Home TRANG CHỦ Thứ 2, ngày 25/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 1 7 1 5 7
Số người đang truy cập
6 6 8
 Tư vấn sức khỏe Hỏi-Đáp
Trả lời câu hỏi bạn đọc về chuyên ngành ký sinh trùng và y học thường thức tháng 4-2017

Giã Thị V., 61 tuổi. Tam Kỳ, Quảng Nam

Hỏi: Chào bác sỹ chuyên khoa ở Viện sốt rét côn trùng tp Quy Nhơn, hôm thứ 6 vừa rồi tôi có vào bệnh viện khám tổng quát toàn bộ cơ thể, tổng số tiền gần 1 triệu đồng, cả máu, nước tiểu, chụp x quang phổi thẳng, siêu âm toàn bộ cơ thể. Bác sỹ cho biết chỉ có mỡ máu cao, số còn lại đều nằm trong giới hạn bình thường nên bác cứ yên tâm. Tôi về đến nhà xem lại mới thấy một số xét nghiệm sinh hóa có bôi đen bất thường nên muốn hỏi các giá trị bị bôi đen đó có ý nghĩa gì?

Trả lời: Rất tiếc anh chị không gởi hình ảnh của phiếu xét nghiệm để chúng tôi trả lời cụ thẻ trực tiếp vào từng loại xét nghiệm, đâu là bình thường trong khoảng tham chiếu, đâu là bất thường cho anh chị biết. Để giải thích một cách đầy đủ và tiện lợi cho mọi người nắm thông tin để giải thích khi cần thiết, chúng tôi xin nêu ra một số xét nghiêm sinh hóa trên người để bạn tham khảo!

-Đường huyết Glucose: Giới hạn bình thường từ 4,1-6,1 mnol/L. Nếu vượt quá giới hạn cho phép thì tăng hoặc giảm đường máu. Tăng trên giới hạn là người có nguy cơ cao về mắc bệnh tiểu đường;

-Nhóm men gan SGOT & SGPT: Giới hạn bình thường từ 9-48 IU/L với SGOT và 5-49 IU/L với SGPT. Nếu vượt quá giới hạn này chức năng thải độc của tế bào gan suy giảm. Nên hạn chế ăn các chất thức ăn, nước uống làm cho gan khó hấp thu và ảnh hưởng tới chức năng gan như:
Các chất mỡ béo động vật và rượu bia và các nước uống có gas ;

-Nhóm mỡ máu gồm cholesterol, tryglycerid, HDL-C, LDL-C : Giới hạn bình thường:

·Giới hạn bình thường từ 3,4-5,4 mmol/l với CHOLESTEROL.

·Giới hạn bình thường từ 0,4-2,3 mmol/l với TRYGLYCERID.

·Giới hạn bình thường từ 0,9-2,1 mmol/l với HDL-Choles.

·Giới hạn bình thường từ 0,0-2,9 mmol/l với LDL-Choles.


Hình 1

Nếu 1 trong các yếu tố trên đây vượt giới hạn cho phép thì có nguy cơ cao trong các bệnh về tim mạch và huyết áp. Riêng chất HDL-Choles là mỡ tốt, nếu cao nó hạn chế gây xơ tắc mach máu. Nếu CHOLESTEROL quá cao kèm theo có cao huyết áp và LDL-Choles cao thì nguy cơ tai biến, đột quỵ do huyết áp rất cao. Nên hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều chất mỡ béo và cholesterol như: phủ tạng động vật, trứng gia cầm, tôm, cua, thịt bò, da gà... Tăng cường vận động thể thao. Uống thêm rượu tỏi và theo dõi huyết áp thường xuyên.

-Men gan GGT: là một yếu tố miễn dịch cho tế bào gan. Bình thường nếu chức năng gan tốt, GGT sẽ có rất thấp ở trong máu (Từ 0-53 U/L). Khi tế bào gan phải làm việc quá mức, khả năng thải độc của gan bị kém đi thì GGT sẽ tăng lên -> Giảm sức đề kháng, miễn dịch của tế bào gan kém đi. Dễ dẫn tới suy tế bào gan. Nếu với người có nhiễm SVB trong máu mà GGT, SGOT & SGPT cùng tăng thì cần thiết phải dùng thuốc bổ trợ tế bào gan và tuyệt đối không uống rượu bia nếu không thì nguy cơ dẫn đến VGSVB là rất lớn.

-Ure máu: là sản phẩm thoái hóa quan trọng nhất của protein được thải qua thận. Giới hạn bình thường: 2.5 - 7.5 mmol/l.

-Creatinin: là sản phẩm đào thải của thoái hóa creatin phosphat ở cơ, lượng tạo thành phụ thuộc khối lượng cơ, được lọc qua cầu thận & thải ra nước tiểu; cũng là thành phần đạm ổn định nhất không phụ thuộc vào chế độ ăn -> có giá trị xác định chức năng cầu thận. Giới hạn bình thường: nam 62 - 120, nữ 53 - 100 (đơn vị: umol/l).


Hình 2

·Tăng trong : bệnh thận, suy tim, tiểu đường, tăng huyết áp vô căn, NMCT cấp...

·Giảm trong : có thai, sản giật...

-Acid uric là sản phẩm chuyển hóa của base purin (Adenin, Guanin) của ADN & ARN, thải chủ yếu qua nước tiểu. Giới hạn bình thường: nam 180 - 420, nữ 150 - 360 (đơn vị: umol/l). Tăng trong các trường hợp:

·Nguyên phát: do sản xuất tăng, do bài xuất giảm (tự phát) -> liên quan các men: bệnh Lesh Nyhan, Von Gierke..

·Thứ phát: do sản xuất tăng (u tủy, bệnh vảy nến..), do bài xuất giảm (suy thận, dùng thuốc, xơ vữa động mạch..).

·Bệnh Gout (thống phong): tăng acid uric/ máu có thể kèm nốt tophi ở khớp & sỏi urat ở thận.

Giảm trong các trường hợp: bệnh Wilson, thương tổn tế bào gan.


Trần Quang Th., 27 tuổi, SVYK ĐH Phạm Ngọc Thạch

Hỏi: Kính thưa các thầy cô, em là sinh viên chuyên ngành y đa khoa, hôm rồi em có nghe nói đến Mỹ phát triển thành công phương pháp mới xét nghiệm máu. Vậy phương pháp mới đó là gì, cho em biết với, em rất thành thật cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn câu hỏi của đồng nghiệp tưng lai, tuy nhiên không biết câu hỏi của bạn liên quan đến phương pháp xét nghiêm huyết học hay sinh hóa hay miễn dịch vì tất cả bệnh phẩm đều là máu. Chúng tôi mạo muội giới thiệu bạn một công trình nghiên cứu mà Mỹ vừa phát triển gần đây, gọi là VirScan, theo đó chỉ cần qua một lần xét nghiệm là có thể xác định được hầu hết các virus mà một người đã phơi nhiễm trong một quá trình nhiều năm. Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Science (Khoa học) của Mỹ số ra ngày 4/6. So với phương pháp xét nghiệm máu phổ biến hiện tại như phương pháp ELISA chỉ phát hiện được một mầm bệnh trong một lần xét nghiệm, VirScan là phương pháp hiệu quả và nhanh, đặc biệt, chi phí xét nghiệm bằng phương pháp này khà hợp lý, chỉ 25 USD.

Để có được thành tựu trên, các nhà khoa học Mỹ đã xây dựng một "thư viện virus" gồm các chuỗi protein từ hơn 1.000 loại virus khác nhau mà giới khoa học đã biết đến, qua đó làm cơ sở xác định các loại virus mà người bệnh bị nhiễm. Tiếp đó, nhóm nghiên cứu tiến hành xét nghiệm máu đối với 600 người tại nhiều nước khác nhau ở các châu lục gồm Peru, Mỹ, Nam Phi và Thái Lan dựa trên kho dữ liệu này. Kết quả sau một lần xét nghiệm cho thấy hầu hết những người này phơi nhiễm khoảng 10 loại virus khác nhau và ít nhất hai người từng nhiễm 84 loại virus.

Ngoài ra, qua thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu còn phát hiện một số kháng thể do hệ miễn dịch của cơ thể sản sinh ra khi gặp virus rất phổ biến trong cơ thể người trưởng thành, song lại không có trong cơ thể trẻ nhỏ. Do đó, họ cho rằng trẻ nhỏ chưa bị phơi nhiễm những loại virus trên. Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Stephen Elledge thuộc Bệnh viện Phụ nữ Bringham, cho hay thông thường các bác sỹ chẩn đoán và yêu cầu bệnh nhân tiến hành xét nghiệm để tìm ra một loại virus nào đó. Tuy nhiên, VirScan có thể đưa ra kết quả nhiều loại virus khác nhau, thậm chí cả những virus lạ, vì vậy phương pháp này sẽ giúp các nhà khoa học có những giả thuyết mới và có cái nhìn rộng hơn về sự tương tác giữa hệ miễn dịch của cơ thể con người và virus. Nhóm nghiên cứu cho rằng độ chuẩn xác của VirScan sẽ được cải thiện với nhiều mẫu máu hơn và có thể áp dụng phương pháp này để xét nghiệm vi khuẩn, nấm hay sinh vật đơn bào.


Đoàn Thái D., 36 tuổi, Phú Tài Quy Nhơn, hoaanhdao@ ……..

Hỏi: Cho tôi hỏi làm thế nào dùng thuốc an toàn nhất cho người bệnh và không bệnh? Xin cảm ơn!

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin chia sẻ bài viết của một tác giả đưa ra 10 lời khuyên dùng thuốc an toàn. Uống thuốc có thể gặp phải những rủi ro và các tác dụng phụ ngoài mong muốn, đặc biệt nếu bạn là người cao tuổi, sống một mình hoặc dùng nhiều loại thuốc cùng một lúc. Uống thuốc có thể gặp phải những rủi ro và các tác dụng phụ ngoài mong muốn, đặc biệt nếu bạn là người cao tuổi, sống một mình hoặc dùng nhiều loại thuốc cùng một lúc. 10 lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn dùng thuốc một cách an toàn:

-Không dùng thuốc theo đơn kê cho người khác: Dùng thuốc bắt chước theo toa kê bệnh của người khác có thể cực kỳ nguy hiểm, thậm chí chết người. Đây là thói quen khá phổ biến trong cộng đồng.Bạn không bao giờ được dùng thuốc mà không được bác sĩ kê riêng cho cá nhân bạn. Vì thuốc được quy định cụ thể cho bạn, loại thuốc và liều lượng dựa trên nhu cầu sức khỏe cá nhân và tình hình bệnh tật của bạn.


Hình 3

-Cần bỏ ngay thuốc đã hết hạn:Tốt nhất nên vứt bỏ tất cả các loại thuốc đã hết hạn hoặc thuốc đã không dùng đến nữa. Thuốc hết hạn có thể bị mất tác dụng và giữ thuốc đã không dùng trong nhà của bạn làm cho thuốc bị lẫn lộn với thuốc khác trong quá trình sử dụng dễ gây nhầm lẫn. Cần luôn quan tâm và kiểm tra hạn sử dụng trên nhãn thuốc;

-Tránh để chung nhiều loại thuốc trong cùng một chai:Không bao giờ để chung nhiều loại thuốc trong cùng một chai. Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng sẽ nhớ rõ được từng viên thuốc cụ thể riêng biệt, dù thận trọng đến mấy sự sai sót vẫn có thể xảy ra khi lấy thuốc và dẫn đến những mối nguy hiểm do uống nhầm thuốc, đôi khi có những nguy hiểm không còn cơ hội để sửa chữa. Một số người có thói quen rất nguy hiểm là bóc thuốc ra khỏi vỉ thuốc và để chung vào một chai, cần bỏ ngay thói quen nguy hiểm này;

-Kiểm tra kỹ tên thuốc trong đơn và sản phẩm thuốc: Uống thuốc từ chai không có thông tin rõ ràng có thể làm bạn dùng nhầm thuốc. Không nên dùng bất cứ thuốc gì không có nhãn thuốc. Cần kiểm tra đối chiếu các thông tin khớp nhau giữa toa thuốc được kê và chai thuốc hoặc vỉ thuốc sẽ sử dụng;

-Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn có thắc mắc: Nếu bạn không biết lý do tại sao bạn đang dùng một loại thuốc nào đó, cần đặt câu hỏi và trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để được hỗ trợ trong việc tìm hiểu những thuốc của bạn đang và sắp sử dụng. Phải chắc chắn rằng bác sĩ đã xem xét tác dụng phụ có thể xảy ra và chấp nhận được đối với cơ thể bạn, vì vậy, bạn sẽ không bất ngờ khi sử dụng thuốc đã được tư vấn. Hãy nhớ rằng, không có câu hỏi nào là thừa và ngu ngốc cả, đặc biệt là khi nói đến việc dùng thuốc, cứ mạnh dạn hỏi khi không an tâm bất cứ một vấn đề gì liên quan đến an toàn thuốc;

-Đừng mong đợi có ngay kết quả khi dùng thuốc:Trong khi một số loại thuốc sản xuất cho hiệu ứng tức thời, nhưng hầu hết là không. Đừng nghĩ rằng dùng thuốc để làm cho bạn cảm thấy tốt hơn ngay lập tức. Để có kết quả tối ưu, cần có thời gian dùng thuốc để thuốc chuyển hóa trong cơ thể và cho tác dụng mong muốn. Cũng nên nhớ rằng, bất kỳ tác dụng phụ nào mà bạn gặp phải lúc đầu dùng thuốc thường mất đi sau đó. Hãy trao đổi với bác sĩ về tác dụng phụ gây khó chịu cho bạn trước khi bạn ngưng dùng chúng, do có nhiều biện pháp để khống chế các tác dụng phụ không mong muốn;


Hình 4

-Đừng ngưng dùng thuốc chỉ vì bạn cảm thấy tốt hơn:Trong hầu hết các trường hợp bệnh lý, thuốc cần có thời gian và liều lượng để đem lại tác dụng điều trị tối ưu và hạn chế sự kháng thuốc. Mặc dù bạn có thể bắt đầu cảm thấy tốt hơn, nhưng không ngừng dùng thuốc đột ngột, trừ khi bác sĩ của bạn cho phép;

-Giữ tất cả thuốc xa tầm tay trẻ em:Thuốc phải luôn được giữ ngoài tầm với của trẻ em, bất kể đó là các chai có nắp an toàn đối với trẻ. Trẻ em rất thông minh và đôi khi chúng có thể tìm cách để mở chai, ngay cả chai có nắp an toàn. Thuốc nên được giữ trong tủ có khóa hoặc ít nhất là để ở mức cao so với trẻ em có thể tiếp cận;

-Đọc nhãn thuốc cẩn thận cho mỗi liều dùng: Không bao giờ thừa khi luôn thực hành kiểm tra nhãn thuốc trước khi dùng, đừng quá tin tưởng vào bộ nhớ của bạn khi nói đến việc dùng thuốc. Đọc nhãn thuốc để nắm rõ các thành phần của thuốc. Các thành phần trong thuốc luôn được liệt kê đầy đủ trên hướng dẫn sử dụng. Nếu bạn đang có những thắc mắc, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để kiểm tra.

-Sử dụng hộp chia thuốc cụ thể cho từng bữa trong ngày: Để tránh nhầm lẫn thuốc, thị trường đã cho ra mắt nhiều thiết bị phân chia thuốc theo từng bữa trong ngày có nắp đậy bảo quản thuốc an toàn, tiện ích để sử dụng, để mang theo khi đi ra ngoài và sử dụng ngay khi cần thiết. Trên đây là các thông tin giúp bạn dùng thuốc an toàn cho bạn và gia đình. Thân chúc bạn khỏe!


Vĩnh B Thái D., 46 tuổi, Tp. Tuy Hòa, 0912,….

Hỏi: Gần đây trên các trang tin điện tử mà tôi đọc được có đề cập đến các bệnh lý lạ ở người mới phát hiện gần đây. Vậy các bệnh lý đó là gì, ở Việt Nam đã xảy ra chưa và đã có ở tỉnh nào? Xin các bác sỹ cho tôi biết. Tôi trân trọng cảm ơn rất nhiều!

Trả lời: Đúng như các thông tin anh chi hỏi - Mỗi năm các nhà khoa học tiếp tục phát hiện nhiều căn bệnh hoặc hội chứng bệnh lạ ở người có đăng tải trên tạp chí “Thuốc và Sức khỏe” hoặc “Tạp chí “Sức khỏe và Đời sống”.


Hình 5

Dưới đây là những hội chứng, căn bệnh hiếm gặp, kỳ lạ nhất mà khoa học cũng chưa giải thích được. Như anh chi biết cơ thể của con người là một cỗ máy có cấu trúc vô cùng phức tạp và khi hỏng hóc, những “cỗ máy” này cũng theo những cách phức tạp, lạ lùng mà nhiều khi khoa học cũng chưa thể lý giải. Dưới đây chúng tôi xin ghi lại các hội chứng bệnh lý mà anh chị có thể gặp:Hội chứng đầu phát nổ (Exploding head syndrome): Đây là hội chứng ảnh hưởng đến hàng nghìn người trên thế giới với biểu hiện chính là cảm giác đầu nổ tung ra trong khi chuẩn bị chìm vào giấc ngủ mà hoàn toàn không có một dấu hiệu báo trước nào. Phần lớn số bệnh nhân bị hội chứng này ở tuổi trên 50 nhưng cũng có thể gặp ở độ tuổi thanh thiếu niên.

-Hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên (Alice in Wonderland syndrome): Ảo giác, mất định hướng, mất cảm giác bản thể, thấy những điều kỳ diệu bay bổng... là những triệu chứng chính của hội chứng này. Bệnh thường gặp ở trẻ em, tuổi thiếu niên và có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì đặc biệt. Một số trường hợp bệnh có liên quan đến việc sử dụng các thuốc gây ảo giác, cường thần như các chất amphetamines.

-Viêm mô hoại tử (Necrotizing fasciitis): Còn được gọi là bệnh vi khuẩn ăn thịt người, đây là căn bệnh hiếm gặp do một số loại vi khuẩn gây nên trong đó có liên cầu khuẩn nhóm A. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm mô tế bào tiến triển nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ và tỷ lệ tử vong lên tới trên 70%.

-Bệnh Menkes (Menkes disease): Bệnh có liên quan đến bất thường về gene và có xu hướng mắc ở nam nhiều hơn nữ. Thiếu hụt lượng đồng trong cơ thể là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng như nhìn mờ, yếu cơ, co giật... Điều trị chủ yếu là bổ sung lượng đồng kết hợp với một số biện pháp hỗ trợ khác.

-Ảo giác Cotard (Cotard delution): Đây là chứng hoang tưởng mà người mắc thường có cảm giác mình đã chết. Có khá nhiều người bị ảo giác Cotard và điều trị bằng thuốc hoặc lọc máu để loại bỏ yếu tố 9-Carboxymethoxymethylguanine (CMMG)

-Hội chứng người cây (Epidermodysplasia Verruciformis): Nguyên nhân của bệnh là một virus thuộc họ HPV (Human Papillomavirus) gây ra. Tổn thương là các nốt, các mảnh chai sần như vỏ cây mọc trên mặt hoặc các đầu chi. Bệnh không gây tử vong nhưng ảnh hưởng rất nhiều tới thẩm mỹ và cản trở các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân. Hiện chưa có điều trị đặc hiệu ngoài việc cắt bỏ các “nhánh cây” khi chúng mọc quá dài và nhanh.


Hình 6

-Hội chứng xương hóa đá: Đột biến gene khiến dẫn đến tình trạng xơ-vôi hóa tổ chức liên kết toàn thân tiến triển khiến cho cơ thể xơ cứng, vặn vẹo như một bức tượng sống. Hiện chưa có điều trị hiệu quả cho chứng bệnh này.

-Chứng đa ngón (Polydactylism): Người bị chứng đa ngón có nhiều hơn 10 ngón tay hoặc ngón chân, trong đó ngón thừa thường không có xương, chỉ có phần mềm (da, cơ, tổ chức liên kết). Trung bình cứ 500 trẻ sơ sinh thì có một trẻ bị dị tật này. Điều trị đơn giản là phẫu thuật cắt bỏ các ngón thừa;

-Sạm da do bạc (argyria): Bệnh có nguyên nhân là phơi nhiễm quá lâu với các hợp chất hóa học có chứa bạc khiến cho da của cơ thể bị tổn thương chuyển màu xanh hoặc màu xanh xám. Điều trị bằng chiếu tia laser và bệnh có thể gây tử vong trong một số trường hợp.

-- Hội chứng Proteus (Proteus syndrome): Còn được gọi là hội chứng Wiedemann, bệnh này đặc trưng bởi tình trạng quá sản da và xương phát triển lệch lạc khiến cho các bàn tay, bàn chân có hình dáng không bình thường. Các biện pháp điều trị hiện vẫn đang được nghiên cứu ứng dụng.

-Hội chứng người sói (Werewolf Syndrome): Do bất thường về gene, tình trạng mọc lông không được kiểm soát dẫn đến lông mọc dài, rậm toàn thân hoặc ở một số nơi của cơ thể như mặt, tay, lưng... Đây là một bệnh rất hiếm gặp với chừng 50 ca được ghi nhận trên toàn thế giới.

-Porphyria: Porphyria là bệnh có nguyên nhân di truyền hoặc mắc phải với đặc trưng là các rối loạn về sản xuất porphyrins và chuỗi heme của hồng cầu. Đau bụng, nôn, rối loạn tâm thần kinh hay gặp ở bệnh lý này.

-Hội chứng mặt sư tử (Lion face syndrome): Sự phát triển mất kiểm soát của xương sọ - mặt khiến cho mặt bệnh nhân trông giống như mặt sư tử. Rối loại kèm theo hay gặp là mất thị lực (do thần kinh thị giác bị xương chèn ép).

-Progenia (tình trạng lão nhi): Bệnh progeria còn gọi là chứng bệnh lão hóa hay lão nhi, già trước tuổi. Đây là căn bệnh hiếm gặp, theo thống kê, trên thế giới hiện chỉ có khoảng 80 trường hợp mắc.

-Bệnh Hailey-Hailey (Hailey-Hailey Disease): Bệnh xuất hiện sau dậy thì với các tổn thương ngoài da nổi bọng nước, viêm giống dị ứng. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

-Hội chứng Cronkhite-Canada (Cronkhite-Canada Syndrome): Đây là hội chứng hiếm gặp với các biểu hiện như mất vị giác, polyp ruột, rụng tóc, rối loạn sinh móng đầu chi. Có khoảng 500 trường hợp đã được ghi nhận mắc hội chứng này.


Hình 7

 

-Hội chứng bàn tay lạ (Alien Hand Syndrome): Bệnh này còn được biết đến dưới cái tên “bàn tay người ngoài hành tinh”. Người mắc hội chứng này có cảm giác không điều khiển được tay của mình, tay không phải của mình nên có những hoạt động vô nghĩa, không theo ý muốn.

-Hội chứng Parry-Romberg (Parry-Romberg syndrome): Là một hội chứng chưa rõ nguyên nhân có triệu chứng chính là cơ, da một bên mặt của bệnh nhân teo lại khiến cho bộ mặt bị lõm một bên, mất cân đối, mất thẩm mỹ. Hiện chưa có phương pháp điều trị hiệu quả.

-Bệnh Lamprey (Lamprey disease): Có lẽ đây là loại bệnh lý gây kinh sợ nhất với tổn thương trên cơ thể, nhất là ở mắt trông như những gai mít màu vàng hay giống miệng của một con cá chình đang há ra với những vòng răng lởm chởm và cái họng sâu hoắm. Nguyên nhân và cách điều trị bệnh đều chưa rõ.

Trên các trang tin internet cho thấy các bệnh nhân đều cho phép tác giả đưa hình ảnh của họ lên mạng nhằm mục đích sẽ được các nhà khoa học nghiên cứu tìm ra phương thức chữa bệnh tói ưu cho họ để trở về cuộc sống hàng ngày.






Hình 8

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các căn bệnh lạ trong y học con người này nữa có thể truy cập trong trang Google.com với các từ khóa sau sẽ cho ra một loạt bệnh lạ trên khắp thế giới như: 20 Of The Weirdest And Rarest Diseases Known To Mankind; 10 Of The Strangest Known Medical Conditions; The 5 Most Terrifying Diseases That Doctors Can't Explain; 20 Diseases You've Probably Never Heard Of | HowStuffWorks. Một số bệnh trên đã có mặt ở Việt Nam, một số chưa có và hiện vẫn chưa có điều trị đặc hiệu.

Nguyễn Ninh Nh., 41 tuổi, Phú Phong, Bình Định, vequeao123@

Hỏi:Xin hỏi các thầy thuốc ở phân viện sốt rét quy nhơn, làm thế nào ngăn ngừa nhiễm độc nấm vì đâu phải loại nấm nào cũng độc nên mọi người có thể ăn nấm cứ tưởng là an toàn nhưng kết cục là ngược lại.

Trả lời: Nhân câu hỏi của bạn, chúng tôi xin chia sẻ một bài viết liên quan đến nhiễm độc nấm của một đồng nghiệp viết trên báo gần đây thấy gần gũi với nội dung bạn hỏi.

Ngộ độc nấm chỉ xảy ra khi ăn các nấm mọc hoang dại, thường vào mùa xuân và hè và ở các vùng rừng núi. Loại nấm độc nhất là nấm lục (hay nấm độc xanh đen) có hình thức hấp dẫn nhất, ngộ độc nặng nề, diễn biến ngộ độc không thể lường trước được và là nguyên nhân tử vong của hầu hết các trường hợp ngộ độc nấm xảy ra hàng năm ở nước ta.


Hình 9

Về biểu hiện ngộ độc chính, chẩn đoán xác định chủ yếu dựa vào có ăn nấm; có triệu chứng ngộ độc: nôn, đau bụng, tiêu chảy hoặc các triệu chứng ngộ độc nấm đặc hiệu khác.

-Loại biểu hiện ngộ độc sớm: Thường biểu hiện sau ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ (ít nguy hiểm hơn). Có thể có triệu chứng Muscarin: tăng tiết nước bọt, phế quản, tiêu chảy, co đồng tử, chảy nước mắt giống như ngộ độc photpho hữu cơ. Chất độc nấm là coprine thì triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm trong vòng 30 phút, giống như ngộ độc disulfiram: mặt đỏ, nóng bừng, nôn, toát mồ hôi, rối loạn nhịp tim, trụy tim mạch...Chất độc nấm là psilocybin gây ra ảo giác hay kích thích dạ dày ruột, yếu mệt, đau bụng, sốt, giãn đồng tử, co giật (nấm: Psilocybe cubeusis, Amanita muscaria,...).

-Nhóm nấm độc có triệu chứng xuất hiện sau 6 giờ ăn (nhóm 2 - nhóm này nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao). Nấm có độc tố amatoxin thì xuất hiện triệu chứng từ 6-12 giờ sau ăn: nôn, tiêu chảy, đau thắt bụng, co giật, suy gan, đái máu, protein niệu (hội chứng gan thận). Các triệu chứng trên có thể phối hợp với co giật, yếu cơ nếu là nấm có chứa monomethylhydrazine. Nấm có độc tố allenic nocleucine, orellanine: xuất hiện triệu chứng từ 1-12 ngày sau ăn, gây ra suy thận cấp do viêm kẽ ống thận cấp (đái ít, vô niệu, ure tăng, creatimin tăng,...).


Hình 10

Tuy nhiên, cần chẩn đoán phân biệt với các ngộ độc thức ăn do các căn nguyên khác: vi khuẩn, độc tố vi khuẩn, dư lượng hóa chất trong thực phẩm... Dựa vào sự xác định của bệnh nhân về việc có ăn nấm, thời gian sau khi ăn trong vòng 3 giờ hay trước 6 giờ để định hướng ngộ độc nấm. Cần sơ cứu đúng để hạn chế tử vong:Ngay lập tức cần gây nôn (bằng biện pháp cơ học):

Trong vòng vài giờ sau ăn nấm (tốt nhất trong giờ đầu tiên) nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều. Cho bệnh nhân uống nước và gây nôn; uống than hoạt: liều 1g/kg cân nặng; cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol.

Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu người bệnh hôn mê, co giật: cho người bệnh nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở: hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ.


Hình 10

Chú ý không tự về nhà trong 1-2 ngày đầu kể cả khi các biểu hiện ngộ độc ban đầu đã hết. Ngộ độc nấm loại biểu hiện muộn cần được điều trị tại các cơ sở y tế có phương tiện hồi sức tích cực tốt (thường tuyến tỉnh trở lên). Tại cơ sở y tế nếu tình trạng của nạn nhân ăn nấm độc nguy hiểm và thời gian sau khi ăn trong vòng 1-2 giờ, có nhân viên y tế đã được huấn luyện kỹ thuật rửa dạ dày thì rửa dạ dày có thể thực hiện ở bệnh nhân người lớn và trẻ lớn với cỡ ống rửa to (bằng ngón tay út nạn nhân).


Hình 11

Vận chuyển cấp cứuđến bệnh viện tuyến huyện các bệnh nhân ngộ độc nấm có triệu chứng sớm. Với các bệnh nhân ngộ độc nấm có triệu chứng muộn (sau 6 giờ) cần được chuyển đến bệnh viện tỉnh hoặc khu vực nơi có khả năng lọc máu.

Phòng ngộ độc nấm bằng cách không cho ănnấm rừng và nấm mọc tự nhiên bởi rất khó nhận biết nấm độc và nấm không độc. Cần nhớ là ngay cả chuyên gia về nấm cũng có thể bị nhầm nấm độc với nấm lành. Nấm độc nhất cũng có thể bị nhầm với nấm ăn được do trong một vài giai đoạn phát triển chúng giống nhau.

Trong đám nấm lành cũng có nấm độc. Không phải nấm trắng là nấm không độc. Có những loại nấm độc nhất (amanita) cũng có màu trắng muốt và nấu ăn cũng ngọt “không cần mì chính” nhưng lại là loài nấm chính gây độc ở nước ta.

Hy vọng phần phúc đáp trên đã hài lòng bạn!

Nguyen thi ly-Lythuat02@............-Đà Nẳng

Hỏi: Bác sĩ cho tôi hỏi con tôi năm nay 6 tuổi cách đây 6 tháng bị nổi mề đay đi khám da liểu chẩn đoán bị mề mạn và làm xét nghiệm BV Nhi sản đà nẵng các XN viêm gan B và sán lá gan, amip, giun lươn, giun đũa chó đều âm tính nhưng bệnh càng ngày càng nặng lúc mới thì nổi ở cổ đầu, giờ nổi quanh người nhưng sưng mắt, miệng và ngày nào cũng nổi. Cho tôi hỏi tôi muốn vào viện ký sinh trùng Quy Nhơn để khám nếu xét nghiệm ko nhiễm ký sinh trùng thi viên mình có làm thêm xét nghiệm gì và có phác đồ điều trị d ứng mẫn ngứa ko. Cam ơn nhiều ạ.

Trả lời: Trước hết Viện chúng tôi xin trân trọng cảm ơn sư tin tưởng và đặt câu hỏi nhờ tư vấn của gia đình chị. Liên quan đến bênh lý của cháu, chúng tôi nghĩ đến nguyên nhân dị ứng nhiều hơn là do ký sinh trùng, song cũng chưa thể loại trừ được các loại giun sán khác có thể nhiễm vào người các nhau hiện tại.

Do vậy, để xác định nguyên nhân sinh bệnh và gây ra các triệu chứng trên như vậy, chúng tôi khuyên chi đưa cháu vào Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn để được xét nghiệm lại các loại giun sán và đồng thời có thể kiểm tra các tác nhân gây bệnh khác như các dị nguyên do dị ứng hay động vật chân khớp ký sinh và gây bệnh cho cháu như Demodex canis ký sinh trong các lỗ chân lông và gây các bệnh lý ngoài da nữa. Khi đó, chúng tôi có thể cho lười khuyên và phác đồ điều trị thích hơp nhất cho con bạn. Trân trọng cảm ơn!


Hình 12


nguyễn thị ân huệ-anhue2603@............-quảng ngãi

Hỏi: E bị sán chó đã đi khám và điều trị bác sĩ cho thuốc uống. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày sau khi uống e lại bị phát cơn đau giữ dội sườn phải. Đi khám bác sĩ cho uống thuốc giảm đau. Sau đó e lại bị nổi những hạch ở chân đỏ vàngứa. Sau 2 tuần uống thuốc và đi khám lại bác sĩ nghi ngờ bị sán lá gan nhỏ và cho uống thuốc pyrantel và bảo sau 1 tháng những hạch đỏ trên chân không bớt thì đến kiểm tra lại và rồi mới làm xét nghiệm cho chính xác. Dạ cho e hỏi, e vừa mới uống thuốc vài ngày không biết em có thể đến trung tâm (viện sốt rét và kí sinh trùng quy nhơn) kiểm tra làm xét nghiệm để chính xác mình bị gì không ạ? hay phải đợi sau 1 tháng kể từ khi uống thuốc.

Trả lời: Chúng tôi rất thông cảm về lo lắng của bạn khi có các triệu chứng trên cơ thể của mình như vậy, tuy nhiên cần lưu ý dó là bệnh sán chó hay ấu trùng giun đũa chó vì hai bệnh này biểu hiện hoàn toàn khác nhau và điều trị cũng khác nhau. Sau khi điều trị khắp nới với nhiều chẩn đoán và phác đồ điều trị, bệnh tình không thuyên giảm. Do đó, chúng tôi có lời khuyên bạn có thể đưa người nhà của mình vào Viện chúng tôi khám lại và làm các xét nghiệm, siêu âm và các thủ thuật cận lâm sàng khác (nội soi hay X-quang nếu cần thiết) để sớm tìm ra các tác nhân gây bệnh lý cho bạn. Nếu sau khi phát hiện bệnh lý gì liên quan đến ký sinh trùng, kể cả sán lá gan lớn gây tổn thương ở gan thì Viện chúng tôi đều sẵn có các loại thuốc điều trị bệnh ký sinh trùng đầy đủ để phục vụ bệnh nhân nói chung và bệnh của bạn nói riêng. Không nhất thiết phải chờ đến một tháng sau mà có thể khám và xét nghiệm gấp để tránh các biến chứng muộn, gây tác động không tốt cho bệnh nhân. Thân chúc bạn khỏe!


Hình 13


Lê Thị Nhi-lenhi4496@...............-Tuy Phước-Bình định

Hỏi: Bác sĩ cho em hỏi viện mình có tài liệu về bệnh do Sarcorcystis và Toxoplasma gây ra trên người không ạ ? Nếu có có thể chia sẻ qua email giúp em được không ạ ? Em xin cảm ơn !

Trả lời: Cảm ơn em đã quan tâm đến một số loại bệnh đơn bào ở người và động vật mà gần như hiện nay giới khoa học gọi là bệnh nhiệt đới bị lãng quên (NTDs) và ít người quan tâm. Tuy nhiên, gánh nặng bệnh tật của chúng không hề nhỏ, thậm chí có thể ra các di chứng biến chứng nguy hiểm cho cả người lớn, trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và phôi thai (nếu đang mang thai mắc bệnh).


Hình 14

Về tài liệu, có thể em dowload tài liệu với từ khóa Sarcorcystis spp. và/ hoặc Toxoplasma spp. trên trang website của Viện chúng tôi sẽ có bài viết về nó tương đối đầy đủ. Hoặc bạn có thể vào trang thông tin điện tử của CDC Mỹ cũng sẽ cho các thông tin cập nhật về các loại đơn bào này từ phần giới thiệu chúng, đến triệu chứng, dịch tễ học, lâm sàng, bệnh học, điều trị cũng như phòng bệnh và các hình ảnh minh họa rất cụ thể đối với từng tác nhân gây bệnh trên đó.

Chúng tôi đã có nhiều lần đọc một số tài liệu liên quan bệnh này trong tài liệu y khoa như những chương sách về tài liệu này, bạn có thể liên hệ và lấy thông tin cụ thể hơn. Thân chúc bạn khỏe!


Hình 15

 


Hương-lehhuong97@...............-TP HCM

Hỏi: Xin hỏi Viện sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn có chữa các bệnh giống như bệnh vảy nến hay á sừng không ạ?

Trả lời: Vảy nên và á sừng là các bệnh lý ở người thuộc nhóm bệnh chuyên sâu của lĩnh vực phổ bệnh da liễu, nên Viện chúng tôi không tiếp nhận chữa trị các bệnh đó. Bạn có thể liên hệ và khám chữa bệnh đúng chuyên khoa tại Trung tâm Da liễu Bình Định hoặc Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa cũng thuộc trong địa bàn thành phố Quy Nhơn cho đúng phác đồ và theo dõi lâu dài điều trị và ngăn ngừa các tác dụng ngoại ý xảy ra.

Chúc bạn chóng khỏe!


phạm hoàng-123ducpham@.........-daklak

Hỏi: Xin chào các bác sỹ. em có thắc mắc về triệu chứng như sau mong các bác sỹ tư vấn giúp em: Em đã từng bị ngứa rất lâu từ cách đây khoảng 10 năm. E ngứa rất nhiều đặc biệt là về đêm nên cũng hay bị mất ngủ, có những lần em gãi ngữa chảy máu rồi tím bầm hết cả da lên. Em thường hay ngứa lúc thời tiết lạnh và khi uống rượu bia vào. Em đã điều trị và đến năm 2009 thì khỏi. Đến năm 2013, em lại bị ngứa lại. Hiện nay, vết thâm sau khi gãi ngứa vẫn còn và không hết. Em bị ngứa ở 2 chân, ngoài ra không bọ ở đâu cả. Bác sỹ cho em biết đó là triệu trứng của bệnh gì? và cách điều trị như thế nào được không ạ?. Do ngành nghề của em phải giao tiếp thường xuyên, nên rượu bia gần như không thể không uống. khi uống xong hôm nay thì ngày mai em vẫn còn mùi rượu bia liệu đây có phải do nguyên nhân gan yếu không ạ. Em xin ý kiến tư vấn của các bác sỹ về triệu chứng nêu trên là bệnh gì và cách điều trị như thế nào ạ. Em xin cảm ơn!

Trả lời: Chúng tôi rất thông cảm về bệnh lý và công việc của anh vì thương xuyên tiếp xúc với bia rươu nhưng để có lời tư vấn chính xác chúng tôi đề nghị anh nên đến Viện khám, xét nghiệm đầy đủ tổng thể các nguyên nhân gây ngứa thời gian qua, kể cả bộ dị nguyên, sinh hóa gan thận và kể cả đái tháo đường. Khi có kết quả đầy đủ, chúng tôi mới có thể cho bạn lời khuyên đầy đủ về:Thuốc điều trị ra sao? Lời khuyên chế độ ăn uống như thế nào? cách chăm sóc sức khỏe cụ thể,…. Thân chúc bạn khỏe!


Nguyễn thị hồng nhung-Hongnhung.k36husc@...........-Đak Hà - Kon tum

Hỏi: Xin chào bác sĩ. Tôi năm nay 24 tuổi là nữ. Tôi bị nổi ngứa mẩn đỏ cách đây hơn 4 năm. Lúc đầu thì thỉnh thoảng không cố định ngày cũng không cố định thời gian kiểu thích thì nổi khiến tôi rất khó chịu đặc biệt những lúc thời tiết thay đổi, căng thẳng hoặc khi bị đau thì triệu trứng ngứa nổi đỏ rất nhiều. Lúc đó, nổi như kiểu mề đay cứ cả mảng ngứa. Sau 1 thời gian, thì ngày nào cũng bị thường là buổi tối và nổi lúc thì hạt lúc thì như hình hoa rồi cả mảng.

Rồi thời gian gần đây thì lại thỉnh thoảng bị nhưng mỗi lần bị nó rần rần hết cả người như có con gì chích những vết đỏ nổi kiểu như bị sâu tóm vậy thời gian bị cũng chủ yếu vào lúc tối. Mỗi lần nổi là cả người đầu tóc mặt gì bị hết. Ngoài ra, tôi còn hay bị đau đầu, mệt mỏi, trí nhớ giảm sút,không tập trung được, cũng rất hay bị đau bụng, lâu lâu có đau ngực và buồn nôn đặc biệt gần tới những ngày đèn đỏ thì những hiện tượng đau lại càng nhiều hơn. Tôi ăn nhiều hay ít cũng không thể mập nổi nó cứ lên được 1 xíurồi xuống rất nhanh. Đặc biệt, mỗi khi đánh răng tôi hay bị chảy máu dù đánh nhẹ đánh qua hay đánh mạnh.

Tôi rất lo lắng vì bệnh đã theo rất lâu tôi đã đi khám rất nhiều uống rất nhiều thuốc nhưng vẫn không đỡ. Hơn 1 năm lại đây vì uống thuốc quá nhiều mà tác dụng thì không có nên tôi đã ngưng không uống hay đi khám ở đâu nữa. Trước lúc đó, tôi có đi khám bác sĩ chuẩn đoán tôi bị dị ứng thời tiết, dị ứng không rõ nguyên nhân, mề đay mãn tính. Ngoài ra, các bệnh khác như đau vai thần kinh gây, viêm tụy cấp, viêm đường ruột, viêm dạ dày. Các lần đó các bác sĩ không cho tôi làm xét nghiệm kí sinh trùng chỉ có xét nghiệm máu, gan, nhưng kết quả bình thường lâu lâu xét nghiệm thì có thiếu máu. Không biết theo như tình trạng tôi miêu tả thì tôi có thể bị gì a? Cần làm những xét nghiệm gì? chi phí sẽ ra sao (nói rõ khoản này giúp tôi)? Mong đc hồi đáp sớm cảm ơn

Trả lời: Kể ra thì bạn mới 24 tuổi mà lắm bệnh nhỉ, từ bệnh phụ khoa của phụ nữ (như đau trong thời kỳ kinh nguyệt) đến bệnh tai mũi họng và răng hàm mặt, đến bệnh ngoài da, dị ứng ngứa, suy dưỡng và gầy sút,…chỉ mỗi thiếu loại bệnh liên quan đến ký sinh trùng là bạn chưa liệt kê ở đây mà thôi. Do vậy, để chúng tôi có cơ sở đưa ra tư vấn và điều trị bệnh cụ thể đầy đủ cho bạn, có lẽ bạn phải đi xét nghiệm đầy đủ các bệnh đang có khi đó chúng tôi mới có thể dựa trên các kết quả xét nghiệm (nói chung là nên xét nghiệm tổng quát đầy đủ). Khi có đủ kết quả xét nghiệm, chúng tôi có thể xem xét và cho lời khuyên cho đầy đủ đến bạn chứ bây giờ không có thông tin nào để đưa ra tư vấn cụ thể cho bạn cả. Liên quan đến loại xét nghiệm nào và chi phí bao nhiêu tùy thuộc vào từng loại xét nghiệm mà bác sỹ chỉ định và giá của từng loại xét nghiệm bạn nhé! Thân chúc bạn khỏe!


Nguyễn Thị MInh Ng.-nguyet.minh…@....Đà Nẵng

Hỏi: Tháng 2/2016 tôi bị mẩn ngứa đi xét nghiệm máu kết quả dương tính với giun sán chó. Tôi gửi kết quả vào Viện ký sinh trùng Quy Nhơn và đã được kê đơn lấy thuốc tại Viện uống 3 toa nhưng vẫn không khỏi. Vì vậy, ngày 13/10/2016 tôi trực tiếp vào xét nghiệm tại Viện Ký sinh trùng-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn với kết quả dương tính với giun sán chó và vi khuẩn H. pylori dạ dày. Viện đã cho toa thuốc uống 20 ngày. Sau khi hết thuốc 2 ngày, tôi vẫn bị ngứa lại nên 10 ngày sau tôi vào Viện ký sinh trùng xét nghiệm lại lần 2 kết quả giun sán chó và H. pylori dạ dày đã giảm nhưng vẫn dương tính và lại phát hiện dương tính với giun lươn. Tôi không hiểu sao trong quá trình uống thuốc mà giun lươn vẫn phát triển??? Viện kê toa cho tôi 20 ngày thuốc gồm: Unaben 400mg: 42 viên; Loranic 5mg: 40 viên; Tributel 200mg: 40 viên; Philovitan 140/60mg: 40 viên; Clarocin 500mg: 20 viên; Tinidazole 50mg: 20 viên; Duhuzin 20mg: 20 viên; Lesaxys 250mg: 3 viên Uống thuốc vào buổi sáng và tối và hẹn tái khám sau 3 tháng, nhưng hiện nay đã hết thuốc được 1 tuần thì các triệu chứng mẩn ngứa lại tiếp tục. Tôi phải chờ 3 tháng trong tình trạng ngày nào cũng bị ngứa như vậy hay vào Viện kiểm tra lại. Tôi thật sự rất hoang mang, vì đã uống 05 toa trong gần 9 tháng nhưng vẫn không điều trị dứt điểm được. Bác sĩ hãy cho tôi ý kiến, cảm ơn!

Trả lời: Trước hết cảm ơn bạn đã cho chúng tôi một phần cần tư vấn tương đối chi tiết và cụ thể để chúng tôi phúc đáp. Đặc biệt có các phần hỏi của bạn rất khoa học và cực kỳ thú vị.


Hình 17

Tuy nhiên, như bạn biết rằng ngừa không phải là một bệnh mà chúng chỉ là một triệu chứng đơn thuần mà thôi, có mặt trong nhiều bệnh lý nội khoa và truyền nhiễm khác chứ không nhất thiết là trong bệnh giun sán đơn thuần. Chúng tôi thấy đơn thuốc của bạn dường như đã bao phủ cả điều trị bệnh giun, bệnh sán, bệnh do vi khuẩn H. pylori, bệnh do sán lá gan lớn, tuy nhiễn vẫn không khỏi nên trước hết tạm gọi là mày đay mạn tính. Bệnh mày đay mạn tính (chronic urticaria) là một bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra chứ khong nhất thiết một nguyên do cụ thể nào và có thể có liên quan đến nhiều yếu tố môi trường, nghề nghiệp, tuổi tác, bệnh tật, hoặc sau một sang chấn hoặc chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạ lao động sử dụng quá nhiều loại thuốc kháng sinh/ và chống viêm trong một thời gian dài làm rối loạn hệ miễn dịch của bạn, hoặc lạm dụng một số thực phẩm chức năng qua một thời gian dài cũng dẫn đến triệu chứng mày đay mạn tính bạn ah. Nếu quả thật sau khi dùng các thuốc như thế hay đang có sẵn bệnh lý nền thì vấn đề ngứa không thể giải quyết nhanh chóng “một sớm một chiều” được vì nguyên nhân chúng ta vẫn chưa loại bỏ kia mà - đúng không. Có nghĩa là điều này cần có thời gian để hệ miễn dịch phục hồi lại bình thường thì các triệu chứng ngứa hay mày đay mới hoàn toàn trở lại bình thường. Việc xác định có phải là nguyên nhân như trên không còn tùy thuộc vào khai thác bệnh sử của bệnh nhân một cách bài bản và đầy đủ thông tin chứ không thể dựa vào chỉ Panel giun sán ký sinh trùng là đầy đủ bạn nhé.

Dưới đây là phác đồ điều trị mày đay mạn tính theo các bước cụ thể theo Các chuyên gia dị ứng khuyến cáo:


Hình 18

 

 

 

Ngày 22/04/2017
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích