Điều trị vết thương bằng máy PlasmaMed
Máy PlasmaMed là máy sử dụng tia plasma lạnh dùng để hỗ trợ điều trị vết thương đã được các nhà khoa học và Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng tại các cơ sở y tế có điều kiện vì chúng có tác dụng điều trị diệt các loại vi khuẩn hoặc ức chế vi khuẩn bao gồm cả một số vi khuẩn kháng thuốc, virút và nấm; đồng thời cũng có tác dụng kích thích tăng sinh tế bào, tái tạo mô và hình thành các mạch máu mới trong quá trình liền vết thương. Đặc điểm của máy PlasmaMed PlasmaMed là máy phát ra tia plasma lạnh. Tia plasma lạnh gồm nhiều thành phần hoạt chất chứa oxy; hoạt chât chứa nitơ, ion, electron, bức xạ cực tím UV (ultraviolet) hay tử ngoại... có tác dụng phá vỡ hoặc xâm nhập qua màng tế bào, tiêu diệt hoặc ức chế hoạt động của vi khuẩn, virút và nấm. Đồng thời tia plasma lạnh cũng có tác dụng xúc tác cho phản ứng của N2 với O2 có trong không khí, NO2- và NO3- trong dịch cơ thể thành NO đóng vai trò quan trọng trong quá trình liền vết thương của cơ thể bằng cơ chế NO kích thích sự phát triển của các tế bào sừng và nguyên bào sợi, kích thích tái tạo biểu mô và sự hình thành các mạch máu mới giúp liền vết thương nhanh. Đặc điểm của plasma lạnh là tác động lên cơ thể con người không có tính đâm xuyên mà chỉ giới hạn trên vài micro mét (µm) bề mặt nên không gây tổn hại tới các tế bào. Tia plasma lạnh khi được phát ra có màu tím. Khi cự ly tia chiếu là khoảng cách từ đầu bút phát ra tia plasma đến bề mặt vết thương khoảng 0,5 cm thì sẽ có tác dụng diệt khuẩn trong phạm vi đường kính vết thương khoảng 1 cm được gọi là chế độ diệt khuẩn. Khi cự ly chiếu khoảng 1 cm sẽ tạo ra được vùng tác động với đường kính khoảng 1 cm được gọi là chế độ liền vết thương. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng Với những đặc điểm tính năng đã được nêu ở trên, máy PlasmaMed sử dụng tia plasma lạnh được chỉ định sử dụng trong các trường hợp người bệnh có chỉ định thay băng gồm: vết thương lâu lành, vết thương nhiễm trùng, vết thương hoại tử; vết loét do điểm tì đè ở vùng gan bàn chân, vùng gót chân, vùng cùng cụt, vùng bả vai, vùng chẩm; vết thương mới có nguy cơ nhiễm trùng, lâu lành như vết thương đụng dập nhiều, mất da rải rác, vết thương bẩn, vết thương phù nề, vết thương ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và suy kiệt cơ thể; vết thương do bỏng. Phương pháp kỹ thuật điều trị này chống chỉ định sử dụng đối với những người bệnh đang sử dụng máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim, những bệnh nhân có chống chỉ định thay băng thông thường đang có dấu hiệu suy hô hấp hoặc trụy tim mạch hay bị sốc..., những người bệnh có vết thương ở vùng mắt. PlasmaMed là máy phát ra tia plasma lạnh dùng để điều trị vết thương đặc biệt (ảnh internet) Chuẩn bị và thực hiện kỹ thuật Kỹ thuật được tiến hành đơn giản, chỉ cần 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng viên với việc chuẩn bị một số dụng cụ, thiết bị, thuốc men cần thiết gồm: máy PlasmaMed; bộ dụng cụ thay băng như kéo cong, panh, kẹp phẫu tích có mấu và không mấu; bông, băng, gạc vô khuẩn, băng cuộn, băng dính; găng tay phẫu thuật, găng tay sạch; dung dịch natri chloride 0,9%, dung dịch adrenaline 1/200.000; dụng cụ đựng chất thải y tế khi thay băng, rửa vết thương. Trước khi điều trị, phải giải thích phương pháp chữa trị một cách cụ thể, rõ ràng để người bệnh yên tâm và phối hợp điều trị. Kỹ thuật được thực hiện tại phòng phẫu thuật, phòng thủ thuật, phòng thay băng hoặc tại phòng bệnh sạch. Phải ghi y lệnh thay băng, chiếu tia plasma trong tờ điều trị và thực hiện y lệnh trong phiếu chăm sóc. Sau khi chuẩn bị xong, phương pháp kỹ thuật được tiến hành theo các bước tuần tự bao gồm: Bệnh nhân và bác sĩ phải ở trong tư thế phù hợp, người bệnh có thể nằm hoặc ngồi để có vị trí thuận lợi cho việc thay băng và làm thủ thuật, bác sĩ cũng lựa chọn tư thế thuận tiện để làm thủ thuật, lưu ý máy PlasmaMed đặt cùng một bên phía bác sĩ điều trị. Tiếp theo bộc lộ vết thương của bệnh nhân với kỹ thuật thay băng thông thường. Sau đó làm sạch vết thương bằng cách dùng gạc mềm vô khuẩn tẩm dung dịch natri chloride 0,9% để rửa vết thương; lấy bỏ giả mạc, dị vật, cắt lọc hoại tử nếu có; dùng gạc vô khuẩn thấm khô vết thương; nếu vết thương sâu, bị che phủ phải bộc lộ vết thương vùng định chiếu tia plasma. Tiếp đến là kỹ thuật chiếu tia plasma với thời gian chiếu và cách di chuyển đầu chiếu ít nhất là 10 giây trên điểm tổn thương, dịch chuyển đầu chiếu tia plasma chậm với tốc độ 5 mm/giây trên vết thương theo hình xoáy trôn ốc hoặc theo hình chữ chi hay đường thẳng tùy theo hình thể của vết thương; tần suất chiếu mỗi ngày 1 lần. Sau khi chiếu tia plasma, băng vết thương và đưa bệnh nhân trở về giường bệnh, tùy theo tính chất của từng vết thương mà sau khi chiếu tia plasma vết thương được băng kín hay để hở; nếu băng kín thì không nên băng quá chặt ảnh hưởng đến sự lưu thông tuần hoàn máu. Cuối cùng thu dọn, vệ sinh dụng cụ và rửa tay. Theo dõi và xử trí tai biến Trong khi tiến hành thủ thuật điều trị vết thương bằng máy PlasmaMed, bác sĩ và điều dưỡng viên phải theo dõi tình trạng toàn thân của người bệnh như hô hấp, mạch, huyết áp, nhiệt độ. Trường hợp ở tại chỗ có hiện tượng chảy máu trong khi làm sạch vết thương, phải đắp gạc tẩm dung dịch natri chloride 0,9% hoặc tẩm dung dịch adrenaline 1/200.000 trên vùng có chảy máu. Nếu xảy ra các triệu chứng từ phản ánh của bệnh nhân như có cảm giác rát, đau, ngứa mặc dù rất hiếm gặp thì cần giảm thời gian chiếu tia plasma và giảm tần suất chiếu tia plasma mỗi 2 ngày 1 lần. Lời khuyên của thầy thuốc Việc điều trị vết thương với máy PlasmaMed bằng cách ứng dụng phương pháp kỹ thuật chiếu tia plasma lạnh lên vết thương của bệnh nhân đã tỏ ta có hiệu quả trên thực tế, đặc biệt là đối với vết thương lâu lành, vết thương nhiễm trùng, vết thương hoại tử; vết loét do tì đè ở vùng gan bàn chân, vùng gót chân, vùng cùng cụt, vùng bả vai, vùng chẩm; vết thương mới có nguy cơ nhiễm trùng, lâu lành như vết thương đụng dập nhiều, mất da rải rác, vết thương bẩn, vết thương phù nề, vết thương ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và suy kiệt cơ thể; vết thương do bỏng như đã nêu ở trên. Nếu cơ sở y tế có điều kiện, nên trang bị phương tiện kỹ thuật này để góp phần thực hiện điều trị vết thương cho người bệnh có hiệu quả tốt theo khuyến cáo của các nhà khoa học và Bộ Y tế.
|