Chứng ngứa da của người cao tuổi và cách điều trị hiệu quả
Nguyễn Thúy H, 37 tuổi, TP. Vinh, Nghệ An, luuthuy@...: Tôi có ông nội 78 tuổi thường xuyên bị ngứa trên da toàn thân, ông thường hay tắm nước nóng và thoa dầu nóng để đỡ ngứa nhưng được một lúc lại giảm và bắt đầu ngứa trở lại, đã cho ông đi khám nhiều nơi nhưng không đỡ và không dưt hẳn, nhất là vào mùa hè, nóng và ra mồ hôi nhiều. Bác sỹ có thể cho chúng tôi lời khuyên để ông có thể ngủ được và sinh hoạt bình thường. Xin cảm ơn rất nhiều!Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin phúc đáp như sau: Trên cơ địa người lớn tuổi có có nhiều bệnh lý khác nhau tích theo tuổi, trong đó có sự suy giảm về các yếu tố bảo vệ trên da niêm mạc, nên dễ bị các tác nhân nhiễm trùng tấn công, hơn nữa da của người già thường có xu hướng khô hơn so với da của người trẻ tuổi nên dễ dẫn đến nứt da và dễ có cảm giác kích ứng và ngứa. Ngoài ra, một số người già có bệnh lý nền sẵn có mạn tính và đôi khi suy gan thận và các cơ quan. Mặt khác, vào mùa hè, do thời tiết nắng nóng nên nhiều người cao tuổi hay bị ngứa, khó chịu.Khi bị ngứa người ta thường hay có phản xạ tự nhiên là gãi, chính phản xạ này đã làm cho bệnh nặng thêm, gãi nhiều gây xước da, dẫn đến chảy máu. Nếu những tổn thương này nặng hơn do gãi ngứa nhiều sẽ dẫn đến mưng mủ, bội nhiễm do vi khuẩn xâm nhập vào, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân.Một số khác công việc tiếp xúc với một số kim loại độc hại như chì, sắt và nhồm, hay đã nhiễm độc da do các chất ăn mòn hoặc sử dụng một số chế phẩm bôi ngoài ra không rõ nguồn gốc, có tính chất khô da,…Vào mùa hè do một số loại côn trùng phát triển mạnh, người cao tuổi dễ bị côn trùng đốt gây ngứa, hoặc tiếp xúc với các loại hóa chất trong các loại nước tẩy rửa như nước rửa bát, nước giặt, nước lau sàn, nước cọ toa lét, tiếp xúc với đất trồng,… gây viêm da tiếp xúc, hoặc khi đi tập thể dục họ bị dị ứng với phấn hoa, cây cỏ trong môi trường, dẫn đến phản ứng ngứa. Một số ca eczema có xu hướng tăng nặng vào mùa hè nên họ bị ngứa nhiều. Một số bệnh lý nội khoa như các bệnh về gan, thận... gây ngứa do khả năng chống độc kém. Hơn nữa, người cao tuổi thường bị nhiều bệnh lý khác như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... những bệnh lý này cũng có thể gây ngứa.
Đồng thời thuốc điều trị các bệnh lý này cũng là một trong những tác nhân gây ngứa. Bên cạnh những phản ứng ngứa đơn thuần, không đặc hiệu thì những phản ứng ngứa đặc hiệu do việc sử dụng thuốc gây ra một số bệnh lý ở da do thuốc cũng hay gặp. Thêm vào đó, do cấu trúc da của người cao tuổi lớp bảo vệ da sinh học bị mất đi theo thời gian, da không còn hay giảm lượng mỡ nữa, các mạch máu, thần kinh nuôi dưỡng da cũng bị giảm nhiều so với thời trẻ, các chất cơ bản của da như collagen, sợi chun cũng teo mỏng, làm tăng khả năng mất nước qua da, khiến da người cao tuổi khô hơn nên gây ngứa.
Khi bị ngứa da, người cao tuổi cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng bệnh, đúng thuốc để tránh các biến chứng do bệnh gây nên và do dùng thuốc sai. Có thể bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên, bảo vệ da và làm cho lớp da không bị mất nước qua da nhiều. Cần chú ý dùng các loại kem dưỡng ẩm tốt và phù hợp với lứa tuổi, cũng như loại da (da khô, da dầu, da hỗn hợp, da nhạy cảm). Trước khi dùng, cần thử một chút ra mặt trong của cẳng tay để xem có bị dị ứng không rồi mới bôi toàn thân và vào chỗ ngứa. Chú ý chỉ bôi một lớp mỏng để kem thẩm thấu tốt, không nên bôi quá dày vừa lãng phí vừa cản trở sự hô hấp của da. Thứ hai là phải uống nước đầy đủ, nhớ rằng người cao tuổi thường có tâm lý ngại uống nước do sợ phải đi tiểu nhiều. Tuy nhiên, nếu không bồi phụ đủ nước thì bệnh ngứa không thể thuyên giảm được. Mỗi ngày người cao tuổi cần uống từ 2-2,5 lít nước thông qua việc uống các loại nước, nước lọc, nước quả ép, trà, ăn chất lỏng như cháo, súp, chè, ăn các loại hoa quả tươi và rau cỏ.
Khi ngứa, người cao tuổi cần dùng thuốc kháng histamin chống ngứa theo chỉ định của bác sĩ da liễu. Về cơ bản các thuốc chống ngứa cho người cao tuổi không khác so với người trẻ. Tuy nhiên, các cụ nên dùng các thuốc kháng histamin thế hệ sau, vì những thuốc này vừa có khả năng chống ngứa lại không gây buồn ngủ, không gây mỏi mệt như cetirizin, loratadin so với các thuốc kháng histamin thế hệ trước (clorpheniramin, promethazine). Bôi thuốc có corticoides trong các trường hợp bị eczema, viêm da tiếp xúc dị ứng cần có chỉ định của bác sĩ và bôi trong thời gian ngắn, thường 1-2 tuần. Ngoài việc dùng thuốc kháng histamin các cụ có thể dùng một số thuốc khác như thuốc chống độc, thải độc như atisô, các thuốc tiêu độc. Các thảo dược này có tác dụng thải độc và giảm ngứa. Tăng cường các loại vitamin A, C, E, vitamin B theo chỉ dẫn của vác sỹ. Các loại vitamin này có tác dụng tái tạo và nuôi dưỡng da, vì vậy giúp giảm ngứa.
Do chức năng gan, thận của người cao tuổi có phần suy kém nên khi dùng thuốc chống ngứa cần phải hết sức thận trọng, chỉ dùng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Và một điều cần đặc biệt lưu ý là khi bị ngứa cần đi khám chuyên khoa da liễu hay ký sinh trùng phù hợp nguyên nhân gây ngứa, từ đó điều trị đúng. Một số người cao tuổi thường mắc các bệnh mạn tính và thường dùng các loại thuốc khác nhau và các loại thuốc ấy có khả năng gây kihcs ứng hoặc tích lũy thuốc lâu dài gây nên nhiễm độc cũng cần xem xét. Nhiều loại thuốc uống hay thuốc bôi có thể gây ngứa. Bên cạnh đó, việc bài tiết của tuyến nhờn dưới da ở người cao tuổi trong mùa đông gặp khó khăn và điều này lại càng làm cho lớp da của người già đã khô thêm khô. Mặt khác, người già sức đề kháng yếu, không chịu được rét, khi trời trở lạnh phải mặc nhiều quần áo ảnh hưởng đến quá trình hô hấp bình thường của da.
Theo y học cổ truyền, để phòng trị chứng ngứa trong mùa đông, người cao tuổi không nên tắm quá nhiều, mỗi tuần tắm 1-2 lần là đủ. Không nên tắm nước quá nóng và các loại sữa tắm, xà phòng có độ kiềm cao; giữ độ ẩm thích hợp trong phòng... Với biểu hiện ngứa, bong vảy, ngứa nhiều về đêm; đặc biệt trong những ngày rét đậm người thân của bạn có thể sử dụng một trong số những bài thuốc sau: Bài 1: Gừng khô 9g, hồng táo 10 quả, quế chi 6g. Sắc uống mỗi ngày một thang. Uống liền trong 7-10 ngày. Bài 2: Đương quy, sinh địa, bạch thược mỗi thứ 15g, đan sâm 20g, phòng phong, kinh giới, bạch tật lê mỗi thứ 10g. Sắc uống ngày một thang, sắc làm 2 lần. Bài 3: Dạ giao đằng 50g, khổ sâm, xà sàng tử mỗi thứ 20g, kinh giới 30g, hoa tiêu 5g. Sắc uống ngày một thang, sắc làm 2 lần. Bài 4: Quế chi 6g, bạch thược 12g, đương quy 10g, gừng sống 3 miếng, hồng táo 10 quả, cứu cam thảo 5g. Ngày một thang, sắc làm 2 lần. Bài 5: Đương quy 10g, quế chi 10g, bạch thược 10g, tế tân 3g, cam thảo 5g, mộc thông 6g, ngô thù du 3g, gừng sống 9g. Ngày một thang, sắc làm 2 lần. Món ăn thuốc Bài 1: Thịt lươn 30g, hồng táo 15g, gạo tẻ vừa đủ, nấu cháo ăn hàng ngày. Bài 2: Thịt dê 200g, hoa tiêu 3g, gừng sống 15g, đương quy 30g. Hầm mềm ăn nóng. Bài 3: Sơn tra 15g, đương quy 15g, hồng táo 10g. Nấu ăn.
Bài thuốc dùng ngoài Bài 1: Vỏ chuối tiêu sắc lấy nước thấm vào khăn bông rồi chườm vào chỗ ngứa hoặc dùng mặt trong của vỏ chuối đắp trực tiếp vào chỗ ngứa. Bài 2: Lá đào tươi 30g, sắc lấy nước cốt, buổi tối trước khi đi ngủ lấy bông thấm nước cốt bôi vào chỗ ngứa. Bài 3: Gừng tươi 250g, rượu trắng 500ml. Gừng đem rửa sạch, thái lát, ngâm trong rượu 3-5 ngày là dùng được. Dùng bông tẩm thứ rượu này, bôi, chấm vào chỗ ngứa, ngày 2-3 lần. Thân chúc bạn và người thân khỏe!
|