Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo-Bộ Y tế tổ chức nghiệm thu chính thức đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn
Ngày 26/6/2019, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo-Bộ Y tế tổ chức nghiệm thu chính thức đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng bệnh giun đầu gai ở người tại một số điểm miền Trung, Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Văn Chương-Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn làm Chủ nhiệm đề tài. Theo Quyết định nghiệm thu chính thức của Bộ Y tế, Hội đồng nghiệm thu đề tài NCKH cấp Bộ gồm 9 thành viên do GS.TS. Phạm Ngọc Đính làm Chủ tịch Hội đồng. Mở đầu buổi nghiệm thu, GS.TS. Phạm Ngọc Đính đã đánh giá cao tinh thần hăng say tìm tòi sáng tạo của chủ nhiệm đề tài nói riêng và tập thể Viện nói chung trong nghiên cứu khoa học. Hơn thế nữa, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn không chỉ tìm ra các giải pháp phòng chống các bệnh giun sán mà còn làm giàu thêm các công trình nghiên cứu của chuyên ngành ký sinh trùng.
| TS. Bùi Văn Tuấn-Trưởng Khoa Ký sinh trùng thay mặt cho nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả đề tài |
Đề tài đã xác định được tỷ lệ nhiễm giun đầu gai, một số yếu tố liên quan sẽ góp phần vào sự phân bố bệnh giun đầu gai trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đồng thời đề xuất các biện pháp can thiệp cộng đồng nhằm giảm tỷ lệ mắc tại cộng đồng. Đề tài còn mô tả được một số triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh giun đầu gai nhưngứa, nổi mề đay chiếm tỷ lệ cao nhất (77,3%); tiếp theo là đau đầu (38,6%); đau bụng, rối loạn tiêu hóa (14,8%), một số triệu chứng điển hình nhưng có tỷ lệ thấp hơn như mắt mờ (10,2%); phù một vùng da (10,2%); sưng đau cơ 9,1%; ấu trùng di chuyển (7,9%); mệt mỏi (7,9%). Trên cơ sở đó có hướng đề xuất với Bộ Y tế về xây dựng hướng dẫn chẩn đoán bệnh giun đầu gai. Đề tài cũng đã thu thập được giun đầu gai trưởng thành trên chó và ấu trùng trên lươn, cá tại khu vực miền Trung và đã xác định được loài Gnathostomaspinigerum qua 45 cá thể giun đầu gai trưởng thành trên chó và 91 ấu trùng giun đầu gai trên lươn và cá lóc được thu thập tại các điểm nghiên cứu ở Bình Định và Quảng Ngãi cho phép kết luận: Về hình thái, xác định là loài Gnathostoma spinigerum; Về sinh học phân tử, định danh các mẫu là Gnathostoma spinigerum dựa vào đoạn gen ITS-2 với kích thước thu được là 647bp. Các chủng Gnathostoma spinigerum thu thập tại các điểm nghiên cứu được giải trình tự và so sánh gen đều giống nhau cùng thuộc một nhóm riêng biệt đồng thời tương đồng ở mức cao (96-99,8%) so với các mẫu Gnathostoma spinigerum trên ngân hàng gen. Kết quả này cũng góp phần khẳng định thêm loài giun đầu gai ký sinh ở Việt Nam.
| PGS.TS. Nguyễn Văn Chương chia sẽ một số kinh nghiệm trong trong chẩn đoán và điều trị các bệnh giun sán tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên |
Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng khoa học đã đánh giá cao về những kết quả mà đề tài đã đạt được. Nhóm thực hiện đề tài đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu, thực nghiệm, khảo sát và tính toán hợp lý; kết quả phân tích đảm bảo tính chính xác, khoa học. Đề tài đã hoàn thành đầy đủ về số lượng, chủng loại, khối lượng các sản phẩm và thực hiện đầy đủ các nội dung theo đề cương và mục tiêu nghiên cứu đề ra. Đề tài được đánh giá là một công trình nghiên cức khoa học có giá trị và có tính ứng dụng cao, nhất là biện pháp can thiệp đi đôi với việc truyền thông giáo dục, vệ sinh ăn uống để đảm bảo sự hạ thấp tỷ lệ bệnh tại công đồng góp phần tạo những bước phát triển trong công tác phòng chống các bệnh ký sinh trùng góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Kết quả nghiên cứu của tác giả sẽ góp phần ký sinh trùng tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, bổ sung các dữ liệu cần thiết để xây dựng một chiến lược phòng chống phù hợp. Hội đồng đã bỏ phiếu đồng ý cả đề tài đều đạt loại Xuất sắc.
Tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, qua theo dõi tại Phòng khám chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn cho thấy số trường hợp bệnh giun đầu gai được phát hiện ngày một tăng cao qua xét nghiệm ELISA, năm 2014 phát hiện 190 trường hợp; năm 2015 là 641 trường hợp và năm 2016 là 840 trường hợp, các trường hợp bệnh chủ yếu đến từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai. |
|