Một số thông tin về hội chứng ruột kích thích
Trần Thị Hồng G., 47 tuổi, TP. Nha Trang, Khánh Hòa, honggiang125@...: Thưa bác sỹ của Viện sốt rét, em bị hội chứng ruột kích thích đã rất lâu năm và không có dùng các chất kích thích bao giờ. Em đã điều trị hai năm nay nhưng chỉ thuyên giảm mà không hết hẳng, em rất khổ sở. Gần đây, em có nghe nói đến liệu pháp tâm lý giúp kiểm soát hội chứng ruột kích thích, em muốn áp dụng nhưng chưa rõ như thế nào. Kính mong bác sỹ cho thông tin. Chân thành cảm ơn! Trả lời: Hội chứng ruột kích thích có tên tiếng Anh là Irritable Bowel Syndrome (IBS) là một tình trạng bệnh mạn tính thường ảnh hưởng đến nhiều người trên khắp thế giới do các triệu chứng như đau bụng, rối loạn đại tiện,…tác động và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy rằng liệu pháp tâm lý có thể giúp cải thiện cuộc sống cho những người mắc bệnh này, gọi là quản lý IBS bằng liệu pháp tâm lý mà y văn gần đây công bố nhiều công trình nghiên cứu có hiệu quả với từ khóa “Irritable bowel syndrome and its psychological management”. Những bệnh nhân bị mắc IBS có thể gặp các triệu chứng như đau bụng và rối loạn nhu động ruột ở các mức độ khác nhau. Người bệnh cũng có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo âu, thậm chí trầm cảm. Các triệu chứng của IBS có xu hướng đến và đi theo chu kỳ. Bùng phát thường kéo dài trong vài ngày và các triệu chứng có thể tồi tệ hơn sau khi ăn. Một số phụ nữ mắc hội chứng ruột kích thích IBS có triệu chứng trầm trọng hơn trong thời gian kinh nguyệt. Hội chứng IBS thường liên quan đến những thay đổi đột ngột trong thói quen đại tiện, chẳng hạn như bất ngờ bị tiêu chảy hoặc táo bón. Các triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng và kèm theo: đau bụng và chuột rút, trướng khí và đầy hơi, có cảm giác khó chịu, có chất nhầy trong phân. Một số cách tiếp cận phổ biến để kiểm soát IBS đó là kiểm soát cẩn thận chế độ ăn uống, cải thiện lối sống và đôi khi phải tìm kiếm cả liệu pháp sức khỏe tâm thần. Hình 1
Trong liệu pháp tâm lý điều trị IBS, thường liên quan đến việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Bác sĩ chuyên khoa khuyên bệnh nhân mắc hội chứng IBS nên ăn nhiều chất xơ, tránh các loại thực phẩm có chứa gluten, theo một chế độ ăn uống thân thiện với IBS, tập thể dục thường xuyên, giảm và kiểm soát stress, ngủ đủ giấc. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc để điều trị các triệu chứng cụ thể của IBS như thuốc chống tiêu chảy loperamide, thuốc nhuận tràng hoặc chất bổ sung chất xơ cho những trường hợp bị táo bón, thuốc chống co thắt giúp giảm đau bụng và chuột rút, thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu một hướng điều trị mới nhằm giảm tối đa việc phải sử dụng thuốc để tránh tác dụng không mong muốn: Điều trị hội chứng ruột kích thích bằng liệu pháp tâm lý.Trong quá khứ, một số nghiên cứu đã đề cập đến liệu pháp tâm lý để giảm thiểu hội chứng ruột kích thích ở người bệnh. Nhưng hiện nay, các chuyên gia tại Trung tâm Y tế Đại học Utrecht và các tổ chức nghiên cứu ở Hà Lan đã quyết định nghiên cứu sâu hơn về liệu pháp tâm lý nhằm cải thiện các triệu chứng IBS. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên đánh giá hiệu quả của liệu pháp tâm lý cá nhân và tâm lý nhóm trong điều trị IBS. Đây là nghiên cứu lớn nhất cho đến nay để xem xét vấn đề này và công bố kết quả trên tạp chí y khoa “The Lancet Gastroenterology & Hepatology” nổi tiếng. Hình 2
Đối với việc cung cấp các phiên trị liệu tâm lý, nhóm nghiên cứu tuyển dụng các nhà tâm lý học đã được đào tạo về liệu pháp tâm lý, áp dụng các kỹ thuật hình dung tích cực, cung cấp các đề xuất về việc kiểm soát cơn đau và khó chịu. Bên cạnh việc đến gặp bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân được cung cấp đĩa CD có chứa các tài liệu cho phép họ thực hành các kỹ thuật tự thôi miên 15-20 phút mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu yêu cầu những người tham gia điền vào bảng câu hỏi đánh giá các yếu tố khác nhau liên quan đến nghiên cứu, bao gồm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng IBS, chất lượng cuộc sống, số tiền họ chi cho chăm sóc sức khỏe và tần suất họ phải bỏ lỡ công việc do tình trạng này. Các nhà khoa học nhận thấy rằng những người bị IBS đã tham gia liệu pháp tâm lý - dù là cá nhân hay theo nhóm, có mức độ giảm triệu chứng thỏa đáng nhất so với những người chỉ tham gia trong nhóm chăm sóc hỗ trợ. Theo TS. Carla Flik, liệu pháp tâm lý có thể thay đổi suy nghĩ của bệnh nhân và cơ chế đối phó nội bộ, giúp họ tăng cường kiểm soát các quy trình tự trị của cơ thể, quá trình đau và điều chỉnh hoạt động của ruột. Nghiên cứu cho thấy rằng liệu pháp tâm lý có thể được coi là một lựa chọn điều trị cho bệnh nhân IBS, không phân biệt mức độ triệu chứng. Chúng tôi nghĩ rằng với các thông tin trên đã giúp cho bạn hiểu phần nào về nghiên cứu áp dụng liệu pháp tâm lý vào điều trị bệnh hội chứng ruột kích thích. Thân chúc bạn khỏe!
|