người không ạ ? nếu có có thể chia sẻ qua email giúp em được không ạ ? Em xin cảm ơn!

Trả lời: Xin cảm ơn bạn đã tín nhiệm viện chúng tôi để tìm tài liệu, song chúng tôi nghĩ rằng hiện nay thông tin có mọi nơi trên internet có cả dạng sách giáo khoa (Textboook) và tài liệu chuyên sâu về từng loại bệnh (Expert opinion) kể cả hai căn bệnh mà bạn đang tìm. Bạn có thể truy tìm trong:

- Tài liệu tiếng Việt ở các tài liệu liên quan đến bệnh học ký sinh trùng hoặc bệnh truyền nhiễm/ bệnh nhiệt đới ở các Viện, đó là các cuốn sách giáo khoa hoặc tái liệu giảng dạy sau đại học có cập nhật trong 2 năm trở lại đây của Viện Sốt rét-KST-CT TƯ;

- Tài liệu tiếng nước ngoài với các từ khóa trên là có đầy đủ, thường thì chúng tôi trích dẫn và tham khảo trên các tài liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO hay OMS) hoặc Trung tâm Phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC) hay CDC-DPDx là cập nhật nhất.


Hình 5


Mr dinh-Dinhmai1910@...............-Gia lai

Hỏi: Bệnh viện hiện nay xét nghiệm virut HP bằng phương pháp nào ạ?

Trả lời: Câu hỏi này khá thú vị, nhưng rất tiếc chúng tôi không biết anh chi hỏi câu hỏi này với mục đích gì, hiện nay loại xét nghiệm nào cho vi khuẩn Helicobacter pylori nhạy và đặc hiệu nhất là chúng tôi áp dụng. Viện có rất nhiều loại xét nghiệm khác nhau. Tùy vào mục đích điều tra dịch tễ học hay chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh thì chúng ta áp dụng loại xét nghiệm khác nhau và giá thành mỗi xét nghiệm cũng khác nhau.

Cảm ơn câu hỏi của bạn, thân chúc bạn khỏe!


Hình 6
 


Nguyễn Phúc N., 36 tuổi, Đông Hòa, Phú Yên

Hỏi: Xin hỏi cách đọc kết quả các xét nghiệm trong công thức máu mà vừa qua công ty tôi đi xét nghiệm khám sức khỏe đều có làm nhwung bác sỹ không có thời gian giải thích cho từng thông số ở trong công thức máu vì hầu như người nào cũng khác nhau ở các chỉ số. Do vậy, chúng tôi xin các bác sỹ giải thích từng thông số trong công thức máu ở phiếu khám sức khỏe vì các bác sĩ vẫn hay chỉ định bệnh nhân đi làm xét nghiệm máu. Trân trọng cảm ơn các bác sỹ!

Trả lời: Đúng quả thật đây là một câu hỏi khi chúng tôi ở phòng khám cũng có nhiều bệnh nhân và người nhà hỏi về các thông số được in đậm, gạch dưới khi có dấu bất thường so vớ trị số thông thường. Chúng tôi xin chia sẻ các bạn tìm hiểu về cách đọc kết quả xét nghiệm máu và các ý nghĩa của các thống số đó. Các thành phần của công thức máu toàn phần gồm:


Hình 6

-WBC (White Blood Cell hay số lượng bạch cầu trong một thể tích máu): Giá trị thường nằm trong khoảng từ 4.300 đến 10.800 tế bào/mm3, tương đương với số lượng bạch cầu tính theo đơn vị quốc tế là 4.3 đến 10.8 x 109tế bào/L. Chỉ số này sẽ tăng trong các tình trạng bệnh lý viêm nhiễm trùng, bệnh máu ác tính, các bệnh bạch cầu. Chỉ số này giảm trong thiếu máu do bất sản, thiếu hụt vitamin B12 hoặc folate, nhiễm khuẩn...

-RBC (Red Blood Cell hay số lượng hồng cầu trong một thể tích máu): Giá trị thường nằm trong khoảng từ 4.2 đến 5.9 triệu tế bào/cm3, tương đương với số lượng hồng cầu tính theo đơn vị quốc tế là 4.2 đến 5.9 x 1012tế bào/L. Thông số này tăng trong mất nước, chứng tăng hồng cầu hay thường gặp bình thường ở người sống trên các vùng cao Tây Nguyên. Thông số giảm trong thiếu máu.

-Hb (Hemoglobin hay lượng huyết sắc tố trong một thể tích máu): Hemoglobin là một loại phân tử protein có trong hồng cầu chuyên chở oxy và tạo màu đỏ cho hồng cầu. Giá trị thay đổi tùy giới tính, thường nằm trong khoảng từ 13 đến 18 g/dl đối với nam và 12 đến 16 g/dl đối với nữ (tính theo đơn vị quốc tế tương ứng là 8,1-11,2 millimole/L và 7,4 -9,9 millimole/L). Thông số này tăng trong mất nước, bệnh tim và bệnh phổi; giảm trong thiếu máu, chảy máu và các phản ứng gây tan máu.

-Hct (Hematocrite hay tỷ lệ thể tích hồng cầu trên thể tích máu toàn bộ): Giá trị thay đổi tùy giới tính, thường nằm trong khoảng từ 45 đến 52% đối với nam và 37 đến 48% đối với nữ. Thông số này tăng trong các rối loạn dị ứng, chứng tăng hồng cầu, hút thuốc lá, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh mạch vành, ở trên núi cao, mất nước, chứng giảm lưu lượng máu; giảm trong mất máu, thiếu máu, thai nghén.

-MCV (Mean corpuscular volume hay thể tích trung bình một hồng cầu): Giá trị này được lấy từ HCT và số lượng hồng cầu. Giá trị bình thường nằm trong khoảng từ 80 đến 100 femtoliter (1 femtoliter = 1/1triệu lít). Tăng trong thiếu vitamin B12, thiếu acid folic, bệnh gan, nghiện rượu, chứng tăng hồng cầu, suy tuyến giáp, bất sản tuỷ xương, xơ hoá tuỷ xương; giảm trong thiếu hụt sắt, hội chứng thalassemia và các bệnh hemoglobin khác, thiếu máu trong các bệnh mạn tính, thiếu máu nguyên hồng cầu, suy thận mạn tính, nhiễm độc chì.

-MCH (Mean Corpuscular Hemoglobin hay số lượng trung bình của huyết sắc tố có trong một hồng cầu): Giá trị này được tính bằng cách đo hemoglobin và số lượng hồng cầu. Giá trị bình thường nằm trong khoảng từ 27 đến 32 picogram. Tăng trong thiếu máu tăng sắc hồng cầu bình thường, chứng hồng cầu hình tròn di truyền nặng, sự có mặt của các yếu tố ngưng kết lạnh; giảm trong bắt đầu thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu nói chung, thiếu máu đang tái tạo.

-MCHC (Mean Corpuscular Hemoglobin Concentration hay Nồng độ trung bình của huyết sắc tố trong một thể tích máu): Giá trị này được tính bằng cách đo giá trị của hemoglobin và hematocrit. Giá trị bình thường nằm trong khoảng từ 32 đến 36%.


Hình 7

Trong thiếu máu tăng sắc: hồng cầu bình thường, chứng hồng cầu hình tròn di truyền nặng, sự có mặt của các yếu tố ngưng kết lạnh. Trong thiếu máu đang tái tạo có thể bình thường hoặc giảm do giảm folate hoặc vitamin B12, xơ gan, nghiện rượu.

-PLT (Platelet hay số lượng tiểu cầu trong một thể tích máu): Tiểu cầu không phải là một tế bào hoàn chỉnh, mà là những mảnh vỡ của các tế bào chất (một thành phần của tế bào không chứa nhân hoặc thân của tế bào) từ những tế bào được tìm thấy trong tủy xương. Tiểu cầu đóng vai trò sống còn trong quá trình đông máu, có tuổi thọ trung bình là 5 đến 9 ngày.

Giá trị thường nằm trong khoảng từ 150.000 đến 400.000/cm3 (tương đương 150-400 x 109/L). Số lượng tiểu cầu quá thấp sẽ gây mất máu. Số lượng tiểu cầu quá cao sẽ hình thành cục máu đông, làm cản trở mạch máu, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nghẽn mạch phổi, tắc nghẽn mạch máu...


Hình 8

Tăng trong những rối loạn tăng sinh tuỷ xương, bệnh bạch tăng tiểu cầu vô căn, xơ hoá tuỷ xương, sau chảy máu, sau phẫu thuật cắt bỏ lách..., dẫn đến các bệnh viêm. Giảm trong ức chế hoặc thay thế tuỷ xương, các chất hoá trị liệu, phì đại lách, đông máu trong lòng mạch rải rác, các kháng thể tiểu cầu, ban xuất huyết sau truyền máu, giảm tiểu cầu do miễn dịch đồng loại ở trẻ sơ sinh...

-LYM (Lymphocyte hay bạch cầu lympho): Lymphocyte giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Có rất nhiều nguyên nhân làm giảm lymphocytes như: giãm miễn nhiễm, nhiễm HIV/AIDS, Lao, sốt rét, ung thư máu, ung thư hạch... Giá trị bình thường nằm trong khoảng từ 20 đến 25%.

-MXD (Mixed Cell Count hay tỷ lệ pha trộn tế bào trong máu): Mỗi loại tế bào có một lượng % nhất định trong máu. MXD thay đổi tùy vào sự tăng hoặc giảm tỷ lệ của từng loại tế bào.

-NEUT (Neutrophil hay tỷ lệ bạch cầu trung tính): Giá trị bình thường nằm trong khoảng từ 60 đến 66%. Tỷ lệ tăng cao cho thấy nhiễm trùng máu. Tăng trong nhiễm khuẩn cấp, nhồi máu cơ tim cấp, stress, ung thư, bệnh bạch cầu dòng tuỷ; giảm trong nhiễm virus, thiếu máu bất sản, các thuốc ức chế miễn dịch, xạ trị...

-RDW (Red Cell Distribution Width hay độ phân bố hồng cầu): Giá trị này càng cao nghĩa là độ phân bố của hồng cầu thay đổi càng nhiều. Giá trị bình thường nằm trong khoảng từ 11 đến 15%. RDW bình thường và MCV tăng, gặp trong: thiếu máu bất sản, trước bệnh bạch cầu. Nếu MCV bình thường, gặp trong: thiếu máu trong các bệnh mạn tính, mất máu hoặc tan máu cấp tính, bệnh enzym hoặc bệnh hemoglobin không thiếu máu. Nếu MCV giảm: thiếu máu trong các bệnh mạn tính, bệnh thalassemia dị hợp tử. RDW tăng và:

·MCV tăng: thiếu hụt vitamin B12, thiếu hụt folate, thiếu máu tan huyết do miễn dịch, ngưng kết lạnh, bệnh bạch cầu lympho mạn.

·MCV bình thường: thiếu sắt giai đoạn sớm, thiếu hụt vitamin B12 giai đoạn sớm, thiếu hụt folate giai đoạn sớm, thiếu máu do bệnh globin.

·MCV giảm: thiếu sắt, sự phân mảnh hồng cầu, bệnh HbH, thalassemia.

-PDW (Platelet Disrabution Width hay độ phân bố tiểu cầu): Giá trị bình thường nằm trong khoảng từ 6 đến18%. Tăng trong ung thư phổi, bệnh hồng cầu liềm, nhiễm khuẩn huyết gram dương, gram âm; giảm trong nghiện rượu;

-MPV (Mean Platelet Volume hay thể tích trung bình của tiểu cầu trong một thể tích máu): Giá trị bình thường nằm trong khoảng từ 6,5 đến 11fL.


Hình 9

Tăng trong bệnh tim mạch, tiểu đường, hút thuốc lá, stress, nhiễm độc do tuyến giáp...; giảm trong thiếu máu do bất sản, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, hoá trị liệu ung thư, bạch cầu cấp;

-P-LCR (Platelet Larger Cell Ratio hay Tỷ lệ tiểu cầu có kích thước lớn): Giá trị bình thường nằm trong khoảng từ 150 đến 500 G/l (G/l = 109/l).

Hy vọng với các thông tin trên các anh chị có thể hiểu được sự bất thường hay bình thường trong công thức máu của mỗi người. Thân chúc khỏe!


Hằng-hang05022013@......

Hỏi: Em xin chào các anh chị trong viện! Cho em hỏi: Chồng em thỉnh thoảng cứ bị nổi mẩn đỏ và ngứa, hồi cuối tháng 1/2017 đi khám tại Viện Paster Nha Trang, bác sĩ kết luận là bị nhiễm sán chó, cho uống thuốc 2 tuần, sau đó, đầu tháng 3 đi tái khám lại, vẫn còn bị nhiễm sán nữa, kê thuốc uống 2 tuần, tới giờ vẫn cứ bị ngứa, mà cảm thấy còn ngứa nhiều hơn. Cho em hỏi bệnh này có nghiêm trọng không, và có thể chữa khỏi không ạ! Nếu như chồng em tới Viện sốt rét ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn khám, thì có phải ở lại điều trị cho bệnh này không. Và kinh phí cho mỗi lần khám như thế nào ạ. Em xin chân thành cảm ơn ạ

Trả lời: Xin chân thành cảm ơn tín nhiệm của chị đến với Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn chúng tôi, nếu chị đưa chồng ra khám thì nên đi vào sáng để có kết quả khám vào buổi chiều và tùy thuộc vào tình trạng bệnh, có thể ở lại điều trị nội trú hoặc điều trị ngoại trú cho thuốc về nhà uống. Chi phí cả xét nghiệm và điều trị thuốc dưới 1 triệu cho cả liệu trình điều trị. Xin cảm ơn chị!


Sanh-vansanhts77@...............-Thị trấn Phú Phong,Tây Sơn,Bình Đinh

Hỏi: Tôi có thẻ bảo hiểm đăng ký ở bệnh viện đa khoa khu vực Phú Phong muốn làm các xét nghiệm về giun ở Viện sốt rét ký sinh trùng Quy Nhơn. Vậy bảo hiểm có chi trả không? Nếu có bảo hiểm chi trả bao nhiêu %? Tôi xin cảm ơn!

Trả lời: Câu hỏi của bạn liên quan đến chi trả bảo hiểm trong chẩn đoán và điều trị giun sán tại Viện, rất tiếc hiện nay Viện chưa áp dụng khám chữa bệnh theo chương trình Bảo hiểm y tế nên nếu bạn đến xét nghiệm thì phải chi trả 100% nhé. Nếu lựa chọn theo cách thanh toàn bảo hiểm tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của bạn có thẻ đến khám và điều trị các tuyến điều trị phù hợp vẫn được bạn nhé.


Hình 10


NguyễnTrung Thành-nguyentrungthanhemon@..............-98/51ywang

Hỏi: Cho em hỏi, tại sao những người ở thể dị hợp tửhb lại có khả năng chống bệnh sốt rét tốt ạ. Em cảm ơn. Tb: Cho em xin kết bạn qua Facebook vs người trả lời câu hỏi này ạ!

Trả lời:Cảm ơn câu hỏi rất hay của bạn, liên quan đến câu hỏi này bạn có thể truy tìm tài liệu liên quan đến cơ chế bệnh chống bệnh (Diseases against Diseases) hay nói đúng hơn là khiếm khuyết bệnh tật của một người hay một quần thể nào đó sẽ là ưu thế giúp họ chống lại bệnh khác ở quần thể hay người đó. Liên quan đến facebook của người trả lời câu hỏi này, rất tiếc người này không có mạng xã hội facebook nhen.

Thân chúc em khỏe!


Hình 11


Phan Anh B., 45 tuổi, Long An, leva…..@, 0913…..

Hỏi: Các bác sỹ ơi, cho tôi hỏi vợ tôi bị chứng huyết áp thấp chứ không phải huyết áp cao như mọi người. Không biết các triệu chứng nó xảy ra như thế nào. Tác hại nó ra sao? cách phòng ngừa huyết áp thấp sao cho hiệu quả, kính mong các bác sỹ trả lời gấp. Tôi chân thành cảm ơn!

Trả lời: Huyết áp thấp là một trong những bệnh lý rất thời sự nhưng rất tiếc hiện nay chưa tìm ra nguyên nhân và biện pháp điều trị hiệu quả nhất. Do nhiều người quan niệm rằng huyết áp cao mới là nguyên nhân dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Thế nhưng, trên thực tế huyết áp thấp cũng là một cảnh báo nguy hiểm không kém. Thực tế, bất kỳ sự tăng hay giảm huyết áp so với mức bình thường đều là những dấu hiệu nguy hiểm. Trong khi đa số người bệnh lo lắng và phòng ngừa tăng huyết áp và những biến chứng nguy hiểm thì ở chiều ngược lại, huyết áp thấp cũng gây nhiều tác hại cho cơ thể nhưng không nhiều người quan tâm.


Hình 12

So với mức huyết áp bình thường là 120/80mmHg, người bị huyết áp thấp thường có trị số HA tối đa thấp hơn 100mmHg, phổ biến là thấp hơn 90/60mmHg. Có hai loại huyết áp thấp (HAT): huyết áp thấp tiên phát và huyết áp thấp thứ phát.

-HAT tiên phát: Là những trường hợp có thể trạng đặc biệt từ nhỏ đến lớn HA vẫn thấp mà không hề có triệu chứng hoặc biến chứng ở bộ phận nào trong cơ thể, chỉ khi gắng sức thì thấy chóng mệt.

-HAT thứ phát: Là HA bình thường nhưng sau đó HA bị tụt dần xuống tới mức được coi là HAT. Thường gặp ở người suy nhược kéo dài, mắc các bệnh thiểu năng tuần hoàn não, lao, nhiễm khuẩn, nhiễm độc kéo dài, thiếu máu kéo dài, bệnh nội tiết suy tuyến thượng thận, suy tuyến giáp mạn tính.

-Trường hợp có các vấn đề về tim: Một số bệnh nhân có bệnh tim dễ có HAT bao gồm nhịp  tim chậm, các vấn đề van tim, đau tim và suy tim. Các điều kiện này có thể gây HAT vì ngăn chặn cơ thể có thể lưu thông máu đủ. Nếu nhịp tim dưới 60 nhịp/phút sẽ không đủ lượng máu và ôxy lưu thông trong cơ thể, đây là một lý do dẫn tới HAT.

-Người có bệnh về nội tiết: Đó là những người có tuyến giáp kém hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức, cả hai hiện tượng này có thể gây hạ huyết áp. Khi cơ thể bị thiếu hụt hàm lượng hormon của tuyến giáp sẽ dẫn tới nguy cơ mắc chứng HAT kèm theo các triệu chứng hoa mắt chóng mặt, rụng tóc. Ngoài ra, một số người bị suy thượng thận (bệnh Addison), đường huyết thấp (hạ đường huyết) và trong một số trường hợp, người bệnh đái tháo đường có thể gây ra HAT.

-Người bị thiếu chất dinh dưỡng: Tình trạng thiếu các vitamin B12 và folate có thể gây ra thiếu máu, một tình trạng mà cơ thể không sản xuất đủ các tế bào máu đỏ, gây ra huyết áp thấp.

-Phụ nữ mang thai: Khi mang thai, tình trạng sức khỏe của phụ nữ có nhiều thay đổi thất thường, tác động tới huyết áp của cơ thể. Không ít chị em có huyết áp rất thấp khi mang thai. Sau khi sinh con, có thể huyết áp lại về bình thường.

Ngoài ra, các trường hợp đặc biệt sau đây: người bị mất nước, người bị mất máu, người bị dị ứng trầm trọng (hay còn gọi là sốc phản vệ), dùng một số thuốc chữa bệnh... cũng dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về huyết áp và phải điều trị thì huyết áp mới trở về bình thường. Nếu so sánh với bệnh tăng huyết áp, huyết áp thấp trước mắt không dẫn đến biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... nên nhiều người rất chủ quan với căn bệnh này. Tuy nhiên, ít người biết được rằng HAT cũng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm không kém. Khi bệnh nhân bị tụt HA nhiều lần, hệ thống thần kinh bị suy giảm chức năng, cơ thể không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và ôxy đến các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận à gây tổn thương các cơ quan này. HAT càng thấp bị mất trí nhớ càng cao, nó gắn liền với bệnh mất trí do Alzheimer gây ra. Những người có mức HAT kéo dài liên tục trong hai năm có khả năng bị mất trí nhớ cao gấp hai lần. HAT hạ quá thấp cũng có thể làm nhịp tim nhanh, gây choáng, ngất. HAT cũng là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não. 30% số người nhồi máu não và 25% số người nhồi máu cơ tim là do HAT.


Hình 13

Ngoài ra, người bị tụt HA cấp có thể gây sốc, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng trong những trường hợp như đang lái xe, làm việc trên tầng cao... Nếu HAT kéo dài còn làm cho các cơ quan thận, gan, tim, phổi suy yếu nhanh chóng.

-Chế độ ăn uống lành mạnh: Hãy cung cấp tất cả những dưỡng chất mà cơ thể cần để duy trì sự khỏe mạnh bằng cách tập trung vào nhiều loại thức ăn khác nhau bao gồm: gạo thô, trái cây, rau xanh, thịt gà nạc và cá. Trong chế độ ăn uống thường ngày cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa các thành phần như protein, vitamin C và tất cả loại vitamin thuộc nhóm B rất có lợi. Một số thức ăn đồ uống có tác dụng làm tăng HA như cà phê, nước chè đặc, ăn thức ăn đậm đà muối, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, nước nho, hạt sen, long nhãn, táo tàu, quả dâu... Trường hợp có HAT đều được khuyến khích tăng cường lượng muối trong chế độ ăn uống. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều muối cũng sẽ không tốt cho tim, do đó, chỉ nên giới hạn ở một mức độ nhất định, không dùng quá mức. Cần uống nhiều nước vì nước giúp ngăn ngừa sự mất nước và làm tăng lượng máu. Nên hạn chế loại đồ uống có chứa chất cồn.


Hình 14

Làm thế nào để phòng ngừa HAT? Đây là câu hỏi hiện đang đặt ra cho các nhà điều trị, chuyên khoa tim mạch và cả bệnh nhân. Tuy nhiên, chỉ có các cách sau đây góp phần giảm thiểu một số tình huống HAT mà thôi.

-Thay đổi tư thế: Người có HAT khi thức dậy cần nằm thêm một lúc, làm vài động tác khởi động đơn giản rồi mới ngồi dậy, hãy thở sâu trong vòng vài phút, sau đó ngồi dậy thật chậm rồi mới đứng thẳng. Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, cần nằm nghỉ ngơi ở tư thế đầu thấp để tăng lượng máu lên não. Nếu triệu chứng HAT bắt đầu xuất hiện sau khi đứng thẳng thì nên đứng thẳng người và hít thở đều hoặc đặt một chân lên cao (tựa vào tường hay gác trên ghế), nghiêng người về phía trước.

-Luyện tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khỏe và độ tuổi hàng ngày giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể nên giảm chứng huyết áp thấp.

-Tắm nước ấm có pha thêm muối magiê: Đây là một trong những biện pháp đơn giản nhất để điều trị HAT, ngoài ra, loại nước tắm này còn giúp cơ thể thư giãn.


Nguyệt-nguyetle57@...........-Quảng Nam

Hỏi: Bé 5 tuổi bị đau dạ dày (nhiễm HP hay H. pylori). Xin cho em hỏi là có thể chữa đứt điểm được không? Và liệu trình chữa trị thế nào, thuốc chữa bệnh có ảnh hưởng đến sức khỏe của bé không?

Trả lời: Bất kỳ lứa tuổi nào khi chẩn đoán xác định viêm da dày do vi khuẩn H. pylori đều có phác đồ điều trị cả và phác đồ điều trị trên trẻ em với người lớn khác nhau. Tỷ lệ chữa khỏi trẻ em viêm dạ dày có nhiễm vi khuẩn H. pylori hiện nay có thể đạt 100% vì đây là vi khuẩn chú không phải virus. Chúng tôi cũng muốn thông tin cho bạn biết dù vi khuẩn này thường được gọi với tên vi khuẩn HP dạ dày nhưng trên thực tế chúng khi vào cơ thể có thể có mặt khắp nơi do lưu thông trong dòng máu đến các cơ quan khác nhau chú không nhất thiết chỉ có ở cơ quan dạ dày ruột mà thôi. Do vậy, việc cần thiết khi cháu xét nghiệm có vi khuẩn và có triệu chứng dạ dày ruột thường xuyên thì nên đến các bác sỹ chuyên khoa khám càng sớm càng tốt. Đồng thời giúp tránh lây lan trong các thành viên cùng gia đình và cả cộng đồng vì vi khuẩn này dễ lây qua đường tiêu hóa.


Lê Quốc T., 56 tuổi, La Gi, Bình Thuận vanhoa@....

Hỏi: Làm thế nào để biết và phát hiện sớm các biến chứng tiểu đường thông qua xét nghiệm máu ở bệnh nhân. Kính nhờ các bác sỹ của Viện trả lời giúp tôi. Chân thành cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn về câu hỏi của bạn. Việc phát hiện các biến chứng do đái tháo đường gây nên, điều cần thiết trước đó là nên đi tầm soát đái tháo đường xem có bệnh không để điều trị và quản lý các dấu chứng do bệnh sinh ra. Trong thực hành lâm sàng, nhiều bệnh nhân tiểu đường hay đái tháo đường đã có các biến chứng nặng ở tim mạch, thận, mắt, bàn chân... mà không hề biết, nhất là khi thấy đường huyết giảm ở thời điểm thử máu. Nhưng nếu làm một xét nghiệm có tên là HbA1c, họ có thể sẽ hoảng sợ khi biết bệnh vẫn nặng và đã có biến chứng.

Liên quan đến xét nghiệm HbA1C bạn có thể tham khảo thông tin đầy đủ về loại xét nghiệm này trên cùng trang website (http: //www.impe-qn.org.vn) để biết rõ hơn giá trị và ý nghĩa của chúng như thế nào. Bệnh tiểu đường gây biến chứng nặng lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, xuất huyết não do xơ vữa động mạch, hoại tử chân cần phải cắt cụt chi, suy thận mạn, mù mắt. Do bệnh phát triển âm thầm nên khi phát hiện bị tiểu đường, 50% trường hợp bệnh nhân đã có biến chứng. Trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường, người Việt Nam hầu như chỉ để ý đến xét nghiệm đường huyết lúc đói và sau ăn 2 giờ. Chỉ số này cung cấp thông tin về lượng đường trong máu ngay tại thời điểm thử. Do đó, mức đường huyết lúc đó thấp không đồng nghĩa với việc bệnh đã được kiểm soát tốt thực sự và không có biến chứng.


Hình 15

Để đánh giá đường huyết có được kiểm soát tốt hay không trong một quá trình và tiên lượng về biến chứng, người bệnh cần làm xét nghiệm HbA1c, tức đo tỷ lệ huyết sắc tố A1c trong hồng cầu. HbA1c là các huyết sắc tố haemoglobin gắn kết với đường glucose trong máu. Càng có nhiều đường trong máu thì HbA1c hiện diện càng nhiều. Do tế bào hồng cầu có tuổi thọ là 120 ngày nên xét nghiệm HbA1c có giá trị thông báo mức đường máu của 3 tháng gần nhất.

Do đó, HbA1c không chỉ đánh giá kết quả điều trị của bệnh nhân trong 3 tháng qua mà còn cho biết về sự xuất hiện biến chứng. Chỉ số này cao chứng tỏ bệnh nhân đã hoặc sắp có biến chứng rất nặng. Với người lần đầu phát hiện bệnh tiểu đường, xét nghiệm này rất có ích trong việc đánh giá bệnh đã ở mức nào, điều mà chỉ số đường huyết lúc đói không thể nói lên được. Hiện chỉ có khoảng 18% số bệnh nhân tiểu đường đang điều trị ở Việt Nam kiểm soát tốt chỉ số HbA1c. Bệnh nhân chỉ cần thay đổi chế độ ăn trong một vài ngày là đã có thể giảm mức đường huyết lúc đói, nhưng chỉ số HbA1c chỉ giảm khi bệnh nhân tuân thủ chế độ ăn uống, lập luyện, thuốc thang trong vài tháng. Vì vậy, đây là chỉ số trung thực nhất để đánh giá kết quả điều trị. HbA1c chỉ cần giảm 1%, bệnh nhân đã bớt được 43% nguy cơ cắt cụt chi, 37% nguy cơ suy thận, mù mắt và giảm đáng kể các biến chứng khác như nhồi máu cơ tim, đột quỵ...Do đó, bệnh nhân tiểu đường nên làm xét nghiệm HbA1c ba tháng một lần. Giá xét nghiệm này khoảng 70-100 nghìn đồng. Bệnh nhân có thể không cần nhịn đói trước khi lấy máu. Xét nghiệm này được làm ở các bệnh viện lớn trong cả nước, tại Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn cũng đang triển khai thực hiện xét nghiệm này có hiệu quả tầm soát và theo dõi bệnh nhân điều trị.


Hình 16

Như trên bạn cũng phần nào thấy đường vài trò của các biến chứng đái tháo đường rất nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Do đó, việc cần thiết là nên quản lý tốt việc điều trị bệnh nhân đái tháo đường sao cho đường huyết ổn định và chỉ số HbA1C ổn là tốt nhất trong việc ngăn ngừa biến chứng.


Nguyễn Đăng Bình-dangbinhxdbh@...............-Đắc Lắc

Hỏi: Bệnh viêm tiết niệu bệnh Viện mình có làm xét nghiệm và điều trị không bác sĩ?

Trả lời: Các bệnh nội khoa đơn giản có thể được khám, xét nghiệm và điều trị tại Viện chúng tôi được vì ở đây vẫn có các bác sỹ chuyên khoa nội, nhi nhiễm. Bạn nên đi khám và điều trị sớm để tránh các biến chứng và lan rộng nhiễm trùng sang các cơ quan lân cận, ảnh hưởng không tốt đến hệ sinh dục tiết niệu. Hiện có rất nhiều phương pháp xét nghiệm để đánh giá nhiễm trùng đường tiểu và đinh danh các tác nhân gây nhiễm khuẩn tiết niệu nên bạn có thể lựa chọn đẻ làm xét nghiệm chẩn đoán nhé. Thân chúc bạn khỏe!


Vũ Năng Tĩnh, 27 tuổi, Thái Nguyên

Hỏi: Bác sỹ ơi cho cháu và gia đình cháu hỏi hạ huyết áp tư thế là gì vì vừa rồi bà cháu đi khám ở Bệnh viện tim Hà Nội về thấy bác sỹ chẩn đoán là hạ huyết áp tư thế dứng, cháu xin các bác cho cháu lời khuyên.

Trả lời: Hạ huyết áp tư thế là một thể của HAT, xảy ra khi bạn đứng lên từ tư thế ngồi hoặc nằm. Hạ huyết áp tư thế (HHATT) thường người bệnh thấy chóng mặt hoặc choáng váng, thậm chí có thể mờ mắt. HHATT thường là nhẹ, kéo dài vài giây đến vài phút sau khi đứng. Tuy nhiên, nếu kéo dài có thể là một dấu hiệu của nhiều vấn đề nghiêm trọng. Vì vậy, hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn thường xuyên cảm thấy lâng lâng khi đứng lên. Thậm chí gặp bác sĩ sớm ngay, nếu bạn bị mất ý thức trong giây lát khi đứng lên. HHATT nhẹ thường không cần điều trị. Nhiều người có thể chỉ thấy chóng mặt hoặc choáng váng khi đứng lên và thường không gây ra vấn đề gì. Trường hợp nặng, việc điều trị thường phụ thuộc vào nguyên nhân. Triệu chứng phổ biến nhất của HHATTĐ bao gồm: Cảm thấy đầu óc quay cuồng hay chóng mặt khi đứng lên sau khi ngồi hoặc nhìn mờ; yếu người; ngất xỉu; nhầm lẫn; buồn nôn... Những dấu hiệu này thường xảy ra ngay sau khi đứng lên và thường chỉ kéo dài vài giây. Nguyên nhân khi bạn đứng lên, tác động lực hấp dẫn đưa máu về vùng chân, gây giảm huyết áp vì có ít máu lưu thông trở lại tim. HHATT có thể bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm Mất nước: Sốt, nôn mửa, không uống đủ nước, tiêu chảy nặng và tập thể dục ra mồ hôi quá nhiều, tất cả đều có thể dẫn đến mất nước. Mất nước nhẹ có thể gây ra các triệu chứng của HHATTĐ, như yếu ớt, chóng mặt và mệt mỏi; Vấn đề tim mạch: một số bệnh tim mạch có thể dẫn đến huyết áp thấp bao gồm nhịp tim chậm, bệnh van tim, nhồi máu cơ tim và suy tim. Nội tiết: Bệnh lý tuyến giáp, suy thượng thận, hạ đường máu và trong một số trường hợp bệnh đái tháo đường. Rối loạn thần kinh: Một số rối loạn hệ thần kinh như bệnh Parkinson, mất trí nhớ, bệnh chuyển hóa amyloidosis có thể phá vỡ hệ thống điều hòa huyết áp bình thường của cơ thể. Sau khi ăn: Một số người gặp hạ huyết áp sau bữa ăn. Tình trạng này là phổ biến hơn ở người lớn tuổi.

Về nguy cơ bị HHATT? Tuổi tác: HHATT phổ biến ở những người tuổi từ 65 trở lên; Thuốc: Những người dùng thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc bệnh tim, như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn alpha, chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi, ức chế men chuyển. Hoặc đang dùng thuốc điều trị bệnh Parkinson, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc giãn cơ, thuốc điều trị rối loạn cương dương và các chất ma túy. Người mắc một số bệnh về tim, như bệnh về van tim, nhồi máu cơ tim và suy tim và bệnh Parkinson. Tiếp xúc với nhiệt: Ở môi trường nóng làm đổ mồ hôi và có thể gây mất nước, giảm huyết áp và kích hoạt hạ huyết áp tư thế đứng. Nghỉ ngơi tại giường: Người phải nằm trên giường một thời gian dài vì bệnh có thể yếu người. Khi cố gắng đứng lên, rất dễ bị HHATT. Mang thai: Do hệ thống tuần hoàn mở rộng nhanh chóng trong khi mang thai, huyết áp sẽ giảm và sẽ bình thường trở lại sau khi sinh. Uống rượu có thể làm tăng nguy cơ HHATT. Khi bị HHATT, người bệnh thấy chóng mặt hoặc choáng váng, thậm chí có thể mờ mắt.Một số biến chứng có thể gặp do HHATT? Nếu nhẹchỉ hơi phiền toái và ít biến chứng. Một số trường hợp có thể nghiêm trọng, nhất là ở người lớn tuổi, bao gồm ngã: Ngã té do ngất xỉu là một biến chứng thường gặp ở những người HHATT. Đột quỵ: Những biến động của huyết áp khi đứng và ngồi do HHATT có thể gây nguy cơ đột quỵ do giảm cung cấp máu cho não. Bệnh tim mạch: HHATT có thể gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các biến chứng như đau ngực, suy tim hoặc rối loạn nhịp tim.


Hình 17

Để phòng ngừa HHATT, để quản lý hoặc ngăn ngừa HHATT, cần Tăng muối trong chế độ ăn uống:Phải được thực hiện sau khi thảo luận với bác sĩ. Quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp. Ăn nhiều bữa nhỏ:Nếu huyết áp của bạn giảm xuống sau khi ăn, có thể chia làm nhiều bữa nhỏ. Uống nhiều nước:Cơ thể đủ nước giúp ngăn ngừa các triệu chứng của huyết áp thấp, nên uống 6-8 ly nước lọc mỗi ngày. Nhưng tránh hoặc hạn chế uống rượu, vì rượu có thể làm trầm trọng hạ huyết áp tư thế đứng. Tập thể dục:Tập thể dục cơ bắp chân. Khi ra khỏi giường, ngồi trên mép giường khoảng một phút trước khi đứng. Tập thể dục thường xuyên có thể giảm các triệu chứng của hạ HHATT; Tránh uốn cong thắt lưng: Nếu cần lấy một cái gì đó trên sàn nhà, nên ngồi xổm để lấy đồ vật, không nên uốn cong lưng để lấy. Mang vó nén có thể giúp giảm các triệu chứng của HHATT; Đứng dậy từ từ để giảm chóng mặt và choáng váng do HHATT, nên chuyển từ nằm sang đứng một cách từ từ. Buổi sáng khi thức dậy, hít thở sâu một vài phút sau đó từ từ ngồi dậy trước khi đứng. Nâng cao đầu khi ngủgiúp chống lại các tác động của lực hấp dẫn. Di chuyển đôi chân trong khi đang đứng:Nếu bắt đầu có các triệu chứng trong khi đứng, đặt một chân trên một mỏm đá hoặc ghế. Vận động đôi chân giúp máu chảy từ đôi chân về tim.


Hình 18

Việc điều trị HHATT phụ thuộc vào nguyên nhân. Bác sĩ sẽ giải quyết các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như mất nước hoặc suy tim. Đối với HHATT nhẹ, một trong những phương pháp điều trị đơn giản nhất là ngồi hoặc nằm xuống ngay sau khi cảm thấy đầu óc quay cuồng khi đứng và triệu chứng của HHATT thường biến mất. Nếu huyết áp thấp là do thuốc, cần thay đổi liều hoặc ngừng hoàn toàn thuốc đang dùng. Người bệnh cần uống đủ nước; uống ít hoặc không uống rượu; tránh đi bộ trong thời tiết nóng; nâng cao đầu giường; đứng lên từ từ. Nếu không bị tăng huyết áp, nên tăng lượng muối trong chế độ ăn. Dùng vó nén có thể giúp giảm ứ trệ máu ở chân và giảm các triệu chứng của HHATT. Một số thuốc có thể được sử dụng để điều trị HHATT, như fludrocortisones, midodrine nhưng cần thực hiện theo y lệnh của bác sĩ. Trên đây là các thông tin liên quan đến hạ huyết áp tư thế cùng các nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng bệnh cũng như giúp ngăn ngừa biến chứng của các chuyên gia.


Hình 19


Nguyễn Hữu Danh-xnscoto@..........-.....nguyễn chí thanh, …………..

Hỏi: Con tôi 13 tuổi đã chọc lấy dịch não tủy xét nghiệm cách nay khoảng 22 ngày, hiện cháu bị đau nhức tại đốt sống đã chọc lấy dịch. Xin hỏi như vậy có bình thường không, làm sao để cháu hêt đau nhức? Xin cảm ơn quý Bác sĩ.

Trả lời: Cảm ơn anh chị, việc chọc lấy dịch não tủy là một thuật thuật xâm lấn có khâu vô khuẩn tốiđa và cần phải cố định và có hai người giúp khi lấy dịch não tủy ở tư thế cột sống của bệnh nhân phải tư thế cong khum để người còn lại chọc lấy dịch mới hiệu quả. Do đây là thủ thuật có xâm lấn để phát hiện, chẩn đoán và theo dõi điều trị các bệnh lý nhiễm trùng ở hệ thần kinh trung ương, nên ít nhiều sau thời gian chọc vẫn có một số tác dụng ngoại ý đau tại chỗ chọc dò. Để bạn yên tâm chúng ta cứ trao đổi trực tiếp với các bác sỹ trực tiếp chọc và điều trị con mình để họ khám lại xem có tạo áp xe hay đau sau khi chọc là bình thường để có hướng xử trí thích hợp nhé.

 

Ngày 11/04/2017
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích