Dự án RAI2E Quảng Trị:Tập huấn cho hơn 40 cán bộ tuyến huyện làm công tác truyền thông về phòng chống và loai trừ sốt rét
Truyền thông giáo dục sức khỏe là nội dung đầu tiên trong 8 nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu mà Hội nghị Alma-Ata đề ra năm 1978 và cũng là nội dung đầu tiên trong 10 nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu của Việt Nam. Truyền thông giáo dục sức khỏe không thay thế các dịch vụ khác nhưng rất cần thiết để sử dụng đúng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giúp người dân nhận được thông tin đúng, giúp nâng cao kiến thức cải thiện các hành vi có lợi bảo vệ sức khỏe nhân dân vì thế giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm tỷ lệ tàn tật, tỷ lệ tử vong với chi phí thấp. Truyền thông giáo dục sức khỏe trong phòng chống sốt rét nhằm giúp mọi người có kiến thức cơ bản nhất về bệnh sốt rét để mỗi cá nhân có thể tự phòng chống bệnh sốt rét cho mình, cho gia đình, người thân và xã hội, thay đổi hành vi thực hành PCSR như việc tiếp cận kịp thời các dịch vụ chẩn đoán, điều trị và tuân thủ uống thuốc điều trị bệnh sốt rét, ngủ màn... nhằm giảm mắc, giảm nguy cơ mắc sốt rét tại các vùng sốt rét lưu hành. Nhằm không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành truyền thông giáo dục sức khỏe nói chung và truyền thông PCSR nói riêng, vào ngày 14/12/2018 tại Khách sạn Sepon- Lao bảo huyện Hướng Hóa, Ban quản lý dự án Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinine 2018-2020 tỉnh (RAI2E) tổ chức lớp tập huấn truyền thông phòng chống và loại trừ sốt rét cho hơn 40 cán bộ làm công tác này tại tuyến huyện. Các học viên được nghe giới thiệu các chuyên đề về phòng chống và loại trừ sốt rét theo quyết định 1920/QĐ- TTg ngày 27/10/2011của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Việt nam, các bước tiến hành và mốc phấn đấu loại trừ sốt rét tại Quảng Trị theo quyết định 08/ QĐ -BYT ngày 4/1/2016 của Bộ Y tế; cũng như các nội dung, thông điệp cần chuyển tải cũng như các hình thức tiến hành công tác này tại cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
|