Cấp cứu ngừng tim đột ngột một số trường hợp thường gặp
Khi người bị ngừng tim, máu ngừng lưu thông trong cơ thể không có nghĩa là người đó đã chết mà sau khi tim ngừng đập, chuyển hóa trong cơ thể vẫn còn tiếp tục một thời gian ngắn theo đường yếm khí. Nếu trong thời gian này, với những phương pháp nhân tạo làm cho máu được kết hợp với oxy và lưu thông trở lại, các cơ quan được hồi phục thì có thể sống lại, hoàn toàn không có di chứng. Cần lưu ý việc cấp cứu một số trường hợp ngừng tim đột ngột thường gặp do trẻ bị sặc bột, đuối nước và điện giật để xử trí kịp thời. Nguyên tắc cấp cứu ngừng tim đột ngột Nguyên tắc chung của biện pháp hồi sức cấp cứu ngừng tim đột ngột là phải tranh thủ từng giây, từng phút; bảo đảm sự chính xác, phải phối hợp sự nhịp nhàng giữa 3 loại hồi sức gồm tuần hoàn, hô hấp và não. Có 3 bước hồi sức, mỗi bước gồm một số động tác điều trị cơ bản mà các bác sĩ trên thế giới gọi theo thứ tự A, B, C. Bước 1 hỗ trợ sự sống cơ bản hay là nhanh chóng đưa máu được bão hòa oxy lên não và đi khắp cơ thể với các động tác cơ bản làm thông đường thở, hà hơi thổi ngạt, ép tim lập lại tuần hoàn. Bước 2 hỗ trợ sự sống tiến triển hay là khôi phục tuần hoàn tự nhiên với các động tác cơ bản tiêm thuốc trợ tim và đặt ống nội khí quản, đo điện tâm đồ, điều trị rung thất. Bước 3 với các động tác cơ bản là bảo đảm thể tích máu, giữ áp lực tâm thu thích hợp, hỗ trợ tim co bóp tốt, hồi sức tích cực phục hồi vỏ não bằng tăng thông khí, điều trị đặc hiệu, đánh giá tình hình não. Trên thực tế ngoài các bệnh nhân bị ngừng tim đột ngột trên lâm sàng cần được xử trí can thiệp kịp thời, có hiệu quả nhằm cứu sống người bệnh; một số trường hợp ngừng tim đột ngột thường gặp ở trẻ nhỏ bị sặc bột khi ăn, do đuối nước và do điện giật cũng cần phải được cấp cứu nhanh chóng để cứu sống nạn nhân. Cấp cứu trẻ bị ngừng tim do sặc bột Thực tế tại nước ta, nhiều trường hợp trẻ em khoảng 1 tuổi bị ngạt thở và ngừng tim đột ngột do sặc bột trong khi ăn, nếu không được xử trí cấp cứu kịp thời thì trẻ có thể bị tử vong. Do đó khi phát hiện dấu hiệu trẻ bị sặc bột, người cấp cứu phải đặt đứa trẻ nằm sấp trên bàn tay trái của mình, dùng bàn tay phải vỗ mạnh sau gáy và sau ngực cho bột rơi ra khỏi họng. Dùng ngón tay trỏ phải móc hết bột còn lại trong miệng và cổ họng của đứa trẻ. Lật ngửa đứa trẻ và làm ngay động tác hà hơi thổi ngạt từ 16 đến 20 lần mỗi phút. Chú ý chỉ hà hơi thổi ngạt vừa đủ căng lồng ngực. Nếu đứa trẻ có dấu hiệu nhợt nhạt, sờ không thấy mạch cổ, phải đặt ngay trên ván cứng và ép tim ngoài lồng ngực khoảng 120 lần mỗi phút. Vị trí ép tim không như ở người lớn mà ở điểm giữa nối nửa trên và nửa dưới xương ức. Nếu chỉ có một người cấp cứu hồi sức thì tay phải ép tim, tay trái giữ đầu trẻ ngửa ra sau để hà hơi thổi ngạt chính xác; có thể thực hiện theo nhịp 1:5 hoặc 2:15. Nếu trẻ được xử trí sớm sau 5 - 15 phút, tim sẽ đập lại, đứa trẻ có thể tỉnh, hoàn toàn không có di chứng để lại. Tuy nhiên cần theo dõi đứa trẻ tại cơ sở y tế trong khoảng thời gian từ 24 đến 48 giờ để bảo đảm an toàn.
Cấp cứu ngừng tim đột ngột cần được huấn huyện cho nhiều người trong cộng đồng biết để xử trí
Cấp cứu ngừng tim do đuối nước Trong trường hợp này, người cấp cứu có thể tiến hành động tác hà hơi thổi ngạt ngay trên mặt nước khi đang bơi để đưa nạn nhân vào bờ. Phải đưa ngay nạn nhân ra khỏi nước, có thể cầm giữ hai bàn chân rồi cho hai gối nạn nhân lên hai vai người cấp cứu và cho đầu nạn nhân chúc xuống đất; người cấp cứu chạy hoặc nhảy khoảng 15 bước cho nước, thức ăn, đờm dãi trong mũi họng, đường thở của nạn nhân chảy ra ngoài. Do sự lên xuống của cơ hoành nên nhiều phế nang sẽ được thông khí đưa khí oxy vào máu và tống khí carbonic ra ngoài. Sau đó tiến hành động tác hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực theo quy định. Lưu ý nên nhanh chóng tìm cách đặt nội khí quản và hô hấp nhân tạo với khí oxy nguyên chất. Nếu trường hợp bị đuối nước ở nước ngọt, nên giữ áp lực dương/dương hoặc áp lực dương ở cuối kỳ thở ra trong lồng ngực, hạn chế phù phổi cấp tính. Khi tim đập trở lại với huyết áp trên 100 mmHg thì cho thuốc lợi tiểu furosemide để tống bớt nước và kali trong thành mạch và cơ thể ra ngoài. Nên tiếp tục hô hấp nhân tạo với áp lực dương khoảng 24 đến 48 giờ sau mặc dù nạn nhân đã tỉnh. Cần sử dụng kháng sinh các loại có tác dụng trên vi khuẩn gram âm và gram dương. Lưu ý hạn chế việc truyền dịch nếu nạn nhân bị đuối nước ở nước ngọt, trái lại nên truyền nhiều dịch bù đủ khối lượng tuần hoàn nếu nạn nhân bị đuối nước ở nước mặn. Cấp cứu ngừng tim do điện giật Trong trường hợp này phải lập tức đưa ngay nạn nhân ra khỏi lưới điện bằng cách cách ly và ngắt nguồn điện tiếp xúc. Cần phải hà hơi thổi ngạt, đặt nội khí quản, làm hô hấp nhân tạo với khí oxy nguyên chất. Ép tim ngoài lồng ngực hoặc trong lồng ngực. Tiêm noradrenaline 1mg, xylocain 100mg, heparin 2500 đơn vị tương ứng 1/2 ml trực tiếp vào tim nếu trường hợp ép tim ngoài lồng ngực hoặc tiêm vào mạch máu. Có thể làm sốc điện chống rung tim. Hỗ trợ bằng thuốc dobutamine, dopamine, dung dịch kiềm natri bicarbonate và truyền dịch nếu cần. Huấn luyện và tổ chức cấp cứu ngừng tim Thực tế hàng ngày trong sinh hoạt, cộng đồng có thể đối mặt với một số trường hợp ngừng tim đột ngột như trẻ em bị sặc bột khi ăn, người bị đuối nước và bị điện giật như đã nêu ở trên nên việc huấn luyện và tổ chức cấp cứu ngừng tim là công việc rất quan trọng, quyết định sự thành công trong công tác cấp cứu. Việc huấn luyện không những tổ chức cho các nhân viên y tế mà ngay cả đối với những người làm công tác cứu hộ, cứu hỏa, trật tự giao thông, an ninh công cộng, hội viên chữ thập đỏ, thanh niên, phụ nữ, giáo viên... để hình thành được một mạng lưới cấp cứu ở khắp mọi nơi. Đối với những người ở ngoài ngành y tế, cần huấn luyện biết phát hiện dấu hiệu ngừng tim, làm thông đường thở, ép tim ngoài lồng ngực. Nhân viên y tế cần biết phát hiện dấu hiệu ngừng tim qua máy theo dõi điện tim, biết tiêm đường tĩnh mạch, biết chuẩn bị và tiêm các thuốc trợ tim như noradrenaline, adrenaline; biết chuẩn bị và biết đặt nội khí quản, làm hô hấp nhân tạo bằng túi xếp hoặc bóp bóng, biết chuẩn bị các máy ghi hoặc theo dõi điện tim, máy làm sốc điện... Như vậy tình trạng ngừng tim đột ngột phải được phát hiện và thực hiện cấp cứu ngay tại chỗ xảy ra tai nạn. Cán bộ của trạm y tế ở các cơ sở có nhiệm vụ chi viện và hỗ trợ bổ sung kỹ thuật cấp cứu. Sau khi được cấp cứu tại chỗ, tuần hoàn đã trở lại hoạt động và ổn định thì nạn nhân phải được chuyển về các cơ sở điều trị tích cực và các trung tâm chuyên khoa để tiếp tục hồi sức và theo dõi theo đúng quy định. Lời khuyên của thầy thuốc Cấp cứu ngừng tim đột ngột đòi hỏi phải biết tranh thủ từng giây, từng phút vì ở nhiệt độ bình thường thì thời gian chết lâm sàng không vượt quá 5 phút. Điều quan trọng trước tiên là phải biết phát hiện tức thì dấu hiệu ngừng tim mà hai triệu chứng cơ bản nhưng đơn giản nhất là không bắt được mạch bẹn hoặc mạch ở cổ và có đồng tử giãn. Việc cấp cứu phải được thực hiện ngay lập tức tại nơi xảy ra tai nạn bằng cách làm thông đường thở, hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực. Các phương pháp này tuy đơn giản nhưng lại cho kết quả khá tốt nhất và bất kỳ ai cũng có thể làm được khi được huấn luyện. Nếu phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời và chính xác thì nạn nhân có thể sống lại mà không có di chứng. Nếu để muộn, không những hồi sức gặp nhiều khó khăn mà nạn nhân sống sót có thể chỉ còn đời sống thực vật hoặc mất não hoàn toàn.
|