|
Sử dụng test chẩn đoán nhanh cho đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng chưa có điểm kính hiển vi xã (ảnh minh họa) |
Những vấn đề đặt ra trong công tác phòng chống sốt rét tại huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị
Vĩnh Linh là một huyện phía Bắc tỉnh Quảng Trị. Phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp huyện Hướng Hóa; phía Nam giáp huyện Gio Linh và phía Bắc giáp huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Dân số khoảng 100.000 người, trong đó có gần 3.000 người dân tộc Vân Kiều, toàn huyện có 25.151 hộ; 19 xã, 3 thị trấn; 195 làng, bản, khóm phố. Vĩnh Linh vốn là huyện nông nghiệp, sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới đã hình thành được cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, ngư nghiệp - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - Dịch vụ thương mại. Bên cạnh sự đầu tư mạnh về nhân lực,cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí trong nhiều năm liền từ ngành y tế Quảng Trị thì việc phát triển kinh tế của huyện cũng góp phần vào thành tựu y tế nói chung và phòng chống sốt rét nói riêng. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng 9 tháng đầu năm 2017, cả tỉnh ghi nhận được 219 ca sốt rét, tập trung chủ yếu tại các huyện trọng điểm sốt rét như Hướng Hóa (172 ca), Đakrông (30 ca). Riêng huyện Vĩnh Linh, tình hình sốt rét trong những năm gần đây có chiều hướng giảm dần từ 61 ca vào năm 2011, 45 ca (2012), 22 ca (2013), 19 ca (2014),11 ca (2015) xuống còn 10 ca vào năm 2016, và trong 9 tháng đầu năm nay chỉ ghi nhận được 1 ca sốt rét ngoại lai. Để đạt được thành tích này, ngay từ đầu năm mặc dầu gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh phí của dự án phòng chống sốt rét quốc gia nhưng Trung tâm Y tế huyện đã triển khai chiến dịch phun, tẩm cho các xã vùng sốt rét lưu hành bảo vệ cho khoảng 8.000 dân tại các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Bến Quan …., tổ chức 30 lượt giám sát dịch tể tại các xã lưu hành sốt rét về phòng chống muỗi truyền bệnh, thống kê báo cáo, phát hiện và điều trị; truyền thông phòng chống sốt rét thông qua các kênh khác nhau như tư vấn tại hộ gia đình khi giám sát của nhân viên y tế thôn bản tại 9 xã dự án Quỹ toàn cầu phòng chống sốt rét, lồng ghép truyền thông qua loa truyền thanh xã ở những nơi có điều kiện cho hàng chục ngàn lượt người nghe đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trên địa bàn, cấp miễn phí gần 4000 màn và võng màn tồn lưu dài lâu cho dân nghèo, đối tượng đi rừng ngũ rẫy,các loại thuốc sốt rét về tận cơ sở, gần 4000 test chẩn đoán nhanh được phân bổ và hoạt động của các cụm kinh hiển vi trên địa bàn đã lấy máu và soi phát hiện cho gần 2000 đối tượng nguy cơ sốt rét. Thành quả thu được trong phòng chống sốt rét tại Vĩnh Linh là đáng trân trọng và để ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ y tế trên địa bàn huyện trong thời gian qua, Bộ Y tế và UBND tỉnh đã tặng nhiều bằng khen cho các tập thể và cá nhân. Tuy nhiên, Vĩnh Linh cũng là huyện có số dân sống trong vùng sốt rét còn lớn chiếm khoảng 30% và theo phân vùng dịch tể năm 2014 của Dự án phòng chống sốt rét quốc gia, Vĩnh Linh có 9 xã thuộc vùng sốt rét lưu hành ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến vừa. Hơn nữa, do biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện cho muỗi Anopheles - trung gian truyền bệnh sốt rét phát triển mạnh, di biến động dân do buôn bán, khai thác lâm thổ sản, thu hoạch mũ cao su vào các thời điểm dễ bị phơi nhiễm với muỗi truyền bệnh nên nguy cơ sốt rét cho nhóm quần thể này còn cao.
Nhân dân xã Vĩnh Sơn - Vĩnh Linh hưởng ứng chiến dịch tẩm màn phòng chống sốt rét
Để tiếp tục duy trì thành quả đạt được và hướng tới lộ trình sốt rét cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống sốt rét.Trước mắt tập trung củng cố mạng lưới y tế cơ sở, đảm bảo đủ về số lượng, có chất lượng chuyên môn cao, thành thạo các kỹ năng phòng chống sốt rét, đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ làm công tác phòng chống sốt rét ở tất cả các tuyến vì đây là nơi phát hiện và điều trị sớm, giúp khoanh vùng và xử lý triệt để các ổ bệnh tránh tử vong và lây lan ra cộng đồng. Việc xây dựng và phát triển hệ thống y tế thôn bản hoạt động tốt là một giải pháp có tính chiến lược rất quan trọng để đưa các dịch vụ y tế nói chung và phòng chống sốt rét nói riêng đến được tận người dân. Kết hợp việc đẩy lùi bệnh sốt rét với xây dựng và phát triển các yếu tố bền vững ngăn ngừa sốt rét quay trở lại. Đảm bảo có đủ thuốc sốt rét có hiệu lực cao đến tận thôn bản. Tập trung xác định vùng trọng điểm và đầu tư có trọng tâm để khống chế sự lan truyền tại chỗ. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giám sát dịch tể sốt rét, kịp thời thu thập thông tin để can thiệp sớm khi có biến động không cho lây lan ra cộng đồng, coi giám sát là một can thiệp chính. Quản lý tốt các ca bệnh ngoại lai. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các loại hình truyền thông, tập trung vào các nhóm đối tượng đích thông qua việc tư vấn tại các cơ sở khám chữa bệnh, truyền thông tại hộ gia đình kết hợp với giám sát tại các thôn, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chú ý phối hợp với ngành giáo dục thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa trước giờ học hay sinh hoạt lớp nhằm chuyển tải các thông điệp về phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét, làm cho người dân nâng cao nhận thức và tích cực ủng hộ, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống sốt rét (phun hóa chất tồn lưu trong nhà, tẩm màn, ngủ màn, tự mua màn chống muỗi cho bản thân và gia đình) phấn đấu đến năm 2020 có trên 98% người dân sống trong các vùng sốt rét lưu hành biết được 4 thông điệp chính về bệnh sốt rét. Chú trong việc phát triển và củng cố mạng lưới cụm kính hiển vi tuyến xã; sử dụng các test chẩn đoán nhanh cho các đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng chưa có điểm kính hiển vi xã, các thôn bản ở xa trạm y tế nhằm phát hiện sớm bệnh nhân sốt rét và điều trị đúng phác đồ của Bộ Y tế theo từng chủng loại ký sinh trùng, uống thuốc đủ liều, đủ ngày theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Khuyến khích các tổ chức chính trị xã hội, các nhóm cộng đồng, y dược tư nhân tham gia công tác phòng chống và loại trừ sốt rét. Sốt rét là một bệnh dịch nguy hiểm, là gánh nặng bệnh tật đối với sức khỏe và tính mạng con người. Bệnh sốt rét lưu hành tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, văn hóa của người dân và cả cộng đồng. Do vậy, phòng chống và loại trừ sốt rét phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài không chỉ riêng ngành y tế mà còn là nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cần phải tăng cường huy động cộng đồng tham gia phòng chống và loại trừ sốt rét.
|