Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 0 3 5 8 7
Số người đang truy cập
3 0 2
 Tư vấn sức khỏe Kiến thức phổ thông
Một số đặc điểm về sinh hoá máu, vitamin và các nội tiết tố trong cơ thể người đến bệnh lý

ĐẶC ĐIỂM SINH HÓA MÁU Ở NGƯỜI

Máu là thành phần tổ chức của cơ thể, máu lưu thông trong các động mạch, tĩnh mạch và mao mạch và thực hiện nhiều chức phận sinh lý quan trọng. Máu đưa các chất dinh dưỡng đến các mô và đưa các chất cặn bã từ các mô về các cơ quan bài tiết ra bên ngoài, chức năng chính của máu gồm bài tiết, bảo vệ, điều hoà và dinh dưỡng.

Máu đóng vai trò quan trọng trong quá trình hô hấp, đưa O2 từ phổi tới các tế bào và mô, đồng thời đưa CO2 từ các tế bào tới phổi thải ra ngoài. Máu tham gia điều hoá các chức phận và quá trình hoá học của cơ thể nhờ khả năng dẫn truyền các nội tiết tố. Máu duy trì áp suất thẩm thấu và thăng bằng kiềm toan. Máu bảo vệ cơ thể nhờ bạch cầu, hệ thống đệm và kháng thể. Máu người chiếm một thể tích bằng 1/13 trọng lượng cơ thể (nghĩa là 4-4,6 lít máu có trên người cân nặng 50-60 kg). Máu gồm huyết tương và các yếu tố hữu hình, trong đó huyết tương chiếm 55-60% thể tích

Tính chất lý hoá của máu

-Tỷ trọng của máu: khoảng 1,05 - 1,06, trung bình là 1,056;

-Độ nhớt của máu gấp 4-6 lần nước, độ nhớt phụ thuộc chính vào lượng hồng cầu;

-Chỉ số khúc xạ của huyết tương thay đổi từ 1,3487-1,3517, chỉ số này phụ thuộc vào nồng độ các muối vô cơ và nồng độ protein, nên có thể đo chỉ số khúc xạ của huyết tương rồi suy ra nồng độ protein;

-Áp suất thẩm thấu của máu phụ thuộc vào nồng độ các phân tử và ion có trong máu, chủ yếu là các ion HCO-, Cl-, Na+. Áp suất thẩm thấu huyết tương bình thường khoảng 7,2-8,1 atm ở điều kiện 370C hoặc biểu thị bằng độ hạ băng điểm thì bằng -0,56 (dung dịch NaCl 0,9% có độ hạ băng điểm = -5,6) nên gọi là dung dịch đẳng trương so với huyết tương;

-Về ý nghĩa của áp suất thẩm thấu trong y học: trong quá trình chuyền dịch vào cơ thể nếu cần đưa một lượng lớn các chất vào máu thì dung dịch ấy phải đẳng trương với máu. Cơ thể tự điều hoà để giữ cân bằng áp suất thẩm thấu nhờ thận, các mô và sự trao đổi nước - muối bình thường giữa máu - dịch gian bào.


Hình 2

pH và hệ thống đệm của máu

pH máu khoảng 7,3-7,42, trung bình là 7,36 và pH máu luôn được hằng định nhờ có hệ thống đệm của máu và sự điều tiết của các cơ quan như phổi và thận.

Hệ thống đệm acide carbonic/carbonat (H2CO3/NaHCO3)

Trong các hệ thống đệm của huyết tương thì hệ thống đệm acid carbonic/ natri bicarbonat đóng vai trò quan trọng nhất. Khi có một acid mạnh (gọi là AH) vào máu thì lập tức NaHCO3tác dụng: AH+ NaHCO3 àNa.a +H2CO3

Kết quả là một acid mạnh được thay thế bằng một acid yếu, acid carbonic. Acid này dễ bị phân huỷ thành CO2 và H2O để thoát qua phổi. Vì vậy, pH máu ít bị thay đổi, ngược lại khi có một base (BOH) xâm nhập vào máu thì H2CO3 sẽ kết hợp:

H2CO3 + BOHà BHCO3+H2O

Muối BHCO3 hoá tan trong nước, hầu như có phản ứng trung hoà. Người ta gọi bicarbonat trong máu là dự trữ kiềm của máu. Dự trữ kiềm là lượng CO2 tính theo phân khối dạng bicarbonat có trong 100 ml máu. Bình thường dự trữ kiềm = 50-65 thể tích.


Hình 3

Hệ thống đệm dinatriphossphat/ mononatri (Na2HPO4/NaH2PO4)

Hệ thống đệm này góp phần duy trì pH của máu nhưng ít quan trọng vì muối phosphat của Na và K tuơng đối ít.

Hệ thống đệm proteinat/protein

Protein là chất lương tính nhờ nhóm -COOH và -NH2 tự do của chúng nên có thể kết hợp với một base hay với một acid, tuy nhiên khả năng đệm của protein không lớn.

Hệ thống đệm hemoglobin của hồng cầu

Hemoglobin giữ vai trò quan trọng nhất trong tác dụng đệm của máu vì Hb chiếm một khối lượng đệm của máu, ở pH của máu, Hb và HbO2 có tác dụng như những acid yếu nên chúng tồn tại dưới dạng muối trong hồng cầu, ở mô KHbO2 phân ly giải phóng ra O2 và muối KHB. Muối này tác dụng với CO2 (dưới dạng H2CO3) tạo thành HHb và KHCO3, do đó pH ít bị thay đổi:

KHbO2 ®KHb +O2

KHb +H2CO3®KHCO3 (tới phổi) + HHb

Tại cơ quan phổi, HHbO2 được hình thành do tác dụng của HHb với O2. Khi đó, KHCO3 tác dụng với HHbO2 để tạo thành KHbO2 và H2CO3. Khi đó H2CO3 bị phân huỷ thành CO2 và thải nước ra ngoài, do đó pH ít bị thay đổi.

HHb + O2 ® HHbO2

HHbO2 + KHCO3 ® KHbO2 + H2CO3 ® CO2 + H2O (thở ra).

Sự có mặt hệ thống đệm trong máu có ý nghĩa trong ứng dụng lâm sàng.


Hình 4

Thành phần hoá học của máu

Các chất vô cơ

-Clo: bình thường trong huyết tương có 9,85-10,95 mEq. Clo tăng trong một số trường hợp như chế độ ăn mặn quá, choáng phản vệ, viêm thận mạn tính có ure huyết cao, thận nhiễm mỡ. Clo giảm trong trường hợp hẹp môn vị, nôn nhiều, tiêu chảy, thiểu năng thượng thận;

-Natri: bình thường trong huyết tương có 13,7-15,1 mEq. Natri tăng trong viêm thận, giảm trong thiểu năng thượng thận;

-Kali: bình thường trong huyết tương có 0,47-0,54 mEq. Kali tăng trong các bệnh lý tiêu huyết, tắc ruột cấp, thiểu năng vỏ thượng thận, kali giảm trong ca cường năng vỏ thượng thận, nhiễm độc thuốc ngủ, viêm gan, viêm thận;

-Canxi: bình thường trong huyết tương khoảng 0,47-0,52 mEq. Canxi tăng trong cường tuyến phó giáp, dùng nhiều vitamin D, giảm trong các bệnh còi xương, mềm xương, thiểu năng phó giáp trạng;

-Phospho: bình thường trong huyết thanh người trưởng thành khoảng 3-4,5 mg/ 100 ml. Phospho tăng trong thiểu năng phó giáp, viêm thận, giảm trong bệnh còi xương, cường giáp trạng.


Hình 5

Các chất hữu cơ

-Protein huyết tương là thành phần hữu có quan trọng nhất của huyết tương. Bình thường nồng độ protein khoảng 6,5-8,5 g/100 ml trong đó có 0,2-0,4 g fibrinogen;Protein gồm hai loại lớn là albumin và globulin, trong đó albumin khoảng 4-4,5 g và globulin khoảng 2-3 g/100 ml. Tỷ số albumin/globulin (A/G) = 1,5-2. Bằng phương pháp điện di người ta phân protein huyết thanh thành 5 loại: albumin, globulin a1, a2, b. Việc định lượng protein toàn phần và các thành phần proteintrong huyết thanh có giá trị lớn trong lâm sàng. Các nguyên nhân gây mất nước của cơ thể như tắc ruột, tiêu chảy, tả, nôn mửa nhiều, sốt kéo dài đều dẫn đến hiện tượng tăng ít nhiều protein huyết tương. trong nhiễm khuẩn, globuline tăng nên tỷ số A/G hạ thấp. Những trường hợp viêm thận, thận nhiễm mỡ, protein bị bài xuất ra nước tiểu, albumin bị mất nhiều do đó protein toàn phần giảm và tỷ lệ A/G cũng giảm. Những ca viêm gan, xơ gan, albumin giảm và globulin tăng nên tỷ số A/G giảm.

-Lipoprotein: phần lớn lipid của máu kết hợp với protein dưới dạng phức chất lipoprotid, đó là dạng vận chuyển hoà tan của lipid;

-Glucoprotid: là những protein có chứa glucid;

-Metaloprotid: là protein có chứa kim loại;

-Các men trong huyết thanh:

+Amylase do tuyến tuỵ và tuyến nước bọt tiết, bình thường khoảng 50-110 đơn vị Somogyi. Giá trị này tăng trong viêm tuỵ cấp, quai bị, giảm trong viêm tuỵ mạn;

+Phosphatase kiềm: bình thường trong huyết thanh có 1,5-4 đơn vị Bodansky (hoặc 4-10 đơn vị King Armstrong), chỉ số này tăng trong còi xương, vàng da tắc mật;

+Phosphatase acid: bình thường trong huyết thanh khoảng 1-5 đv. King Arrmstrong, tăng trong ung thư tiền liệt tuyến;

+Transaminase gồm hai loại SGOT và SGPT, trong đó SGOT có nhiều trong tim, ganvà SGPT có nhiều nhất tronggan. Bình thườngtrong huyết thanh cả hai chỉ số này đều dưới 45 UI/L. SGOT tăng nhiều trong nhồi máu cơ tim, SGPT tăng cao trong các bệnh lý gan cấp, viêm gan do siêu vi khuẩn.

-Ure: bình thường 20-30 mg/100 ml máu. Nồng độ ure máu thay đổi theo khẩu phần ăn nhưng không kéo dài, nếu nồng độ ure tăngkéo dài thì đó là một bệnh lý. Ure tăng trong các bệnh lý viêm thận, hay chứng mất nước (ỉa chảy, đái ít, sốc);

-Acid uric: bình thường có khoảng 3-4 mg/100 ml máu, tăng trong bệnh Goutte;

-Creatinin: bình thường 3,5-5 mg/100 ml máu, tăng trong viêm thận, ngộ độc thuỷ ngân, vô niệu;

-Bilirubin: bình thường bilirubin toàn phần khoảng 0,2-0,3 mg/100 ml huyết thanh. Có hai loại bilirubin là bilirubin trực tiếp và gián tiếp, tùy từng bệnh lý mà tăng hay giảm loại nào;

-Glucose: glucose máu được điều hoà trong khoảng 80-100 mg/100 ml. Glucose máu tăng trong đái tháo đường, cường tuyến yên, tuyến giáp và vỏ thượng thận. Glucose máu giảm trong trường hợp đái tháo đường dùng nhiều Insulin, thiểu năng tuyến yên, thiểu năng tuyến giáp;

-Lipid: bình thường huyết thanh chứa 0,5-0,7 g/100 ml, lipid máu tăng trong đái đường tuỵ, viêm thận mạn tính, thận nhiễm mỡ, tắc mật;

-Cholesterol: bình thường khoảng 140-250 mg/100 ml huyết thanh, cholesterol tăng trong viêm thận mạn tính, thận nhiễm mỡ, đái đường tuỵ, giảm trong xơ gan, thiếu máu ác tính và bệnh Basedow.

Nói tóm lại, có thể tóm tắt các thành phần sinh hóa trong máu (khoảng giá trị tham chiếu bình thường có thể thay đổi tùy thuộc ngưỡng giá trị nghiên cứu trên một quần thể người quy mô lớn ở các quốc gia, lãnh thổ và thời gian thực hiện nghiên cứu), đặc biệt các thành phần trong huyết tương như dưới đây:


Hình 6

Việc đọc và nhân định kết quả của các thông số sinh hóa cần phải đối chiếu kết quả bệnh phẩm với các khoảng tham chiếu hoặc panel định tính để đánh giá và phiên giải kết quả, kết hợp với các triệu chứng, hội chứng bệnh lý sẵn có, giúp chẩn đoán bệnh tối ưu nhất.

Tuy nhiên, người xét nghiệm viên và thầy thuốc lâm sàng, không nên quá “máy móc” đọc tăng hay giảm khi trị số của thông số đó thay đổi trong ngưỡng cho phép.

VITAMIN VÀ NỘI TIẾT TỐ

Vitamin

Vitamin (hay gọi là sinh tố) là những hợp chất hữu cơ rất cần thiết cho sự sống. Nếu các bữa ăn chỉ gồm các chất protid, glucid, chất béo và muối khoáng mà không có vitamin thì cơ thể người và động vật cũng không thể sống được. Tuy vitamin rất cần thiết cho sự sống nhưng hàng ngày số lượng vitamin cần rất ít cho cơ thể, phần lớn vitamin được tổng hợp ở thực vật và vi khuẩn, không được tổng hợp trong cơ thể người, một số vitamin tổng hợp theo phương pháp nhân tạo.

Mặc dù, vitamin có nhiều công dụng như vậy, nhưng với liều lượng dinh dưỡng là các chất kháng oxy hoá, bảo vệ cơ thể. Nếu bổ sung vitamin với liều cao hơn liều khuyến cáo 2-10 lần, thì không những không thể không phòng ngừa ung thư mà còn có khả năng gây ra rối loạn hoặc thậm chí tử vong.


Hình 7

Phân loại:

Các vitamin được phân loại theo tính chất tan của chúng, gồm vitamin tan trong dầu (vitamine A, D, E, K); vitamin tan trong nước (vitamin B1, B2, PP, B6, B12, C, P, acid folic, acid pantotenic).

Đặc tính của vitamin tan trong dầu

Vitamin A

-Về cấu tạo, vitamin A là một alcol bậc nhất phức tạp, thực vật không có vitamin A nhưng có các caroten (tiền chất của vitamin A) vì có khả năng biến thành vitamin A khi đưa vào cơ thể;

-Về tác dụng: vitamin A tham gia vào nhiều quá trình oxy hoá khử trong cơ thể, giữ gìn chức phận của các mô biểu bì, khi thiếu vitamin A thì niêm mạc bị thoái hoá, dễ bị nhiễm khuẩn, giác mạc dễ bị khô và nhiễm trùng làm mủ ở mắt. Vitamin A tham gia cấu tạo chất rhodopsin - là chất điều hoà cảm thụ ánh sáng của võng mạc, nên khi thiếu vitamin A sẽ gây bệnh quáng gà;

-Nguồn gốc và nhu cầu: vitamine A có trong rau quả (dạng tiền vitamin A), có nhiều trong mỡ, dầu cá. Nhu cầu hàng ngày khoảng 5.000 UI/ngày đối với người lớn.

Vitamin D

-Về cấu tạo: vitamine là một nhóm các hợp chất có nhân sterol như D2, D3, D4, D5, nhưng hai loại quan trọng nhất trong dinh dưỡng là D2, D3;

-Về tác dụng: vitamin D làm tăng sự hấp thu canxi và phospho ở màng ruột, có tác dụng đến quá trình canxi hoá. Thiếu vitamin D ở trẻ em gây bệnh còi xương, ở người lớn có thể gây mềm xương hay xốp xương;

-Nguồn gốc và nhu cầu: vitamin D có ở gan cá, mỡ, bơ, lòng đỏ trứng. Nhu cầu hàng ngày khoảng 400 UI/ngày.

Vitamin E

-Về cấu tạo: vitamin E gồm 3 chất a, b, g tocophenol có cấu tạo hoá học khác nhau ở vị trí và số nhóm methyl đính vào nhân croman;

-Về tác dụng: vitamin E tham gia vào quá trình điều hoà sinh sản, là tác nhân chống oxy hoá rất mạnh. Khi thiếu vitamin E, quá trình tạo phôi của cơ thể bị ảnh hưởng, cơ quan sinh sản bị thoái hoá, thiếu vitamin E có thể gây teo cơ, thoái hoá tuỷ sống, vitamin E còn liên quan đến một số trường hợp thiếu máu và giảm đời sống hồng cầu hoặc vỡ hồng cầu ở một số trẻ em nuôi dưỡng kém hoặc trẻ đẻ non.


Hình 8

Trong một nghiên cứu gần đây, cho thấy vitamin E liều cao có thể làm giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến vì trong thành phần chính là gamma tocopherol có tác dụng chống oxy hoá mạnh, những nam giới có nồng độ gamma tocopherol sẽ có tỷ lệ ung thư thấp nhất (National Cancer Institute US, 2005). Song, cũng trong thời gian này, một nghiên cứu của các nhà khoa học trường đại học Laval, Canada cho rằng khi dùng vitamin E uống tăng cường thì lại cho kết quả xấu. Họ đã cho bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn đầu dùng viên vitamin E liều cao (400 UI/ngày) thấy rằng chẳng những bệnh nhân không giảm mà còn mau chóng phát triển ung thư mới? Nhóm được cho dùng giả dược thì thấy chậm phát ung thư hơn. Tương tự những người nghiện thuốc lá dùng beta caroten dưới dạng thuốc liều cao cũng dễ bị ung thư phổi hơn;

-Nguồn gốc và nhu cầu: vitamin E có trong dầu thực vật, xà lách, cải, mỡ, bơ, lòng đỏ trứng. Nhu cầu hàng ngày khoảng 10-30 mg. Đối với trẻ em, lượng vitamin có đủ trong sữa đảm bảo nhu cầu của chúng.

Vitamin K

-Về cấu tạo: vitamin K trong tự nhiên có 2 loại vitamin K1 và K2, có nhân naphtoquinon. Chất nhân tạo được dùng là menadion;

-Về tác dụng: vitamin K có vai trò đặc hiệu trong cơ chế đông máu, tham gia vào sự tổng hợp prothrombin. Thiếu vitamin K thường gây chảy máu dưới da, cơ, trong ống tiêu hoá, giảm tốc độ đông máu;

-Nguồn gốc và nhu cầu: vitamin K có trong rau xanh, cà chua, đậu thịt, gan, thận, vi khuẩn ruột tổng hợp được vitamin K. Nhu cầu hàng ngày khoảng dưới 1mg/ ngày (người lớn) và trẻ em (10-15mg/ ngày).

Vitamin C

-Về cấu tạo: vitamin C có cấu trúc của một monosacchride;

-Về tác dụng: vitamin C có tác dụng vận chuyển hydro nên nó tham gia vào nhiều quá trình chuyển hoá trong cơ thể. Thiếu vitamin C có thể gây bệnh hoại huyết, trên da có những nốt chấm đỏ, chảy máu lợi răng, chân răng, lỗ chân lông, đôi khi chảy máu nội tạng. Có lẽ vai trò rõ ràng nhất của vitamin C là duy trì chất kẻ bình thường của tế bào ở một số mô như sụn, răng, xương. Chú ý tiêm tĩnh mạch laroscorbin (một dạng vitamin C) có nguy cơ cao bị tai biến thuốc và càng không nên trộn thuốc với bất kỳ một thuốc nào để vì mục đích tăng thêm tác dụng nâng cao sức khỏe.

-Nguồn gốc và nhu cầu: vitamin C có nhiều trong rau xanh, hoa quả tươi, sữa, gan, cam, chanh, bưởi, dâu đất, ớt. Nhu cầu hàng ngày khoảng 80-100mg/ ngày. Đối với người lao động nặng thì cần 120 mg, phụ nữ mang thai cần khoảng 150 mg một ngày. Ở vùng khí hậu lạnh, nhu cầu vitamin C tăng lên đến 140mg/ ngày.

Vitamine B1

-Về cấu tạo: vitamin B1 gồm 2 vòng pyridin và thiazol;

-Về tác dụng: vitamin B1 cần cho sự chuyển hoá glucid, thiếu vitamine B1, acid pyruvic sẽ bị ứ đọng trong máu, trong mô, gây rối loạn dẫn truyền các xung động thần kinh, rối loạn hoạt động tim và quá trình trao đổi nước (gây phù), thiếu vitamin này sinh bệnh tê phù hay Beriberi.

-Nguồn gốc và nhu cầu: vitamine B1 có trong nấm men, cám, sữa, gan, lòng đỏ trứng, một số vi khuẩn ruột có thể tổng hợp vitamine B1.

2.7. Vitamine B2

-Về cấu tạo: vitamin B2 là dẫn suất methyl hoá của nhân isoalloxazine;

-Về tác dụng: vitamin B2 tham gia cấu tạo nhiều loại enzym. Thiếu vitamin B2 sẽ gây tổn thương các niêm mạc miệng, lưỡi nứt và loét kẻ mắt, vành tai, rụng tóc;

-Nguồn gốc và nhu cầu: vitamin B2 có trong rau xanh, ngũ cốc, men rượu bia, sữa, gan, cơ. Nhu cầu hàng ngày khoảng 1,5mg/ ngày.

Vitamin PP (Niacin) hay vitamine B3

-Về cấu tạo: vitamin PP là amid của acid nicotinic;

-Về tác dụng: vitamin PP là thành phần cấu tạo của coenzym tham gia vào phản ứng oxy hoá khử trong cơ thể. Thiếu vitamin PP, con người sẽ mắc bệnh Pellagla với biểu hiện yếu toàn thân, mệt mỏi, loét miệng và da, rối loạn thần kinh;

-Nguồn gốc và nhu cầu: vitamin PP có ở gan, sữa, thịt, cá, rau, men bia. Nhu cầu hàng ngày khoảng 25mg/ ngày. Tham gia cấu tạo NAD và NADP trong mô bào sinh vật, vitamin PP có dưới dạng tự do và hợp chất protein - enzym. Đó là NAD (nicotiamid adenozin dinuleotid) và NADP (nicotinamid adenozin dinucleotid photphat). Hai chất này là nhóm ghép của enzym oxy hoá hoàn nguyên, tức là enzym dehydrogenase yếm khí. Thiếu vitamin PP động vật thường mắc bệnh viêm tróc da sần sùi. Trong chăn nuôi nếu chỉ cho lợn ăn ngô kéo dài cũng thường xảy ra bệnh này vì thiếu tryptophan. Trong ngô còn có chất kháng vitamin PP - đó là acid pyndin - 3 - sulforic. Nếu đun sôi thì kháng vitamin PP của ngô sẽ mất đi.


Hình 9

Vitamin B5 (Bepanthen hoặc acid pantothenic)

-Về cấu tạo: Vitamin B5 còn gọi là acid pantothenic, pantothenate; đây là một vitamin tan trong nước, có rất nhiều trong tự nhiên, nhưng cũng rất dễ mất đi trong quá trình chế biến;

-Về tác dụng: vitamin B5 nếu thiếu, nhất là tuổi thiếu nữ dậy thì dể dàng rụng tóc từng mảng, tuy tóc chịu nhiều yếu tố thần kinh, nội tiết, dinh dưỡng, nhất là vitamin B5. Nhưng do đến tuổi dậy thì, rất nhiều bộ phận trong cơ thể phát triển mạnh như: tuyến vú, mông, cơ quan sinh dục, nên tiêu thụ nhiều vitamin này, hậu quả là tóc, đặc biệt là nhú tóc bị thiếu vitamin B5 nên ngừng mọc tóc và rụng. Dùng phối hợp vitamin H với vitamin B5trong điều trị rụng tóc khu trú hay lan tỏa;

-Nguồn gốc và nhu cầu: vitamin B5 có nhiều trong tự nhiên (từ Hy Lạp pantotenic có nghĩa là ở khắp nơi). Những thực phẩm có nhiều vitamin B5 là các loại đậu, đậu phụng, lòng trắng trứng, các loại nấm, thịt gia súc, gia cầm. Khi thiếu nếu bổ sung, sau 2-3tháng, khi các nhú tóc ở lớp da đầu đã được cung cấp đủ vitamin B5, tóc sẽ bớt rụng và mọc trở lại.

Vitamine B6 (Pyridoxin)

-Về cấu tạo: vitamin B6 là dẫn xuất của pyridin;

-Tác dụng: vitamin B6 có nhiều vai trò trong sự chuyển hoá acid amin. Thiếu vitamin B6 sẽ gây rối loạn ngoài da, thần kinh;

-Nguồn gốc và nhu cầu: vitamin này có ở men bia, ngũ cốc, thịt, gan, thận. Nhu cầu hàng ngày khoảng 2mg/ ngày.

Vitamine B12 (Xyanocolbolamin)

-Về cấu tạo: vitamin B12 là vitamin độc nhất có chứa kim loại cobal trong phân tử;

-Về tác dụng: vitamin B12 giữ vai trò chức phận coenzym, tác dụng chống thiếu máu. Nhóm vitamin B12 nói chung và folat giúp giảm nguy cơ gãy xương chậu sau đột quỵ. Đây là công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản khi bổ sung 5mg folat và 1500 µg vitamin B12/ ngày thấy rất hiệu quả (Healthdays, 2005);

-Nguồn gốc và nhu cầu: vitamin B12 có nhiều trong gan, thận, sữa, thịt, phomat, các vi khuẩn tổng hợp được nhiều vitamin B12. Nhu cầu hàng ngày khoảng 3-5mg/ngày. Nói tóm lại, việc bổ sung một hay nhiều loại vitamin nói chung, chúng ta nên theo khuyến cáo và trước hết nên tận dụng các loại thực phẩm chứa vitamin, trong đó có rau quả. Nếu thật sự cần dùng thuốc là vitamin để hỗ trợ sức khỏe, chúng ta hãy dùng chế phẩm dạng uống hơn là dạng tiêm, đặc biệt là tiêm tĩnh mạch và theo lời khuyên của thầy thuốc hoặc dược sĩ của bạn.


Hình 10

Nội tiết tố

Nội tiết tố là những chất hoá học được tiết ra từ những cơ quan đặc biệt gọi là tuyến nội tiết. Vì nội tiết tố có tác dụng đặc hiệu với một liều lượng nhỏ trên cường độ của các quá trình chuyển hoá, mà bản thân lại không thay đổi sau phản ứng nên chúng thường được xếp vào loại chất xúc tác sinh vật học cùng với men và vitamin. Theo cấu tạo hoá học, có thể phân loại nội tiết tố ra làm 2 loại: loại thuộc protid hoặc dẫn suất từ protid và loại thuộc dẫn suất của steroides. Cơ chế tác dụng của các nội tiết tố sẽ đi theo trục dưới đây:


Hình 11

Bản chất của nội tiết tố

Nội tiết tố là protid hoặc dẫn suất của steroid, gồm một số loại nội tiết tố:


Hình 12

Nội tiết tố tuyến yên:

Nội tiết tố thuỳ trước tuyến yên

·Somatropin: ảnh hưởng trên sự phát triển và quá trình chuyển hoá cơ thể (trên chuyển hoá glucid, có tác dụng đối kháng với insulin làm tăng đường huyết; trên chuyển hoá lipid, có tác dụng giảm tổng hợp, tăng thoái hoá, gây ceton niệu; trên chuyển hoá protid, kích thích tổng hợp protein; trên chuyển hoá muối kháng, có tác dụng giữ canxi và phosphat);

·Corticotropin (ACTH) kích thích hoạt động vỏ thượng thận, tăng tổng hợp steroides;

·Gonadotropin A: trên phụ nữ, kích thích sự trưởng thành của nang bào, trên nam giới kích thích sự sản sinh tinh trùng;

·Gonadotropin B: trên phụ nữ, kích thích tạo progesterol; trên nam giới kích thích tạo testosterol;

·Prolactin: làm tăng bài tiết progesterol và quá trình tạo sữa;

·Thyreostimulin: kích thích hoạt động của tuyến giáp.

Nội tiết tố thuỳ giữa tuyến yên

Trên phần này tuyến yên tiết ra melanotropin, có tác dụng phân phối đều sắc thể melanin trong cơ thể sinh vật.

Nội tiết tố thuỳ sau tuyến yên

·Vasopresin: làm tăng huyết áp, chống lợi niệu;

·Oxytoxin: tác động lên sự co bóp tử cung.

Nội tiết tố tuyến giáp

Nhóm này gồm những sản phẩm thuỷ phân của Iodotyroglobulin có ảnh hưởng đến mọi mặt chuyển hoá cơ thể, tăng cường quá trình trao đổi hô hấp và chuyển hoá glucid. Thiểu năng giáp trạng sẽ làm trẻ chậm phát triển thể chất và trí tuệ, phù niêm dịch hoặc bướu. U nang giáp trạng sẽ sinh bệnh Basedow.

Nội tiết tố tuyến tuỵ

+Insulin: tác dụng làm hạ đường huyết và chủ yếu điều hoà glucose trong cơ thể;

+Glucagon: làm tăng đường huyết, ảnh hưởng đến tách glucose ra khỏi glycogen.

Nội tiết tố tuỷ thượng thận

Tiết ra hai hormon là adrenalin và noradrenalin có tên chung là catecholamin:

+Adrenalin: làm tăng huyết áp, co mạch ở da, tăng nhịp tim, tăng đường huyết;

+Noradrenalin: ảnh hưởng trên sợi cơ trơn, tăng huyết áp mạnh.

Nội tiết tố vỏ thượng thận

Từ vỏ thượng thận, người ta đã tách được trên 40 dẫn xuất steroid gồm:

+Glucocorticoid: làm tăng nhanh sự hấp thu glucid qua màng ruột, kích thích tổng hợp glucid từ acid amin;

+Mineralcorticoid: tham gia điều hoà chuyển hoá muối nước;

+Androgen vỏ thượng thận: có tác dụng nội tiết tố sinh dục yếu, thúc đẩy thoái hoá protid.

Nội tiết tố tuyến sinh dục

+Nội tiết tố sinh dục nam: gồm hai chất chính là testosterol và andosterol;

+Nội tiết tố sinh dục nữ: gồm eostrogen (nội tiết tố nang trứng) và progesterol (nội tiết tố hoàng thể).

Nói tóm lại, nội tiết tố được tiết ra bởi một hoặc nhiều tế bào, tác động lên các tế bào trong các cơ quan khác nhau, chỉ một lượng nhỏ hormon dùng trong quá trình trao đổi chất của tế bào và nó là công cụ hóa học truyền các tín hiệu từ tế bào này đến tế bào khác. Tất cả sinh vật đa bào đều sản xuất hormon. Ở thực vật hormon được gọi là phytohormon, ỏ động vật hormon được truyền qua máu. Hormon gắn chặt với protein tiếp nhận, tạo ra sự kích hoạt cơ chế chuyển đổi tín hiệu và cuối cùng dẫn đến các phản ứng riêng biệt trên từng loại tế bào. Các phân tử hormon tuyến nội tiết được tiết trực tiếp vào dòng máu, trong khi các hormon ngoại tiết được tiết vào các ống dẫn và từ đó chúng có thể chảy vào máu hoặc chúng truyền từ tế bào này qua tế bào khác bằng cách khuếch tán

Ngày 09/03/2018
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích