Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 7 2 2 5 2
Số người đang truy cập
1 3 2
 Tư vấn sức khỏe Y học thường thức
Một số câu hỏi thường gặp các bệnh về y học thường thức

Huỳnh Vinh Gia V., 42 tuổi, TP. Tuy Hòa, Phú Yên, vinhan@....

Hỏi: Được biết Viện Sốt rét, ký sinh trùng Quy Nhơn là một trong những nơi chuyên nghiệp về nghiên cứu bệnh giun sán và rất nhiều bài viết rất hữu ích về phòng bệnh giun sán cho con người. Em thường xuyên đi ăn các nhà hàng hải sản và rất thích các món ăn hải sản sống với mù tạt chanh. Không biết ăn như vậy có tốt không và nên cất giữ các hải sản này ở nhiệt độ bao nhiêu là phù hợp để ăn an toàn nhất. Chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe các bác sỹ!

Trả lời:

Cảm ơn bạn về câu hỏi rất thú vị và rất thực tế của bạn, mọi người đã và đang thích ăn các món hải sản dạng ăn sống, với nước cốt chanh và mù tạt (mustard) dưới dạng sashimi, sushi bán sống chín. Như bạn biết, các món này là các món ăn độc đáo từ đất nước mặt trời mọc Nhật Bản, khi biết đến văn hóa ẩm thực xứ sở hoa anh đào là nhắc đến một nền văn hóa truyền thống với những món ăn và nghệ thuật trang trí độc đáo rất thủ công dù họ đang trong đời sống hiện dại.

Với người Nhật Bản, món ăn luôn mang lại may mắn và hạnh phúc vì vậy nguyên liệu và cách chế biến rất được coi trọng. Sashimi là tên gọi chung cho những món ăn sống mà thành phần chính là các loại hải sản tươi sống, không phải chỉ có cá mà còn tôm, bạch tuộc, mực sống, hàu sống, tôm nhỏ,…. Đây là các món ăn rất phổ biến trong thực đơn của người Nhật Bản, bởi lẽ họ cho rằng các món ăn từ hải sản nói chung và đặc biệt cá rất có lợi cho sức khỏe người thưởng thức. Trong đó, họ thường ăn các món Sashimi là món cắt thịt sống để ăn. Thường nguyên liệu chính người Nhật Bản dùng để chế biến là các nhóm cá như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá basa, cá ngừ đại dương, cá cờ kiếm. Bên cạnh đó, các loài hải sản khác như bạch tuộc, tôm biển cũng rất thích hợp để chế biến thành món ăn sống độc đáo này.


Hình 1

Hiện nay, tại Nhật Bản cũng như ở Việt Nam có những chuỗi nhà hàng bán các thức ăn này rất phổ biến. Với các nguyên liệu kể trên, thái lát mỏng tùy thuộc nguyên liệu và cách chế biến của mỗi người, có thể dài ngắn, hoặc tạo hoa văn trang trí giúp món ăn thêm phần hấp dẫn. Nước chấm như xì dầu, nước tương, các loại gia vị như gừng thái mỏng, làm chua (màu đỏ hay màu vàng hoặc xanh), mà đặc biệt là gia vị truyền thống của Nhật Bản là mù tạt hay gọi là Wasabi. Tất nhiên, không thể bỏ qua các lại rau tía tô, củ cải trắng và tảo biển. Tuy là món ăn sống, nhưng Sashimi rất dễ ăn, đảm bảo an toàn cho người thưởng thức và còn mang lại cảm giác lạ miệng bất ngờ. Không chỉ hấp dẫn bởi hương vị, do được chế biến từ hải sản nên đây còn là món ăn bổ dưỡng.

Với sự kết hợp của các gia vị truyền thống, vị tanh của thịt sống biến mất, thay vào đó là cảm giác ngọt mát, tươi rói của hải sản đặt trên đá lạnh, kết hợp với một chút cay, một chút chua ngọt hấp dẫn. Món ăn vừa có vị mát lạnh nhưng cũng vừa đủ ấm bụng bởi những gia vị có tính hàn, nhiệt kết hợp thật khéo léo.


Hình 2

Nếu bạn một lần thưởng thức Sashimi đều có thể cảm nhận được sự tươi sống của món ăn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Những lát hải sản được xếp một cách đẹp mắt trên khay gỗ cùng với củ cải trắng bào sợi và tía tô. Cảm giác đầu tiên khi ăn Sashimi là vị cay xộc đến mũi, đánh thức các giác quan. Tuy nhiên, để ăn an toàn các loại thức ăn như thế là vấn đề cần bàn ở đây. Điều này nàm ở nhiệt độ trữ các thức ăn đó làm sao để giết chết các ấu trùng giun sán trong các thớ phile của cá chế biến sashimi là quan trọng!


Hình 3

Trước khi chế biến cá theo các món ăn sushi hay sashimi, cá phải hội đủ điều kiện đông lạnh được đưa ra dưới đây theo khuyến cáo là hoặc ở - 200C (hay (40F) hoặc dưới trong vòng 7 ngày; hoặc -350C (31F) hay dưới trong 15 giờ trong một ngăn đông lạnh phù hợp trước khi chế biến là an toàn cho sức khỏe, đặc biệt là ấu trùng giun đầu gai Gnathostoma spp. hay Anisakis spp. rất nguy hiểm đến sức khỏe con người, đặc biệt khi chúng ký sinh và gây bệnh trên hệ thần kinh trung ương.

Về mặt sức khỏe, có lẽ bạn cũng hiểu được các nhóm chủng tộc ăn các thức ăn sống chế biến như trên thường có tuổi thọ rất cao so với các nhóm dân tộc/ chủng tộc khác, chẳng hạn ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Newzealand.

Chúc bạn ăn uống khỏe mạnh!


Vĩnh Đ., 28 tuổi Quận 2, TP.Hồ Chí Minh

Hỏi: Thưa bác sỹ em làm thế nào ăn uống để điều chỉnh rối loạn mỡ máu vì em hiện nay đang quá cân. Vừa rồi đi xét nghiệm tổng quát thấy có rối loạn mỡ máu và siêu âm có gan nhiễm mỡ.

Trả lời:

Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin phúc đáp như sau: rối loạn lipid máu có thể rối loạn toàn bộ các thành phần trong một bilan lipid máu, hoặc chỉ rối loạn một trong các thành phần đó mà thôi. Trong thực tế, cholesterol là thành tố chủ yếu của màng tế bào và cũng là yếu tố chính để tổng hợp các nội tố như glucocorticoid, aldosteron và acid mật. Triglycerid đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển năng lượng từ thức ăn vào trong tế bào.


Hình 4

Tăng mỡ máu sẽ là nguy cơ gây nên nhiều vấn đề khác nhau cho sức khỏe con người như gan nhiễm mỡ, nặng hơn là suy giảm chức năng gan và ung thư gan trên nền gan nhiễm mỡ, rối loạn xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, tai biến mạch não, hội chứng chuyển hóa,…. Để dự phòng và điều trị tăng mỡ máu thì chế độ ăn uống và tập luyện thể chất luon đóng vai trò quyết định bên cạnh với việc dùng một số loại thuốc nếu cần. Cụ thể, nên ăn nhiều rau quả, khoảng 500 g rau xanh/ hàng ngày giúp thải cholesterol trong lòng ruột ra ngoài, góp phần làm hạ cholesterol máu. Người bị mỡ máu cao nên giảm ăn các chất béo, không uống nhiều bia rượu, không hút thuốc lá vì nó thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch và làm tăng mỡ máu.

Cụ thể dùng đạm ít béo như thịt bò nạc, thịt gà nạc bỏ da, thịt lợn thăn, nên dùng cá vì cá chứa nhiều acid béo omega-3, acid này không những giảm cholesterol mà còn giảm cả triglycerid; bớt lượng đạm giàu mỡ như thịt nửa nạc nửa mỡ, dùng dầu lạc, dầu đậu nành thay cho mỡ động vật, loại bỏ thức ăn nhiều acid béo no như mỡ, bơ và các thực phẩm có nhiều cholesterol như óc, lòng phủ tạng, đồ hộp béo. Các chuyên gia tim mạch cũng khuyến cáo, để điều chỉnh rối loạn mỡ máu, ngoài chế độ ăn uống phải kết hợp với tập luyện đều đặn, nếu 3 tháng không hiệu quả thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hạ mỡ máu.

Thân chúc bạn khỏe!


Huỳnh Huy Gia Th., 35 tuổi, Bà Rịa-Vũng Tàu, 091808…

Hỏi:Thưa các giáo sư, bác sỹ và thầy thuốc ở trang web này, ba em bị bệnh liệt run hay còn gọi là parkingson đã gần 20 năm nhưng dã dùng thuốc thường xuyên, không biết sao dạo gần đây ông có vẻ yếu hơn và phải dùng thuốc nhiều hơn để duy trì hoạt động hàng ngày. Làm thế nào dể ngăn chặn tàn tật do bệnh lý này gây ra hả bác sỹ. Em xin cần sự tư vấn của các bác, cảm ơn rất nhiều.

Trả lời:

Đúng như câu hỏi và lo lắng của bạn, nhiều bệnh nhân mắc bệnh Parkinson đã có dấu hiệu nặng dần dù có điều trị hay không, có một số ca diễn tiến rất nặng và dẫn đến tàn tật. Điều đáng lưu ý, Parkinson không phải là bệnh nguy hiểm cấp tính nhưng gây cản trở lớn đến công việc, sinh hoạt hằng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh có thể diễn tiến ngày càng nặng dần. Nếu không được điều trị đúng đắn kịp thời, sau từ 5-7 năm sẽ có nguy cơ bị tàn phế. Bệnh Parkinson thường gặp ở người lớn tuổi, chỉ 10% trường hợp khởi phát tuổi dưới 40. Tỷ lệ phát hiện bệnh này ở người trẻ ngày càng gia tăng trong cuộc sống hiện nay.

Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây bệnh Parkinson, khoảng 5-10% ca có yếu tố di truyền, có sự tương tác giữa di truyền và điều kiện môi trường đặc biệt gây ra bệnh nhưng chưa được chứng minh cụ thể. Bệnh cũng gia tăng ở nhóm có tiền sử gia đình bị bệnh Parkinson hoặc tiếp xúc nhiều với hóa chất, thuốc trừ sâu.

Giai đoạn đầu, các triệu chứng lâm sàng thường kín đáo, người bệnh mệt mỏi, có cảm giác cứng lưng, cổ, vai, háng. Cột sống và các chi có xu hướng gấp, kém mềm mại, các động tác bị chậm lại. Khi đi, cánh tay ít hoặc không đung đưa theo nhịp bước. Dần dần, bước đi ngắn lại. Tần số chớp mắt cũng giảm đi. Khe mi có vẻ rộng ra tạo cảm giác người bệnh luôn nhìn “chăm chú”. Nếu gõ vào gốc mũi, người bệnh mất khả năng ức chế nháy mắt gây hiện tượng rung giật mi mắt. Khi bệnh biểu hiện rõ có các triệu chứng: Run khi nghỉ, xuất hiện khi các cơ ở trạng thái nghỉ. Dấu hiệu này biến mất khi vận động, khi ngủ. Run tăng lên khi xúc động, tập trung. Run của bệnh Parkinson có đặc điểm đều đặn, bốn chu kỳ/giây. Run thường xuất hiện ở các ngón tay, gây ra động tác như “vê thuốc lào hoặc đếm tiền”. Run có thể gặp ở chi dưới, miệng hoặc vùng đầu.


Hình 5

Giảm động, là triệu chứng cơ bản và xuất hiện sớm ở bệnh nhân Parkinson. Các động tác khởi đầu chậm chạp. Tốc độ thực hiện các động tác chậm và giảm biên độ của các động tác làm động tác trở nên nghèo nàn. Hiện tượng bất động thấy rõ ở chi trên. Giảm động có thể gặp ở các loại hình vận động: dáng đi, nét mặt, lời nói.

Tăng trương lực cơ ngoại tháp gây ra hiện tượng “cứng kiểu ống chì hay uốn sáp”. Khi vận động thụ động, dấu hiệu cứng thường kèm dấu hiệu “bánh xe răng cưa”: khi làm động tác duỗi, thầy thuốc cảm nhận hiện tượng  duỗi xảy ra từng nấc chứ không liên tục. Tư thế gấp do tăng phản xạ tư thế quá mức là hiện tượng tăng trương lực cơ thuộc nhóm cơ gấp chiếm ưu thế tạo nên dáng người hơi gấp về phía trước. Lúc đầu gấp ở khuỷu tay. Giai đoạn sau, đầu và thân chúi ra trước, chi trên gấp và khép, chi dưới gấp ít hơn. Phản xạ điều chỉnh tư thế giảm nên bệnh nhân dễ bị ngã “như cây chuối đổ” khi bị đẩy nhẹ từ trước ra sau. Ở giai đoạn muộn, có dấu hiệu “đông cứng”. Mỗi lần bắt đầu ngồi dậy,  hoặc đi, người bệnh rất khó cử động. Hiện tượng này có thể xuất hiện trong tất cả các hoạt động trong ngày như nói, viết làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân. Ngã là hậu quả của sự rối loạn thăng bằng và điều phối các cơ trục thân thể, rối loạn phản xạ tư thế. Hậu quả của ngã có thể làm gãy xương khiến bệnh nhân liệt giường.

Bệnh Parkinson rất khó phát hiện trên các xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh mà chủ yếu bằng cách khám lâm sàng qua các triệu chứng của bệnh nhân. Do đó, bệnh sẽ rất dễ bị bỏ qua hoặc ít được phát hiện sớm nếu bệnh nhân không được khám tại các cơ sở có bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh. Bệnh Parkinson là bệnh mạn tính, cho đến nay y học hiện đại chưa có cách nào để phòng ngừa và chữa khỏi hẳn được bệnh này. Do đó, bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhằm hạn chế tiến triển của bệnh và điều quan trọng bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ. Nguyên tắc điều trị là một quá trình chăm sóc tinh tế, cần có sự theo dõi sát sao của thầy thuốc và hợp tác chặt chẽ của người bệnh. Việc chọn thuốc không những phụ thuộc vào sự đáp ứng của từng bệnh nhân mà còn phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh nên không có phác đồ chung cho tất cả mọi bệnh nhân.

Các biện pháp phục hồi chức năng cần được thực hiện song hành với điều trị thuốc để khắc phục những tàn tật do bệnh gây nên. Mục đích của vật lý trị liệu là làm giảm tính co cứng và tập luyện các cử động nhịp nhàng và điều hợp để duy trì sự hoạt động thể chất, từ đó tạo ảnh hưởng tốt đối với tâm lý của người bệnh.

Những phương thức vật lý trị liệu thường dùng có rất nhiều và cần được kết hợp với nhau mới đem lại kết quả. Các cử động thụ động, nhịp nhàng và đầy đủ tầm độ ở tất cả các khớp của cơ thể và sự nâng đỡ toàn thân bằng kỹ thuật treo là những phương pháp có hiệu quả để tạo thư giãn toàn thân. Bệnh nhân cần tập cử động chủ động có trợ giúp, tự do hay đề kháng theo điệu nhạc hay nhịp đếm để cố gắng tạo tính tự động cho cử động tự ý. Tập luyện tư thế tốt như ngồi trên ghế, bò, quỳ. Tập luyện dáng đi với bước dài và tay đong đưa cầm bóng, bắt bóng, hoặc có thể nặn đất, xếp hình…để tập cử động khéo léo của bàn tay bằng hoạt động trị liệu. Lưu ý trong mỗi buổi tập cần có thời gian nghỉ và cho người bệnh hít thở sâu. Người bệnh làm cử động chủ động theo nhịp đếm của kỹ thuật viên, nếu có thể tập theo nhạc càng tốt.

Thân chúc bạn khỏe!


Bùi Tân V., 52 tuổi, Diên Khánh, Khánh Hòa

Hỏi: Kính thưa các bác sỹ ở trong viện ký sinh trùng Quy Nhơn, tôi có một cháu ngoại mới sinh thường bị buồn nôn và nôn trớ sau khi ăn hay uống sữa. Tôi cho cháu đi khám khắp nơi nhưng vẫn chưa khỏi. Một số toa thuốc tôi cho cháu dùng có thuốc chống đầy hơi, có khi có men tiêu hóa, có bác sỹ lại cho thuốc dạ dày người lớn. Tôi và gia đình sợ quá không biết phải làm sao vì nghe nói có thể ảnh hưởng đến xương của cháu. Xin ý kiến các bác sỹ!

Trả lời:

Đây là hiện tượng bình thường bởi hệ thống đường tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Nhiều trường hợp bé bị nôn trớ là do khóc nhiều quá, dạ dày bị kích thích, ăn uống vào khó tiêu hóa do loạn khuẩn đường ruột. Tuy nhiên, gia đình thấy trẻ nôn trớ nhiều thì sốt ruột và thường tìm đến với thuốc chống nôn và bác sỹ khám cũng cho thuốc trị triệu chứng nôn trớ và không có thời gian. Vậy điều này có nên không?


Hình 11

Theo nghiên cứu cho thấy có tới 65% trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi thường bị nôn trớ, tình trạng này sẽ giảm dần khi trẻ càng lớn lên cho đến khi trẻ được khoảng 1 tuổi sẽ tự động hết (trừ một số trường hợp do bệnh lý). Trước đây, cách điều trị thường làm cho bé ợ ra, nôn ra sẽ giúp trẻ dễ chịu. Nhưng cách làm này khiến cha mẹ của trẻ lo lắng, sốt ruột vì con ăn không đủ, sợ con không tăng cân, suy dinh dưỡng. Do vậy, vài năm gần đây việc sủ dụng thuốc chống nôn cho trẻ bằng các thuốc ức chế tiết acid như thuốc ức chế bơm proton (PPI), nhóm kháng histamin H2. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy những thuốc này không làm giảm triệu chứng nôn trớ mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ. Cụ thể, khi sử dụng các loại thuốc chống tiết acid dạ dày cho trẻ dưới 6 tháng tuổi sẽ có nguy cơ cao bị rạn xương khi trẻ lớn lên.

  
Hình 12-13

Theo thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống cho biết các dữ liệu nghiên cứu của các nhà khoa học từ năm 1999 đến năm 2003, trẻ dưới 1 tuổi sử dụng PPI có nguy cơ bị rạn xương gấp 4 lần trẻ không sử dụng thuốc và trong một nghiên cứu vào năm 2007, nguy cơ này cao gấp 7,5 lần. Điều đáng nói là, dù thuốc này được bác sĩ kê đơn khá nhiều, nhưng vào thời điểm nói trên, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (US.FDA) chưa phê duyệt một loại thuốc nào của nhóm PPI cho trẻ dưới một tuổi. Nguyên nhân dẫn đến sự rạn nứt xương khi sử dụng thuốc, được các nhà khoa học giải thích: Do ức chế tiết acid, PPI và các thuốc kháng acid khác làm giảm sự hấp thu calcium. Khi cơ thể có sự thiếu hụt calcium, hormon tuyến cận giáp tăng tiết để tái lập cân bằng dẫn đến cường tuyến cận giáp. Cường tuyến cận giáp cũng là nguyên nhân dẫn đến loãng xương, xương dễ bị rạn, nứt, gãy.

Những năm gần đây, FDA có phê chuẩn esomeprazol và omeprazol cho trẻ dưới một tuổi, nhưng là để điều trị bệnh lý trào ngược thực quản gây viêm loét đường tiêu hóa (bệnh này cũng gây ra triệu chứng nôn trớ ở trẻ). Do đây là một tình trạng bệnh nặng, nghiêm trọng hơn chứng nôn trớ và việc lựa chọn dùng thuốc điều trị là có lợi hơn không dùng thuốc.

Thực tế, những thuốc này có vẻ như hiền, lành tính nên được mua một cách dễ dàng tại các nhà thuốc. Tuy nhiên, có những bằng chứng cho thấy thuốc kháng acid dạ dày không an toàn đối với sự phát triển cơ thể của trẻ, nhất là đối với các trẻ còn rất nhỏ. PPI được biết đến là một thuốc điều trị hiệu quả trong những bệnh như: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Gastroeosophagus Reflux Diseases_GERD), viêm loét đường tiêu hóa, chứng Barrett thực quản, thuốc này được chỉ định cho khoảng 7,8% dân số Mỹ. Nhưng những năm gần đây người ta phát hiện ra có những biến cố bất lợi cho bệnh nhân, đặc biệt là dùng trong điều trị chứng nôn trớ tự nhiên của trẻ nhỏ.

Các nhà khoa học cảnh báo: Khi bạn là thầy thuốc, bạn chỉ định dùng một loại thuốc nào đó cho bệnh nhân, thuốc xảy ra phản ứng dị ứng thì bạn nhận biết ngay và có thể tiến hành đổi thuốc hoặc giảm liều. Nhưng đối với một số thuốc mang những nguy cơ tiềm ẩn hàng tháng, hàng năm mới bộc phát thì các thầy thuốc lại dễ bị bỏ qua. BS. Jenifer Lightdale - Trưởng khoa Tiêu hóa nhi khoa tại Trường đại học Massachusetts (Mỹ) cho rằng mối nguy cơ sử dụng thuốc này gia tăng, một phần là do các thầy thuốc cho rằng PPI có thể điều trị nôn trớ ở trẻ. Tuy nhiên, trong trường hợp bé khóc nhiều, bé đau bụng cũng gây nên nôn trớ thì PPI không có ý nghĩa điều trị. Điều quan trọng là thầy thuốc phải chẩn đoán phân biệt được giữa bé bị nôn trớ tự nhiên và nôn trớ do GERD. Dấu hiệu điển hình của GERD ở trẻ là khi nội soi sẽ thấy có sự ăn mòn do acid, thay đổi các lớp đệm lót ở thực quản, có thể có máu trong nước bọt. Trong trường hợp này bé nuốt rất khó khăn, bé bỏ ăn, sụt cân - đây mới chính là vấn đề cần phải điều trị bằng thuốc kháng acid và sử dụng trong thời gian ngắn nhất có thể. Tuy nhiên, theo thống kê, chỉ có khoảng 5% trẻ nhỏ bị hội chứng hay bệnh lý GERD.

Nôn trớ ở trẻ nhỏ là một biểu hiện thường gặp, đặc biệt là các trẻ dưới 6 tháng. Nguyên nhân là do cấu trúc dạ dày của trẻ chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, nôn trớ đôi khi lại là biểu hiện của bệnh lý, thậm chí là các biểu hiện của bệnh lý cấp tính nguy hiểm mà nhiều bố mẹ chưa biết đến.


Hình 14

Nôn trớ là hiện tượng đẩy ngược các chất trong dạ dày qua miệng do các động tác gắng sức của cơ thể. Đây biểu hiện bất thường ở trẻ khi bú, hậu quả là thức ăn trào ngược từ dạ dày qua miệng. Có nhiều lý do khiến trẻ nôn. Nếu bé vẫn khỏe mạnh và chỉ nôn một lượng nhỏ thức ăn thì nguyên nhân có thể là do bé đã ăn hoặc uống quá nhiều và nôn phần thức ăn thừa ra. Trẻ có thể bị nôn do nhiều nguyên nhân như: viêm dạ dày, ruột do virút (phổ biến nhất); ngộ độc thức ăn (thức ăn bị nhiễm khuẩn do bảo quản không tốt); viêm dạ dày ruột do vi khuẩn (thường không quá nặng); ho, cảm, nhiễm trùng đường hô hấp (trẻ thường nôn sau cơn ho nặng); viêm tai, viêm ruột thừa; nhiễm trùng tiết niệu (nhiễm trùng bàng quang); tắc ruột; lồng ruột; hẹp môn vị… Trẻ quá căng thẳng ở trường học hay tại nhà đôi khi cũng có thể nôn.

Đặc biệt, với trẻ bị nôn, cha mẹ không được tự ý cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc gì. Nếu trẻ nôn quá nhiều, cần đưa ngay đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất. Các dấu hiệu nhận biết một số bệnh gây nôn trớ ở trẻ:

- Tắc ruột: bệnh lý này xuất hiện khi ruột bị xoắn, tuy hiếm gặp nhưng bệnh rất nguy hiểm và cần được xử lý cấp cứu. Triệu chứng then chốt là đau bụng dữ dội. Nếu trẻ chỉ đau vừa hoặc không đau thì không nghĩ nhiều tới tắc ruột. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: đau bụng đột ngột; nôn ra mật xanh vàng; thường là nôn vọt; đau bụng dữ dội liên tục hoặc từng cơn; không đại tiện; trẻ nhợt nhạt, vã mồi hôi; tình trạng bệnh ngày càng tồi đi. Vì vậy, khi gặp trẻ trong trường hợp này cần đưa trẻ đi đến bệnh viện.

- Lồng ruột: triệu chứng nôn trớ ở trẻ dưới 4 tuổi có thể là biểu hiện của lồng ruột và cần được điều trị cấp cứu. Khi trẻ nôn, thường co chân về phía bụng, người nhợt nhạt cũng có thể có máu trong phân, phân lỏng;

- Viêm dạ dày ruột và ngộ độc thức ăn: rất khó phân biệt bệnh viêm dạ dày ruột do virút/ vi khuẩn với ngộ độc thức ăn vì khởi phát bệnh khá giống nhau, ví dụ như trẻ có thể nôn ồ ạt 5-30 phút/ lần trong 1-12 giờ đầu. Tuy nhiên, cũng có một số dấu hiệu để phân biệt 2 loại bệnh này: Nếu bị nhiễm virút, bệnh khởi phát đột ngột, trẻ nôn, sốt cao và đau bụng. Tình trạng nôn có thể kéo dài 12-72 giờ (3 ngày). Tiêu chảy thường xuất hiện trong ngày đầu hoặc ngày thứ hai.Nếu bị ngộ độc thức ăn, bệnh khởi phát 2-12 giờ sau khi ăn phải thực phẩm kém chất lượng. Trẻ thường không sốt. Nôn xuất hiện vài giờ sau khi ăn tại nhà hàng hay khi đi dã ngoại và thường không kéo dài quá 12 giờ. Có thể có hoặc không có tiêu chảy. Nếu trẻ sốt cao hoặc nôn kéo dài hơn 12 giờ thì ít khả năng là ngộ độc thực phẩm.

- Nhiễm trùng tiết niệu: nếu trẻ sốt cao trong vài ngày và thỉnh thoảng có kèm theo nôn, đi tiểu thấy đau rát hoặc nước tiểu có mùi khó chịu thì cần cân nhắc nguyên nhân này.

- Hẹp phì đại môn vị: trong một số ít trường hợp, nếu bé 3-5 tuần tuổi đột nhiên bắt đầu nôn dữ dội nhiều lần thì cần cảnh giác với bệnh hẹp phì đại môn vị (môn vị là phần cuối của dạ dày, nơi nối với tá tràng). Những trẻ này lặp đi lặp lại chu kỳ bú - nôn - đói. Cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay. Hẹp phì đại môn vị cần được phẫu thuật điều trị, trẻ có thể phục hồi hoàn toàn.

Vậy phải làm gì khi trẻ bị nôn trớ trong gia đình?Khi trẻ nôn, trẻ sẽ mất một lượng nước khá lớn. Do đó, quan trọng là phải bổ sung lượng nước đã mất để cơ thể bé không mất chất điện giải. Cha mẹ có thể dùng dung dịch Oresol, nước đun sôi để nguội hay nước trái cây loãng.


Hình 14

Khi bé nôn nhiều, đừng cố gắng cho bé tiếp tục uống mà cần thực hiện các biện pháp sau: để bé nằm nghiêng hoặc đỡ bé ngồi dậy, đề phòng khi bé nôn, chất nôn sẽ tràn vào khí quản, gây sặc rất nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Khi trẻ bớt nôn hãy cho trẻ uống thìa nhỏ hoặc từng ngụm một nước sôi để nguội hoặc dung dịch Oresol. Khi trẻ nôn nhiều tức là bộ phận tiêu hóa đang có vấn đề nên cho trẻ uống nước để không bị mất nước, đừng nên cố gắng ép ăn. Khi trẻ không nôn nữa nên cho trẻ ăn các thức lỏng, dễ tiêu hóa, ăn từng ít một.

Trường hợp trẻ nôn trớ kéo dài hoặc nôn do bệnh lý mà trẻ có biểu hiện các triệu chứng như: sốt, đau bụng, lơ mơ, co giật, hay nôn ói liên tục, có dấu hiệu mất nước như: miệng khô, ít nước mắt, tiểu ít... thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.


Huỳnh Văn T., 37 tuổi, Hoài Hương, Hoài Nhơn, Bình Định., 0903....

Hỏi: Kính thứa bác sỹ, em gần 2 tháng nay cảm giác không them ăn uống gì cả, đến bữa lại đi ăn cho đủ bữa chứ cảm giác không ngon miệng già cả ạ. Công việc cuối năm có làm căng thẳng đến việc ăn uống hay không, em không phải ngành y nên không biết nguyên nhân tại sao?

Trả lời:

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi xin chia sẻ một bài viết về vấn đề biếng ăn ở người lớn qua một số nguyên nhân và gợi ý chữa trị của các chuyên gia.Nhiều người cứ mặc định rằng biếng ăn chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ, nhưng trên thực tế, biếng ăn có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào dù là trẻ nhỏ hay người lớn. Bình thường, mỗi khi có việc lo lắng, buồn phiền hay bị áp lực công việc một số người cảm thấy mệt mỏi, không muốn ăn, thậm chí chán ăn và không có hứng thú với ăn uống. Cũng có trường hợp khác, một số người đột nhiên không muốn ăn, không vì áp lực gì, người mệt mỏi, sụt cân thì đó có thể là dấu hiệu sớm của một số bệnh lý nguy hiểm. Dù là nguyên nhân gì thì biếng ăn ở người lớn là một vấn đề không thể chủ quan.


Hình 19

Cần thăm khám bác sỹ điều trị kịp thời nếu có bệnh. Nguyên nhân biếng ăn ở người lớn có thể gồm:

-Căng thẳng, stress: Cuộc sống hiện đại, áp lực công việc nhiều thứ lo toan khiến chúng ta dễ bị căng thẳng, stress. Những hậu quả kéo theo là tình trạng mất ngủ, tinh thần bất ổn, cơ thể mệt mỏi cho nên bạn ăn không ngon thậm chí không buồn ngó đến thức ăn. Đó cũng chính là lý do tình trạng chán ăn được khơi mào;

-Một số bệnh đường tiêu hóa cũng là thủ phạm khiến bạn mất vị giác, ăn không ngon và gây chán ăn. Khi cơ thể bị rối loạn tiêu hóa thì cơ thể không hấp thu được chất dinh dưỡng của thức ăn. Hơn nữa, cảm giác ăn không tiêu sẽ khiến bạn cảm thấy dễ chịu và không muốn dung nạp thêm thức ăn;

-Đối với một số người bị tác động bởi tiêu chuẩn “siêu gầy” đặc biệt là các teen girl. Đây cũng chính là lý do khiến các bạn ý trở nên biếng ăn bởi trong suy nghĩ của các bạn ý, những số đo mảnh mai, thậm chí siêu gầy mới là đẹp. Tâm lý như vậy khiến bạn ý chẳng dám ăn gì nữa. Hoặc ăn vào cũng tìm cách nôn thức ăn ra sau khi ăn. Ngoài ra, tình trạng biếng ăn, chán ăn ở người lớn cũng xảy ra ở một số trường hợp ăn kiêng không hợp lý. Việc bạn quá muốn giảm cân bạn ép mình phải ăn kiêng, cắt giảm một số món ăn mình thích, buộc mình ăn một số món mình không thích để giảm cân. Hậu quả là ăn không có cảm giác ngon miệng, lâu dài gây cảm giác chán ăn, biếng ăn;

-Mất ngủ kéo dài, cơ thể suy nhược cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn tới tình trạng biếng ăn ở người lớn.

Hậu quả của việc biếng ăn ở người lớn?

Biếng ăn kéo dài luôn ảnh hưởng đến sức khỏe dù đối tượng biếng ăn là trẻ em hay người lớn. Đối với người lớn tuổi, người trung niên nếu tình trạng biếng ăn trong thời gian kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Đa phần, ở độ tuổi này vốn sức khỏe đã suy giảm nay đứng trước nguy cơ mất tất cả nguồn năng lượng còn lại.

Biếng ăn ở độ tuổi này còn khiến cơ thể không được hấp thu, nhận đủ dinh dưỡng thiết yếu để nuôi dưỡng cơ thể và ngăn cản sự tấn công của bệnh tật cũng như quá trình lão hóa tự nhiên. Chức năng của hàng loạt các bộ phận cơ quan trong cơ thể bị tác động, suy yếu như giảm sức mạnh ở cơ, tim mạch, hệ nội tiết, phổi, tụy, chức năng nhận thức. Như vậy, sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh mãn tính, thúc đẩy gia tăng tốc độ quá trình lão hóa nhanh. Cũng theo kết quả thống kê, hậu quả của căn bệnh này đối với sức khỏe bệnh nhân là rất nghiêm trọng. Có khoảng 10% người mắc chứng chán ăn tử vong vì căn bệnh này và 30% sẽ mắc căn bệnh này mãn tính. Điều đó có nghĩa là những người này sẽ phải sống suốt đời trong tình trạng thiếu cân gầy yếu. Phụ nữ mắc chứng chán ăn mãn tính có nguy cơ không thể có con, xương yếu, rụng tóc. Căn bệnh này cũng để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tinh thần. Nó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn :kiệt sức gây ra trầm uất, trầm uất càng làm cho cơ thể kiệt sức. Rất nhiều người đã không thể ra khỏi vòng luẩn quẩn này khi họ phải chịu đựng nó quá lâu.


Hình 20

Như trên đã nói, hậu quả của tình trạng biếng ăn kéo dài ở người lớn là rất nguy hiểm. Khi cơ thể không được hấp thụ đầy đủ dưỡng chất cần thiết thì mọi hoạt động của các cơ quan, bộ phận đều bị ảnh hưởng. Nếu là nguyên nhân do stress, áp lực công việc, người bệnh cần lập tức áp dụng các phương pháp giải tỏa stress tránh ảnh hưởng đến tinh thần, chất lượng các bữa ăn. Nên thăm khám bác sỹ về tình trạng sức khỏe hiện tại của mình, bác sỹ sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân thật sự của tình trạng biếng ăn, chán ăn từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tạo những thói quen tích cực giúp bản thân ăn ngon miệng hơn:

-Tạo thói quen ăn uống lành mạnh, ăn đủ lượng, đủ chất, đúng giờ, ăn chậm nhai kỹ, không bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng. Không xem tivi, dùng điện thoại khi ăn;

-Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn, mỗi ngày có thể ăn từ 5-6 bữa để tránh cảm giác đầy bụng, khó tiêu. Bạn nên tạo cho mình thực đơn phong phú, ưu tiên những món ăn mà mình yêu thích;

-Trang trí món ăn đẹp mắt để kích thích vị giác giúp bạn ăn ngon miệng hơn. Nên ăn cùng nhiều người trong gia đình hoặc bạn bè. Một bữa ăn với không khí thân mật, đầm ấm chắc chắn sẽ khiến bạn ăn ngon hơn;

-Tăng cường các thực phẩm giàu dinh dưỡng, những người lười ăn nên chú ý chất lượng bữa ăn hơn là số lượng thức ăn mà bạn ăn vào. Nên ăn thường xuyên những thực phẩm giàu dinh dưỡng như ngũ cốc, đậu, sữa, hoa quả khô, cá, bơ, kem, thịt mỡ.Ngoài ra, cần chú ý các vấn đề về dinh dưỡng, ví dụ đối với các trường hợp dạ dày có vấn đề khiến cho tiêu hóa kém thì cần lựa chọn những thực phẩm tốt cho dạ dày hoặc biếng ăn do có cảm giác buồn nôn khi ăn thì có thể tham khảo một số mẹo nhỏ chống buồn nôn. Bên cạnh đó cần tránh các loại thực phẩm không tốt cho tiêu hóa, một số loại thực phẩm nguy cơ gây đầy hơi.

-Bổ sung các loại vitamin để kích thích và cải thiện vị giác như kẽm, vitamin B, A, E vào thực đơn sẽ nhanh chóng giúp bạn tìm lại được cảm giác ăn ngon miệng.

-Luyện tập thể thao, tập luyện thường xuyên sẽ giúp tiêu hao năng lượng, cho nên cơ thể bạn sẽ có nhu cầu nạp năng lượng bổ sung. Đây cũng là cách để bạn ăn ngon miệng hơn và tìm lại cảm giác đói bụng, thèm ăn. Các môn thể thao thích hợp cho người gầy như bóng bàn, cầu lông, tennis, bóng chuyền, khiêu vũ, judo … sẽ tạo cho bạn một tinh thần sảng khoái, khiến bạn ăn nhiều hơn. Dùng các bài thuốc Đông y kích thích ăn ngon miệng, khôi phục chức năng tỳ vị, cải thiện hấp thu giải quyết triệt để chứng biếng ăn.

Ngày 06/02/2018
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích